Thị trường ngày 19/06: Giá dầu bật tăng 2%, các mặt hàng nông sản đồng loạt giảm
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua dầu tăng nhẹ trong khi vàng giảm do số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của Mỹ giảm tuần thứ 11 liên tiếp. Hầu hết các mặt hàng nông sản đều giảm giá từ cao su, đường, cà phê, gạo.
- 17-06-2020Thị trường ngày 17/06: Dầu tiếp đà tăng hơn 3%, cà phê thấp nhất 8 tháng
- 16-06-2020Thị trường ngày 16/6: Dầu tăng tiếp hơn 2%, vàng, cao su giảm giá
- 13-06-2020Thị trường tuần tới 13/6: Giá dầu lao dốc 8%, vàng tăng cao
Dầu tăng do tuân thủ cắt giảm sản lượng của OPEC
Giá dầu tăng nhẹ khi một hội đồng của OPEC và các đồng minh nhóm họp để xem xét việc cắt giảm sản lượng kỷ lục, ngay cả khi thị trường vẫn lo ngại về các trường hợp nhiễm virus corona mới được báo cáo ở Mỹ và Trung Quốc.
Chốt phiên 18/6, dầu thô Brent tăng 80 US cent hay gần 2% lên 41,51 USD/thùng. Dầu thô Tây Texas tăng 88 US cent hay 2,3% lên 38,84 USD/thùng.
Hội đồng OPEC+ đã ép các quốc gia như Iraq và Khazakhstan tuân thủ tốt hơn với việc cắt giảm sản lượng dầu và để ngỏ khả năng gia hạn hay giảm bớt việc giảm sản lượng kỷ lục từ tháng 8.
Hội đồng được gọi là Ủy ban giám sát chung (JMMC) tư vấn cho OPEC+ và sẽ họp lại vào ngày 15/7 khi họ đề xuất mức cắt giảm tiếp theo.
Cuộc thảo luận trong ngày 18/6 của hồi đồng này không có khả năng đề xuất gia hạn việc cắt giảm sản lượng kỷ lục đến tháng 8. Tuân thủ của OPEC+ với các cam kết giảm sản lượng trong tháng 5 là 87%.
Lo lắng về nhu cầu nhiên liệu tăng lên sau khi số ca nhiễm virus corona tăng vọt khiến Bắc Kinh phải hủy các chuyến bay đóng cửa trường học, trong khi vài bang của Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới tăng mạnh.
Tồn kho dầu thô của Mỹ tăng tuần thứ 2 liên tiếp cũng gây sức ép cho tâm lý, nhưng số liệu của chính phủ Mỹ cho thấy tồn kho xăng và sản phẩm chưng cất giảm cho thấy nhu cầu tăng lên.
OPEC cảnh báo rằng thị trường sẽ vẫn dư thừa trong nửa cuối năm nay ngay cả khi nhu cầu được cải thiện, hiện họ dự kiến nguồn cung bên ngoài tổ chức này cao hơn khoảng 300.000 thùng/ngày so với suy nghĩ trước đây.
Vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua khi đơn xin trợ cấp thất nghiệp sụt giảm tại Mỹ và các báo cáo về việc Trung Quốc đã kiểm soát được đợt bùng phát virus corona mới nhất.
Vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.724,99 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,3% xuống 1.731,1 USD/oucne.
Giá vàng yếu hơn và từ bỏ mức tăng trước đó do một số báo cáo tích cực từ Bắc Kinh rằng họ đã hạn chế sự bùng phát của virus corona.
Tuyên bố ban đầu về trợ cấp thất nghiệp ở Mỹ đã giảm tuần thứ 11 liên tiếp, rời khỏi mức kỷ lục 6.867 triệu người hồi cuối tháng 3. Tuy nhiên tốc độ phục hồi của thị trường lao động của Mỹ dường như đã trì trệ.
Đồng mạnh do kế hoạch kích thích của Trung Quốc
Giá đồng tăng trong phiên qua do nước tiêu thụ hàng đầu thế giới, Trung Quốc có kế hoạch duy trì thanh khoản hệ thống tài chính trong phần còn lại của năm nay, tăng hy vọng cải thiện nhu cầu kim loại.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) đóng cửa tăng 0,4% lên 5.792 USD/tấn. Giá đồng có tuần tăng thứ 5 liên tiếp, sẽ là chuỗi tăng dài nhất kể từ tháng 12/2019.
Giá đồng được hỗ trợ từ cuộc họp giữa ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Yang Jiechi trong ngày 17/6, làm tăng hy vọng về sự tan băng trong mối quan hệ giữa các nền kinh tế đối thủ.
Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi lo ngại về làn sóng nhiễm Covid-19 thứ 2 sau khi Trung Quốc, Đức và Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới.
Các công ty khai thác của Peru đang tăng cường hoạt động với hàng loạt thử nghiệm, thời gian cách ly và mô hình thay đổi được thiết lập lại để nhà sản xuất đồng lớn thứ 2 thế giới đạt 80% công suất vào cuối tháng 6.
Giá quặng sắt giảm do lo lắng về nguồn cung Brazil dịu đi
Giá quặng sắt Đại Liên và Singapore giảm trong phiên qua sau khi công ty Vale SA của Brazil được phép khôi phục hoạt động tại một khu khai thác bị đóng cửa liên quan tới virus corona, nhưng hy vọng nhu cầu phục hồi ở Trung Quốc đã hạn chế đà giảm.
Quặng sắt trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc đóng cửa giảm 1% xuống 765 CNY (108,1 USD)/tấn. Trên sàn giao dịch Singapore, quặng sắt giảm 0,3%.
Công ty khai thác quặng sắt Vale hiện nay có thể mở lại các mỏ trong khu phức hợp Itabira, nơi 188 công nhân đã dương tính với virus corona mới, vì chính phủ tin rằng các biện pháp của công ty này để giảm thiểu mối đe dọa virus là đủ để khởi động lại công việc.
Quặng sắt Đại Liên đã tăng 32% trong quý 2, được củng cố bởi lo lắng trước đó về gián đoạn nguồn cung tại Brazil và hy vọng rằng Trung Quốc sẽ tăng cường nỗ lực kích thích kinh tế.
Trung Quốc sẽ duy trì hệ thống thanh khoản tài chính dồi dào trong nửa cuối năm nay khi nền kinh tế phục hồi, nhưng thống đốc ngân hàng trung ương nhấn mạnh sự cần thiết phải xem xét rút lại hỗ trợ vào một thời điểm nào đó.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 0,6%, thép cuộc cán nóng tăng 1,6% và thép không gỉ tăng 0,1%.
Cao su TOCOM giảm ngày thứ 2 liên tiếp
Giá cao su trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo (TOCOM) giảm phiên thứ 2 liên tiếp trong bối cảnh nghi ngờ ngày càng tăng về sự phục hồi nhanh chóng từ đại dịch Covid-19 và do các doanh nghiệp cho biết họ đang sa thải nhân viên và buộc cắt giảm lương.
Tại Nhật Bản, phần lớn các công ty cho biết họ đã thực hiện các biện pháp gồm sa thải và cắt giảm lương để đối phó với tác động của bệnh dịch đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này, theo một thăm dò của Reuters.
Giá cao su TOCOM kỳ hạn tháng 11 đóng cửa giảm 0,4 JPY xuống 156,8 JPY/kg.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 tại Thượng Hải tăng 5 CNY lên 10.315 CNY/tấn.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 7 giảm 0,22 US cent hay 1,8% xuống 11,89 US cent/lb, trong một phiên hiếm hoi khi đường không tăng theo giá dầu.
Các đại lý cho biết tiêu thụ yếu kết hợp với sản lượng tăng tại Brazil và Ấn Độ có thể dẫn tới dư thừa toàn cầu trong niên vụ 2020/21. Trong một thăm dò của Reuters đã công bối hồi cuối tháng 1 dự báo toàn cầu thiếu hụt nhẹ.
Thị trường cũng đang trải qua giai đoạn củng cố, với giá giữ dưới mức cao nhất 3 tháng tại 12,27 US cent thiết lập hồi đầu tháng.
Tại London đường trắng kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 4% xuống 371,2 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 chốt phiên giảm 1,4 US cent hay 1,4% xuống 96,75 US cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường vẫn ở thế phòng thủ với nguồn cung dồi dào do nhà sản xuất hàng đầu Brazil thu hoạch một vụ lớn.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 giảm 18 USD hay 1,5% xuống 1.164 USD/tấn.
Tại Việt Nam giao dịch cà phê đã chậm lại trong một tháng do nông dân bán gần hết hàng của họ trước khi kết thúc vụ mùa 2019/20 và không vội vàng bán phần còn lại ở giá thấp.
Nông dân tại Tây Nguyên đã bán cà phê ở mức 31.300 – 31.700 đồng (1,35 – 1,37 USD)/kg, từ 32.000 đồng/kg một tuần trước.
Thương nhân tại Việt Nam đã chào bán cà phê robusta loại 2 với 5% hạn đen và vỡ ở mức cộng 250 – 260 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 9 tại London, tăng từ 200 USD một tuần trước.
Tại tỉnh Lampung, Indonesia, cà phê rubusta Sumatran được chào bán ở mức cộng 370 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 8, tăng từ 350 USD một tuần trước.
Sản xuất cũng hơi chậm. Do Covid-19, nông dân hiếm khi kiểm tra nhà máy của họ vì sợ virus, dự kiến khối lượng giao dịch sẽ tăng trong 2 tuần nữa.
Gạo Ấn Độ thấp nhất trong hơn 2 tháng, gạo Việt Nam, Thái Lan đều giảm
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tháng trong tuần này do đồng rupee yếu hơn và nhu cầu trầm lắng.
Nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ cho biết giá gạo đồ 5% tấm giảm xuống 366 – 372 USD/tấn, thấp nhất kể từ ngày 26/3 so với 368 – 373 USD tuần trước. Đồng rupee đã giảm hơn 6% trong năm nay, khiến các nhà xuất khẩu giảm giá.
Sản lượng gạo của Ấn Độ có thể tăng lên kỷ lục do nông dân đang mở rộng diện tích trồng lúa.
Nhu cầu gạo Việt Nam cũng yếu, giá gạo 5% tấm giảm xuống 450 USD/tấn, thấp nhất trong gần 2 tháng. Giá gạo đã đạt cao nhất trong 8 năm tại 475 USD trong ngày 4/6 do mưa cản trở thu hoạch.
Nguồn cung trong nước đang tăng trong vụ thu hoạch hè thu, Việt Nam có thể xuất khẩu 2,3 – 2,5 triệu tấn từ vụ thu hoạch này sau khi đảm bảo đủ cho tiêu thụ trong nước.
Giá gạo Thái Lan 5% tấm giảm xuống 505 – 525 USD/tấn trong ngày 18/6 so với 505 – 533 USD một tuần trước do đồng Baht mạnh lên.
Lo ngại về nguồn cung kéo dài sau khi hạn hán cản trở sản xuất trước đó trong năm nay. Những cơn mưa trong mùa mưa sẽ cải thiện đáng kể nguồn cung, nhưng thị trường vẫn hơi lo ngại.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 19/06