Thị trường ngày 19/08: Vàng tăng vọt trên 2.000 USD/ounce, dầu ổn định
Chốt phiên vừa qua vàng một lần nữa vượt mốc 2.000 USD/ounce do USD giảm giá, dầu ổn định, giá đồng cao nhất trong 4 tuần, quặng sắt tăng vọt do nhu cầu thép của Trung Quốc.
- 15-08-2020Thị trường ngày 15/8: Giá vàng đi xuống và có tuần giảm sâu nhất kể từ tháng 3 trong khi quặng sắt, thép, cao su đồng loạt tăng cao
- 14-08-2020Thị trường ngày 14/8: Giá vàng và các hàng hóa khác đồng loạt tăng cao, dầu quay đầu giảm
- 13-08-2020Thị trường ngày 13/8: Giá dầu bật tăng hơn 2%, vàng đảo chiều tăng cao
Dầu ổn định
Giá dầu ổn định trong phiên qua do mức tuân thủ cao theo thỏa thuận giảm nguồn cung của OPEC+ cân bằng với những lo sợ về nhu cầu bởi virus corona mới.
Chốt phiên 18/8, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 10 tăng 9 US cent lên 45,46 USD/thùng. Dầu thô WTI kỳ hạn tháng 9 ổn định tại 42,89 USD/thùng.
Một hội đồng kỹ thuật cho biết mức tuân thủ theo thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ trong tháng 7 từ 95 tới 97%. OPEC+ sẽ tổ chức một cuộc họp hội đồng bộ trưởng trong ngày 19/8.
Quốc hội Mỹ cho đến nay chưa đồng ý về một gói cứu trợ tài chính thêm nữa để ngăn chặn suy thoái kinh tế do đại dịch.
Trong khi đó, một số quốc gia Châu Âu đã gia hạn việc kiểm dịch du lịch, điều này ảnh hưởng tới nhu cầu nhiên liệu bay.
Khí tự nhiên tăng vọt lên mức cao nhất trong 8 tháng
Khí tự nhiên của Mỹ tăng vọt lên mức cao nhất trong 8 tháng do xuất khẩu LNG tăng, sản lượng sụt giảm và dự báo thời tiết ấm hơn làm tăng nhu cầu sử dụng điều hòa không khí trong 2 tuần tới.
Khí tự nhiên tăng 7,8 US cent hay 3,3% đóng cửa tại 2,417 USD/mmBtu, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 5/12/2019.
Trong khi đó giá điện tại miền Tây nước Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục ngày thứ 2 do đợt nắng nóng gay gắt, khi các cơ sở tiện tích ở California kêu gọi người tiêu dùng tiếp tục tiếp kiệm năng lượng để tránh tình trạng cắt điện luân phiên, với nhu cầu gần mức cao kỷ lục trong ngày 18/8.
Vàng tăng vọt trên 2.000 USD/ounce do USD giảm
Giá vàng tăng hơn 1% lấy lại mốc quan trọng 2.000 USD/ounce một lần nữa trong ngày 18/8 do USD giảm xuống mức thấp nhất 2 năm và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm, trong khi các nhà đầu tư đợi biên bản cuộc họp mới nhất của Cục dự trữ liên bang Mỹ.
Vàng giao ngay tăng 0,9% lên 2.004,21 USD/ounce, sau khi đạt cao nhất một tuần tại 2.014,97 USD. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 0,7% lên 2.013,1 USD.
Chỉ số USD xuống thấp nhất kể từ tháng 5/2018 và lợi suất trái phiếu kho bạc 10 năm giảm.
Vàng đã đảo chiều trước đó trong phiên này, khi giá một thời gian ngắn chuyển sang sụt giảm sau khi chỉ số S&P đạt mức kỷ lục.
Giá vàng đã tăng 32% trong năm nay do các gói kích thích kinh tế toàn cầu chưa từng có làm dấy lên lo ngại về lạm phát và đồng tiền giảm giá.
Cũng hỗ trợ vàng, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết Tổng thống Mỹ muốn tiếp tục cứu trợ kinh tế nhiều hơn trong bối cảnh đại dịch.
Đồng cao nhất trong gần 4 tuần
Giá đồng tăng trong phiên thứ 3 liên tiếp, chạm mức cao nhất trong gần 4 tuần, bởi lạc quan về sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới và bởi USD suy yếu.
Số liệu kinh tế của Trung Quốc trong tháng này chỉ ra những dấu hiệu cải thiện, gồm doanh số bán ô tô đang tăng và hoạt động trở lại của nhà máy.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 2,1% lên 6.578 USD/tấn, cao nhất kể từ ngày 22/7.
Chỉ số USD giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm khiến các kim loại trên sàn LME rẻ hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Hoạt động luyện đồng trên toàn cầu tháng 7 sụt giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm, trong khi sản lượng đồng tinh chế của Trung Quốc giảm trong tháng 7 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3.
Dự trữ đồng LME giảm xuống mức thấp nhất trong 13 năm trong ngày 18/8 sau khi các kho sụt giảm liên tục.
Quặng sắt tăng vọt do nhu cầu thép của Trung Quốc
Giá quặng sắt tăng, hợp đồng trên sàn giao dịch Đại Liên và Singapore đều tăng hơn 3 USD do dự đoán nhu cầu thép tại Trung Quốc sẽ vẫn mạnh trong những tháng tới và bù cho nhu cầu chậm chạp ở nước ngoài.
Quặng sắt giao tháng 1/2021 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa phiên tăng 3,5% lên 863 CNY (124,51 USD)/tấn, tăng phiên thứ 4 liên tiếp.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch Singapore tăng 3% lên 120,42 USD/tấn, tăng phiên thứ 3 liên tiếp.
Việc gián đoạn nguồn cung bởi đại dịch Covid-19 cũng sẽ hỗ trợ giá thành phần sản xuất thép này, trước khi giá yếu đi vào năm tới.
Giá quặng sắt hàm lượng 62% tại nhà sản xuất thép hàng đầu Trung Quốc tăng vọt lên mức cao nhất 13 tháng tại 121,50 USD/tấn trong ngày 17/8, theo số liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Công ty khai thác quặng sắt BHG Group dự kiến hầu hết các nền kinh tế lớn ngoại trừ Trung Quốc sẽ phải gánh chịu suy thoái do virus corona trong năm nay, khi họ báo cáo lợi nhuận giảm hơn 4% trong năm.
Giá thép không gỉ tại Thượng Hải tăng 2,2% do nhu cầu mạnh và giá nicken để sản xuất thép không gỉ đắt hơn trong bối cảnh nguồn cung hạn hẹp.
Thép thanh ở Thượng Hải tăng 0,7%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 1%.
Cao su Nhật Bản tăng do tâm lý của nhà sản xuất cải thiện
Giá cao su Nhật Bản tăng do các nhà sản xuất tại nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này cho biết họ tự tin nhất trong tháng 8 về tình trạng kinh doanh 4 tháng.
Hợp đồng cao su trên sàn giao dịch Osaka giao tháng 1/2021 đóng cửa tăng 0,4 JPY hay 0,2% lên 176,9 JPY/kg.
Giá cao su Thượng Hải giao tháng 1/2021 tăng 20 CNY lên 12.440 CNY/tấn.
Cà phê tăng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 3,6 US cent hay 3,1% lên 1,2105 USD/lb.
Các đại lý cho biết có một số giao dịch đóng hợp đồng bán do sự xuất hiện của khối không khí lạnh cực mạnh tại Brazil. Tuy nhiên rủi ro về sương giá với các đồn điền cà phê là nhỏ, theo các nhà dự báo địa phương.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 11 đóng cửa tăng 18 USD hay 1,3% lên 1.396 USD/tấn.
Đường giảm
Đường thô kỳ hạn tháng 10 đóng cửa giảm 0,17 US cent hay 1,3% xuống 12,89 US cent/lb, thoái lui từ mức cao nhất 5 tháng tại 13,28 US cent đã đạt được trong ngày 14/8.
Đường trắng kỳ hạn tháng 10 giảm 6,3 USD hay 1,7% xuống 373,4 USD/tấn.
Ngô thoái lui từ mức cao nhất một tháng
Giá ngô Mỹ đóng cửa giảm trong phiên qua sau khi đạt mức cao nhất 5 tuần trong phiên trước, do sản lượng ước tính tăng đối với mùa vụ ở Midwest làm giảm lo ngại về thiệt hại do bão ở vành đai trồng ngô.
Hợp đồng ngô được giao dịch nhiều nhất trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 3 US cent xuống 3,41-3/4 USD/bushel.
Đậu tương giảm nhưng giữ gần mức cao nhất nhiều tháng do lo ngại thời tiết khô ở Midwest. Đậu tương đóng cửa giảm 1-1/2 US cent xuống 9,13-3/4 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 8-3/4 US cent xuống 5,17-1/2 USD/bushel.
Trung Quốc bán 10.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ nhà nước vào ngày 21/8
Trung Quốc sẽ đấu thầu thêm 10.000 tấn thịt lợn đông lạnh từ kho dự trữ nhà nước vào ngày 21/8. Trung Quốc đã bán 500.000 tấn thịt lợn từ kho dự trữ trong năm nay để giúp bình ổn giá đang ở mức cao sau khi sản lượng thiếu hụt trầm trọng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 19/08