MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 19/8: Giá dầu giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp, quặng sắt chạm đáy 5 tháng, bông đạt đỉnh 7 năm

19-08-2021 - 07:19 AM | Thị trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Giá hàng hóa nguyên liệu biến động mạnh trong phiên vừa qua. Dầu tiếp tục giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp. Cùng xu hướng giảm có quặng sắt (thấp nhất 5 tháng), đồng (thấp nhất 2 tháng), thép và đậu tương. Trái lại, một số mặt hàng tăng giá mạnh, trong đó bông đạt mức cao nhất 7 năm, đường trắng cao nhất 4 năm, đậu tương, cao su và vàng cũng tăng trong phiên này.

Dầu giảm phiên thứ 5

Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên vừa qua do lo ngại về triển vọng nhu cầu nhiên liệu trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu tăng nhanh trong khi nguồn cung cho thị trường từ các nhà sản xuất lớn trên toàn cầu nhiều lên, trong đó có nguồn cung từ Mỹ.

Biên bản cuộc họp chính sách 2 ngày (27-28/7) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các quan chức Fed lưu ý rằng sự lan rộng của virus biến thể Delta có thể khiến phải tạm thời trì hoãn việc mở cửa hoàn toàn trở lại nền kinh tế và kìm hãm thị trường việc làm.

Giá dầu thô Brent kết thúc phiên giao dịch giảm 80 US cent, tương đương 1,2% xuống 68,23 USD/thùng; giá đã mất tổng cộng 11% trong 13 phiên giao dịch kể từ cuối tháng 7 đến nay. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) phiên này cũng giảm 1,13 USD hay 1,7% xuống 65,46 USD/thùng.

Vàng tăng sau khi Fed công bố biên bản họp

Giá vàng tham chiếu tăng trong phiên vừa qua sua khi Fed công bố biên bản họp tháng 7, mặc dù đồng USD mạnh hạn chế nhu cầu đầu tư vào vàng thỏi như một nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh virus biến thể Delta lan rộng.

Biên bản cuộc họp này cho thấy các yếu tố cơ sở để Fed có thể đi đến quyết định siết chặt lãi suất đang có sự chia rẽ liên quan đến một số dữ liệu, trong đó có việc làm.

Kết thúc phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,1% lên 1.786,76 USD/ounce; vàng kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 0,2% xuống 1.784,4 USD/ounce.

Theo biên bản cuộc họp tháng 7 của Fed, các quan chức cho biết họ vẫn tin tưởng vào sự phục hồi kinh tế Mỹ bất chấp sự gia tăng đáng lo ngại về số ca nhiễm virus biến thể Delta và tiếp tục lên kế hoạch cho việc dừng mua trái phiếu kho bạc và chứng khoán thế chấp hàng tháng của ngân hàng trung ương.

Thị trường vàng lúc này tập trung chờ đợi hội nghị chuyên đề Jackson Hole thường niên của các ngân hàng trung ương sẽ diễn ra vào tuần tới

Quặng sắt thấp nhất gần 5 tháng, thép cũng giảm

Giá quặng sắt Trung Quốc giảm hơn 4% xuống mức thấp nhất kể từ 24/3 do tồn kho ở cảng tăng lên và sản lượng thép bị hạn chế.

Dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy tồn kho quặng sắt tại 45 cảng ở Trung Quốc tăng 260.000 tấn trong tuần vừa qua lên 127 triệu tấn. Điều này diễn ra trong bối cảnh nước này tăng cường kiểm soát sản xuất thép thô trên toàn quốc để đạt mục tiêu sản lượng cả năm 2021 không cao hơn so với sản lượng năm 2020.

Kết thúc phiên giao dịch, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên sàn Đại Liên giảm 3,7% xuống 813 CNY/tấn, trong phiên có lúc giảm 4,6% xuống 806 CNY (124,36 USD)/tấn; quặng 62% nhập khẩu vững giá ở 162 USD/tấn.

"Trong ngắn hạn, tình hình cung và cầu quặng sắt sẽ không không xấu đi đáng kể, giá dự báo giảm nhưng vẫn ở mức cao", các nhà phân tích của Huatai Futures nhận định.

Giá thép phiên này cũng giảm. Theo đó, thép cây trên sàn Thượng Hải giảm 3,7% xuống 5.144 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng giảm 3,1% xuống 5.482 CNY/tấn; thép không gỉ giảm 1,0% xuống 18.120 CNY/tấn.

Đồng thấp nhất 2 tháng

Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất gần hai tháng sau khi dữ liệu kinh tế gần đây cho thấy sự yếu đi, làm gia tăng lo ngại nhu cầu sẽ chậm lại, trong bối cảnh hội nghị các ngân hàng trung ương sắp diễn ra dự kiến sẽ tập trung bàn về vấn đề lãi suất.

Giá đồng kỳ hạn giao sau ba tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên giảm 2,3% xuống 9.031 USD/tấn, mức giá thấp nhất kể từ ngày 21/6.

Phân tích biểu đồ kỹ thuật, ông Ole Hansen, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo ở Copenhagen cho biết: "Chúng tôi đang chứng kiến ​​sự phá vỡ các chỉ số kỹ thuật, triển vọng tăng trưởng từ Trung Quốc không hỗ trợ kim loại lúc này và đồng đô la mạnh đang thách thức các khu vực kháng cự chính".

Đậu tương giảm, lúa mì và ngô tăng

Giá đậu tương Mỹ giảm trong phiên vừa qua do hoạt động bán mang tính kỹ thuật và dự báo khu vực phía tây bắc của vùng Trung Tây nước Mỹ sắp có mưa.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 trên sàn Chicago phiên này giảm 8-1/4 cent xuống 13,53-1/4 USD/bushel.

Trái với đậu tương, giá lúa mì và ngô tăng trong phiên này. Theo đó, lúa mì kỳ hạn tháng 12 tăng 2-3/4 cent lên 7,51-1/4 USD/bushel và ngô giao cùng kỳ hạn tăng 1-1/2 cent lên 5,65 USD/bushel.

Giá lúa mì tăng trở lại sau đợt bán chốt lời của các quỹ hàng hóa, trong bối cảnh nhu cầu xuất khẩu trên toàn cầu cao vẫn tiếp tục hỗ trợ giá mặt hàng này.

Đường đạt đỉnh 4 năm

Giá đường trắng kỳ hạn tăng lên mức cao nhất hơn 4 năm do giá đường thô tăng mạnh gần đây.

Theo đó, đường trắng kỳ hạn tháng 10 kết thúc phiên tăng 3,10 USD, tương đương 0,6%, lên 504,50 USD/tấn vào lúc đóng cửa, sau khi có lúc đạt 510,30 USD – mức cao nhất kể từ tháng 3/2017.

Mức chênh lệch giá của hợp đồng đường kỳ hạn gần so với kỳ hạn tháng 12 đã thu hẹp đáng kể trong vài ngày qua, phần nào phản ánh việc Ấn Độ tạm dừng bán đường ra nước ngoài khi giá nội địa tăng tại quốc gia tiêu thụ hàng đầu thế giới.

Như vậy, giá đường trắng cũng đã bắt kịp đà tăng gần đây của thị trường đường thô – mặt hàng mà giá đã tăng lên mức cao nhất 4-1/2 năm trong phiên thứ Ba (17/8),

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10 phiên vừa qua tăng 0,15%, tương đương 0,7%, lên 20,17 cent/lb.

Cà phê tăng

Giá cà phê arabica giao tháng 12 tăng 0,85%, tương đương 0,5%, lên 1.8285 USD/lb.

Thị trường cà phê tiếp tục xu hướng tăng giá bởi lo ngại đợt băng giá gần đây ở Brazil sẽ hạn chế sản lượng của nước này trong mùa tới.

"Tất cả chúng tôi đều đồng ý rằng năm 2021/22 là năm thâm hụt lớn trên toàn cầu ... Năm 2022/23 có thể cũng tiếp tục thiếu hụt do ảnh hưởng kéo dài của đợt băng giá này," công ty Cardiff Coffee Trading cho biết.

Một cuộc khảo sát của Reuters được công bố trong tháng này đã đưa ra dự báo trung bình về mức thâm hụt toàn cầu là 9 triệu bao cà phê trong 2021/22 (1 bao = 60 kg). Công ty nghiên cứu cây trồng TRS dự kiến ​​sản lượng năm tới ở Brazil sẽ mất 4% do ảnh hưởng của băng giá.

Giá cà phê robusta giao tháng 11 đóng cửa phiên này tăng 32 USD, tương đương 1,7%, lên 1.877 USD/tấn.

Bông đạt đỉnh hơn 7 năm

Giá bông Mỹ tăng vọt lên mức cao kỷ lục mới sau khi vượt ngưỡng 95 US cent thu hút nhà đầu tư mua vào, trong khi mưa lớn ở các vùng trồng bông chủ chốt của Mỹ làm dấy lên lo ngại về nguồn cung.

Kết thúc phiên giao dịch, giá bông giao tháng 12 tăng 0,55 cent, tương đương 0,6% lên 94,86 cent/lb; trước đó, trong cùng phiên, giá có lúc đạt mức cao nhất kể từ tháng 3 năm 2014, là 96,71.

Cao su tăng

Giá cao su giao dịch tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua sau khi kết quả một cuộc khảo sát của Chính phủ Nhật cho thấy các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dự đoán lượng đơn đặt hàng sẽ tăng mạnh, có khả năng thúc đẩy nhu cầu đối với các mặt hàng như cao su.

Kết thúc phiên giao dịch, giá cao su kỳ hạn tháng 1 trên sàn Osaka tăng 4,3 yên, tương đương 1,9%, lên 228,3 yên/kg.

Các nhà sản xuất được Văn phòng Nội các Nhật Bản khảo sát dự đoán rằng đơn đặt hàng cốt lõi sẽ tăng 11% trong giai đoạn tháng 7-9 năm nay, sau khi tăng 4,6% trong quý trước.

Giá cao su trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải, kỳ hạn giao tháng 1, phiên này cũng tăng 1,1% lên 14,980 CNY/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 19/8

Thị trường ngày 19/8: Giá dầu giảm giá phiên thứ 5 liên tiếp, quặng sắt chạm đáy 5 tháng, bông đạt đỉnh 7 năm - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên