MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 2/3: Dầu, vàng giảm mạnh, thép tăng cao

02-03-2019 - 09:34 AM | Thị trường

Các số liệu kinh tế yếu trong tháng 2 tại Mỹ, Trung và Hàn, dấy lên lo ngại về kinh tế suy yếu, là yếu tố tác động mạnh tới thị trường hàng hóa thế giới ngày 1/3.

Giá dầu giảm 2,5% do lo ngại tiêu thụ yếu

Giá dầu đã giảm 2% trong ngày giao dịch cuối tuần do lo ngại về tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sau khi các số liệu sản xuất yếu tại Mỹ làm lu mờ nỗ lực cắt giảm nguồn cung của OPEC+ và các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Venezuela và Iran. Tính chung cả tuần, giá giảm 3%.

Sau khi tăng lên mức cao mới 3 tháng vào đầu phiên, giá dầu thô Mỹ đã giảm mạnh do lo ngại về nhu cầu yếu. Chỉ số hoạt động sản xuất ISM trong tháng 2 của Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ 11/2016 và thấp hơn mức dự kiến.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua 1/3, giá dầu thô chuẩn Tây Texas(Mỹ) đã giảm 1,42 USD, tương đương 2,5%, còn 55,80 USD/thùng, sau khi đạt 57,88 USD, mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2018. Dầu thô Brent giao tháng 5/2019 giảm 1,24 USD, tương đương 1,9%, còn 65,07 USD/thùng. Mặc dù có lúc giá đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 11 nhưng tính chung cả tuần giá dầu Brent đã giảm 3,3% và WTI giảm 2,7%.

Cuộc thăm dò ý kiến của Reuters cho thấy các nhà phân tích tỏ ra bi quan về triển vọng giá dầu tăng trong năm nay do tiêu thụ dầu toàn cầu dự kiến giảm trong bối cảnh suy thoái kinh tế. Hoạt động chế tạo trong tháng 2 của Trung Quốc giảm tháng thứ 3 liên tiếp, lượng hợp đồng xuất khẩu giảm. Xuất khẩu của Hàn Quốc cũng giảm với tốc độ thấp nhất gần 3 năm trong tháng 2 này do nhu cầu yếu từ Trung Quốc. Nỗi lo về nhu cầu tiêu thụ giảm đã làm lu mờ đi những nỗ lực cắt giảm sản lượng của OPEC. 14 thành viên của OPEC đã bơm 30,68 triệu thùng/ngày trong tháng 2, giảm 300.000 thùng/ngày so với tháng 1 và chạm mức thấp nhất kể từ 2015. Tại Venezuela, xuất khẩu dầu giảm 40% còn 920.000 thùng/ngày kể từ khi Mỹ cấm vận nước này ngày 28/1. Tuy nhiên, những nỗ lực cắt giảm của OPEC lại đúng vào thời điểm Mỹ bơm dầu cao kỷ lục chưa từng có trong 2 tuần liên tiếp.

Giá khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) châu Á thấp nhất gần 19 tháng

Giá LNG giao ngay tại châu Á đã rơi xuống mức thấp nhất trong gần 19 tháng trong tuần này do nhu cầu mua thấp và nguồn cung dồi dào. Giá LNG giao tháng 4 sang Đông Bắc Á hiện ở mức khoảng 6 USD/mmBtu, giảm 20 Uscent so với tuần trước, chạm mức thấp nhất kể từ 4/8/2017 thời điểm giá đạt 5,90 USD/mmBtu.

Nhu cầu mua giao ngay từ Trung Quốc, nước nhập khẩu LNG lớn thứ hai thế giới, vẫn chậm, nhưng vẫn có một số đơn hàng giao tháng 4/2019.

Tổng lượng giao hàng LNG vào Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan đạt khoảng 15,94 triệu tấn trong tháng 2/2019, giảm gần 19% so với tháng trước.

Nga đã giao một lượng LNG kỷ lục vào châu Âu trong tháng 2, lần đầu tiên trở thành nhà cung cấp nhiên liệu ướp lạnh lớn nhất cho lục địa này.

Vàng giảm mạnh 2,6% trong tuần, tuần giảm mạnh nhất hơn 1,5 năm

Giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất kể từ tháng 1 do USD mạnh và chứng khoán toàn cầu tăng điểm. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 2,6%, tuần giảm lớn nhất trong hơn 1 năm rưỡi qua.

Chốt phiên giao dịch, vàng giao ngay ở mức 1.293,38 USD/ounce, giảm xuống dưới mức 1.300 USD/ounce, lần đầu tiên kể từ 28/1. Giá vàng kỳ hạn tại Mỹ giảm 1,3% xuống còn 1.299,2 USD/ounce.

Giá bạch kim giảm 1,4% xuống còn 857,75 USD/ounce, nhưng tính cả tuần, giá vẫn tăng tuần thứ 3 liên tiếp. Giá bạc giảm 2,6% xuống còn 15,20 USD/ounce sau khi chạm mức 15,14 USD, mức thấp nhất kể từ 22/1. Tính chung cả tuần, bạc đã giảm 4,5%, mức giảm lớn nhất kể từ 2/2/2018.

Riêng giá Palađi tăng 0,2% lên 1.546,51 USD/ounce. Giá kim loại này đã đạt mức cao chưa từng có là 1.565,09 USD/ounce trong tuần này, tuần tăng thứ tư liên tiếp.

Quặng sắt và thép tăng cao

Giá quặng sắt kỳ hạn tại Trung Quốc đã tăng gần 4% theo xu hướng giá thép, do nhu cầu tiêu thụ thép mạnh từ các nhà máy chế tạo và các dự án xây dựng. Giá quặng sắt kỳ hạn chốt phiên tăng hơn 3,7% lên 625,5 CNY/tấn. Giá thép xây dựng chốt phiên tại Thượng Hải tăng 2,2% lên 3,815 CNY(569,28 USD)/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tăng 2,1% lên 3,825 CNY/tấn.

Tồn kho thép tại các thương nhân Trung Quốc đã tăng thêm 695.600 tấn trong tuần này đạt 18,67 triệu tấn, cho thấy các thương nhân đang tích cực mua sản phẩm từ các nhà máy để đáp ứng nhu cầu cao từ người tiêu dùng.Dự trữ thép cây đã tăng 6,8% lên 10,19 triệu tấn trong tuần này, trong khi dự trữ thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 2,75 triệu tấn.

Giá than luyện cốc tăng 1,6% lên 1.313,5 CNY/tấn, trong khi hợp đồng than cốc tăng 2,3% lên 2.168 CNY/tấn.

Các nhà máy thép trong thành phố sẽ phải giảm 40-70% sản lượng hoặc thậm chí ngừng sản xuất trong thời gian từ 1/3 đến 6/3.

Cao su tăng giá

Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo đã tăng theo xu hướng giá ở Thượng Hải. Tại Tokyo, giá cao su giao tháng 8/2019 tăng 3,2 JPY(0,0286 USD) đạt 204 JPY/kg. Giá cao su TSR 20 giao tháng 9 đóng cửa ở mức 172,4 JPY/kg, tăng 0,4 JPY so với giá mở cửa.

Tại Thương Hải, giá cao su giao tháng 5/2019 đã tăng 265 CNY(39,52 USD) đạt 12.770 CNY/tấn. Tại Singapore, giá cao su giao tháng 4/2019 đạt 148,8 US cent/kg, tăng 1,1%.

Đường giảm 5,1% trong tuần, mức giảm lớn nhất 3 tháng

Giá đường giảm do thời tiết thuận lợi tại Brazil dấy lên hy vọng nguồn cung dồi dào và đồng real yếu. Thị trường hiện chú ý tới thông tin về hơn một triệu tấn đường thô sẽ được giao trong hợp đồng tháng 3, cao hơn nhiều so với dự kiến của nhiều thương gia. Điều này chứng tỏ nguồn cung đường hiện đang lớn hơn họ nghĩ.

Giá đường thô chốt phiên giảm 0,16 cent, tương đương 1,3%, xuống mức 12,62 cent/lb.Tính chung cả tuần, giá giảm 5,1%, mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ tháng 11/2018. Giá đường trắng giảm 3,60 USD, tương đương 1%, xuống mức 344,40 USD/tấn.

Cà phê tăng nhẹ sau 4 tuần sụt giảm

Giá cà phê arabica chốt phiên tăng 1,75%, tương đương 1,8%, đạt mức 1,002 USD/lb, do hoạt động mua bù thiếu. Thông tin về bệnh gỉ sắt cà phê ở Brazil và tình trạng cây cà phê ra hoa sớm do điều kiện khô ráo trong tháng 12 và tháng 1 đang hỗ trợ giá. Tính chung cả tuần, giá tăng 0,2%, sau bốn tuần sụt giảm.

Giá cà phê Rubusta giao tháng 5 giảm 3 USD, tương đương 0,2%, xuống mức 1.534 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê toàn cầu đạt 11,06 triệu bao(60 kg) trong tháng 1, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, theo Tổ chức Cà phê Quốc tế.

Giá cà chua tại Trung Quốc tiếp tục tăng sau lễ hội mùa xuân

Giá mua cà chua ở Weifang và các khu vực sản xuất gần đó đạt 3,5 CNY(0,52 USD)/0,5 kg trong tuần này, mức giá này cao gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do diện tích đất trồng cà chua bị thu hẹp và sản lượng giảm.

Lễ hội mùa xuân Trung Quốc (5/2/2019) đã có từ 1 tháng trước và giá hầu hết các loại rau đã giảm xuống mức bình thường, nhưng riêng cà chua vẫn tăng. Giá bán lẻ cà chua đạt khoảng 5 CNY(0,75 USD)/0,5 kg ngay sau lễ hội mùa xuân, nhưng giá trung bình hiện đã ở mức khoảng 5,5 CNY(0,82 USD)/0,5 kg.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 2/3

Thị trường ngày 2/3: Dầu, vàng giảm mạnh, thép tăng cao - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên