MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 20/1: Chỉ vàng và dầu tăng giá, các hàng hoá khác đồng loạt giảm

20-01-2021 - 07:03 AM | Thị trường

Thị trường ngày 20/1: Chỉ vàng và dầu tăng giá, các hàng hoá khác đồng loạt giảm

Ngoại trừ dầu và vàng tăng giá trong phiên giao dịch vừa qua, còn lại các mặt hàng khác đều giảm do diễn biến dịch Covid-19 chuyển xấu hơn và thời tiết ở khu vực Nam Mỹ tốt lên.

Dầu tăng bởi tâm lý lạc quan trước ngày ông Biden nhậm chức

Giá dầu tăng trong phiên giao dịch vừa qua, cùng xu hướng với thị trường chứng khoán Mỹ, trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden với nhận định rằng nhiều biện pháp kích thích của Chính phủ Mỹ khi ông lên năm quyền sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Lúc đóng cửa phiên giao dịch 19/1, dầu Brent kỳ hạn tháng 3/2021 tăng 1,15 USD, tương đương 2,1%, lên 55,9 USD/thùng; trong khi dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 62 US cent (1,2%) lên 52,98 USD/thùng. Hợp đồng dầu WTI kỳ hạn tháng 2/2021 sẽ đáo hạn trong ngày 20/1.

Bà Yellen đã kêu gọi các nhà lập pháp Mỹ "hành động tích cực" cho gói kích thích kinh tế tiếp theo, nói rằng những lợi ích mà nó mang lại lớn hơn nhiều so với việc "gánh nặng nợ nần sẽ tăng lên".

Người phụ trách công ty Rystad Energy, ông Bjornar Tonhaugen, cho biết: "Khi chúng ta đang tiến gần đến sự khởi đầu của kỷ nguyên do ông Biden nắm quyền ở Mỹ, các nhà đầu tư dầu mỏ có thể hy vọng về những tác động tích cực từ gói kích thích kinh tế sắp tới (1,9 nghìn tỷ USD) đến thị trường dầu.

Các nhà đầu tư cũng lạc quan về nhu cầu dầu ở Trung Quốc – nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, sau khi dữ liệu công bố cho thấy sản lượng của ngành lọc dầu nước này đã tăng 3% trong năm 2020, lên mức cao kỷ lục lịch sử.

Giá vàng tăng do USD yếu đi

Giá vàng tiếp tục tăng trong phiên giao dịch vừa qua do đồng USD vẫn chịu áp lực giảm giữa bối cảnh triển vọng Mỹ sẽ gia tăng kích thích kinh tế khiến nhà đầu tư lại hướng tới mặt hàng vàng như một giải pháp ngăn ngừa lạm phát.

Cụ thể, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.840,38 USD/ounce cuối phiên vừa qua; vàng kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,6% lên 1.840,2 USD/ounce.

Chỉ số Dollar index giảm từ mức cao nhất 4 tuần trong phiên trước đó, khiến vàng thỏi trở nên rẻ hơn đối với những người mua vàng bằng các loại tiền tệ khác USD.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện ngày hôm qua, bà Janet Yellen, ứng cử viên chức Bộ trưởng Tài chính Mỹ của Tổng thống đắc cử Joe Biden đã nói rằng, nên để thị trường xác định giá trị của đồng USD. Đồng thời, bà cũng tái khẳng định cam kết của mình đối với những biện pháp kích thích kinh tế mạnh mẽ, nhấn mạnh về mức độ tổn thương do cuộc khủng hoảng kinh tế gây ra bởi Covid-19.

Nhôm thấp nhất 2 tháng

Giá nhôm giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tháng trong phiên vừa qua do lượng tồn kho tăng và lo ngại về tình trạng dư thừa.

Kết thúc phiên giao dịch, giá nhôm kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,3% xuống 1.966,50 USD/tấn, trước đó có lúc chạm 1.945 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ 16/11.

Wenyu Yao, chiến lược gia hàng hóa cấp cao của ING Bank cho biết: "Trong ngắn hạn, chúng ta có thể thấy lượng tồn kho tăng ở cả bên trong và bên ngoài Trung Quốc – yếu tố đang ngăn giá nhôm tăng".

Lượng nhôm lưu kho trên sàn LME đã tăng 10% trong 2 phiên vừa qua, lên 1,41 triệu tấn, trong khi lượng lưu kho ở sàn Thượng Hải tăng 12% trong tháng qua.

Quặng sắt giảm

Giá quặng sắt quay đầu giảm trong phiên vừa qua, sau khi đạt mức cao nhất 4 tuần ở phiên trước đó, do biên lợi nhuận sản xuất thép của hãng sản xuất thép lớn nhất Trung Quốc giảm sút do giá nguyên liệu tăng cao gần đây.

Theo đó, giá quặng sắt trên sàn Đại Liên giảm 1,4% xuống 1.046 CNY (161,26 USD)/tấn, trong khi quặng sắt kỳ hạn 1 tháng trên sàn Singapore giảm 2,2% xuống 166.50 USD/tấn.

Richard Lu, nhà phân tích cấp cao của CRU, cho biết: "Biên lợi nhuận sản xuất thép đã giảm nhanh chóng trong những ngày gần đây. Điều này sẽ thúc đẩy một số nhà sản xuất thép có chi phí cao tiến hành bảo trì, khiến tiêu thụ quặng sắt giảm".

Đậu tương giảm vì Nam Mỹ có mưa, ngô và lúa mì cũng giảm

Giá đậu tương Mỹ giảm trong phiên vừa qua vì khắp khu vực Nam Mỹ đã có mưa, làm giảm lo ngại về tình trạng hạn hán gây ảnh hưởng đến cây trồng ở khu vực này. Ngô cũng giảm giá theo đậu tương, nhưng mức giảm được hạn chế bởi nhu cầu xuất khẩu mạnh và khả năng Ukraina hạn chế xuất khẩu ngô. Tương tự, lúa mì cũng giảm giá nhưng không nhiều do Nga hạn chế xuất khẩu.

Cụ thể, giá đậu tương hợp đồng tham chiếu trên sàn Chicago giảm 31 US cent xuống 13,85-3/4 USD/bushel, giảm 2,2% trong phiên này, mức giảm nhiều nhất kể từ 12/10/2020; giá ngô giảm 5-1/2 US cent xuống 5,26 USD/bushel, trong khi lúa mì giảm 3-1/4 US cent xuống 6,72-1/4 USD/bushel.

Đường thoái lui từ mức "đỉnh" 3,5 năm

Giá đường thô kỳ hạn tháng 3 giảm 0,35 US cent (2,1%) xuống 16,10 US cent/lb trong phiên vừa qua, từ mức cao kỷ lục 3,5 năm của tuần trước (là 16,75 US cent).

Nhu cầu từ Trung Quốc đang chậm lại sau đợt mua mạnh vào năm ngoái, trong khi triển vọng nguồn cung đường của Ấn Độ tăng lên, ngăn giá đường tăng tiếp.

Trung Quốc đã nhập khẩu 5,27 triệu tấn đường trong năm 2020, tăng 55,5% so với năm trước đó.

Tuy nhiên, trái với đường thô, giá đường trắng giảm trong phiên vừa qua, với hợp đồng giao tháng 3 giảm 16,3 USD, từ mức 451,2 USD/tấn, sau khi đạt mức cao kỷ lục 3,5 năm là 468,7 USD trong phiên 18/1,

Dầu cọ thấp nhất gần 2 tháng do lo ngại về nhu cầu

Giá dầu cọ Malaysia đã giảm 2% trong phiên giao dịch vừa qua, xuống mức thấp nhất trong vòng gần 2 tháng, do lo ngại triển vọng xuất khẩu sẽ giảm sút.

Kết thúc phiên giao dịch, hợp đồng kỳ hạn tháng 4 trên sàn Bursa (Malaysia) giảm 77 ringgit (2,3%) xuống 3.273 ringgit (808,55 USD)/tấn. Như vậy, dầu cọ đã giảm liên tiếp 7 phiên, và hiện đang ở mức thấp nhất kể từ 26/11. Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia trong 20 ngày đầu tháng 1/2021 đã giảm 42% so với cùng kỳ tháng trước.

Thị trường dầu cọ lúc này đặt trọng tâm chú ý vào triển vọng nhu cầu ở các thị trường Ấn Độ và Trung Quốc, sau khi Châu Âu ngày càng thắt chặt các quy định về tiêu thụ dầu cọ.

Cao su giảm vì lo ngại về Covid-19

Giá cao su giao dịch tai Nhật Bản giảm 3% trong phiên vừa qua do lo ngại về tình trạng virus Covid-19 lây lan nhanh chóng, sau khi Nhật Bản phát hiện có virus biến thể ở 3 bệnh nhân, giữa bối cảnh dịch bệnh ở Trung Quốc cũng đang diễn biến phức tạp.

Kết thúc phiên này, cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn Osaka giảm 7,3 JPY (3%) xuống 236,9 JPY (2,28 USD)/kg. Trên sàn Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 5 cũng giảm 0,3% xuống 14.655 CNY (2.260,71 USD)/tấn.

Dịch bệnh Covid-19 ở Trung Quốc đang bùng phát mạnh nhất kể từ tháng 3 năm ngoái, khi có một tỉnh ghi nhận số bệnh tăng kỷ lục mỗi ngày, và hàng triệu người lại bị phong tỏa.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 20/1

Thị trường ngày 20/1: Chỉ vàng và đầu tăng giá, các hàng hoá khác đồng loạt giảm  - Ảnh 1.

Minh Quân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên