Thị trường ngày 21/9: Vàng ngược dòng tăng giá, dầu thô giảm bởi...ông Trump
Các hàng hóa hôm qua hầu hết giảm ngoại trừ vàng và cao su.
- 20-09-2018Thị trường ngày 20/9: Giá dầu tiếp tục tăng gần 2%, giá sữa toàn cầu thấp nhất gần 2 năm
- 19-09-2018Thị trường ngày 19/9: Dầu mỏ, sắt thép đồng loạt tăng giá trong khi cao su xuống thấp nhất 2 năm
- 18-09-2018Thị trường ngày 18/9: Dầu thô giảm nhẹ, vàng và thép cùng tăng giá
Dầu giảm trở lại
Giá dầu giảm trở lại trong phiên hôm qua sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi OPEC tăng sản lượng tại cuộc họp ở Algeria.
Dầu thô Brent chốt phiên ngày 20/9 giảm 78 US cent xuống 78,7 USD/thùng. Dầu thô WTI cũng giảm 32 US cent xuống 70,8 USD/thùng sau khi tăng gần 2% trong phiên trước đó.
Dầu thô Brent đang giao dịch dưới 80 USD/thùng, gần mức cao nhất trong 4 năm, do dự đoán các lệnh cấm vận của Mỹ chống lại Iran, nhà sản xuất lớn thứ 3 của OPEC sẽ giảm nguồn cung toàn cầu.
Tổng thống Trump áp đặt các lệnh trừng phạt để đối phó với chương trình hạt nhân của Iran sẽ có hiệu lực vào ngày 4/11/2018. Nhiều khách hàng đã sẵn sàng cắt giảm nhập khẩu dầu từ Iran trước các quy định mới. Không rõ liệu các nhà sản xuất như Saudi Arabia, Iraq và Nga có thể bù cho thiếu hụt nguồn cung này không. Tổ chức các nước trong và ngoài OPEC gồm cả Nga, sẽ nhóm họp trong ngày 23/9/2018 tại Algeria để bàn về cách thức phân bổ nguồn cung thăng thêm để bù cho mất mát từ Iran. Cuộc họp dường như không đạt được đồng thuận với sự gia tăng chính thức về sản lượng dầu thô, mặc dù áp lực đang tăng lên nhằm ngăn cản giá tăng đột biến.
Ông Trump đã gây áp lực cho cuộc bàn luận qua Twitter, cho biết "sự độc quyền của OPEC phải hạ giá dầu xuống ngay".
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào ngày 6/11/2018 sẽ xác định xem đảng Cộng hòa có duy trì được quyền kiểm soát Thượng viện và Hạ viện Mỹ hay không. Tuy nhiên, nhiều thương nhân và nhà phân tích dự đoán dầu Brent sẽ sớm vượt ngưỡng 80 USD/thùng.
Vàng gần mức cao nhất 1 tuần
Vàng đạt mức cao nhất trong gần một tuần do đồng USD giảm, nhu cầu trú ẩn an toàn giảm đi bởi những lo sợ về tác động ngắn hạn căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đồng USD xuống mức thấp nhất 9 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt, trong khi chứng khoán toàn cầu phục hồi trong bối cảnh thuế quan Mỹ và Trung Quốc áp lên hàng nhập khẩu của nhau không cao như lo sợ ban đầu.
Vàng giao ngay kết thúc phiên tăng 0,2% lên 1.205,89 USD/ounce. Vàng kỳ hạn tháng 12/2018 của Mỹ tăng 3 USD hay 0,3% lên 1.211,3 USD/ounce.
Các nhà đầu tư đang mua USD và bán vàng trong những tháng gần đây tin rằng Mỹ ít bị thiệt hại hơn so với Trung Quốc trong một cuộc xung đột thương mại. Nhưng họ có thể mất miền tin vào khả năng nền kinh tế Mỹ chịu được một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc.
Một thăm dò mới của Reuters cho thấy sự nhất trí rằng một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc là chính sách kinh tế tồi tệ nhất của Mỹ, dự đoán tăng trưởng kinh tế Mỹ giảm xuống 2,0% trong quý 4/2018, thấp hơn một nửa tốc độ 4,2% đã báo cáo.
Các nhà đầu tư đang đợi cuộc họp của Cục dự trữ liên bang trong tuần tới, nơi ngân hàng trung ương này được dự kiến nâng lãi suất.
Đồng giảm giá
Đồng kết thúc phiên giảm sau hai ngày tăng trước đó, do lo ngại về sức khỏe nền kinh tế toàn cầu và lãi suất của Mỹ tăng trước cuộc họp của ngân hàng trung ương.
Giá đồng trên sàn giao dịch kim loại London chốt phiên giảm 0,6% xuống 6.082 USD/tấn. Đồng đã giảm 18% kể từ khi chạm mức cao nhất trong 4,5 năm tại 7.348 USD/tấn hồi tháng 6/2018, nhưng đã phục hồi 5% từ mức thấp nhất một năm tại 5.773 USD/tấn hồi tháng 8/2018.
Các kim loại được hỗ trợ bởi đồng USD suy yếu, với đồng tiền này giảm xuống mức thấp nhất 9 tuần so với rổ các đồng tiền chủ chốt.
Thép cây Thượng Hải giảm hơn 1%
Giá thép cây xây dựng của Thượng Hải giảm 1,2% trong phiên qua, sau 4 phiên tăng liên tiếp bởi động thái tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng của Trung Quốc.
Hợp đồng thép cây trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đóng cửa giảm 1,2% xuống 4.124 CNY (602,14 USD)/tấn, sau khi tăng trong phiên trước lên mức cao nhất kể tử tháng 11/9/2018 tại 4.205 CNY/tấn.
Ủy ban Phát triển và Cải tổ Quốc gia (NDRC) tại nước này cho biết trong cuộc họp báo ngày 18/9 rằng Trung Quốc sẽ tăng cường đầu tư trong cơ sở hạ tầng, cũng như trong nông nghiệp, xóa đói giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Điều đó và sự thúc đẩy phát triển mạng lưới tàu điện ngầm tại một số thành phố lớn nhất Trung Quốc đang hỗ trợ triển vọng sáng sủa cho lĩnh vực thép khổng lồ của quốc gia này.
Thành phố Tô Châu nằm ở phía đông tỉnh Giang Tô và Trường Xuân tại phái đông bắc tỉnh Cát Lâm, cũng như Thâm Quyến ở miền nam, tháng trước đã thông báo kế hoạch chi tiêu tương đương hàng tỷ USD thúc đẩy các hệ thống ngầm tổng cộng 1.600 km, điều này sẽ tiêu thụ nhiều thép.
Cao su tăng trở lại
Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo phục hồi từ mức thấp nhất trong gần hai năm, do sự gia tăng tại Thượng Hải thúc đẩy việc mua bù để đóng các hợp đồng bán khống.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 2/2019 trên sàn TOCOM chốt phiên tăng 3,7 JPY hay 2,2% lên 169,6 JPY (1,51 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất một tuần tại 170 JPY trong đầu phiên giao dịch.
Cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải đóng cửa tăng 455 CNY lên 12.570 CNY (1.834 USD)/tấn. Trong đầu phiên giá đã tăng lên mức cao nhất một tháng tại 12.720 CNY.
Gạo Ấn Độ phục hồi, giá gạo Việt Nam giảm
Giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ phục hồi trong tuần này sau khi nhu cầu cải thiện, trong khi giá gạo Việt Nam giảm mặc dù triển vọng về các đơn hàng từ Philippines sau siêu bão do giá của Thái Lan cạnh tranh hơn.
Giá gạo đồ 5% tấm xuất khẩu của Ấn Độ tăng 2 USD/tấn lên 373-377 USD/tấn trong tuần này, từ mức thấp nhất trong 17 tháng ở tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Mumbai cho biết gạo của Ấn Độ hiện nay cạnh tranh do đồng rupee giảm giá. Đồng rupee của Ấn Độ đã mất hơn 13% giá trị từ đầu năm tới nay và đã xuống mức thấp kỷ lục trong tuần này, gia tăng lợi nhuận cho nhà xuất khẩu.
Trong khi đó, tại nước láng giềng Bangladesh, sản lượng gạo từ vụ mùa boro đạt 19,5 triệu tấn, vượt mục tiêu 19 triệu tấn, do nông dân nâng diện tích trồng.
Tại Việt Nam, các thương nhân cung cấp gạo 5% tấm ở mức giá 395 – 405 USD/tấn, giảm nhẹ so với mức giá 400 – 405 USD/tấn một tuần trước.
Mặc dù khả năng nhu cầu từ Philippines sau cơn bão Mangkhut gây thiệt hại cho cây lúa ở nước này, giá gạo Việt Nam không tăng lên khi gạo Thái Lan thấp hơn.
Một thương nhân ước tính vụ thu hoạch thu đông hiện tại của Việt Nam có thể thu hoạch khoảng 1,8 triệu tấn, một nửa khối lượng của vụ mùa chính, phần lớn gạo có thể được tiêu thụ trong nước do vụ thu hoạch tới đến tận tháng 3/2019.
Tại Thái Lan, gạo 5% tấm được chào ở mức 390 – 393 USD/tấn, FOB Bangkok, không đổi so với tuần trước.
Nhu cầu cà phê Việt Nam phục hồi, Indonesia chậm lại sau vụ thu hoạch
Nhu cầu cà phê tại Việt Nam tăng nhẹ trong tuần này sau khi nguồn cung cấp giảm vào cuối vụ thu hoạch tại nước đối thủ Indonesia.
Các nhà xuất khẩu đã chào cà phê robusta loại 2 của Việt Nam với 5% hạt đen và vỡ ở mức giá thấp hơn 30 – 40 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 11 tại London, một tuần trước mức thấp hơn 50 USD/tấn.
Nhà phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình cho biết "có nhu cầu nhưng họ không thể mua quá nhiều ... Nông dân vẫn nghĩ mức giá này quá thấp và không muốn bán". Nông dân tại Tây Nguyên chào cà phê ở mức 32.000 – 32.500 đồng/kg, mức thấp nhất kể từ tháng 3/2016, theo xu hướng các thị trường toàn cầu.
Trong khi đó, tại Indonesia, thị trường cà phê chậm lại sau khi vụ thu hoạch chính của nước này đã kết thúc trong tháng.
Mức cộng đối với robusta loại 4 khiếm khuyết 80 tại tỉnh Lampung là 50 – 70 USD/tấn, thắt chặt từ 50 – 80 USD/tấn một tuần trước do nhu cầu suy yếu và nguồn cung giảm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 21/9