Thị trường ngày 22/10: Giá dầu, vàng, ngũ cốc tăng, cà phê arabica thấp nhất 13 tháng
Chốt phiên giao dịch cuối tuần giá dầu tăng do hy vọng nhu cầu của Trung Quốc mạnh lên và USD suy yếu, vàng, nhôm, quặng sắt, ngũ cốc tăng trong khi cà phê arabica thấp nhất 13 tháng.
- 22-10-2022Hóa đơn năng lượng tại châu Âu tăng vọt, ngành công nghiệp tưởng chừng như an toàn này cũng không tránh khỏi chao đảo
- 21-10-2022Dự trữ đồng toàn cầu chỉ còn đủ dùng cho 5 ngày, chuyên gia dự đoán giá có thể tăng gấp đôi vào năm 2023
- 21-10-2022Nhiều doanh nghiệp không được phép nhập khẩu xăng dầu, Bộ Tài chính nói gì?
Giá dầu tăng
Giá dầu tăng do hy vọng nhu cầu của Trung Quốc mạnh hơn và USD suy yếu làm lu mờ lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu và ảnh hưởng của việc tăng lãi suất tới nhu cầu nhiên liệu.
Để chống lại lạm phát, Cục dự trữ Liên bang Mỹ đang cố gắng làm chậm lại nền kinh tế và sẽ tiếp tục giữ mục tiêu tăng lãi suất trong ngắn hạn điều đó ảnh hưởng tới giá dầu.
Nhưng dầu thô đang được hỗ trợ từ lệnh cấm dầu từ Nga của Liên minh Châu Âu, cũng như thỏa thuận cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày gần đây của OPEC+.
Kết thúc phiên 21/10 dầu thô Brent tăng 1,12 USD hay 1,2% lên 93,5 USD/thùng. Dầu WTI tăng 54 US cent hay 0,6% lên 85,05 USD/thùng. Tính chung cả tuần dầu Brent tăng 2% trong khi dầu WTI giảm 0,7%.
Hôm thứ năm giá dầu tăng sau khi Bloomberg báo cáo Bắc Kinh đang xem xét cắt giảm thời gian cách ly cho du khách từ 10 ngày xuống 7 ngày. Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới đã tuân thủ các quy định hạn chế nghiêm ngặt về Covid-19 trong năm nay, làm ảnh hưởng nặng nề tới kinh doanh và hoạt động kinh tế, đồng thời làm giảm nhu cầu nhiên liệu.
Trong khi đó số giàn khoan dầu và khí đốt của Mỹ, một chỉ số sớm của sản lượng tương lai tăng 2 giàn lên 771 trong tuần này, theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes. Số giàn khoan dầu tăng 2 lên 612 giàn trong tuần này, cao nhất kể từ tháng 3/2020, trong khi giàn khoan khí không đổi ở mức 157 giàn.
Vàng tăng
Giá vàng tăng hơn 1% do USD suy yếu trong bối cảnh báo cáo về khả năng một cuộc tranh luận giữa các quan chức Cục dự trữ Liên bang Mỹ về tốc độ tăng lãi suất.
Vàng giao ngay tăng 1,5% lên 1.652,21 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 12 đóng cửa tăng 1,2% lên 1.656,3 USD.
Tạp chí Phố Wall báo cáo rằng các quan chức Fed đang chuẩn bị tăng tiếp lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong tháng 11, trong khi một số khác bắt đầu báo hiệu muốn sớm giảm tốc độ tăng. Vàng nhạy cảm với việc tăng lãi suất. Giá vàng hiện nay tăng 0,6% trong tuần này, sau khi phục hồi từ mức thấp nhất kể từ cuối tháng 9.
Chỉ số USD từ bỏ mức tăng trước đó và giảm 0,6%, khiến vàng rẻ hơn cho người mua bằng đồng ngoại tệ khác.
Nhu cầu vàng tại Ấn Độ tăng nhanh trong tuần này do một số người mua vào trước lễ hội khi giá trong nước giảm.
Nhôm có tuần giảm giá
Giá nhôm giảm khoảng 4% trong tuần do lo sợ lãi suất của Mỹ tăng nhanh làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại.
Tuy nhiên giá tăng trong phiên cuối tuần do Tạp chí Phố Wall báo cáo một số quan chức Fed có thể muốn lãi suất sớm tăng chậm lại, điều đó thúc đẩy thị trường chứng khoán và làm suy yếu USD.
Trước đó trong phiên, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt mức cao nhất kể từ năm 2007 và đồng CNY của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất so với USD kể từ năm 2008, khiến kim loại được định giá bằng USD đắt hơn cho người mua ở Trung Quốc.
Nguồn cung dồi dào khiến nhôm bị áp lực giảm. Nhôm giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME tăng 0,4% lên 2.218 USD/tấn. Giá nhôm đã giảm khoảng 45% từ mức đỉnh hồi tháng 3 do việc phong tỏa Covid-19 tại Trung Quốc và lãi suất ở Mỹ tăng nhanh đồng thời nền kinh tế toàn cầu suy yếu.
Đồng LME tăng 1% lên 7.636 USD/tấn, kẽm giảm 0,7% xuống 2.944 USD/tấn.
Quặng sắt có tuần giảm giá do khả năng nhu cầu ảm đạm
Giá quặng sắt tại Singapore tăng sau khi xuống thấp nhất năm 2022 trong phiên liền trước, nhưng thị trường này có tuần thứ 6 giảm giá liên tiếp do lo lắng về triển vọng nhu cầu toàn cầu.
Tại Trung Quốc, quặng sắt đã mất phần lớn mức tăng ban đầu trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên bất chấp những hy vọng mới về hỗ trợ bổ sung cho lĩnh vực bất động sản và việc nới lỏng các quy định về Covid-19.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Singapore tăng 1% lên 90,7 USD/tấn, trong phiên giá đã lên mức cao nhất 91,75 USD/tấn.
Quặng sắt giao tháng 1/2023 tại Đại Liên đóng cửa tăng 0,1% lên 676,5 CNY (93,35 USD)/tấn, và có tuần giảm giá thứ 2 liên tiếp.
Ngân hàng ANZ đã hạ giá mục tiêu ngắn hạn đối với quặng sắt xuống 85 USD/tấn, mục tiêu 12 tháng là 80 USD/tấn.
Quặng sắt giảm giá trong tuần này một phần phản ánh thị trường thất vọng về quyết định duy trì chính sách zero Covid của Trung Quốc bất chấp thiệt hại đối với nền kinh tế và những lo ngại về việc tăng cường hạn chế sản xuất thép trong nước.
Tại thị trường giao ngay, quặng sắt giảm xuống mức thấp nhất 11 tháng tại 93 USD/tấn trong ngày 20/10.
Hiệp hội Thép Thế giới dự đoán nhu cầu thép toàn cầu giảm 2,3% trong năm nay, do những nguy cơ suy thoái cộng với những hạn chế về Covid-19 và lĩnh vực bất động sản suy sụp ở Trung Quốc.
Tại Thượng Hải, thép thanh tăng 0,2%, thép cuộn cán nóng tăng 0,3%, thép không gỉ giảm 0,6%.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm theo xu hướng thị trường Thượng Hải và chứng khoán trong nước giảm.
Hợp đồng cao su giao tháng 3/2023 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 4,2 JPY hay 1,9% xuống 221,2 JPY (1,47 USD)/kg. Hợp đồng này tính chung cả tuần giảm khoảng 3,5%.
Tại Thượng Hải, hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 95 CNY xuống 12.340 CNY (1.703,36 USD)/tấn.
Chỉ số chứng khoán Nikkei của Nhật Bản đóng cửa giảm 0,43%.
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp để ngăn chặn Covid. Tuy nhiên, Bắc Kinh cũng đang xem xét giảm thời gian cách ly với du khách xuống 7 ngày từ 10 ngày.
Sản lượng cao su tại Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi dự báo mưa lớn tiếp tục và cảnh báo lũ lụt tại các tình trồng cao su truyền thống.
Cà phê arabica thấp nhất 13 tháng
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 đóng cửa giảm 0,15 US cent hay 0,1% xuống 1,909 USD/lb, giá đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 9/2021 tại 1.8620 USD. Arabica giảm 2,95% trong tuần này và 12,76% trong hai tuần qua.
Cà phê đã giảm bớt những lo ngại về tồn kho toàn cầu bị thắt chặt và thay vào đó giá cà phê giảm do triển vọng thời tiết cải thiện và tiêu thụ đang xấu đi.
Công ty tư vấn Safras & Mercado cho biết vụ cà phê 2022/23 của Brazil dự báo ở mức 57,3 triệu bao loại 60 kg/bao so với ước tính hồi tháng 9 là 58,2 triệu bao.
Các đại lý lưu ý rằng doanh số bán cà phê tại Brazil gần như hoàn toàn đình trệ, khi nông dân không muốn giao dịch ở mức giá thấp.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 1/2023 giảm 45 USD hay 2,2% xuống 1.996 USD/tấn.
Đường trắng tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3/2023 đóng cửa thay đổi ít tại 18,38 US cent/lb, giá đã xuống mức thấp nhất 2 tuần tại 18,26 US cent. Hợp đồng này đã mất 2,44% trong tuần này.
Các đại lý cho biết thị trường đang theo hướng giảm giá trong bối cảnh ngày càng nhiều quan điểm cho rằng dư thừa sản lượng ở quy mô lớn trên toàn cầu ở niên vụ mới bắt đầu trong tháng này, đặc biệt nếu nhu cầu bắt đầu giảm khi tăng trưởng kinh tế đình trệ.
Đường trắng kỳ hạn tháng 12 tăng 5,1 USD hay 1% lên 533 USD/tấn, tính chung cả tuần vẫn giảm 4,7%.
Ngô, đậu tương, lúa mì đồng loạt tăng
Giá ngô, lúa mì và đậu tương của Mỹ tăng, phục hồi nhờ các thị trường bên ngoài.
Thị trường giao ngay mạnh đã củng cố ngô và đậu tương do người dùng cuối trong nước tìm cách mua trước khi nông dân đưa nguồn cung mới thu hoạch vào kho dự trữ.
Đậu tương kỳ hạn tháng 11 trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa tăng 4 US cent lên 13,95-1/2 USD/bushel và ngô CBOT kỳ hạn tháng 12 tăng 1/4 US cent lên 6,84-1/4 USD/bushel.
Lúa mì mềm đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12 tăng 1-1/2 US cent lên 8,50-3/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 22/10
Nhịp sống kinh tế