Thị trường ngày 22/11: Giá dầu, vàng hồi phục khi chứng khoán đi lên
Phiên giao dịch vừa qua, đồng USD yếu đi do thị trường hoài nghi Fed sẽ tiếp tục nâng lãi suất trong kho chứng khoán toàn cầu hồi phục trở lại đã hỗ trợ giá một số mặt hàng như dầu và kim loại cơ bản tăng lên. Tuy nhiên, lo ngại căng thẳng thương mại Mỹ - Trung gây tổn hại tới nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc kiềm chế giá hồi phục mạnh.
- 21-11-2018Thị trường ngày 21/11: Dầu thô bị bán tháo khiến giá giảm thêm gần 7%
- 20-11-2018Thị trường ngày 20/11: Giá cao su thấp nhất 2 năm, thép thấp nhất 4 tháng
- 17-11-2018Thị trường ngày 17/11: Giá dầu có 6 tuần giảm liên tiếp
Dầu hồi phục nhưng thiếu vững chắc
Giá dầu thô tăng nhẹ trong phiên vừa qua, sau khi Chính phủ Mỹ công bố số liệu cho thấy nhu cầu nhiên liệu tinh chế vẫn mạnh. Tuy nhiên, thị trường vẫn lo ngại về tình trạng dư cung ngày càng tăng trên toàn cầu. Kết thúc phiên, dầu Brent tăng 95 US cent lên 63,48 USD/thùng (+1,52%); dầu Tây Texas tăng 1,2 USD lên 54,63 USD/thùng (+2,25%).
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho hay, dự trữ dầu thô tại trung tâm phân phối Cushing (Oklahoma) giảm 116.000 thùng, lần giảm đầu tiên trong vòng 9 tuần. Dự trữ xăng cũng giảm 1,3 triệu thùng, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 12/2017, và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 77.000 thùng.
Lo ngại nguồn cung dư thừa, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) đang bàn chuyện giảm sản lượng, chỉ một tháng sau khi vừa nâng sản lượng. OPEC, Nga và các nước sản xuất khác đang xem xét việc bàn chuyện giảm cung khoảng 1 đến 1,4 triệu thùng/ngày vào cuộc họp sắp tới sẽ diễn ra vào ngày 6/12. Tuy nhiên, Saudi Arabia rất khó để đưa ra quyết định lúc này, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua vừa khen ngợi nước này đã giúp làm cho giá dầu giảm trở lại. Goldman Sachs dự báo giá dầu sẽ còn tiếp tục biến động mạnh trong những tuần tới.
Vàng tăng do USD giảm và thiếu chắc chắn về động thái của Fed
Giá vàng tăng trở lại lên mức cao nhất 2 tuần do USD đi xuống và chưa chắc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất trong kỳ họp sắp tới. Vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.226,61 USD/ounce, trong khi vàng giao sau tăng 6,8 USD tương đương 0,6% lên 1.228 USD/ounce. Trong phiên có lúc hợp đồng giao ngay đạt 1.230,07 USD, cao nhất kể từ 7/11/2018.
Quản lý của CPM Group, ông Jeffrey Christian, cho biết giá vàng hiện đang được hỗ trợ bởi hoạt động mua mang tính kỹ thuật từ phía các nhà đầu tư, đối với cả hợp đồng kỳ hạn giao sau và hợp đồng physical. Ông dự đoán từ nay đến cuối năm giá chắc chắn sẽ chỉ dao động trong khoảng 1.180 – 1.200 USD/ounce (mức thấp) đến 1.240 -1. 250 USD/ounce (mức cao).
Đồng tăng giá
Giá đồng tăng trở lại do USD giảm còn chứng khoán hồi phục thúc đẩy hoạt động mua mạnh. Tuy nhiên, lo ngại về mối quan hệ thương mại Mỹ - Trung gây ảnh hưởng tới nhu cầu của Trung Quốc tiếp tục cản trở đà tăng. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,8% lên 6.235 USD/tấn.
Thị trường đồng tinh luyện thế giới đã thiếu hụt 31.000 tấn trong tháng 8/2018, theo số liệu của Cơ quan Nghiên cứu Đồng quốc tế (ICSG). Tính cả 8 tháng đầu năm, mức thiếu hụt là 259.000 tấn, so với thiếu 98.000 tấn cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng đồng toàn cầu tháng 8 vừa qua là 1,96 triệu tấn, trong khi tiêu thụ 1,99 triệu tấn.
Kẽm giao ngay tăng vọt do dự trữ thấp
Chênh lệch giá giữa hợp đồng giao ngay với giao sau 3 tháng trên thị trường kẽm (trên sàn London) đã lên tới mức cao nhất trong vòng 21 năm, là 97 USD/tấn trong phiên 20/11/2018, do dự trữ tại London giảm. Phiên giao dịch vừa qua, giá kẽm giao sau 3 tháng kết thúc ở mức tăng 0,7% lên 2.586 USD/tấn.
Giá và sản lượng nhôm Trung Quốc giảm
Giá nhôm tại Thượng Hải phiên vừa qua giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 10/2016. Ở mức 13.700 CNY/tấn hiện nay, giá nhôm đã mất 13% kể từ tháng 1/2018. Nhôm giao dịch tại London cũng mất 6% kể từ đầu năm tới nay.
Giá giảm không khuyến khích hoạt động sản xuất, kết quả sản lượng nhôm Trung Quốc giảm mạnh trong tháng qua. Theo Viện Nhôm Quốc tế (IAI), nếu giá không hồi phục, sản lượng có thể sẽ còn giảm tiếp.
Thép xây dựng giảm thêm 5%
Giá thép cây dùng trong xây dựng tại Trung Quốc giảm hơn 5% trong phiên vừa qua do dự đoán nguồn cung mạnh trong khi nhu cầu sắp vào mùa thấp điểm. Hợp đồng tham chiếu trên sàn Thượng Hải giảm 5,6% vào đầu phiên vừa qua, mức giảm mạnh nhất kể từ 23/3, và kết thúc ở 3.724 CNY (536,44 USD)/tấn, thấp hơn 2% so với đóng cửa phiên trước. Nhiều người cho rằng giá sẽ còn giảm thêm nữa nên không vội vã mua vào lúc này. Một số thương gia dự đoán giá sẽ giảm thêm ít nhất 100 CNY mỗi tấn.
Sản lượng thép thô của Nhật Bản trong tháng 10/2018 giảm 4,5% so với cùng tháng năm ngoái, xuống 8,56 triệu tấn, là tháng thứ 2 liên tiếp giảm, khi các nhà máy tiếp tục ổn định lại sản xuất sau giai đoạn thời tiết khắc nghiệt và trận động đất hồi tháng 9.
Trong khi triển vọng thị trường thép Trung Quốc bấp bênh thì tại Nhật Bản, nhu cầu vững nhờ các ngành sản xuất máy móc và xây dựng đang hoạt động với công suất cao để chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020.
Nhu cầu ô tô tại Trung Quốc tăng chậm lại
Thị trường ô tô của Trung Quốc chuyển hướng xấu đi trong 6 tháng cuối năm 2018 sau nhiều thập kỷ tăng trưởng mạnh. Doanh số bán xe trong tháng 9/2018 giảm 11,6% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất trong vòng hơn 6 năm. Doanh số bán ô tô của VW tại Trung Quốc trong tháng 9 vẫn duy trì cao hơn chút ít so với mức trung bình của thị trường, song của Ford giảm hơn 40%, còn Jaguar Land Rover thậm chí phải tạm dừng sản xuất trong vòng 2 tuần tại 2 nhà máy ở Anh do nhu cầu của thị trường Trung Quốc sa sút.
Trung Quốc dự báo sẽ vẫn là thị trường ô tô hấp dẫn, nhưng thị hiếu tại đó đang có sự thay đổi lớn. Chính phủ Trung Quốc muốn tăng thị trường xe ô tô sử dụng năng lượng mới của mình lên trên 7 triệu chiếc vào 2025, nhiều hơn thị trường ô tô các loại của toàn nước Nhật. Năm 2018, tổng tiêu thụ xe hơi tại Trung Quốc đạt trên 28 triệu chiếc, chiếm 1/3 tổng số lượng xe bán ra trên toàn cầu. Dự báo nhu cầu ô tô tại các thành phố nhỏ ở Trung Quốc sẽ còn tiếp tục tăng trưởng cao.
Cà phê giảm, dự báo dư cung trong vụ 2018/19 sẽ cao nhất 16 năm
Giá cà phê arabica giao tháng 3/2018 giảm 0,8 US cent (0,7%) xuống 1,141 USD/lb do đồng real Brazil giảm giá. Khối lượng giao dịch ít trước ngày Lễ Tạ ơn. Cà phê robusta giao tháng 1/2019 giảm 10 USD (0,6%) xuống 1.615 USD/tấn.
Nhà phân tích Andrea Thompson của CoffeeNetwork dự báo thị trường thế giới năm 2018/19 sẽ dư thừa nhiều nhất trong vòng 16 năm, thừa khoảng 11 triệu bao (1 bao = 60 kg). Cụ thể, sản lượng của Brazil dự báo sẽ đạt 61 triệu bao, của Việt Nam sẽ đạt 31 triệu bao, và của Colombia sẽ là 14,2 triệu bao. Về niên vụ 2019/2020, CoffeeNetwork cho rằng mức dư thừa sẽ chỉ khoảng 1,1 triệu bao vì sản lượng của Brazil tối đa sẽ chỉ 55 triệu bao. Trong trường hợp Brazil chỉ sản xuất 50 triệu bao thì nguồn cung toàn cầu sẽ chuyển hướng sang thiếu hụt 3,9 triệu bao.
Cao su giảm tiếp
Thị trường cao su cũng tiếp tục giảm giá. Tại Tokyo, hợp đồng giao tháng 4 năm sau giảm 0,7 JPY (0,0062 USD) xuống 152,9 JPY/kg; trong khi tại Thượng Hải, hợp đồng giao tháng 1 năm sau giảm 95 CNY (13,69 USD) xuống 10.855 CNY/tấn, và tại Singapore hợp đồng giao tháng 12 tới giảm 1,5 US cent xuống 120 US cent/kg. Tại các nước sản xuất chủ chốt như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…, giá cũng giảm khoảng 0,01 USD/kg. Tình hình thương mại quốc tế đang xấu đi. Mỹ trong tháng này đã quyết định sẽ tái xem xét thuế chống bán phá giá đối với lốp xe Trung Quốc.
Bông hồi phục
Giá bông trên thị trường New York tăng trong phiên vừa qua sau 2 phiên giảm trước đó. Lý do bởi các nhà đầu tư mua mạnh trước kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn và thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục. Hợ đồng giao dịch nhiều nhất – kỳ hạn tháng 3 năm sau – tăng 1,44 US cent (1,86%) lên 78,87 US cent/lb vào cuối phiên. Đầu phiên có lúc đạt 79,39 US cent, cao nhất kể từ 11/11. Phiên trước đó (20/11), giá đã xuống thấp nhất trong vòng 1 tháng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 22/11