Thị trường ngày 26/01: Giá vàng gần mức cao nhất trong 9 tháng, cao su cao nhất 3 tháng, dầu ổn định
Chốt phiên giao dịch ngày 25/01, giá dầu ổn định, vàng gần mức cao nhất 9 tháng, cao su Nhật Bản cao nhất 3 tháng, đường, cà phê, lúa mì tăng trong khi đồng tiếp đà giảm.
Dầu ổn định
Giá dầu đóng cửa gần như không đổi sau khi số liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng ít hơn dự kiến nhưng số liệu kinh tế yếu.
Chốt phiên 25/1 dầu thô Brent giảm 1 US cent xuống 86,12 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 2 US cent lên 80,15 USD/thùng.
Dầu thô Brent đã giảm 2,3% và dầu thô WTI giảm 1,8% trong phiên liền trước sau khi số liệu cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ thu hẹp trong tháng 1, giảm tháng thứ 7 liên tiếp, làm tăng lo ngại về suy thoái kinh tế.
Trong phiên giá dầu WTI tăng hơn 1 USD/thùng một thời gian ngắn sau khi Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ EIA cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ tăng 533.000 thùng trong tuần trước, đạt 448,5 triệu thùng. Giới phân tích trong thăm dò của Reuters dự kiến tăng 1 triệu thùng.
Giá dầu thô tăng trong năm 2023, với dầu Brent đạt đỉnh 89 USD/thùng trong tuần này lần đầu tiên kể từ tháng 12/2022 do kết thúc kiểm soát Covid-19 ở Trung Quốc và hy vọng việc tăng lãi suất của Mỹ sẽ sớm giảm dần.
Về phía nguồn cung, khối lượng sẽ vẫn ổn định khi OPEC và các đồng minh của họ có thể sớm thông qua mức sản lượng hiện tại của tổ chức này tại cuộc họp vào ngày 1/2.
Vàng gần mức cao nhất 9 tháng
Giá vàng đảo chiều tăng do USD giảm và các nhà đầu tư theo dõi một loạt số liệu kinh tế sắp tới của Mỹ có thể ảnh hưởng tới cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục dự trữ Liên bang trong tuần tới.
Vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.940,49 USD/ounce. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 2 đóng cửa tăng 0,4% lên 1.942,6 USD/ounce. Giá đã giảm tới 0,6% trước đó trong phiên này. Việc điều chỉnh giá và chốt lời của nhà đầu tư là lý do giá vàng giảm nhẹ trong đầu phiên.
Chỉ số USD giảm 0,3% khiến vàng hấp dẫn hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.
Bộ Thương mại Mỹ dự kiến công bố ước tính GDP quý 4/2022 vào ngày 26/1, điều này có thể tạo ra manh mối cho cuộc họp chính sách của Fed vào ngày 31/1 tới 1/2.
Đồng tiếp đà giảm
Giá đồng giảm ngày thứ hai bởi nhu cầu yếu do vắng mặt Trung Quốc, nước tiêu thụ nhiều nhất đang nghỉ Tết Nguyên đán.
Đồng đã tăng hơn 10% trong đầu tháng 1, đạt cao nhất trong 7 tháng tại 9.550,5 USD/tấn vào ngày 18/1, do USD yếu và các nhà đầu cơ đặt cược việc Trung Quốc kết thúc những hạn chế về Covid-19 sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhu cầu kim loại. Nhưng giá mất đà tăng khi các thị trường Trung Quốc đóng cửa vào ngày 20/1.
Giá đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London giảm 0,1% xuống 9.310 USD/tấn. Giá kim loại này gần như không thay đổi kể từ ngày 19/1.
Trong khi nhu cầu của Trung Quốc sẽ tăng trong những tháng tới đang hỗ trợ giá, nhu cầu có thể vẫn yếu một thời gian sau giai đoạn nghỉ Tết. Điều này có thể dẫn tới tồn kho kim loại tăng mạnh tại Trung Quốc và nâng nguy cơ giảm giá trong ngắn hạn.
Lo sợ về nguồn cung cũng hỗ trợ giá đồng. Bất ổn xã hội tại Peru, nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới làm dấy lên lo sợ về gián đoạn tại các mỏ đồng.
Tại Chile, nhà sản xuất lớn nhất, một báo cáo của chính phủ cho thấy sản lượng đồng sẽ tăng ở tốc độ thấp nhất trong thập kỷ này so với hy vọng trước đó.
Cao su Nhật Bản cao nhất 3 tháng
Giá cao su Nhật Bản tiếp tục tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tháng bởi lạc quan về sự phục hồi kinh tế tại Trung Quốc trong bối cảnh giao dịch yếu.
Hợp đồng cao su giao tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,9 JPY hay 0,4% lên 233,1 JPY (1,79 USD)/kg. Trước đó trong phiên hợp đồng này đã đạt 234,3 JPY, cao nhất kể từ ngày 11/10.
Tâm lý nhu cầu tích cực gần đây sau khi Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế Covid-19 vốn đã làm giảm tiêu dùng và hoạt động công nghiệp kể từ khi bắt đầu đại dịch.
Cà phê arabica cao nhất 3 tuần
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 2,6 US cent hay 1,6% lên 1,6245 USD/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 3 tuần tại 1,6330 USD/lb.
Giá đã tăng một vài tuần qua sau khi xuống thấp nhất 1,5 năm tại 1,4305 USD trong ngày 11/1. Các đại lý cho biết dự trữ được chứng nhận của sàn ICE ổn định sau khi tăng gần đây.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 tăng 27 USD hay 1,4% lên 1.970 USD/tấn.
Đường thô tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,23 US cent hay 1,2% lên 20,11 US cent/lb.
Các đại lý cho biết thị trường này được hỗ trợ từ tin tức Petrobras, công ty dầu nhà nước đang nâng giá xăng tại Brazil, một động thái có thể khuyến khích các nhà máy dùng mía để sản xuất ethanol sinh học hơn là sản xuất đường.
Họ cũng trích dẫn ý kiến cho rằng chính phủ Ấn Độ sẽ xác nhận lệnh cấm xuất khẩu đường bổ sung ngay bây giờ.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 giảm 0,7 USD hay 0,1% xuống 547 USD/tấn.
Lúa mì tiếp tục tăng do lo ngại cuộc chiến ở Ukraine
Giá lúa mì của Mỹ tăng do lo ngại bất cứ sự tăng cường xung đột Nga – Ukraine có thể làm tắc đường xuất khẩu từ nhà xuất khẩu lớn thứ hai thế giới này.
Đậu tương cũng mạnh do việc mua để đóng các giao dịch bán khống và việc săn giá hời sau 5 phiên giảm liên tiếp.
Nhưng ngô yếu bỏ đi mức tăng ban đầu do mưa tại Argentina thúc đẩy triển vọng mùa màng tại đó.
Lúa mì CBOT mềm đỏ vụ đông đóng cửa tăng 6-3/4 US cent lên 7,41-1/4 USD/bushel. Giá thế giới đang tăng dẫn đến thị trường Mỹ mạnh lên.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3 tăng 14 US cent lên 15,02-1/4 USD/bushel trong khi ngô kỳ hạn tháng 3 giảm 2-1/4 US cent xuống 6,74-3/4 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/1:
Nhịp sống thị trường