Thị trường ngày 26/4: Giá dầu, kim loại công nghiệp, quặng sắt giảm trong khi đường cao nhất 11,5 năm, cao su tăng
Phiên giao dịch 25/4 giá dầu giảm hơn 2%, kim loại công nghiệp, quặng sắt giảm bởi lo lắng về nhu cầu yếu của Trung Quốc, trong khi đó cao su có ngày tăng mạnh nhất trong một tháng, đường cao nhất trong 11,5 năm.
- 25-04-2023Tiếp tục xuống giá mạnh, chiếc laptop đắt hàng nhất tại Việt Nam không thể rẻ hơn được nữa!
- 25-04-2023Thấy gì đằng sau kế hoạch tăng trữ lượng vàng của Trung Quốc?
- 25-04-2023Toyota Camry biển đẹp 'san bằng tất cả' rao bán với giá ngang căn nhà, xe chưa từng lăn bánh
Dầu giảm 2%
Giá dầu giảm 2% sau hai phiên tăng do lo ngại sâu sắc về suy thoái kinh tế và đồng USD mạnh lên lấn át hy vọng nhu cầu của Trung Quốc tăng và dự trữ dầu thô của Mỹ giảm.
Chốt phiên 25/4, dầu thô Brent giảm 1,96 USD hay 2,4% xuống 80,77 USD/thùng. Dầu WTI giảm 1,69 USD hay 2,2% xuống 77,07 USD/thùng.
Niềm tin người tiêu dùng Mỹ giảm xuống thấp nhất 9 tháng trong tháng 4 làm dấy lên lo lắng về suy thoái kinh tế một ngày sau khi ngân hàng First Republic báo cáo lượng tiền gửi giảm mạnh còn hơn 100 tỷ USD, gây lo lắng về khủng hoảng ngân hàng tiềm ẩn.
USD tăng do lo lắng sâu sắc về lợi nhuận của các tập đoàn và nền kinh tế toàn cầu. USD mạnh lên gây áp lực cho nhu cầu dầu bằng cách khiến hàng hóa này đắt hơn cho người mua bằng ngoại tệ khác.
Các nhà đầu tư vẫn thận trọng về khả năng tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu năng lượng ở Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Ngân hàng Anh và Ngân hàng Trung ương Châu Âu tất cả được dự kiến tăng lãi suất trong cuộc họp tới.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ cũng lo lắng rằng lợi nhuận lọc dầu yếu trên toàn cầu có thể buộc các nhà máy lọc dầu hạn chế mua dầu thô.
Trong đầu phiên giao dịch giá dầu tăng được hỗ trợ bởi lạc quan rằng du lịch trong kỳ nghỉ lễ tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy nhu cầu và bởi dự đoán tồn kho dầu thô của Mỹ giảm.
Việc cắt giảm nguồn cung không tự nguyện và theo kế hoạc cũng hỗ trợ giá dầu. Xuất khẩu dầu ở miền bắc Iraq ít có dấu hiệu khởi sắc sau khi đình trệ một tháng, trong khi các thành viên OPEC+ chuẩn bị cắt giảm thêm sản lượng trong tháng 5.
Vàng tăng
Giá vàng tăng do lợi suất trái phiếu kho bạc giảm mạnh chống lại áp lực từ sự tăng giá của USD, trong khi các nhà đầu tư đợi một loạt số liệu kinh tế của Mỹ công bố vào cuối tuần này để có manh mối về lập trường lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang.
Vàng giao ngay tăng 0,7% lên 2.002,32 USD/ounce, vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 đóng cửa tăng 0,3% lên 2.004,5 USD/ounce.
USD tăng 0,5% khiến vàng đắt hơn cho người giữ các tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm mạnh nhất kể từ tháng 3.
Hiện nay thị trường đánh giá 73% Fed sẽ tăng lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp đầu tháng 5 này.
Kim loại công nghiệp giảm do nhu cầu của Trung Quốc yếu
Giá đồng giảm xuống mức thấp nhất trong 6 tuần, áp lực bởi nhu cầu yếu của Trung Quốc, USD mạnh lên và dự trữ tăng tại hệ thống sàn giao dịch LME.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch LME giảm 2,4% xuống 8.524,5 USD/tấn, ngày thứ 5 giảm giá liên tiếp. Kim loại này đã giảm từ mức cao nhất 7 tháng tại 9.550,5 USD/tấn hồi tháng 1.
Giá suy yếu do sự phục hồi nhu cầu từ Trung Quốc yếu hơn dự kiến và triển vọng kinh tế ảm đạm ở những nơi khác.
Các thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm phiên thứ 5 sau khi số liệu GDP quý 1 công bố trong tuần trước cho thấy sự phục hồi không đều và hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và bất động sản đang sụt giảm.
Dự trữ đồng của sàn giao dịch LME tăng 7.000 tấn lên 57.025 tấn, cao nhất kể từ giữa tháng 1.
Nhôm LME giảm 2% xuống 2.333 USD/tấn và giảm từ mức cao nhất 7 tháng hồi tháng 1. Chì LME giảm 1,4% xuống 2.114 USD/tấn.
Quặng sắt giảm
Giá quặng sắt trên sàn giao dịch Đại Liên và Singapore giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng do nhu cầu thép tại Trung Quốc chậm chạp khiến các nhà máy cắt giảm sản lượng, nâng khả năng dư cung nguyên liệu thô này để sản xuất thép.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa giảm 1,9% xuống 711 CNY (102,85 USD)/tấn, trước đó giá đã xuống 710,5 CNY, thấp nhất kể từ ngày 20/12/2022.
Tại Singapore quặng sắt kỳ hạn tháng 5 giảm 0,8% xuống 103,05 USD/tấn, trước đó giá đã xuống 102,35 USD/tấn, thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022.
Một số nhà máy tại Trung Quốc hiện nay đang bị ảnh hưởng từ nhu cầu thép mờ nhạt và giá giảm đã bắt đầu hạn chế sản xuất một cách tích cực.
Theo công ty tư vấn và cung cấp số liệu Mysteel, 52 trong số 126 lò cao tại Đường Sơn, thành phố sản xuất thép hàng đầu của Trung Quốc, đang tiến hành bảo dưỡng.
Giá quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe xuất sang Trung Quốc giảm xuống 110 USD/tấn trong ngày 24/4, thấp nhất kể từ đầu tháng 12/2022 và giam gần 9% trong tuần, theo công ty SteelHome.
Trong khi đầu tư cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tăng 8,8% trong quý 1 so với cùng kỳ năm trước thì đầu tư bất động sản giảm 5,8%.
Lĩnh vực cơ sở hạ tầng của Trung Quốc có thể tiếp tục hưởng lợi trong năm nay từ các dự án bắt đầu vào cuối năm 2022, mặc dù tăng trưởng có thể suy yếu trong năm 2024 nếu không có dự án quy mô lớn bắt đầu trong năm nay, theo Hiệp hội Thép Thế giới.
Tại Thượng Hải thép thanh giảm 1,6%, thép cuộn cán nóng cũng giảm 1,6%, thép cuộn tăng 2,5% và thép không gỉ tăng 0,4%.
Cao su Nhật Bản có ngày tăng mạnh nhất trong gần một tháng
Giá cao su Nhật Bản đóng cửa tăng hơn 2%, ngày tăng mạnh nhất kể từ 27/3, bởi lo ngại về nguồn cung.
Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 5,2 JPY hay 2,5% lên 212 JPY (1,58 USD)/kg, đảo lại chiều giảm trong hai phiên trước đó. Hợp đồng kỳ hạn tháng 3 trên sàn giao dịch này đáo hạn tại 200,4 JPY/kg.
Tại Thượng Hải, cao su kỳ hạn tháng 9 tăng 270 CNY lên 11.990 CNY (1.735,87 USD)/tấn, sau khi tăng khoảng 4,27% trước đó.
Nhiệt độ cao ở Châu Á đang làm gia tăng mối lo ngại trên thị trường. Khi mùa đông kết thúc tại Thái Lan, Việt Nam, Châu Phi và Trung Quốc, những lo lắng về nguồn cung thực tế so với dự kiến đang ảnh hưởng tới cân bằng cung cầu.
Đường lên mức cao nhất 11,5 năm
Đường thô kỳ hạn tháng 5 đóng cửa tăng 0,74 US cent hay 2,9% lên 26,65 US cent/lb sau khi thiết lập mức cao nhất 11,5 năm tại 26,78 US cent.
Các đại lý cho biết tâm lý vẫn là tăng giá do nguồn cung đường thô khan hiếm sau khi sản lượng tại châu Á thấp hơn dự kiến.
Tình trạng này sẽ dịu bớt ở mức độ nào đó khi vụ thu hoạch tại Trung Nam Brazil tăng tốc trong những tuần tới.
Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 15 USD hay 2,2% lên 705,1 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa giảm 25 USD hay 1% xuống 2.419 USD/tấn, giảm từ mức đỉnh 2.485 USD/tấn trong phiên trước.
Các đại lý cho biết vụ thu hoạch cà phê robusta tại Brazil đang diễn ra với thời tiết nhìn chung thuận lợi và sản lượng kỷ lục được dự kiến trong niên vụ này.
Cà phê arabica cùng kỳ hạn giảm 5,05 US cent hay 2,6% xuống 1,884 USD/lb, phá vỡ mức hỗ trợ dưới tại 1,9 US cent. Mức hỗ trợ tiếp quanh 1,85 USD.
Ngô tăng, lúa mì và đậu tương giảm
Lúa mì thấp nhất 21 tháng do thị trường bị áp lực bởi chứng khoán và giá dầu thô giảm.
Ngô đóng cửa tăng nhẹ do thị trường cân nhắc cạnh tranh xuất khẩu ngày càng tăng từ Brazil, thời tiết tốt hơn cho việc trồng trọt vụ xuân của Mỹ và tình hình không rõ ràng về việc tiếp tục thỏa thuận cho phép xuất khẩu từ Ukraine qua Biển Đen. Đậu tương cũng bị áp lực giảm bởi tin tức Brazil đang xuất khẩu đậu tương sang Mỹ.
Lúa mì CBOT đóng cửa giảm 4 US cent xuống 6,53 USD/bushel sau khi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 tại 6,42-1/2 USD. Mưa dự kiến tại các khu vực trồng lúa mì khô hạn của Mỹ cũng gây sức ép lên giá.
Ngô CBOT tăng 1/4 US cent lên 6,07-3/4 USD/bushel và đậu tương giảm 18-1/2 US cent xuống 14,17-1/2 USD/bushel.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 26/4
Nhịp sống thị trường