MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 28/8/2018: Giá dầu tăng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm mạnh, thép đi xuống ngày thứ 4 liên tiếp

28-08-2018 - 07:55 AM | Thị trường

Đồng USD giảm, chứng khoán Mỹ tăng điểm và thỏa thuận Mỹ - Mexico về việc sửa đổi NAFTA là những yếu tố cơ bản tác động tới thị trường hàng hóa thế giới trong phiên giao dịch vừa qua. Riêng với nông sản, dịch cúm lợn tại Trung Quốc và sản lượng bội thu ở Mỹ gây áp lực giảm giá.

Dầu tăng do chứng khoán tăng và thỏa thuận thương mại Mỹ - Mexico

Giá dầu thô thế giới tăng trong phiên 27/8/2018 (đóng cửa vào rạng sáng 28/8/2018 giờ VN) do chứng khoán Mỹ tăng điểm và thông tin Mỹ và Mexico đã thống nhất sửa đổi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA).

Dầu Brent tăng 39 US cent tương đương 0,5% lên 76,21 USD/thùng; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 15 US cent tương đương 0,2% lên 68,87 USD/thùng.

Mỹ và Mexico đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về việc sửa đổi NAFTA. Tuy nhiên, Hiệp định 3 bên này vẫn cần có sự nhất trí của Canada về các điều khoản mới liên quan đến thương mại ô tô và giải quyết các tranh chấp.

Trong khi đó, liên minh các thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một số nước ngoài nhóm này tiếp tục kiềm chế khai thác dầu thô. Trong tháng 7/2018, nhóm các nước này cắt giảm sản lượng nhiều hơn 9% so với thỏa thuận, xấp xỉ mức sản lượng của tháng 6/2018 (đạt 120% cam kết) và tháng 5/2018 (147% cam kết).

Vàng và các kim loại quý khác đều tăng do USD yếu đi và căng thẳng thương mại dịu lại

Giá vàng đã vượt lên ngưỡng 1.200 USD/ounce do USD giảm và thỏa thuận Mỹ - Mexico về việc sửa đổi NAFTA mang lại hy vọng căng thẳng thương mại trong khu vực sẽ sớm được giải quyết. Tại New York, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.208,92 USD/ounce, trong khi vàng giao tháng 12/2018 tăng 2,7 USD tương đương 0,2% lên 1.216 USD/ounce.

USD giảm so với rổ các đồng tiền chủ chốt và cũng giảm so với CNY khiến cho vàng trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư Trung Quốc, góp phần thúc đẩy hoạt động mua từ nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới.

Nhà phân tích trưởng của ctivTrade, Carlo Alberto De Casa, nhận định, nếu giá duy trì trên 1.200 USD/ounce thì có nhiều cơ hội sẽ tăng hơn nữa, lên khoảng 1.230 – 1.235 USD/ounce.

Thỏa thuận giữa Mỹ và Mexico cũng tác động đẩy giá các kim loại quý khác tăng lên, trong đó bạch kim tăng 1,3% lên 800,9 USD/ounce, palađi tăng 1,1% lên 946,40 USD/ounce (đầu phiên có lúc đạt 949,75 USD, cao nhất kể từ 14/7/2018) và bạc tăng 0,4% lên 14,86 USD/ounce.

Thép giảm phiên thứ 4 liên tiếp

Giá thép trên thị trường Trung Quốc tiếp tục giảm khi thị trường chờ xem mức độ tác động của việc hạn chế sản xuất thép thời gian vừa qua, trong bối cảnh "mùa" cắt giảm công suất sản xuất sắp kết thúc. Thép cây trên sàn Thượng Hải kết thúc phiên 27/8/2018 giảm 2,1% xuống 4.204 CNY (611,58 USD)/tấn.

Tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất thép trên toàn Trung Quốc tuần qua là 66,44%, nhưng có thể tăng lên khoảng 70% nếu thành phố Đường Sơn (tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc) khôi phục sản xuất – dự kiến bắt đầu từ tháng 9/2018. Tuy nhiên, thời hạn cắt giảm công suất ở thành phố này có thể sẽ kéo dài hơn dự kiến bởi chất lượng môi trường tại đó vẫn chưa được cải thiện rõ rệt.

Sản lượng thép thô thế giới tháng 7/2018 tăng 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 155 triệu tấn, trong đó sản lượng của Trung Quốc tăng lên 81,2 triệu tấn (+8,2% so với tháng 7/2017).

Kẽm tăng phiên thứ 6

Giá kẽm trên sàn Thượng Hải tăng ngày thứ 6 liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục 2 tuần (trong phiên vừa qua có lúc tăng 2,3% lên 21.400 CNY (3.113,18 USD)/tấn trước khi kết thúc phiên tăng 1,8% so với phiên trước) do tồn trữ tại Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất 1 thập kỷ. Tồn trữ kẽm tại các kho ngoại quan trên sàn Thượng Hải giảm 11,7% xuống 30.800 tấn trong tuần qua, tồn trữ trên sàn London cũng giảm ngày thứ 8 liên tiếp. Sàn giao dịch kim loại London đóng cửa nghỉ lễ trong ngày 27/8/2018.

Lúa mì giảm

Giá lúa mì xuất khẩu của Nga giảm trong tuần vừa qua theo xu hướng trên sàn Chicago và bởi đồng rouble yếu đi. Trong vòng 1 tuần qua, giá lúa mì Biển Đen của Nga (12,5% protein) giảm 5 USD xuống 225 USD/tấn (FOB). Tuy nhiên, lúa mì loại 3 bán trên thị trường nội địa Nga tăng 150 rouble lên 10.550 rouble (157,5 USD)/tấn.

Lúa mì Mỹ phiên vừa qua cũng giảm, hợp đồng giao tháng 12/2018 tại Chicago giảm 14 US cent xuống 5,22-1/2 USD/bushel lúc đóng cưa ngày 27/8/2018, trước đó có lúc chỉ 5,21-3/4 USD, thấp nhất kể từ 20/7/2018. Như vậy, lúa mì tại Chicago giảm giá liên tiếp 7 phiên do nhu cầu mua lúa mì Mỹ giảm thấp mặc dù nguồn cung trên toàn cầu bị thắt chặt. Đồng rouble của Nga đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2016 so với USD do những biện pháp trừng phạt mới từ phía Mỹ.

Nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm mạnh

Quan ngại dịch cúm lợn Châu Phi tại Trung Quốc có thể làm giảm nhu cầu thức ăn chăn nuôi, trong bối cảnh sản lượng của Mỹ dự báo sẽ cao kỷ lục đã gây áp lực giảm giá ngô và đậu tương.

Tại Chicago, giá đậu tương và ngô giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần. Cụ thể, đậu tương giao tháng 11/2018 giảm 7 US cent xuống 8,48-1/4 USD/bushel vào lúc đóng cửa, trước đó có thời điểm chỉ 8,38-1/4 USD, thấp nhất kể từ 16/7/2018; ngô giao tháng 12/2018 có lúc cũng chỉ 3,57-1/2 USD/bushel, thấp nhất kể từ giữa tháng 7/2018 và kết thúc giảm 1-1/4 US cent so với phiên trước, xuống 3,61-1/2 USD.

Xu hướng giá tại Trung Quốc cũng tương tự. Đậu tương kỳ hạn giao sau giữa phiên vừa qua giảm 1,8% xuống 3.558 CNY (521,97 USD)/tấn, thấp nhất trong vòng gần 10 năm, sau đó hồi phục nhẹ vào buổi chiều. Khô đậu tương giao tháng 1/2019 cũng giảm 2,8% xuống 3.042 CNY/tấn, thấp nhất gần 2 tháng. Tồn trữ cả 2 loại này ở Trung Quốc hiện đang ở mức cao.

Trung Quốc đã tiêu hủy hơn 25.000 con lợn trong vòng một tháng qua sau khi phát hiện có 4 vụ nhiễm bệnh cúm lợn châu Phi. Nhiều chuyên gia dự báo giá đậu tương và khô đậu tương tại Trung Quốc sẽ còn giảm nữa bởi Mỹ bội thu và tiền real Brazil trượt giá.

Gạo châu Á dự báo tăng

Thông tin từ Philippines và Trung Quốc có thể đẩy giá gạo tăng trong thời gian tới. Bộ trưởng Nông nghiệp Philippines vừa đề nghị lĩnh vực tư nhân nhập khẩu thêm 132.000 tấn gạo để giải quyết tình trạng nguồn cung "rất khan hiếm" ở các tỉnh phía nam nước này. Trong khi đó tại Trung Quốc, saản lượng gạo vụ thứ nhất (vụ sớm) năm nay giảm so với năm ngoái, giảm 4,3% xuống mức 28,59 triệu tấn, trong chương trình cải cách cơ cấu nguồn cung cấp nông sản của nước này. Diện tích lúa vụ sớm năm nay của Trung Quốc là 4,79 triệu ha, giảm 6,8% so với cùng vụ năm ngoái, và năng suất trên mỗi ha tăng 2,7% lên 5,96 tấn. Sản lượng giảm một phần nữa cũng bởi nông dân giảm diện tích lúa để tăng trồng đậu tương, và thiếu mưa ở khu vực miền nam.

Cao su giảm

Giá cao su tại Tokyo biến động thất thường trong phiên vừa qua, tăng vào đầu phiên nhưng giảm vào cuối phiên theo xu hướng giá cao su kỳ hạn giao sau tại Singapore, mặc dù gần đây xảy ra lũ lụt ở các khu vực trồng cao su của Indonesia. Cao su giao tháng 1/2019 tại Tokyo kết thúc phiên giảm 0,6 JPY xuống 175,3 JPY (1,59 USD)/kg; hợp đồng giao tháng 8/2018 đáo hạn vào ngày 27/8/2018 ở mức tăng 0,7 JPY len 162,7 JPY/kg. Tại các thị trường khác, giá cao su Malaysia giảm do ringgit mạnh lên so với USD. Cao su SMR20 giảm 8 sen xuống 548 sen/kg, trong khi mủ giảm 3 sen xuống 403 sen/kg; giá tại Singapore giảm 1,5 cent xuống 134,1 US cent/kg (kỳ hạn tháng 9/2018); song tại Thượng Hải tăng 10 CNY lên 12.515 CNY (1.821 USD)/tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 28/8

Thị trường ngày 28/8/2018: Giá dầu tăng, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm mạnh, thép đi xuống ngày thứ 4 liên tiếp - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên