Thị trường ngày 28/9: Giá dầu Brent gần chạm 80 USD/thùng, sắt thép đồng loạt tăng mạnh
Ảnh minh họa.
Giá năng lượng tăng mạnh trong phiên vừa qua, theo đó dầu cao nhất trong vòng nhiều năm do cung không đáp ứng kịp nhu cầu. Tình trạng thiếu năng lượng cũng ảnh hưởng tới nhóm giá kim loại cơ bản, gây áp lực giảm cho nhóm hàng hóa này. Riêng giá sắt thép tăng vì sản lượng thép ở Trung Quốc co lại.
- 24-09-2021Thị trường ngày 24/9: Giá dầu lên mức cao nhất 2 tháng, thiếc, cà phê tăng mạnh trong khi vàng giảm 1%
- 23-09-2021Thị trường ngày 23/9: Giá đồng tăng gần 4%, dầu và các hàng hóa khác đồng loạt leo cao
- 22-09-2021Thị trường ngày 22/9: Giá dầu, vàng, cà phê tăng, cao su giảm hơn 5%
Dầu Brent gần chạm 80 USD/thùng do nguồn cung thắt chặt
Giá dầu tăng trong phiên vừa qua, là phiên tăng thứ 5 liên tiếp, với dầu Brent chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018, gần chạm 80 USD, do các nhà đầu tư lo lắng về tình trạng thiếu cung ngày càng trầm trọng do nhu cầu tăng trên khắp thế giới.
Kết thúc phiên này, dầu Brent tăng 1,44 USD, tương đương 1,8%, lên 79,53 USD/thùng, sau ba tuần tăng liên tiếp. Dầu Tây Texas Mỹ (WTI) phen này cũng tăng 1,47 USD, tương đương 2%, lên 75,45 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 7, sau khi tăng tuần thứ năm liên tiếp.
Nguồn cung của Mỹ bị thắt chặt sau khi sản xuất ở Vịnh Mexico bị gián đoạn, khiến cho lượng tồn trữ của nước này sụt giảm mạnh. Trong khi đó, các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, được gọi là OPEC +, đang gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng do việc hạn chế đầu tư hoặc trì hoãn kéo dài việc bảo trì vì đại dịch.
Nhập khẩu dầu của Ấn Độ tháng 8 đạt mức cao nhất 3, phục hồi từ mức thấp nhất gần một năm chạm tới hồi tháng 7, khi các nhà máy lọc dầu ở nước nhập khẩu dầu thô lớn thứ hai thế giới này tăng cường tích trữ dầu thô vì dự đoán nhu cầu sẽ tăng.
Đđợt bán dầu thô dự trữ quốc gia của Trung Quốc - lần đầu tiên công khai bán - hầu như không có tác dụng ngăn cản giá tăng, khi PetroChina và Hengli Petrochemical đã mua 4 chuyến hàng với tổng trị giá khoảng 4,43 triệu thùng.
Goldman Sachs đã điều chỉnh tăng dự báo về giá dầu Brent cuối năm 2021 thêm 10 USD lên 90 USD/thùng.
Khí gas tăng 11% đạt cao nhất 7 năm
Giá khí tự nhiên của Mỹ tăng 11% lên mức cao nhất 7 năm trong phiên vừa qua do giá khí đốt trên toàn cầu cao kỷ lục khiến xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ tăng mạnh.
Kết thúc phiên, khí đốt kỳ hạn tháng 10 tăng 65,6 US cent (11%) lên 5,706 USD/mmBtu, mức cao nhất kể từ tháng 2 năm 2014, kỳ hạn tháng 11 tăng 58 US cent lên 5,78 USD/mmBtu.
Vàng không đổi
Giá vàng gần như không thay đổi trong phiên giao dịch vừa qua, trong bối cảnh USD và lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ cùng tăng cản trở giá vàng tăng, trong khi các nhà đầu tư chờ đợi những bài phát biểu của các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) để biết thêm manh mối về chiến lược giảm dần kích thích kinh tế.
Kết thúc phiên này, vàng giao ngay vững ở 1.752,19 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 12 cũng gần như không thay đổi, ở mức 1.752 USD/ounce.
Đồng USD phiên này đã tăng 0,1% so với các đồng tiền đối tác chủ chốt, khiến vàng trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, trong khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn tham chiếu – 10 năm – tăng lên mức cao nhất 3 tháng.
Thị trường sẽ tập trung vào những bài phát biểu của các quan chức Fed trong tuần này, trong đó Chủ tịch Jerome Powell sẽ sẽ điều trần trước Quốc hội về phản ứng của ngân hàng trung ương đối với đại dịch (sẽ đưa ra chính sách như thế nào).
Kim loại công nghiệp giảm
Giá kim loại công nghiệp chịu áp lực giảm trong phiên vừa qua do hoạt động bán tháp vì nhà đầu tư lo ngại nhu cầu từ Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới, có thể giảm do cuộc khủng hoảng điện ở nước này.
Tình trạng thiếu điện ở Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng, buộc nhiều nhà máy phải ngừng sản xuất, trong đó có nhiều nhà máy cung cấp linh kiện / phụ tùng cho Apple và Tesla. Nguồn cung cấp than ngày càng khan hiếm và những tiêu chuẩn về khí thải chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng thiếu điện trên khắp Trung Quốc.
Trong số các kim loại cơ bản giao dịch trên sàn London, giá thiếc phiên vừa qua giảm mạnh nhất, mất 4,2% xuống 35.000 USD/tấn, từ mức cao kỷ lục đạt được hồi tuần trước, là 36.836 USD/tấn.
Nickel cũng giảm 2,2% trong phiên này xuống 18.950 USD/tấn do dự báo sản lượng ở các nhà máy thép không gỉ của nước này giảm vì tình trạng thiếu điện. 2/3 tiêu thụ nickel trên toàn cầu dành cho ngành thép không gỉ, chủ yếu ở Trung Quốc.
Riêng giá đồng tăng 0,4% lên 9.370 USD/tấn do đồng dự trữ ở các kho của Trung Quốc đang ở mức thấp kỷ lục.
Sắt thép tăng
Giá quặng sắt tại Trung Quốc tăng phiên thứ ba liên tiếp, tăng hơn 5% lên vượt mức chủ chốt 700 CNY/tấn, trong khi thép thanh và thép cuộn cán nóng cũng tăng giữa bối cảnh sản xuất bị kiểm soát do thiếu điện. Theo đó, quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2022 trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên sáng 27/9 tăng 5,3% lên 715 CNY (110,57 USD)/tấn, lúc kết thúc phiên giảm nhẹ xuống 703 CNY, song vẫn tăng 3,5% so với phiên giao dịch liền trước. Trên sàn Singapore, giá quặng sắt cũng tăng 1,7% lên 120,35 USD/tấn. Trong khi đó, quặng sắt nhập khẩu vào Trung Quốc (hàm lượng 62%) tăng 1 USD lên 113 USD/tấn, theo dữ liệu của công ty tư vấn SteelHome.
Giá thép cũng tăng do chính sách hạn chế sản xuất ở các khu vực sản xuất thép chủ chốt để tiết kiệm điện. Theo đó, thép cây tăng 1,0% lên 5.564 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 0,6% lên mức 5.592 CNY/tấn, trong khi thép không gỉ giảm 4,3% xuống 20.415 CNY/tấn.
Tỷ lệ sử dụng công suất của 247 lò cao tại các nhà máy thép trên khắp Trung Quốc tuần qua ở mức 82,06%, giảm so với mức 83,74% của tuần trước đó.
Cao su tăng
Giá cao su tại Nhật Bản tăng trong phiên vừa qua do kỳ vọng Tân Thủ tướng Nhật Bản sẽ tiếp tục các chương trình kích thích kinh tế của nhà tiền nhiệm, và do giá cao su tại Thượng Hải hồi phục vì giá dầu tăng mạnh.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3 trên sàn Osaka kết thúc phiên tăng 5,9 JPY lên 206,7 yên/kg. Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2022 tăng 395 CNY lên 13.705 CNY (2.119 USD)/tấn.
Ngô, đậu tương tăng
Giá ngô Mỹ tăng khoảng 2% trong phiên giao dịch vừa qua do ảnh hưởng bởi giá dầu mỏ. Đậu tương cũng tăng giá trong phiên này sau khi Trung Quốc đặt mua một số lô đậu tương của Mỹ.
Kết thúc phiên giao dịch, giá ngô kỳ hạn tháng 12 tăng 12-3/4 US cent lên 5,39-1/2 USD/tấn, trong phiên có lúc đạt 5,40 USD, mức cao nhất của hợp đồng này kể từ ngày 31 tháng 8.
Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11 kết thúc phiên tăng 2-1/2 cent ở mức 12,87-1/2 USD/bushel, trong khi lúa mì kỳ hạn tháng 12 giảm 1-1/2 cent xuống 7,22-1/4 USD/tấn.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12 giảm 0,1% xuống 1,9420 USD/lb, trong khi đó giá robusta kỳ hạn tháng 11 giảm 0,4% xuống 2.139 USD/tấn.
Mặc dù giảm song giá arabica hiện vẫn ở gần mức cao nhất 3 tuần, đạt được vào hôm thứ Sáu (1,9530 USD/lb) bởi những lo ngại về mùa màng ở Brazil – nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, nơi khô hạn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng, mặc dù tuần này dự báo một số khu vực sẽ có mưa.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 28/9