Thị trường ngày 29/12: Giá dầu, vàng, cao su cùng giảm, đồng và than tăng
Giá dầu và cao su giảm trong phiên vừa qua do lo ngại nhu cầu yếu đi vì sự lây lan của virus Covid-19 biến thể, trong khi giá vàng cũng giảm vì USD mạnh lên; giá kim loại đồng loạt hướng lên, than đá kéo dài chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp. Thị trường London đóng cửa nghỉ lễ Boxing Day.
- 28-12-2020Thị trường dầu mỏ được dự báo "sẽ xấu đi nhanh" trong vài ngày tới
- 26-12-202010 sự kiện nổi bật nhất thị trường hàng hóa - nguyên liệu trong và ngoài nước năm 2020
- 26-12-2020Thị trường ngày 26/12: Giá đồng, quặng sắt, cao su Châu Á tiếp tục tăng
Dầu giảm vì lo ngại về nhu cầu
Giá dầu giảm trong phiên đêm qua do ngại nhu cầu nhiên liệu sẽ giảm sút hơn nữa trong khi có khả năng OPEC+ sẽ nâng sản lượng. Những yếu tố này đã làm át đi tâm lý lạc quan về gói kích thích kinh tế của Mỹ.
Phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ giáng sinh, giá dầu tăng mạnh vào những giờ đầu giao dịch, khi Brent đạt trên 52 USD/thùng do Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký dự luật kích thích kinh tế trị giá 2,3 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, virus biến thể mới đã khiến ngày càng nhiều quốc gia siết chặt quy định về hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng đến nhu cầu xăng dầu trong ngắn hạn, từ đó gây áp lực giảm giá, giữa bối cảnh số ca nhiễm và nhâp viện vì virus Covid-19 tăng mạnh ở nhiều khu vực của Châu Âu và Châu Phi.
Kết thúc phiên, dầu Brent ở mức 50,86 USD/thùng, giảm 43 US cent (0,84%) so với phiên liền trước, sau khi có thời điểm đạt 50,52 USD; dầu Tây Texas (WTI) giảm 61 US cent (1,26%) xuống 47,62 USD/thùng.
Lo ngại về những tác động tiêu cực của Covid-19 đang gia tăng khi kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới chứng kiến ngày càng nhiều nước thực hiện giãn cách xã hội. Trong khi đó, OPEC+ dự kiến sẽ nâng sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày từ tháng 1/2021, và Nga đang mong muốn tăng thêm tương tự như vậy trong tháng tiếp theo – tháng 2.
Vàng giảm do USD mạnh lên
Giá vàng vừa trải qua một phiên giao dịch nhiều biến động và kết thúc ở mức giảm so với phiên liền trước, giữa bối cảnh đồng USD hồi phục và chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm sau khi Tổng thống Mỹ ký dự luật về gói cứu trợ cho những nạn nhân của Covid-109 – đã được chờ đợi từ rất lâu.
Kết thúc phiên vừa qua, giá vàng giao ngay tương đối ổn định ở 1.875,99 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 2/2021 giảm 0,2% xuống 1.880.4 USD/ounce.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao của RJO Futures cho biết: "Chúng ta đang bước vào kỳ nghỉ lễ. Trên thực tế, có nhiều thứ không cần thay đổi ngay bây giờ", và "Có thể đó chỉ do tác động từ thị trường tiền tệ (đồng USD), và cuối cùng thì giá vàng sẽ tiếp tục tăng".
Chỉ số dollar index đã tăng trở lại, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tuần lúc trước đó, khiến giá vàng trở nên đắt đỏ đối với những người mua vằng các loại tiền tệ khác.
Tổng thống Trump ngày 27/12 đã ký dự luật chi tiêu của Chính phủ và cứu trợ những nạn nhân của đại dịch trị giá 2,3 nghìn tỷ USD, qua đó hàng triệu người Mỹ sẽ được khôi phục chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp vì Covid-19.
Đồng tăng 3 phiên liên tiếp
Giá đồng trên sàn Thượng Hải tiếp tục tăng phiên thứ 3 liên tiếp do triển vọng nhu cầu sẽ được cải thiện sau khi Tổng thống Trump ký thông qua gói kích thích kinh tế, trong đó có 900 tỷ hỗ trợ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Trên sàn Thượng Hải, đồng kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,9% lên 58.770 CNY (9.998,07 USD)/tấn.
Góp phần hỗ trợ giá đồng tăng là thông tin lợi nhuận của các công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc tháng 11/2020 đã tăng tháng thứ 7 liên tiếp, nhờ doanh số tiêu thụ sản phẩm tăng mạnh mẽ kể từ sau đạt đại dịch Covid-19 bùng phát ở nước này hồi đầu năm.
Sắt giảm, thép xây dựng tăng
Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên phiên vừa qua giảm 0,2% còn 1.032 CNY/tấn, trong khi quặng sắt 62% nhập khẩu cũng giảm xuống 166 USD/tấn ở phiên liền trước.
Giá thép xây dựng trên sàn Thượng Hải tăng 0,1% lên 4.278 CNY/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,3% xuống 4.475 CNY/tấn, và thép không gỉ kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,4% lên 13.625 CNY/tấn.
Than tăng liền 3 phiên
Giá than cốc tại Trung Quốc đã trải qua 3 phiên tăng liên tiếp do lượng nhập khẩu và tồn trữ đều giảm giữa bối cảnh các mỏ than bắt đầu kỳ bảo trì (khoảng 3-5 ngày), làm gia tăng lo ngại nguồn cung sẽ giảm sút.
Tồn trữ than luyện cốc tại các nhà máy luyện cốc và các nhà máy thép đã giảm xuống còn 18,36 triệu tấn tính đến 25/12, từ mức 18,49 triệu tấn của tuần trước đó, theo số liệu của công ty tư vấn Mysteel.
Mối lo về nguồn cung càng gia tăng khi nhập khẩu than từ Australia vào Trung Quốc đã giảm gần 37% xuống còn 3,7 triệu tấn trong tháng 11/2020 (so với tháng 10/2020).
Phiên vừa qua, giá than cốc trên sàn Đại Liên, kỳ hạn giao tháng 5, tăng 5,4% lên 1.733 CNY (265,34 USD)/tấn, trước đó có thời điểm giá đạt 1.745 CNY/tấn; than cốc cũng tăng 3% lên 2.874 CNY/tấn.
Đậu tương giảm khỏi mức cao nhất 6,5 năm, ngô tăng
Giá đậu tương trên sàn Chicago phiên 28/12 có lúc đạt mức cao nhất 6,5 năm, trước khi diễn ra các cuộc đàm phán liên quan đến cuộc đình công của công nhân ngành hạt có dầu ở Argentina. Tuy nhiên, sau đó giá đã giảm trở lại.
Kết thúc phiên giao dịch, đậu tương giảm 7-1/4 US cent xuống 12,57-1/4 USD/bushel, mức giảm mạnh nhất kể từ 8/12, sau khi có thời điểm đạt 12,8-1/2 USD/bushel – cao nhất kể từ 23/6/2014.
Một cuộc đình công của công nhân ngành hạt có dầu và ngũ cốc đã k hiến các cảng của Argentina bị tê liệt, hơn 140 tàu xuất khẩu bị mắc kẹt.
Trong khi đó, giá ngô được hỗ trợ bởi lượng xuất khẩu hàng tuần của Mỹ tăng mạnh và có hợp đồng mới bán 150.000 tấn đến địa chỉ chưa xác định. Phiên vừa qua, giá ngô trên sàn Chicago đã tăng tăng 5-1/2 US cent/lb lên 4,56-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ 15/7/2019.
Lúa mì giảm
Giá lúa mì Mỹ giảm do thời tiết ở các khu vực trồng lúa mì ở Mỹ tốt lên, đem lại hy vọng nguồn cung trên toàn cầu sẽ ổn định.
Chủ tịch của Global Commodity Analytics, Mike Zuzolo, cho biết: "Hai yếu tố lớn nhất (tác động tới thị trường lúa mì) là thời tiết ở Mỹ và thuế xuất khẩu của Nga. "Tình trạng tuyết và mưa đã tốt lên ở khu vực trồng lúa mì của Mỹ".
Kết thúc phiên vừa qua, giá lúa mì trên sàn Chicago giảm 12-3/4 US cent xuống 6,14-1/4 USD/bushel.
Đường vượt 15 US cent
Giá đường thô kết thúc phiên vừa qua tăng 0,08% lên 14,98 US cent/lb, sau khi có thời điểm đạt 15.13 US cent/lb – cao nhất kể từ 27/11.
Thị trường có dấu hiệu sôi động lên sau khi Indonesia cấp giấy phép mới cho nhập khẩu đường. Trong khi đó, các đại lý Ấn Độ cho biết tiếp tục nhận hợp đồng xuất khẩu đường vụ mới, với tổng khối lượng đơn hàng đã đạt 615.000 tấn.
Tuy nhiên, triển vọng vụ mùa mía Brazil phát triển thuận lợi đang hạn chế đà tăng giá.
Cà phê arabica giảm khoảng 2%
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2021 giảm 2,6 US cent (2,1%) xuống 1,2335 USD/lb. Sàn London vẫn đóng cửa nên chưa có giá mới cho cà phê robusta.
Thời tiết ở Brazil đã có mưa, giúp cho cây cà phê hồi phục, trong khi lo ngại về nhu cầu lại gia tăng khi ngày càng nhiều nước phải đóng cửa lần nữa để ngăn chặn sự lây lan của viurs biến thể.
Cao su trượt dốc
Giá cao su tại Nhật Bản giảm trong phiên vừa qua, theo xu hướng giá ở Thượng Hải, do dịch Covid-19 vẫn đang lây lan nhanh gây tâm lý bi quan cho nhà đầu tư cao su.
Kết thúc phiên vừa qua, cao su kỳ hạn tháng 6 trên sàn Osaka giảm 7,9 JPY xuống 227,1 JPY (2,20 USD)/kg, thấp hơn 7,9 JPY so với lúc mở cửa. Hợp đồng này tuần qua đã mất giá 4,5% cũng do lo ngại về virus biến thể.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5 cũng giảm 185 CNY (28,30 USD) xuống 14.015 CNY/tấn.
"Sản xuất (lốp xe) ở miền Bắc Trung Quốc cũng bị hạn chế vì lý do bảo vệ môi trường, trong khi ở miền Đông Trung Quốc, việc hạn chế sử dụng điện đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà máy", nhà phân tích Tang Xiaonan của JLC Network Technology Co Ltd. cho biết.
Mặt khác, tình trạng thiếu container vận chuyển cũng ảnh hưởng tới xuất khẩu lốp xe. Tất cả những yếu tố này dẫn tới nhu cầu cao su nguyên liệu sụt giảm.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 29/12