Thị trường ngày 3/3: Giá dầu xuống thấp nhất 2 tuần; vàng, đường và thép xây dựng đảo chiều tăng
Giá một số hàng hóa như vàng, kim loại cơ bản, ngũ cốc… tăng trở lại trong phiên giao dịch vừa qua sau khi giảm ở phiên trước đó. Tuy nhiên, giá dầu lại xuống mức thấp nhất 2 tuần; sắt thép và cao su cũng giảm.
- 03-03-2021Saudi Arabia có thể sắp tăng giá bán dầu sang Châu Á
- 02-03-2021Giá vàng giảm ngày thứ 5 liên tiếp, chạm đáy mới của 8,5 tháng
- 02-03-2021Thị trường ngày 2/3: Giá dầu, vàng, sắt thép, cao su… đồng loạt lao dốc
Dầu thấp nhất 2 tuần
Giá dầu giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần trong phiên 2/3 do dự báo OPEC+ tại cuộc họp sắp tới sẽ quyết định nâng sản lượng khi các nền kinh tế hồi phục sau khủng hoảng Covid-19.
Kết thúc phiên giao dịch, giá dầu Brent giảm 99 US cent (1,6%) xuống 62,7 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 12/2. Như vậy, giá dầu Brent đã giảm khoảng 7% kể từ mức cao nhất 13 tháng đạt được vào tuần trước.
Dầu Tây Texas phiên này cũng giảm 89 US cent (1,5%) xuống 59,75 USD/thùng, thấp nhất kể từ 19/2. Dầu WTI cũng đã mất khoảng 6% kể từ ngày 25/2 – thời điểm giá cao nhất kể từ tháng 5/2019.
Giá dầu giảm nhanh do dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Mỹ cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của nước này tuần qua tăng mạnh, mặc dù tồn trữ các sản phẩm chưng cất sụt giảm nhiều hơn so với dự kiến.
Như vậy, sóng tăng giá lần này của thị trường dầu mỏ nhanh chóng tan đi bởi dự báo Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh (OPEC+) sẽ nâng sản lượng dầu thô so với hiện tại kể từ tháng 4 tới.
Vàng tăng trở lại
Giá vàng tăng trong phiên vừa qua, thoát khỏi mức thấp nhất trong vòng hơn 8 tháng, do đồng USD yếu đi và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm sút khiến cho nhu cầu đối với tài sản an toàn lại tăng lên.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 1.736,46 USD/ounce, trước đó trong cùng phiên có lúc xuống chỉ 1.706,7 USD/ounce (thấp nhất kể từ 15/6); vàng kỳ hạn tháng 4/2021 tăng 0,6% lên 1.733,6 USD/ounce.
Chỉ số dollar index đã giảm 0,3% sau khi đạt mức cao nhất gần 4 tuần so với các đồng tiền đối tác chủ chốt.
Chuyên gia Tai Wong thuộc ngân hàng đầu tư BMO ở New York, cho biết: "Việc giá vàng hồi phục tới 30 USD từ mức thấp hơn 8 tháng ở thị trường Châu Á cho thấy các nhà đầu tư và nhà đầu cơ ngắn hạn đang kích hoạt hoạt động bán khống để săn lùng mua món hời. Việc giá đóng cửa trên ngưỡng 1.725 USD/ounce được nhiều người coi là một phiên đảo chiều quan trọng".
Đồng tăng
Giá đồng tăng vượt 9.000 USD/tấn sau 2 phiên giảm giá trước đó do nhiều nhà phân tích dự đoán giá kim loại này sẽ tăng. Nhôm cũng hồi phục khi tăng 4,3% trong phiên vừa qua – mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 10/2018.
Kết thúc phiên giao dịch, đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 2,3% lên 9.250,50 USD/tấn, gần sát mức cao nhất 10 năm đạt được vào tuần trước – là 9.617 USD.
Giá nhôm cũng tăng 4,2% trong phiên này, lên 2.219,5 USD/tấn, gần sát mức cao nhất 2,5 năm là 2.243 USD/tấn hồi tuần trước. Các nhà phân tích của Citi nhận định, những vấn đề về nguồn cung sẽ giữ giá nhôm năm 2021 trung bình ở 2.350 USD/tấn, còn 2022 ở 2.500 USD/tấn.
Thép không gỉ giảm, thép thanh và cuộn cán nóng tăng giá
Giá thép không gỉ trên thị trường Trung Quốc giảm do lượng tồn kho ở Trung Quốc tăng giữa bối cảnh hoạt động của các lĩnh vực hạ nguồn vẫn chậm sau kỳ nghỉ Tết.
Cụ thể, thép không gỉ kỳ hạn tháng 5 giảm 1,8% xuống 14.900 CNY (2.301,76 USD)t/tấn, trong phiên có lúc xuống chỉ 14.775 CNY/tấn.
Tồn trữ thép không gỉ ở Trung Quốc tuần qua đã tăng 15,38% so với tuần trước đó, lên 520.500 tấn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của Huatai Futures vẫn lạc quan về triển vọng giá thép không gỉ bởi nhu cầu đang vào mùa cao điểm.
Giá các sản phẩm thép khác trên sàn Thượng Hải cũng chung xu hướng tăng trong phiên vừa qua sau khi Bộ trưởng Công nghiệp Trung Quốc thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng thép trong năm nay.
Theo đó, thép thanh vằn tăng 1,8% lên 4.732 CNY/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,1% lên 4.907 CNY/tấn.
Ngô, đậu tương tăng
Giá ngũ cốc và đậu tương đều tăng trong phiên vừa qua, trái ngược với xu hướng giảm ở phiên trước đó, do lo ngại về thời tiết bất lợi ở các khu vực trồng đậu tương của Nam Mỹ như nắng nóng và khô hạn ở Argentina và mưa quá nhiều ở Brazil, có thể làm giảm năng suất.
Cụ thể, giá ngô tăng 6-3/4 US cent lên 5,45 USD/bushel, đậu tương tăng 21-1/4 US cent lên 14,12-1/2 USD/bushel, lúa mì tăng 16 US cent lên 6,66-1/4 USD/bushel.
Cà phê giảm
Giá cà phê arabica giảm do đồng real của Brazil trượt giá so với USD khích lệ việc bán ra. Arabica kỳ hạn tháng 3 phiên này đã giảm 1,95 US cent (1,4%) xuống 1,332 USD/lb. Đồng real đã giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng. Mặc dù giảm ở phiên này song thị trường vẫn dự đoán giá sẽ tăng bởi sản lượng của Brazil năm nay dự báo giảm.
Giá robusta phiên này cũng giảm 15 USD (1%) xuống 1.450 USD/tấn.
Đường tăng
Giá đường thô kỳ hạn tháng 5 tăng 0,22 US cent lên 16,43 US cent/lb, phiên tăng giá đầu tiên trong 6 phiên gần đây. Đường trắng giao cùng kỳ hạn phiên này cũng tăng giá thêm 7,7 USD (1,7%) lên 465,80 USD/1tấn.
Cao su giảm
Giá cao su tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Theo đó, cao su kỳ hạn tháng 8 trên sàn Osaka giảm 6,4 JPY (2,4%) xuống 260,1 JPY/kg, thấp nhất kể từ 19/2. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp sau khi có dữ liệu cho thấy các công ty Nhật Bản giảm mạnh chi tiêu cho nhà máy và thiết bị trong quý IV/2020, là quý thứ 3 liên tiếp giảm đầu tư do nghi ngờ về khả năng hồi phục kinh tế sáu đại dịch Covid-19.
Trên sàn Thượng Hải, giá cao su kỳ hạn tháng 5 cũng giảm 3% xuống 15.445 CNY/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 3/3