Thị trường ngày 30/4: Giá dầu và khí giảm, vàng và quặng sắt tăng vọt, bông đạt ‘đỉnh’ 11 năm
Trung Quốc tuyên bố sẽ gia tăng các biện pháp kích thích kinh tế đẩy giá một số mặt hàng công nghiệp như kim loại tăng mạnh. Trái lại, giá dầu đi xuống, khí đốt cũng giảm bởi nguồn cung tiếp tục được đảm bảo.
- 30-04-2022Bộ Công Thương: Giá xăng dầu tăng nhưng vẫn thấp so với thế giới
- 28-04-2022Thị trường ngày 28/4: Giá khí đốt tăng vọt, ngô đạt ‘đỉnh’ 10 năm, dầu đậu tương cao kỷ lục lịch sử
Giá dầu giảm
Giá dầu giảm trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 4 trong không khí giao dịch nhiều biến động, trong đó giá dầu sưởi của Mỹ có lúc giảm mạnh, hơn 20%.
Giá dầu sưởi Mỹ kỳ hạn tháng 5, đại diện cho giá dầu diesel, đã tăng vọt lên mức cao kỷ lục 5,8595 USD/gallon trước khi giảm xuống chỉ còn 4,4067 USD/gallon. Giá dầu diesel kỳ hạn tương lai tăng vọt như vậy là do các nhà đầu tư lo lắng về nguồn cung thắt chặt trên toàn cầu sau khi bùng nổ xung đột giữa Nga và Ukraine.
Dầu Brent kỳ hạn tháng 6 kết thúc phiên này giảm 12 US cent xuống 107,14 USD/thùng, kỳ hạn tháng 5 – đáo hạn trong ngày 29/4 – tăng 1,75 USD lên mức 109,34 đô la/thùng. Giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) giảm 67 US cent xuống 104,69 USD/thùng, khi các nhà giao dịch bán các hợp đồng năng lượng trên diện rộng.
Tính chung cả tuần, giá dầu Brent và WTI đều tăng, và tính chung cả tháng 4 tăng tháng thứ 5 liên tiếp, với dầu Brent tháng này tăng 1,3%, trong khi WTI tăng 4,4%.
Vàng tăng hơn 1%
Giá vàng tăng 1% trong phiên 29/4 do USD giảm giá, nhưng tính chung cả tháng 4 giảm do nhà đầu tư đặt cược vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Giá vàng giao ngay kết thúc phiên vừa qua tăng 0,9% lên 1.911,14 USD/ounce, song tính chung cả tháng 4 giảm 1,4%, là tháng giảm đầu tiên kể từ tháng 1/2022.
Giá vàng kỳ hạn tháng 6/2022 tăng 1,1% lên 1.911,70 USD/ounce.
Chỉ số Dollar index giảm 0,7%, sau khi chạm mức cao nhất 20 năm ở phiên liền trước (28/4), khiến vàng trở nên bớt đắt đỏ hơn đối với những người mua bằng các loại tiền tệ khác, là lý do khiến giá vàng tăng trong phiên cuối tuần.
Giá đồng tăng
Giá đồng phục hồi trong phiên cuối tuần sau khi nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - Trung Quốc - cam kết hỗ trợ nhiều hơn cho nền kinh tế ‘ốm yếu’ của mình và đồng USD giảm khỏi mức cao nhất trong vòng 20 năm, nhưng tính chung cả tháng 4 kim loại này vẫn giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2021.
Giá đồng kỳ hạn 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) kết thúc phiên tăng 0,8% lên 9,780 USD/tấn, tính chung cả tháng giảm hơn 5%.
Bộ Chính trị Trung Quốc đã cam kết sẽ bổ sung các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế để vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Quặng sắt tăng vọt
Giá quặng sắt kỳ Trung Quốc tăng phiên thứ tư liên tiếp do kỳ vọng nhu cầu sẽ gia tăng sau khi Bắc Kinh cam kết tăng cường hỗ trợ chính sách để ổn định nền kinh tế.
Giá quặng sắt trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên tăng 4,2% lên 870 nhân dân tệ (132,05 USD)/tấn vào lúc kết thúc phiên giao dịch.
Giá thép thanh vằn kỳ hạn giao tháng 10 trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải cũng tăng 1,6% ở mức 4.910 nhân dân tệ/tấn; thép cuộn cán nóng tăng 1,5% lên 4.996 nhân dân tệ/tấn.
Giá thép không gỉ giao tháng 6 trên sàn Thượng Hải giảm 0,6% xuống 19.360 nhân dân tệ/tấn vào thứ Sáu.
Khí đốt giảm
Giá khí đốt ở cả châu Âu và châu Á đều giảm trong phiên vừa qua do nguồn cung dồi dào và tác động của việc Nga dừng xuất khẩu khí đốt sang Balan và Bulgaria giảm dần.
Trên thị trường khí đốt Hà Lan, hợp đồng khí đốt TTF giao tháng 6 giảm 2,70 euro xuống 99,00 euro/megawatt giờ (MWh); hợp đồng hợp đồng hàng tuần giảm 10,78 euro xuống 99,50 euro/MWh.
Trên thị trường Anh, hợp đồng hàng tuần cũng giảm 9,00 pence xuống 120,00 pence/therm.
Hôm thứ Năm, Ủy ban châu Âu cảnh báo những người mua khí đốt của Nga rằng họ có thể vi phạm các lệnh trừng phạt nếu chuyển tiền thanh toán khí đốt thành rúp Nga, trong bối cảnh các quan chức trong khu vực đang đấu tranh để làm rõ lập trường của EU về kế hoạch thanh toán của Moscow, vốn đã gây ra sự bất đồng trong khối.
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) giao ngay tại châu Á cũng giảm vào cuối tuần này lại do nhu cầu nhập khẩu của châu Á giảm, sau khi tăng một thời gian ngắn vào đầu tuần này khi nguồn cung của Nga sang Ba Lan và Bulgaria ngừng lại.
Các nguồn tin trong ngành cho biết, giá LNG trung bình kỳ hạn giao tháng 6 tại Đông Bắc Á ước tính là 23,50 USD/ mmBtu, giảm 1,90 USD, tương đương 7,5% so với tuần trước.
Bông cao nhất gần 11 năm
Giá bông trên sàn New York tăng tuần thứ 2 liên tiếp do các nhà máy hoạt động ổn định trong khi dự báo nguồn cung sẽ khan hiếm do thời tiết bất lợi.
Hợp đồng bông giao tháng 7/2022 kết thúc phiên vừa qua tăng 1,19 cent, tương đương 0,81%, lên 148,87 cent/lb; giá giao dịch trong phạm vi 144,44 - 151,1 cent/lb.
Tính chung cả tuần, giá đã tăng 9,7%, mức tăng nhiều nhất kể từ tháng 7, và tính chung cả tháng 4 tăng 12,2%.
Lúa mì giảm, ngô và đậu tương đi ngang
Giá lúa mì Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 3 tuần, giảm nhiều nhất là các hợp đồng lúa mì đổ cứng vụ đông, sau khi có mưa rào ở những khu vực trồng trọt quan trọng của Mỹ, làm gia tăng độ ẩm cần thiết cho cây.
Giá ngô không thay đổi vào lúc kết thúc phiên, sau khi có lúc tăng vọt lên mức cao nhất gần 10 năm trong ngày thứ ba liên tiếp do lo ngại rằng mưa và thời tiết mát mẻ sẽ tiếp tục trì hoãn việc trồng trọt ở khu vực trung tây nước Mỹ.
Giá đậu tương cũng đi ngang vào lúc đóng cửa, sau khi tăng lúc đầu phiên.
Hợp đồng lúa mì đỏ mềm mùa đông trên sàn Chicago, kỳ hạn tháng 7, kết thúc phiên giảm 30 US cent xuống 10,55-3/4 USD/bushel, lúa mì đỏ cứng vụ đông cũng giảm 35 US cent xuống 11,06-1/4 USD/bushel. Cả hai hợp đồng đều ở mức thấp nhất kể từ ngày 8 tháng 4.
Giá ngô Mỹ giao tháng 7 kết thúc phiên này không đổi ở mức 8,13-1/2 USD/bushel, sau khi có lúc đạt 8,24-1/2 USD/bushel.
Giá đậu tương giao tháng 7 cũng vững ở 16,84-3/4 USD/bushel.
Cà phê tăng
Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 kết thúc phiên tăng 4,5 cent, tương đương 2,1% lên 2,221 USD/lb.
Các đại lý cho biết các nhà xuất khẩu ở nhà sản xuất hàng đầu - Brazil - đã thận trọng trong việc bán ra, ngay cả khi đồng tiền Brazil suy yếu.
Cà phê robusta giao tháng 7 phiên này cũng tăng 18 USD, tương đương 0,9% lên 2.107 USD/tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 30/4: