MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 30/6: Giá dầu giảm gần 2%, đồng thấp nhất 16 tháng, đường, cà phê tăng

30-06-2022 - 08:27 AM | Thị trường

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Chốt phiên giao dịch 29/6 giá dầu giảm gần 2% khi tồn kho sản phẩm của Mỹ tăng đồng thời lo lắng về tăng trưởng kinh tế chậm lại, vàng tiếp tục biến động trong biên độ nhỏ, đồng, quặng sắt giảm bởi lo lắng về nhu cầu, đường, cà phê tăng.

Dầu giảm khoảng 2%

Giá dầu giảm khoảng 2% do tồn kho xăng, sản phẩm chưng cất của Mỹ tăng và lo lắng về tăng trưởng kinh tế đang chậm lại trên khắp thế giới bất chấp những lo ngại về nguồn cung dầu thô thắt chặt.

Chốt phiên 29/6, dầu Brent kỳ hạn tháng 8 giảm 1,72 USD hay 1,5% xuống 116,26 USD/thùng. Hợp đồng kỳ hạn tháng 8 này sẽ đáo hạn trong ngày 30/6, hợp đồng kỳ hạn tháng 9 giảm 1,25 USD xuống 112,45 USD/thùng. Dầu thô WTI kỳ hạn tháng 8 giảm 1,98 USD hay 1,8% xuống 109,78 USD/thùng.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tồn kho dầu thô của Mỹ giảm trong tuần trước ngay cả khi sản lượng đạt mức cao nhất kể từ tháng 4/2020 trong làn sóng đại dịch Covid-19 lần thứ nhất. Tồn kho nhiên liệu tăng do các nhà máy tăng cường hoạt động, công suất tới 95%, cao nhất vào thời điểm này trong 4 năm.

Hàng tồn kho bất ngờ tăng khiến giá xăng và sản phẩm chưng cất lần lượt giảm khoảng 3% và 4%. Giá dầu thô giảm theo giá nhiên liệu.

Cũng gây áp lực lên thị trường dầu là USD tăng so với rổ các đồng tiền chủ chốt lên mức cao nhất kể từ khi đạt cao nhất 19 năm hồi giữa tháng 6. USD mạnh khiến dầu đắt hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.

Dầu Brent và WTI tăng khoảng 7% trong ba phiên trước do lo lắng về nguồn cung thắt chặt một phần bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga.

Nhưng các nhà đầu tư cũng lo ngại rằng các nền kinh tế tăng trưởng chậm lại có thể làm giảm nhu cầu năng lượng khi các ngân hàng tăng lãi suất để chống lại lạm phát.

Chủ tịch Jerome Powell cho biết Cục dự trữ Liên bang Mỹ sẽ không để nền kinh tế này rơi vào cơ chế lạm phát cao hơn thậm chí điều đó đồng nghĩa với việc tăng lãi suất lên mức gây rủi ro cho tăng trưởng.

Sự bất ổn trên thị trường dầu khí toàn cầu có thể kéo dài trong thời gian tới do công suất dự phòng rất thấp trong khi nhu cầu vẫn đang phục hồi.

Tổ chức OPEC+ bắt đầu nhóm họp vào ngày thứ tư (29/6) trong hai ngày, với các nguồn tin cho biết cơ hội cho việc thay đổi chính sách lớn dường như không thể trong tháng này.

Các nhà phân tích lo ngại rằng Saudi Arabia và UAE có thể không đủ năng lượng dự phòng để bù cho nguồn cung bị mất của Nga.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng của UAE cho biết nước này (đang sản xuất khoảng 3 triệu thùng/ngày) có công suất dự phòng cao hơn hạn ngạch 3,17 triệu thùng/ngày của OPEC.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo bất ổn chính sách tại Ecuador và Libya có thể thắt chặt nguồn cung hơn nữa.

Vàng giảm nhẹ

Giá vàng biến động trong phạm vi hẹp do cân nhắc giữa việc tăng lãi suất tích cực và nguy cơ suy thoái ngày càng tăng.

Vàng giao ngay giảm 0,2% xuống 1.816,39 USD/ounce. Giá đã tăng khoảng 0,7% khi số liệu cho thấy nên kinh tế Mỹ giảm trong quý 1, sau đó từ bỏ mức tăng và biến động trong phạm vi hẹp đã thấy trong vài phiên qua. Vàng Mỹ kỳ hạn tháng 8 đóng cửa giảm 0,2% xuống 1.817,5 USD/ounce.

Vàng được xem như phòng hộ chống lại lạm phát nhưng lãi suất tăng làm tăng chi phí giữ vàng.

Các nhà đầu tư cũng xem xét bình luận của Chủ tịch Fed người cho biết mặc dù nguy cơ tăng lãi suất có thể làm chậm lại nền kinh tế quá nhiều nhưng nguy cơ lớn hơn là lạm phát kéo dài.

Giá đồng gần mức thấp nhất 16 tháng

Giá đồng giữ gần mức thấp nhất 16 tháng do các nhà đầu tư bị áp lực rằng lãi suất tăng nhanh chóng sẽ làm giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu kim loại.

Các kim loại công nghiệp giảm cùng với thị trường chứng khoán do các ngân hàng trung ương tăng cường thảo luận về hành động để kiềm chế lạm phát cao hàng thập kỷ.

Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch kim loại London LME tăng 0,6% lên 8.418 USD/tấn.

Giá nickel LME một thời gian ngắn tăng vọt sau khi Anh trừng phạt Vladimir Potanin, người sở hữu 36% của nhà sản xuất hàng đầu Norilsk Nickel. Cuối phiên nickel tăng 2,6% lên 23.750 USD/tấn.

Số liệu kinh tế yếu tại Châu Âu và Mỹ không ngăn cản các ngân hàng trung ương giảm những luận điệu cứng rắn của mình.

Một dấu hiệu tích cực cho nhu cầu kim loại, công ty xây dựng nhà Trung Quốc Vanke cho biết thị trường bất động sản nước này đang gặp khó khăn đã chạm đáy trong ngắn hạn. S&P cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay xuống còn 3,3%.

Các nhà phân tích của Standard Chartered cho biết gián đoạn sản xuất, rối loạn nguồn cung và dự trữ của sàn giao dịch tương đối thấp đã hỗ trợ giá kim loại.

Quặng sắt Singapore thoái lui do lo lắng về nhu cầu

Giá quặng sắt ở Singapore thoái lui sau hai ngày tăng, trong khi thị trường Đại Liên giảm bớt đà tăng sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nước này nên duy trì chiến lược quản lý đại dịch hiệu quả.

Việc Trung Quốc tuân thủ các biện pháp chống Covid-19 nghiêm ngặt ngay cả khi phần còn lại của thế giới cố gắng sống chung với virus đã làm suy yếu nền kinh tế của nước này, làm giảm nhu cầu tại nước nhập khẩu quặng sắt và sản xuất thép lớn nhất thế giới này.

Tại Singapore hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 7 giảm 2,2% xuống 121,5 USD/tấn.

Quặng sắt tại Singapore đã đạt mức cao nhất kể từ ngày 17/6 trong ngày 28/6 tại 125,1 USD/tấn, trong khi quặng sắt giao ngay hàm lượng 62% Fe tăng 3 USD lên 124 USD/tấn, theo công ty tư vấn số liệu SteelHome, do Trung Quốc nới lỏng những yêu cầu kiểm dịch cho khách quốc tế.

Trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên, Trung Quốc, hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 2,3% lên 803,5 CNY (119,89 USD)/tấn, tiếp tục tăng phiên thứ 4 nhưng thấp hơn nhiều mức cao trong ngày tại 822,5 CNY/tấn.

Thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,5%, thép cuộn cán nóng tăng 0,7%. Thép không gỉ giảm 0,5%.

Giá cao su Nhật Bản ổn định

Cao su Nhật Bản ổn định, do đồng JPY yếu và lạc quan về doanh số bán lẻ trong nước bù cho cổ phiếu Tokyo yếu hơn và những lo ngại về lĩnh vực ô tô.

Hợp đồng cao su kỳ hạn tháng 12 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa tăng 0,2 JPY hay 0,1% lên 259,4 JPY (1,91 USD)/kg, sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 13/6 tại 261 JPY trong phiên này.

Doanh số bán lẻ của Nhật Bản tăng tháng thứ 3 liên tiếp trong tháng 5, củng cố quan điểm tiêu dùng mạnh dẫn tới kinh tế phục hồi trong quý này, mặc dù lạm phát cao gây rủi ro cho chi tiêu của hộ gia đình trong thời gian còn lại của năm 2022.

Sản lượng toàn cầu của Tập đoàn Toyota trong 5 tháng đầu năm nay thấp hơn 9,7% so với mục tiêu của họ, đặt ra câu hỏi liệu các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể duy trì mục tiêu sản xuất trong năm tài khóa hiện nay hay không.

Hợp đồng cao su giao tháng 9 tại sàn giao dịch Thượng Hải tăng 55 CNY đóng cửa tại 12.885 CNY (1.921,24 USD)/tấn.

Theo một thăm dò của Reuters, hoạt động sản xuất của Trung Quốc có thể tăng trưởng trong tháng 6, tăng lần đầu tiên trong 4 tháng bởi sản xuất phục hồi nhanh hơn và những khó khăn trong chuỗi cung ứng dịu đi.

Cà phê tăng

Cà phê arabica kỳ hạn tháng 9 đóng cửa tăng 10,5 US cent hay 4,8% lên 2,2825 USD/lb, sau khi giảm 2% trong phiên trước.

Các đại lý cho biết các nhà đầu tư mua nhiều trên thị trường sau khi giá suy yếu trong tuần này, khi các yếu tố cung cầu tiếp tục hỗ trợ giá.

Cà phê robusta kỳ hạn tháng 9 tăng 32 USD hay 1,6% lên 2.049 USD/tấn.

Xuất khẩu cà phê từ Việt Nam ước tính tăng 21,7% trong 6 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước.

Đường tăng

Giá đường thô kỳ hạn tháng 7 đóng cửa tăng 0,02 US cent hay 0,1% lên 18,55 US cent/lb.

Các đại lý cho biết thị trường này đang tìm kiếm chiều hướng trước khi hợp đồng này đáo hạn trong ngày 30/6.

Đồng real của Brazil gần mức thấp nhất so với USD trong 5 tháng, thúc giục các nhà sản xuất bán đường được định giá theo USD.

Đường cũng bị áp lực từ những nỗ lực của chính phủ Brazil nhằm kiềm chế giá năng lượng bằng cách giảm thuế.

Đường trắng kỳ hạn tháng 8 tăng 1,3 USD hay 0,2% lên 553,8 USD/tấn.

Ngô giao ngay, đậu tương tiếp tục tăng

Đậu tương và ngô giao ngay tại Chicago tiếp tục tăng do nhà đầu tư điều chỉnh vị thế trước một báo cáo về mùa vụ của chính phủ. Nhưng các hợp đồng ngô giao sau giảm do các dự báo mới nhất cho thấy khả năng mưa sẽ gia tăng tại các khu vực trồng trọt của Mỹ khi cây trồng gần đến giai đoạn thụ phấn.

Hợp đồng ngô hoạt động tích cực nhất trên sàn giao dịch Chicago đóng cửa giảm 5-1/2 US cent xuống 6,53-3/4 USD/bushel. Hợp đồng ngô giao ngay tháng 7 đóng cửa tăng 10-3/4 US cent lên 7,7-1/4 USD/bushel.

Hợp đồng đậu tương giao dịch tích cực nhất tăng 15-3/4 US cent lên 14,78-1/4 USD/bushel.

Lúa mì giảm sau khi công ty tư vấn nông nghiệp Sovecon nâng dự báo xuất khẩu của Nga trong tháng 6 và 7 thêm 300.000 tấn lên mức cao kỷ lục 42,6 triệu tấn.

Lúa mì CBOT đóng cửa giảm 6 US cent xuống 9,30 USD/bushel.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 30/6

Thị trường ngày 30/6: Giá dầu giảm gần 2%, đồng thấp nhất 16 tháng, đường, cà phê tăng - Ảnh 1.
https://cafef.vn/thi-truong-ngay-30-6-gia-dau-giam-gan-2-dong-thap-nhat-16-thang-duong-ca-phe-tang-20220630053656396.chn

Minh Quân

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên