MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 31/12: Giá dầu và vàng tăng, ngô và đậu tương cao nhất 6,5 năm, quặng sắt giảm mạnh

31-12-2020 - 08:49 AM | Thị trường

Thị trường ngày 31/12: Giá dầu và vàng tăng, ngô và đậu tương cao nhất 6,5 năm, quặng sắt giảm mạnh

Phiên giao dịch đêm qua, các thị trường dầu và vàng tiếp tục khởi sắc. Đặc biệt, giá ngô và đậu tương lập mức cao kỷ lục 6 năm rưỡi do thời tiết ở Nam Mỹ khô hạn. Trái lại, giá sắt giảm mạnh 6%. Hoạt động giao dịch thưa thớt vì các nhà đầu tư nhìn chung đang chốt sổ sách trước khi bước sang năm mới.

Dầu tăng do lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm

Giá dầu tăng tiếp tục trong phiên đêm qua sau thông tin lượng tồn trữ dầu thô của Mỹ giảm và Anh phê duyệt loại vắc xin Covid-19 thứ 2. Tuy nhiên, đà tăng bị hạn chế bởi áp lực gia tăng nguồn cung trong khi triển vọng nhu cầu vẫn còn nhiều bất trắc.

Kết thúc phiên này, giá dầu Brent tăng 25 US cent lên 51,34 USD/thùng, sau khi có thời điểm đạt 51,56 USD; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 40 US cent lên 48,40 USD/thùng.

Tuy nhiên, so với các mức lần lượt là 66 USD và 62 USD hồi đầu năm thì giá cả 2 loại hiện thấp hơn đáng kể.

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ 2018 so với rổ các đồng tiền đối tác chủ chốt trong phiên đêm qua cũng góp phần hỗ trợ giá dầu đi lên, vì USD thấp khiến dầu trở nên rẻ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Về nguồn cung, các công ty năng lượng Mỹ tuần này đã bổ sung thêm 3 giàn khoan dầu và khí, đưa số giàn khoan bổ sung trong quý IV/2020 tăng nhiều nhất kể từ quý II/2017, theo dữ liệu của Baker Hughes.

Ngày 4/1 tới, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ cùng các đồng minh, trong đó có Nga (OPEC+) sẽ họp về việc nâng sản lượng dầu thô thêm 500.000 thùng/ngày kể từ tháng 1/2021.

Vàng tăng do USD yếu đi

Giá vàng cũng tiếp nối đà tăng của phiên trước do triển vọng Mỹ tăng kích thích tài chính đẩy USD xuống thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua, mặc dù việc triển khai vắc xin đang lan rộng khắp thế giới khiến nhu cầu đối với các tài sản có độ rủi ro cao gia tăng, làm hạn chế xu hướng tăng của giá vàng.

Phiên vừa qua, giá vàng giao ngay tăng 0,7% lên 1.890,61 USD/ounce, vàng kỳ hạn tháng 2/2021 tăng 0,6% lên 1.893,40 USD/ounce.

Chỉ số dollar index xuống mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018 sau khi Lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng Hòa trong Thượng viện Mỹ, Mitch McConnell, quyết định trì hoãn một cuộc bỏ phiếu về việc tăng mức trợ cấp cho nạn nhân Covid-19 lên 2.000 USD.

Đồng giảm do số ca nhiễm Covid-19 tăng

Giá đồng giảm trong phiên vừa qua trong bối cảnh giao dịch trầm lắng ở thời điểm cuối năm và chịu áp lực lớn bởi số ca nhiễm virus Covid-19 biến thể mới gia tăng mạnh.

Đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 7.842 USD/tấn vào lúc đóng cửa. Tuy nhiên, tính chung cả năm, giá vẫn tăng 27%, do Trung Quốc tăng cường kích thích kinh tế thông qua đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng.

Quặng sắt giảm sâu, thép tăng

Giá quặng sắt trên thị trường Trung Quốc giảm gần 6% trong phiên vừa qua sau khi Trung Quốc hối thúc ngành thép của mình cắt giảm sản lượng trong năm tới giữa bối cảnh Chính phủ lên kế hoạch giảm khí thải carbon.

Quặng sắt kỳ hạn tháng 5/2021 trên sàn Đại Liên giảm 3,5% xuống 984 CNY (150,65 USD)/tấn, thấp nhất trong vòng gần 3 tuần. Trong phiên, có thời điểm giá hợp đồng này chỉ 959 CNY (giảm 5,9%).

Trong khi đó giá thép tăng trong phiên này, với thép thanh vằn trên sàn Thượng Hải tăng 0,3% lên 4.256 CNY/tấn, thép cuộn cán nóng tăng 0,3% lên 4.436 CNY/tấn, còn thép không gỉ kỳ hạn tháng 2 giảm 0,9% xuống 13.385 CNY/tấn.

Ngô, đậu tương cao nhất 6,5 năm do Argentina tạm dừng xuất khẩu

Giá ngô Mỹ trong phiên vừa qua đạt mức cao kỷ lục 6 năm rưỡi sau khi Argentina – nước xuất khẩu hàng đầu thế giới – ra biện pháp hạn chế xuất khẩu ngũ cốc bởi thời tiết khô hạn đe dọa làm giảm sản lượng. Giá đậu tương phiên này cũng đạt mức cao nhất 6,5 năm cũng do do nhà đầu tư tập trung sự chú ý vào vấn đề thời tiết khô hạn ở Argentina.

Các nhà khí tượng học cho biết, ở một số nơi thuộc các khu vực đất nông nghiệp ở Brazil và Argentina đã có mưa, tuy nhiên tình trạng khô hạn quá mức vẫn diễn ra ở hầu hết các khu vực trồng trọt chính của 2 nước này.

Kết thúc phiên giao dịch đêm qua, giá đậu tương kỳ hạn tháng 3 tăng 4-1/2 US cent lên 13-1/2 USD/bushel, sau khi có thời điểm đạt mức cao nhất kể từ tháng 6/2014; ngô giao cùng kỳ hạn cũng tăng 8-1/2 US cent lên 4,74-1/2 USD/bushel, cao nhất kể từ tháng 4/2014.

Đường tăng

Giá đường tăng trong phiên vừa qua, theo đó đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,24 US cent (1,6%) lên 15,28 US cent/lb; đường trắng giao cùng kỳ hạn cũng tăng 6,6 USD (1,6%) lên 418,4 USD/tấn.

Các nhà phân tích cho biết, Indonesia sẽ tăng nhập khẩu đường trong nửa đầu năm 2021 lên cao hơn so với cùng kỳ năm 2020.

Cao su giảm

Giá cao su trên thị trường Nhật Bản – tham chiếu cho thị trường thế giới – giảm cùng xu hướng với giá ở sàn Thượng Hải do nhu cầu yếu.

Phiên vừa qua, cao su kỳ hạn tháng 6/2021 trên sàn Osaka giảm 3,9% xuống 226,9 JPY (2,2 USD)/kg; hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Thượng Hải giảm 185 CNY xuống 13.755 CNY (2.107,11 USD)/tấn.

Điều kiện không khí ở một số nơi thuộc miền Bắc Trung Quốc được cải thiện có thể giúp thúc đẩy hoạt động của các nhà máy sản xuất săm lốp ở những khu vực này, từ đó đẩy nhu cầu cao su đi lên.

Tuy nhiên, việc hạn chế sử dụng điện ở các tỉnh phía nam nước này cũng như xuất khẩu lốp xe giảm do dịch Covid-19 tiếp tục gây áp lực giảm giá.

Dầu cọ tăng do kỳ vọng vào xuất khẩu

Giá dầu cọ Malaysia phiên vừa qua tăng khi các thương gia dự báo xuất khẩu sẽ tăng và do giá dầu thực vật trên thị trường Trung Quốc tăng, mặc dù đà tăng bị kiềm chế bởi đồng ringgit mạnh lên.

Kết thúc phiên này, dầu cọ kỳ hạn tháng 3 trên sàn Bursa (Malaysia) tăng 35 ringgit (1%) lên 3.585 ringgit/tấn. Phiên trước đó, giá đã tăng 0,2%.

Xuất khẩu dầu cọ của Malaysia tháng 12/2020 ước tính tăng gần 20% so với tháng trước đó, đạt khoảng 1,6 triệu tấn.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 31/12

Thị trường ngày 31/12: Giá dầu và vàng tăng, ngô và đậu tương cao nhất 6,5 năm, quặng sắt giảm mạnh - Ảnh 1.

Minh Quân

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên