Thị trường ngày 31/3: Giá dầu, vàng, quặng sắt, cao su cùng tăng, đường đạt đỉnh 10,5 năm, cà phê cao nhất 6,5 tháng
Giá hàng hóa tiếp tục khởi sắc do USD tiếp tục mất giá. Đáng chú ý, giá vàng phiên này tăng vọt lên gần chạm 2.000 USD, đường và cà phê cũng tăng rất mạnh.
- 31-03-2023Những hàng bánh mì Việt Nam từng xuất hiện trên truyền thông quốc tế, được du khách hết lời khen ngợi
- 31-03-2023Toàn thị trường tăng gần 50% sau 5 năm, doanh số một dòng xe từng là ‘quốc dân’ lại đang đi lùi – có phải người dùng đang ngày càng quay lưng?
- 31-03-2023Giá xăng trong nước kỳ tới thế nào?
Dầu tăng hơn 1% do rủi ro nguồn cung từ Iraq
Giá dầu tăng hơn 1% vào thứ Năm, được hỗ trợ bởi dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và việc Iraq ngừng xuất khẩu từ khu vực Krud, bù cho áp lực từ việc cắt giảm nguồn cung của Nga ít hơn dự kiến.
Giá dầu thô Brent tăng 99 cent, tương đương 1,3%, lên 79,27 USD/thùng. Giá dầu thô Trung cấp Tây Texas (WTI) của Mỹ tăng 1,40 USD, tương đương 1,9%, lên 74,37 USD.
Yếu tố chính hỗ trợ giá trong phiên này là các nhà sản xuất đã đóng cửa hoặc giảm sản lượng tại một số mỏ dầu ở khu vực bán tự trị người Kurd ở miền bắc Iraq sau khi đường ống xuất khẩu phía bắc bị dừng và trong bối cảnh thường xuyên xảy ra mất điện.
Cũng hỗ trợ giá là một báo cáo hôm thứ Tư từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ rằng các kho dự trữ dầu thô của Mỹ bất ngờ giảm trong tuần tính đến ngày 24 tháng 3 xuống mức thấp nhất trong hai năm.
Các thị trường hiện đang chờ đợi dữ liệu chi tiêu và lạm phát của Mỹ, công bố vào thứ Sáu, và tác động đến giá trị của đồng USD.
Vàng tăng vọt nhờ đồng USD yếu
Giá vàng tăng gần 1% vào thứ Năm do đồng USD yếu đi và lợi suất trái phiếu giảm.
Vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.980,83 USD/ounce vào cuối phiên, trước đó có lúc chạm mức cao nhất kể từ ngày 24 tháng 3, là 1.984,19 USD. Giá vàng Mỹ kỳ hạn tháng 6 tăng 0,7% lên 1.997,70 USD.
Chỉ số Dollar index giảm 0,5%, khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua bằng các tiền tệ khác ngoài USD.
Dữ liệu chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi (PCE) của Mỹ sẽ được công bố vào thứ Sáu (31/3). Theo công cụ CME FedWatch, các thị trường đang dự đoán có khoảng 50-50 cơ hội Fed duy trì lãi suất ở mức hiện tại tại cuộc họp tháng Năm.
Niken giảm do đề xuất của LME, đồng ổn định nhờ nhu cầu của Trung Quốc
Giá niken giảm vào thứ Năm sau khi Sàn giao dịch kim loại Luân Đôn (LME) công bố kế hoạch mở rộng hợp đồng, trong khi giá đồng ổn định nhờ tín hiệu phục hồi nhu cầu tại nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới - Trung Quốc.
Niken kỳ hạn ba tháng đã giảm 2,6% xuống còn 23.135 USD/tấn sau khi LME đưa ra các biện pháp sâu rộng để khôi phục hợp đồng niken – đang trên đà sụt giảm.
Các kế hoạch bao gồm cắt giảm thời gian chờ đợi và loại bỏ phí đối với các thương hiệu niken mới có thể được giao kèm theo hợp đồng. Điều này có khả năng làm tăng lượng niken có sẵn thông qua trao đổi.
Một cuộc thăm dò của Reuters hôm thứ Tư cho thấy hoạt động nhà máy của Trung Quốc có thể đã tăng trưởng với tốc độ chậm lại, cho thấy sự phục hồi kinh tế không đồng đều do nhu cầu toàn cầu yếu và lĩnh vực bất động sản sụt giảm.
Giá đồng trên sàn LME ít thay đổi, ở mức 9.000 USD/tấn, sau khi giảm tới 0,7% lúc đầu phiên giao dịch.
Lúa mì giảm từ mức cao nhất 1 tháng
Giá lúa mì Mỹ kỳ hạn tương lai giảm vào thứ Năm do hoạt động bán chốt lời sau khi giá đạt mức cao nhất trong một tháng ở phiên trước đó và nhắc nhở về sự cạnh tranh mạnh mẽ đối với hoạt động kinh doanh xuất khẩu lúa mì trên phạm vi toàn cầu.
Giá ngô và đậu tương kỳ hạn tương lai cũng giảm khi các thương nhân cân bằng vị thế trước khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) công bố các báo cáo về tình hình dự trữ và trồng trọt.
Giá lúa mì giao tháng 5 trên Sàn giao dịch thương mại Chicago giảm 12,5 US cent xuống 6,92-1/4 USD/bushel, một ngày sau khi tăng lên 7,24 USD, mức cao nhất trong một tháng. Giá ngô giao cùng kỳ hạn kết thúc giảm 1 US cent xuống 6,49-1/2 USD/bushel, trong khi đậu tương giao cùng kỳ hạn giảm 2-3/4 US cent xuống 14,74-1/2 USD/bushel.
Đường trắng đạt đỉnh 10,5 năm do nguồn cung thắt chặt
Giá đường trắng kỳ hạn trên sàn ICE tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm vào thứ Năm, do nguồn cung khan hiếm.
Đường trắng giao tháng 5 tăng 12,30 USD, tương đương 2,0%, lên 630,70 USD/tấn sau khi đạt 634,80 USD, mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2012.
Các đại lý cho biết thị trường được hỗ trợ bởi nguồn cung khan hiếm sau khi sản lượng thấp hơn dự kiến ở một số quốc gia, bao gồm Ấn Độ và Thái Lan.
Đường thô giao tháng 5 cũng tăng 0,71 cent, tương đương 3,3%, ở mức 21,96 cent/lb.
Cà phê đạt đỉnh 6,5 tháng
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 5 tăng 38 USD, tương đương 1,8%, lên 2.171 USD/tấn, quay trở lại mức cao nhất trong 6,5 tháng chạm tới hôm thứ Ba, là 2.250 USD.
Thị trường tiếp tục được hỗ trợ bởi nhu cầu tăng khi một số nhà rang xay tăng tỷ lệ cà phê robusta vào hỗn hợp pha trộn vì giá rẻ hơn arabica.
Cà phê arabica giao tháng 5 ít thay đổi, ở mức 1,698 USD/lb.
Dầu cọ tăng phiên thứ 3 do lo ngại về sản lượng
Giá dầu cọ kỳ hạn của Malaysia lúc đóng cửa đạt mức cao nhất trong hơn một tuần, là phiên tăng thứ tư liên tiếp, được củng cố bởi các loại dầu ăn khác cũng tăng giá và dự đoán sản lượng giảm.
Hợp đồng dầu cọ giao tháng 6 trên Sàn giao dịch phái sinh Bursa Malaysia đã tăng 84 ringgit, tương đương 2,27%, lên 3.791 ringgit (857,69 USD).
Hợp đồng dầu đậu tương hoạt động mạnh nhất trên sàn Đại Liên tăng 1,34%, trong khi hợp đồng dầu cọ trên sàn này tăng 1,33%. Giá dầu đậu tương trên Sàn giao dịch thương mại Chicago Btăng 0,02%.
Cao su tăng nhờ vọng kinh tế toàn cầu cải thiện
Giá cao su kỳ hạn của Nhật Bản tăng cao vào thứ Năm do giảm bớt lo ngại về lĩnh vực ngân hàng và Trung Quốc báo hiệu cam kết cải cách và mở cửa kinh tế.
Hợp đồng cao su giao tháng 9 của Sàn giao dịch Osaka kết thúc phiên tăng 0,8 yên, tương đương 0,4%, lên 209,1 JPY(1,58 USD)/kg, kết thúc 2 phiên giảm giá trước đó.
Hợp đồng cao su SNRv1 giao tháng 5 trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 25 CNY lên 11.900 CNY (1.730,31 USD)/tấn.
Bông cao nhất 3 tuần
Giá bông kỳ hạn tương lai trên sàn ICE đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 3 tuần vào thứ Năm, được hỗ trợ bởi sự sụt giảm của đồng USD và các nhà kinh doanh sợi tự nhiên mong chờ Bộ Nông nghiệp Mỹ công bố báo cáo về tình hình trồng trọt.
Hợp đồng bông giao tháng 5 tăng 0,4 cent lên 83,46 cent/lb, sau khi có lúc đạt mức cao nhất kể từ ngày 7 tháng 3, là 83,95 USD.
Báo cáo hàng tuần của USDA trước đó cho thấy xuất khẩu bông của Mỹ tuần này đạt 341.000 kiện, tăng 25% so với tuần trước và 31% so với mức trung bình 4 tuần trước đó. Các điểm đến chủ yếu là Việt Nam và Trung Quốc.
Quặng sắt tiếp tục tăng
Giá quặng sắt kỳ hạn trên sàn Đại Liên tăng phiên thứ 4 liên tiếp nhờ triển vọng nhu cầu phục hồi.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên Sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên kết thúc phiên tăng 1,91% lên 905,5 nhân dân tệ (131,64 USD)/tấn, tăng 4,8% so với tuần trước.
Tương tự, trên Sàn giao dịch Singapore, hợp đồng quặng sắt giao tháng 5 tăng 2,24% lên 125,6 USD/tấn, ghi nhận mức tăng 7,5% so với tuần trước.
Giá thép kỳ hạn tương lai biến động trái chiều. Thép cây trên Sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải tăng 0,53% lên 4.167 nhân dân tệ/tấn và thép cuộn cán nóng tăng 0,21%. Thép dây giảm 0,3% và thép không gỉ giảm 2,5%.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 31/3:
Nhịp sống thị trường