Toàn thị trường tăng gần 50% sau 5 năm, doanh số một dòng xe từng là ‘quốc dân’ lại đang đi lùi – có phải người dùng đang ngày càng quay lưng?
Khi người dùng Việt ngày càng chuộng những chiếc xe gầm cao hoặc xe đa dụng 7 chỗ, dòng xe này lại ghi nhận doanh số không ấn tượng trong vài năm qua.
- 29-03-2023Phân khúc ô tô này tăng doanh số 670% trong 5 năm - từ chỉ vài nghìn xe/năm thành dòng xe được người Việt yêu thích nhất
- 27-03-2023Một hãng taxi vừa thuê 500 ô tô điện VinFast, mua thêm 40 chiếc VF e34 để mở rộng kinh doanh
- 27-03-2023Tôi đi soi giá ô tô ở Thái: Cũng chẳng rẻ hơn là mấy, có xe còn đắt hơn ở Việt Nam
Từ giai đoạn 2018 đến 2022, doanh số ô tô của toàn thị trường Việt Nam đã tăng 44%, từ mức 352.209 xe lên 509.141 xe (theo số liệu của VAMA, TC Motor và VinFast). Nhiều phân khúc xe cũng chứng kiến doanh số tăng đột biến với hàng loạt cái tên mới ra mắt, thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, có một dòng xe từng rất được thị trường ưa chuộng lại đang có xu hướng đi ngược thị trường.
Doanh số sedan thụt lùi tại Việt Nam
Năm 2018, toàn thị trường Việt Nam tiêu thụ 117.769 chiếc sedan, chiếm đến 33% tổng dung lượng thị trường. Tuy nhiên sau 5 năm, con số này chỉ còn 113.482 xe trong năm 2022, giảm hơn 4.000 xe, tương đương khoảng 3,6%. Doanh số sedan trên tổng lượng xe bán ra cũng chỉ còn khoảng 22,2%.
Nên nhớ, 2022 là năm doanh số xe sedan vọt lên cao nhất kể từ 2019 nhờ sức tiêu thụ chung của toàn thị trường tăng cao cũng như chính sách hỗ trợ phí trước bạ trong nửa đầu năm. Thậm chí năm 2021, doanh số của xe sedan còn xuống dưới mức 100.000 xe trong khi toàn thị trường tiêu thụ hơn 410.000 xe.
Thực tế, sedan vẫn là dòng xe bán chạy nhất trên thị trường nhưng không thể phủ nhận, sức hút của những chiếc sedan truyền thống với người tiêu dùng đã sụt giảm đi nhiều. Trong số các phân khúc sedan đang bán ra thị trường, sedan cỡ B chính là dòng xe được quan tâm nhiều nhất, cũng duy trì sự cạnh tranh lớn nhất.
Các mẫu xe như Toyota Vios, Honda City hay Hyundai Accent thuộc phân khúc này thường xuyên lọt top xe bán chạy nhất thị trường, cạnh tranh ngôi vị “vua doanh số” trên thị trường.
Doanh số sedan cỡ B tăng từ 58.661 chiếc năm 2018 lên 75.857 chiếc vào năm 2022, tăng 34% - con số gần tương đương với mức tăng chung của cả thị trường. Tuy nhiên, nếu so về mức tăng với 2 phân khúc khác xếp ngay sau trong cuộc đua top doanh số thị trường là SUV đô thị và MPV phổ thông, con số này lại cực kỳ khiêm tốn.
Cụ thể, phân khúc SUV đô thị chứng kiến đà tăng 670% sau 5 năm, từ mức hơn 9.000 xe bán ra lên 69.672 xe, tức gần 8 lần. Trong khi đó, doanh số xe MPV phổ thông cũng tăng 184%, từ 18.650 xe lên 53.025 xe, gấp gần 3 lần.
Sedan không còn là ưu tiên mua sắm của người Việt
Có một thực tế không chỉ ở Việt Nam mà tại nhiều thị trường khác, người dùng đang ngày càng ưa chuộng các mẫu xe gầm cao. Nếu đem câu hỏi “vì sao mua crossover/SUV thay vì sedan” với nhiều người dùng Việt, chắc chắn bạn sẽ nhận những câu trả lời quen thuộc như xe gầm cao có tầm nhìn thoáng hơn, thiết kế khỏe khoắn hơn, phù hợp với điều kiện giao thông ở Việt Nam hơn vv…
Ngoài ra, có một dòng xe khác đang ngày càng được nhiều người Việt ưa thích chính là những chiếc MPV phổ thông. Không có gầm cao hay khỏe khoắn như SUV hay crososver nhưng những chiếc xe này lại đem đến sự tiện dụng, chở được nhiều người/hàng hóa khi cần thiết.
Quan trọng hơn, giá bán của các mẫu SUV, crossover hay MPV hiện đã được định vị rất phù hợp với người tiêu dùng. Nếu muốn một chiếc xe gầm cao giá chỉ tương đương sedan hạng B, C, người dùng có trong tay hàng loạt lựa chọn như Kia Sonet, Toyota Raize, Kia Seltos, Hyudai Creta hay cao hơn là Kia Sportage, Hyundai Tucson, Mitsubishi Outlander… Xe MPV phổ thông hiện cũng được bán với giá phổ biến 600-800 triệu đồng, rất phù hợp với nhu cầu mua xe của đại đa số người dùng.
Một điểm đáng chú ý nữa là trong vài năm qua, người dùng gần như không thấy một chiếc sedan mới nào ra mắt thị trường. Người dùng gần như phải “đóng đinh” với một vài cái tên quen thuộc nếu muốn chọn mua một chiếc sedan trong khi hầu hết phân khúc khác, xe mới liên tục cập bến thị trường, giúp đa dạng hóa lựa chọn cho người dùng.
Đó cũng là lý do 2 phân khúc SUV đô thị và MPV có doanh số tăng đột biến trong vài năm qua, trong khi sedan lại có dấu hiệu chững lại.
Tất nhiên, cũng cần nói thêm rằng chính việc nhìn ra xu hướng của người dùng (không còn ưa chuộng sedan) nên các nhà sản xuất mới tỏ ra thận trọng trong việc cho ra mắt xe mới. Thậm chí, họ còn liên tục khai tử nhiều mẫu sedan mang tính biểu tượng để dồn sức cho các mẫu crossover hay giờ đây là xe điện.
Chẳng hạn, Toyota mới đây công bố dừng bán mẫu Camry tại thị trường Nhật Bản. Trước đó, Honda cũng dừng bán mẫu Civic tại thị trường này vào năm 2020.
Tại Việt Nam, một số dòng sedan như Chevrolet Cruze, Ford Focus hay Fiesta cũng đã lần lượt “biến mất” trong khi xe gầm cao, MPV lại liên tục ra mắt.
Nhịp sống thị trường