Thị trường ngày 4/12: Giá dầu tăng gần 4%, thép tăng 7%, vàng cao nhất 3 tuần
Kết quả của cuộc gặp Mỹ, Trung bên lề G20 đã hỗ trợ thị trường hàng hóa thế giới trong phiên giao dịch đầu tuần. Việc Mỹ và Trung Quốc nhất trí tạm ngưng cuộc chiến thương mại, không tăng thuế từ 10% lên 25% đối với hơn 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 1/1/2019 và tiếp tục đàm phán một số vấn đề trong vòng 90 ngày, đã đẩy giá tất cả các mặt hàng đều tăng vọt.
- 01-12-2018Thị trường ngày 01/12: Dư cung tiếp diễn kéo giá dầu giảm trở lại
- 30-11-2018Thị trường ngày 30/11: Dầu thô đảo chiều tăng mạnh
- 29-11-2018Thị trường ngày 29/11: Nỗi lo dư cung và hoạt động bán tháo ép giá dầu tiếp tục giảm mạnh
Dầu tăng vọt gần 4%
Dầu tăng gần 4% trong bối cảnh Mỹ -Trung tạm ngừng tranh chấp thương mại 90 ngày, tỉnh Alberta của Canada yêu cầu cắt giảm sản lượng và OPEC dự kiến sẽ giảm sản xuất.
Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau tăng 2,23 USD lên 61,69 USD/thùng, tăng 3,75%. Dầu thô kỳ hạn WTI tăng 2,02 USD lên 52,95 USD/thùng, tăng 3,97%. Cả hai loại đều tăng hơn 5% vào phiên sáng.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đè nặng lên thương mại toàn cầu và gây ra những lo ngại về suy thoái kinh tế. Dầu thô hiện chưa bị đánh thuế nhập khẩu, nhưng các thương nhân cho biết tâm lý tích cực đã hỗ trợ thị trường. Dầu cũng nhận được hỗ trợ từ thông báo của Alberta rằng tỉnh miền tây Canada này sẽ buộc các nhà sản xuất cắt giảm 8,7% sản lượng, tương đương 325.000 thùng/ngày, để đối phó với tình trạng tắc nghẽn đường ống dẫn đến dự trữ dầu thô tăng cao.
Thị trường cũng chú ý tới kết quả cuộc họp của OPEC sẽ diễn ra vào thứ 5 tới về thỏa thuận giảm sản lượng. Dự kiến OPEC và Nga sẽ cắt giảm sản lượng nhằm kiềm chế đà giảm giá dầu thô (giảm 1/3 kể từ tháng 10/2018).
Sản lượng dầu của Nga đạt 11,37 triệu thùng/ngày trong tháng 11, chỉ thấp hơn chút ít so với mức kỷ lục 11,41 triệu thùng trong tháng 10. Trong khi đó, các nhà máy dầu Mỹ tiếp tục tung ra lượng kỷ lục khoảng 11,5 triệu thùng/ngày.
Vàng cao nhất hơn 3 tuần, các kim loại quý khác cũng đồng loại tăng
Vàng đã tăng 1%, đạt mức cao nhất trong hơn ba tuần, do hoạt động bán tháo USD sau khi có kết quả tích cực từ cuộc họp G20 giữa Mỹ và Trung.Trong khi đó, paladi tăng vọt lên mức kỷ lục.
Vàng giao ngay tăng 0,78% lên 1.231,35 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 7/11.
Giá vàng kỳ hạn của Mỹ đã tăng 1,1% lên mức 1.239,60 USD/ounce.
Nhà phân tích Jim Wyckoff của Kitco Metals cho biết Mỹ Trung đạt được thỏa thuận "ngừng chiến" đã khiến cho các nhà đầu tư lạc quan, sau những lời bình luận đáng ngạc nhiên tuần trước của Chủ tịch Dự trữ Liên bang Mỹ Jay Powell.
USD đã giảm giá so với giỏ các đồng tiền khác, kể cả đồng CNY.
Trong khi đó, Paladi tăng 2,3% lên 1.205,00 USD/ounce sau khi đạt mức cao kỷ lục 1.221,95 USD vào đầu phiên do nhu cầu tiêu thụ tăng cao (tăng 15% từ đầu năm tới nay). Bạc tăng 1,5% lên 14,38 USD và bạch kim tăng 1,1% lên 806,40 USD.
Thép tăng 7%, quặng sắt tăng gần 6%, than cốc tăng 5,5%
Giá thép và các sản phẩm tăng mạnh sau khi có kết quả cuộc gặp song phương diễn ra bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 đã hỗ trợ tâm lý các nhà đầu tư, làm lu mờ đi lo ngại dư cung.
Giá thép cây kỳ hạn giao sau tại Thượng Hải tăng 7% lên 3.842 CNY(554,58 USD) vào đầu phiên giao dịch chiều, trước khi chốt phiên tăng 2,9% lên 3.695 CNY/tấn. Giá thép cuộn cán nóng tại Thượng Hải tăng 6% đạt mức cao nhất trong hai tuần và đóng cửa tăng 2,6% đạt 3.537 CNY/tấn.
Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đã tăng 5,9%, mức tăng mạnh nhất giữa ngày kể từ đầu tháng 8/2018, sau đó chốt phiên tăng 1,9% lên 463 CNY/tấn. Giá than luyện cốc đóng cửa tăng 3,8%, trong khi than cốc kỳ hạn tăng 5,5%.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng xu hướng tăng giá này chỉ là tạm thời vì nhu cầu tiêu thụ yếu và nguồn cung dư thừa. Sản lượng thép vẫn còn khá cao và không có các biện pháp kích cầu từ chính phủ.
Cao su tăng 4%
Giá cao su kỳ hạn tham khảo tại Tokyo tăng cao sau khi Mỹ- Trung nhất trí ngừng tăng thuế và tiếp tục thương lượng, bất chấp giá giảm mạnh tại Thượng Hải. Giá cao su tại Tokyo đã tăng 4% vào đầu phiên giao dịch. Xuất khẩu lốp xe của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng trong 90 ngày tới.
Giá cao su Thượng Hải cũng tăng trong đầu phiên giao dịch nhưng sau đó đã đi xuống do nhu cầu tiêu thụ yếu, cung dư.
Giá hợp đồng cao su kỳ hạn tại Tokyo giao tháng 5/2019 chốt phiên tăng 3,9 JYP(0,034 USD) đạt 164,9 JYP/kg.Giá kỳ hạn tháng 6/2019 cao su TSR tại TOCOM tăng 1,4% đạt 149,1 JYP/kg.
Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 tại Thượng Hải giảm 30 CNY(4,35 USD) xuống còn 10.885 CNY/tấn. Giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 tại Singapore chốt phiên ở mức 123,9 cent Mỹ/kg, tăng 0,1 cent.
Đường, cà phê nhích lên
Giá đường thô kỳ hạn trên sàn ICE tăng theo xu hướng giá dầu, trong khi giá cà phê arabica nhích lên do đồng real Brazil mạnh. Đường thô kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,07 cent, tương đương 0,6%, lên mức 12,91 cent/lb. Đường trắng kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 2,20 USD, tương đương 0,6%, lên mức 350,40 USD/tấn.
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3/2019 tăng 0,25 cent, tương đương 0,2%, lên mức 1,078 USD/lb. Brazil đã xuất khẩu mức cao kỷ lục 3,89 triệu bao cà phê xanh trong tháng 11. Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3/2019 giảm 14 USD, tương đương 0,9%, xuống 1.566 USD/tấn.
Bơ Tây Ban Nha giảm giá mạnh do cung vượt cầu
Giá bơ của Tây Ban Nha đã giảm 1/3 so với năm ngoái do cung vượt cầu, nhập khẩu tăng mạnh từ Nam Phi, Peru vào Châu Âu vào đầu mùa.
Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất nhiệt đới Tây Ban Nha, José Linares cho biết giá bơ trong nước đạt 78,05 cent /kg trong tuần từ 19 đến 25/11/2018, giảm rất nhiều so với mức giá 232 cent/kg cùng kỳ năm 2017 và mức 250 cent /kg cùng kỳ năm 2016. Mức giá hiện nay chỉ bằng nửa mức chi phí sản xuất là 150 cent/kg.
Nhu cầu tiêu thụ bơ đang tiếp tục tăng mạnh ở Châu Âu. Châu Âu dự kiến sẽ tiêu thụ 500.000 tấn bơ trong năm nay và dự kiến sẽ là 580.000 tấn vào năm 2019.
Tây Ban Nha, bắt đầu mùa trồng bơ Bacon vài tuần trước, dự kiến sản xuất 70.000 tấn trong mùa này, so với 55.000 tấn mùa trước.
Giá một số mặt hàng chủ chốt lúc 7h sáng ngày 4/12