Thị trường ngày 5/10: Giá dầu cao nhất 3 năm, vàng, nhôm và khí tự nhiên đồng loạt tăng cao
Ảnh minh họa.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, giá dầu cao nhất 3 năm, vàng cao nhất hơn 1 tuần, nhôm cao nhất 13 năm, trong khi đậu tương thấp nhất 9,5 tháng, đồng, cao su và các nông sản khác đồng loạt giảm.
- 01-10-2021Thị trường ngày 1/10: Giá dầu ngừng tăng, vàng và quặng sắt tăng mạnh, đồng giảm
- 30-09-2021Thị trường ngày 30/9: Giá dầu, vàng, đồng, cao su đồng loạt giảm
- 29-09-2021Thị trường ngày 29/9: Giá dầu có lúc vượt 80 USD, vàng thấp nhất 7 tuần, cao su và than tăng mạnh
Giá dầu cao nhất 3 năm
Giá dầu tăng lên mức cao nhất 3 năm, sau khi OPEC+ xác nhận sẽ tuân thủ theo chính sách sản lượng hiện tại, khi nhu cầu đối với sản phẩm dầu mỏ phục hồi, bất chấp áp lực từ một số quốc gia sẽ tăng cường sản xuất.
Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, dầu thô Brent tăng 1,98 USD tương đương 2,5% lên 81,26 USD/thùng. Tuần trước, giá dầu Brent tăng 1,5% - tuần tăng thứ 4 liên tiếp và đã trở lại mức cao trong năm 2018. Giá dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,74 USD lên 77,62 USD/thùng, sau khi tăng trong 6 tuần qua và đạt mức cao nhất kể từ năm 2014.
OPEC+ đồng ý trong tháng 7/2021 sẽ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày (bpd) mỗi tháng cho đến ít nhất tháng 4/2022.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết, nhu cầu than đá và khí tự nhiên đã vượt mức cao trước đại dịch Covid-19. Ba phần tư nhu cầu năng lượng toàn cầu vẫn được đáp ứng bởi nhiên liệu hóa thạch, với chưa đến 1/5 là năng lượng tái tạo phi hạt nhân.
OPEC+, gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh bao gồm Nga, đối mặt với một số quốc gia trong việc bổ sung thêm dầu vào thị trường, do nhu cầu hồi phục nhanh hơn dự kiến tại một số khu vực trên thế giới.
Ngoài ra, giá dầu tăng cũng được hỗ trợ bởi giá khí đốt tăng mạnh 300%, thúc đẩy việc chuyển sang dầu nhiên liệu và các sản phẩm dầu thô khác, để tạo ra điện và các nhu cầu công nghiệp khác.
Giá khí tự nhiên tăng
Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng hơn 2%, do dự báo các nhà máy điện trong tuần này sẽ sử dụng nhiều nhiên liệu hơn so với dự kiến và giá khí tự nhiên toàn cầu đạt mức cao kỷ lục, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Mỹ tăng.
Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn New York tăng 14,7 US cent tương đương 2,6% lên 5,766 USD/mmBtu. Trước đó trong phiên, giá khí tự nhiên tăng 7% lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2014.
Giá vàng cao nhất hơn 1 tuần
Giá vàng tăng lên mức cao nhất hơn 1 tuần, do đồng USD suy yếu và thị trường chứng khoán suy yếu thúc đẩy nhu cầu mua vàng là tài sản trú ẩn an toàn.
Vàng giao ngay trên sàn LBMA tăng 0,3% lên 1.764,92 USD/ounce và vàng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn New York tăng 0,5% lên 1.767,6 USD/ounce.
Đồng USD giảm 0,3% so với giỏ các đồng tiền chủ chốt, khiến vàng trở nên rẻ hơn khi mua bằng tiền tệ khác.
Các chỉ số chính của chứng khoán phố Wall giảm, khi các nhà đầu tư chuyển ra khỏi cổ phiếu công nghệ do đối mặt với lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng, trong khi những mối lo ngại mới về thương mại Mỹ - Trung và Đài Loan (Trung Quốc) khiến các nhà đầu tư thận trọng.
Giá nhôm cao nhất 13 năm, đồng giảm
Giá nhôm tăng lên mức cao nhất 13 năm, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng mạnh và nguồn cung thiếu hụt, khi Trung Quốc áp đặt các hạn chế sản lượng đối với ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao như nấu chảy để cắt giảm sử dụng điện và khí thải.
Giá nhôm trên sàn London tăng 2,1% lên 2.917 USD/tấn. Trong tháng trước, giá nhôm đạt 3.000 USD/tấn – cao nhất kể từ tháng 7/2008.
Các nhà phân tích cho biết, các nhà máy luyện nhôm có thể chiếm tới 7% tổng tiêu thụ năng lượng của Trung Quốc và tới 40% chi phí sản xuất kim loại tại Trung Quốc có thể tính bằng năng lượng.
Đồng thời, giá đồng trên sàn London tăng 1,7% lên 9.283 USD/tấn, do tồn trữ tại Thượng Hải chạm mức thấp nhất kể từ tháng 6/2009 (43.525 tấn) và tồn trữ tại London trong tháng qua giảm hơn 10% xuống 216.725 tấn.
Giá cao su tại Nhật Bản giảm
Giá cao su tại Nhật Bản giảm, do mối lo ngại về lĩnh vực bất động sản tại nước mua hàng đầu – Trung Quốc – dấy lên mối lo sợ về sự phục hồi nền kinh tế nói chung, lấn át kỳ vọng về kích thích kinh tế bởi Thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida.
Giá cao su kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn Osaka giảm 2,9 JPY tương đương 1,4% xuống 207,8 JPY/kg.
Giá cà phê giảm
Giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2021 trên sàn London giảm 20 USD tương đương 0,9% xuống 2.148 USD/tấn.
Đồng thời, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn ICE giảm 3,7 US cent tương đương 1,8% xuống 2,0035 USD/lb, sau khi đạt mức cao nhất 2 tháng (2,0555 USD/lb) trong phiên trước đó.
Giá đường giảm
Giá đường thô kỳ hạn tháng 3/2022 trên sàn ICE giảm 0,37 US cent tương đương 1,8% xuống 19,69 US cent/lb.
Đồng thời, giá đường trắng kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn London giảm 8,3 USD tương đương 1,6% xuống 502,6 USD/tấn.
Giá đậu tương thấp nhất 9,5 tháng, ngô giảm, lúa mì tăng
Giá đậu tương tại Mỹ giảm phiên thứ 3 liên tiếp và chạm mức thấp nhất 9,5 tháng, do nguồn cung nội địa cao hơn so với dự kiến.
Trên sàn Chicago, giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2021 giảm 10-3/4 US cent xuống 12,35-3/4 USD/bushel, trong phiên có lúc giá đậu tương chạm 12,35 USD/bushel – thấp nhất kể từ ngày 21/12/2020. Trong khi đó, giá lúa mì mềm đỏ, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2021 tăng 1-1/4 US cent lên 7,56-1/2 USD/bushel – tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2021 giảm 3/4 US cent xuống 5,4-3/4 USD/bushel.
Giá dầu cọ tăng hơn 1%
Giá dầu cọ tại Malaysia tăng hơn 1% lên gần mức cao kỷ lục trong tuần trước đó, do tồn trữ trong tháng 9/2021 giảm và sản lượng tăng nhẹ.
Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 12/2021 trên sàn Bursa Malaysia tăng 80 ringgit tương đương 1,8% lên 4.586 ringgit/tấn, sau khi giảm gần 2% trong phiên trước đó.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 5/10