Thị trường ngày 6/1: Dầu tăng tới 5%, giá vàng và kim loại đồng loạt tăng giá
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua, giá dầu tăng mạnh do cuộc đàm phán sản lượng của OPEC+, đồng USD suy yếu khiến vàng và đồng đều tăng; quặng sắt Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp do nguồn cung khan hiếm.
- 05-01-2021Triển vọng thị trường dầu năm 2021 bị "phủ bóng đen" bởi virus Covid-19 biến thể
- 05-01-2021Thị trường ngày 5/1: Giá vàng tăng hơn 2%, đường thô cao nhất 3,5 năm
Dầu tăng 5%
Giá dầu tăng 5% sau tin tức Saudi Arabia sẽ tự nguyện thực hiện cắt giảm sản lượng dầu của mình trong tháng 2, trong khi căng thẳng âm ỉ diễn ra sau khi Iran bắt giữ một tàu Hàn Quốc.
Chốt phiên 5/1, dầu thô Brent tăng 2,51 USD hay 4,9% lên 53,60 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 2,31 USD hay 4,9% lên 49,93 USD/thùng.
Hai nguồn tin từ các nhà sản xuất OPEC+ cho biết Saudi Arabia sẽ tình nguyện cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3. Giảm sản lượng này là một phần của thỏa thuận để thuyết phục hầu hết các nhà sản xuất từ tổ chức OPEC+, để giữ sản lượng ổn định trong bối cảnh lo ngại rằng việc phong tỏa mới sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu.
OPEC+ đã khôi phục cuộc đàm phán trong ngày 5/1 sau khi bế tắc về mức sản lượng dầu trong tháng hai.
Một tài liệu của OPEC ngày 4/1 cho thấy nhóm đang nghiên cứu một loạt các kịch bản gồm sản xuất thêm, không thay đổi hay cắt giảm sản lượng thêm 500.000 thùng/ngày trong tháng 2.
Căng thẳng xung quanh việc Iran bắt giữ một tàu của Hàn Quốc tiếp tục, khi Iran cho biết quốc gia Châu Á này nợ họ 7 tỷ USD.
Tuy nhiên, các yếu tố giảm giá vẫn xuất hiện trên thị trường, Anh bắt đầu phong tỏa mới trong ngày 4/1 khi số ca nhiễm virus tăng vọt.
Khí tự nhiên của Mỹ tăng gần 5%
Giá khí tự nhiên của Mỹ tăng gần 5% lên mức cao nhất trong hai tuần do các dự báo thời tiết lạnh hơn và nhu cầu sưởi tăng trong 2 tuần tới so với dự kiến trước đây.
Khí tự nhiên tăng 12,1 US cent hay 4,7% lên 2,702 USD/mmBtu, đóng cửa cao nhất kể từ ngày 22/12.
Vàng tăng do USD yếu
Giá vàng tăng lên mức cao nhất trong hai tháng, bởi USD suy yếu và lo ngại ngày càng tăng về Covid-19 khi các nhà đầu tư đợi kết quả cuộc bầu cử nước rút vào Thượng viện tại bang Georgia.
Vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.949,59 USD/ounce, trước đó giá đã đạt 1.952,36 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 9/11/2020. Vàng kỳ hạn tháng 2 của Mỹ đóng cửa tăng 0,4% lên 1.954,4 USD/ounce.
Anh đã bước vào đợt phong tỏa quốc gia mới trong bối cảnh các trường hợp nhiễm Covid-19 tăng, trong khi New York tìm thấy trường hợp đầu tiên của biến thể virus corona dễ lây nhiễm hơn.
Chỉ số USD gần mức thấp nhất kể từ tháng 4/2018, khiến vàng hấp dẫn hơn cho người mua bằng các đồng tiền khác.
Đồng hướng tới mức cao nhất trong 8 năm
Giá đồng tăng, hướng tới mức cao nhất trong 8 năm do USD suy yếu, dự đoán nhu cầu mạnh tại nước tiêu thụ hàng đầu, Trung Quốc và hàng tồn kho đang giảm.
Đồng giao sau 3 tháng trên sàn giao dịch London (LME) tăng 1,8% lên 7.999 USD/tấn. Giá đồng đã tăng vượt 8.000 USD trong tháng trước, mức cao nhất kể từ tháng 2/2013.
USD thấp đang hỗ trợ giá đồng và nhà đầu tư đang tập trung vào vaccine với hàm ý tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn.
Manh mối về triển vọng nhu cầu các kim loại cơ bản sẽ có trong 2 tuần tới khi Trung Quốc phát hành số liệu về tổng tài chính xã hội, các khoản vay mới, thương mại và sản lượng công nghiệp.
Dự trữ đồng trên sàn LME ở mức 105.425 tấn giảm hơn 40% kể từ giữa tháng 10/2020 và thấp nhất kể từ tháng 9/2020.
Quặng sắt tăng 4%
Quặng sắt Trung Quốc tăng phiên thứ 3 liên tiếp lên mức cao nhất một tuần, do lo ngại về nguồn cung khan hiếm đã đẩy giá quặng sắt giao ngay tăng tiếp trên 160 USD/tấn.
Quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đóng cửa tăng 4% lên 1.039 CNY/tấn, sau khi trước đó đạt 1.043,5 CNY, cao nhất kể từ ngày 29/12/2020.
Hợp đồng quặng sắt kỳ hạn tháng 2 tại Singapore tăng 1,1% lên 163,09 USD/tấn.
Những dấu hiệu mới nguồn cung quặng sắt tiếp tục khan hiếm và tâm lý tích cực sau đợt nghỉ năm mới đã đẩy giá quặng sắt giao ngay ở Trung Quốc lên 166 USD/tấn trong ngày 4/1, cao nhất kể từ ngày 24/12, theo công ty tư vấn SteelHome.
Sau hai tuần tăng, khối lượng quặng sắt xuất đi từ 19 cảng và 16 công ty khai thác tại Australia và Brazil – những nhà cung cấp lớn nhất cho Trung Quốc – đã từ ngày 28/12/2020 tới ngày 3/1/2021 giảm hơn 1 triệu tấn hay 4,3% so với tuần trước.
Đồng thời, tồn kho quặng sắt ở các cảng Trung Quốc giảm xuống còn 126,75 triệu tấn tính tới ngày 31/12/2020, giảm 4,1% so với mức đỉnh 132,15 triệu tấn đã ghi nhận trong ngày 13/11/2020, theo SteelHome.
Ngoài ra được hỗ trợ thêm từ USD giảm giá và một dấu hiệu chu kỳ dự trữ thép theo mùa của Trung Quốc bắt đầu trong vài ngày qua.
Thép thanh tại Thượng Hải tăng 1,2%, trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,5% và thép không gỉ tăng 2,6%.
Cao su Nhật Bản giảm, Thượng Hải tăng
Giá cao su Nhật Bản giảm nhẹ, mất đi một phần sự gia tăng mạnh trong phiên trước đó, trong bối cảnh thị trường không rõ ràng về cuộc chạy đua nước rút vào Thượng viện Mỹ tại bang Georgia vào cuối ngày.
Hợp đồng cao su giao tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,3 JPY hay 0,5% xuống 239,1 JPY/kg, giá đã tăng 6% trong ngày giao dịch đầu tiên của năm mới.
Giá cao su giao tháng 5 tại Thượng Hải tăng 1,7% đóng cửa tại 14.415 CNY/tấn.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3 tăng 0,36 US cent hay 2,3% lên 16,12 US cent/lb sau khi tăng lên mức 16,15 US cent trong phiên liền trước, cao nhất kể từ tháng 5/2017.
Các đại lý cho biết thị trường được củng cố bởi nguồn cung khan hiếm trong ngắn hạn sau một vụ mùa yếu kém ở Thái Lan trong khi sản lượng của Brazil sẽ không tăng trở lại cho tới tháng 4.
Tuy nhiên, xuất khẩu từ Ấn Độ tăng có thể cứu trợ một phần. Các nhà máy đường Ấn Độ đã sản xuất 11 triệu tấn đường trong 3 tháng đầu niên vụ 2020/21 bắt đầu từ ngày 1/10/2020, tăng 42% so với một năm trước.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 tăng 7 USD hay 1,6% lên 437,3 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica kỳ hạn tháng 3 chốt phiên giảm 1,05 US cent hay 0,8% xuống 1,2510 USD/lb.
Các đại lý cho biết dự trữ của sàn giao dịch tăng bởi nguồn cung cấp tăng ở Brazil đã bổ sung cho áp lực giá.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 đóng cửa giảm 7 USD hay 0,5% xuống 1.365 USD/tấn.
Đậu tương lên mức cao mới do lo lắng về nguồn cung
Giá đậu tương trên sàn giao dịch Chicago tăng chạm mới cao mới trong 6,5 năm do việc mua vào theo yếu tố kỹ thuật và lo lắng về các nguồn cung ở Nam Mỹ.
Đậu tương CBOT kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 34 US cent lên 13,47 USD/bushel, trong phiên đã đạt mức 13,73-14 USD, cao nhất theo biểu đồ của hợp đồng đậu tương được giao dịch nhiều nhất kể từ tháng 6/2014.
Lúa mì cao nhất 6 năm
Lúa mì tại Chicago đóng cửa cao nhất 6 năm bởi việc mua vào, và sự lan tỏa sức mạnh từ đậu tương và ngô.
Lúa mì CBOT đỏ mềm vụ đông giao tháng 3 đóng cửa tăng 12 US cent lên 6,54 USD/bushel sau khi chạm 6,64-1/2 USD, giá cao nhất kể từ tháng 12/2014.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 6/01