Thị trường ngày 7/1: Dầu tiếp đà tăng, đồng lên mức cao nhất 8 năm, vàng rơi mạnh
Kết thúc phiên giao dịch đêm qua dầu tiếp tục tăng, đồng lên mức cao nhất trong 8 năm, trong khi vàng giảm hơn 2%. Nông sản như ngô và đậu tương cũng tăng do thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ.
- 06-01-2021Thị trường ngày 6/1: Dầu tăng tới 5%, giá vàng và kim loại đồng loạt tăng giá
- 05-01-2021Triển vọng thị trường dầu năm 2021 bị "phủ bóng đen" bởi virus Covid-19 biến thể
- 05-01-2021Thị trường ngày 5/1: Giá vàng tăng hơn 2%, đường thô cao nhất 3,5 năm
Dầu tiếp đà tăng
Giá dầu tiếp tục tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 2/2020, sau khi Saudi Arabia thông báo tình nguyện cắt giảm mạnh sản lượng và do tồn kho dầu thô của Mỹ sụt giảm trong tuần gần nhất.
Chốt phiên 6/1 dầu Brent tăng 70 US cent hay 1,3% lên 54,30 USD/thùng, trong phiên giá đã đạt 54,73 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 26/2/2020.
Dầu thô WTI tăng 72 US cent hay 1,5% lên 50,63 USD/thùng. Hợp đồng này đã chạm 50,94 USD/thùng, cao nhất kể từ cuối tháng 2/2020.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho dầu thô của nước này giảm mạnh trong khi tồn kho nhiên liệu tăng và năm 2020 đã kết thúc với nhu cầu tổng thể giảm mạnh do đại dịch Covid-19.
Dự trữ dầu thô giảm 8 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 1/1, xuống 485,5 triệu thùng, so với dự đoán giảm 2,1 triệu thùng trong một thăm dò của Reuters. Việc dự trữ dầu thô giảm là điển hình vào thời điểm cuối năm, khi các công ty năng lượng lấy dầu ra khỏi kho để tránh các hóa đơn thuế đắt đỏ. Nhu cầu nhiên liệu có thể sẽ giảm.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới cho biết họ sẽ cắt giảm thêm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và tháng 3 sau cuộc họp của OPEC+.
Số ca nhiễm virus corona tăng nhanh chóng khiến các nhà sản xuất lo lắng về ảnh hưởng tới nhu cầu.
OPEC+ nhất trí hầu hết các nhà sản xuất sẽ giữ sản lượng ổn định trong tháng 2 và tháng 3, trong khi cho phép Nga và Kazakhstan nâng sản lượng ở mức khiêm tốn 75.000 thùng trong tháng 2 và tăng tiếp 75.000 thùng/ngày trong tháng 3.
Sản lượng dầu của OPEC tăng tháng thứ 6 liên tiếp trong tháng 12/2020 lên 25,59 triệu thùng/ngày, theo một khảo sát của Reuters, bới việc tiếp tục tăng sản lượng của Lybia và những nơi khác.
Vàng giảm mạnh
Giá vàng giảm hơn 2% bởi sự phục hồi của USD khi lợi tức Kho bạc Mỹ tăng mạnh, các nhà đầu tư đang đặt cược Đảng Dân chủ thắng trong cuộc chạy đua vào Thượng viện Mỹ tại Georgia.
Vàng giao ngay giảm 2,1% xuống 1.907,75 USD/ounce, trước đó đã đạt đỉnh hai tháng tại 1.959,01 USD. Vàng kỳ hạn của Mỹ đóng cửa giảm 2,3% xuống 1.908,6 USD/ounce.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Kho bạc Mỹ tăng trên 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020, làm tăng chi phí của việc giữ vàng.
USD mạnh lên sau khi giảm xuống mức thấp nhất 2,5 năm, khiến vàng không hấp dẫn với các nhà đầu tư sử dụng đồng tiền khác.
Đồng tăng lên mức cao nhất trong 8 năm
Giá đồng đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2013 do Đảng Dân chủ tiến gần tới quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ và lệnh phong tỏa đe dọa sẽ dừng hoạt động tại một mỏ lớn ở Peru.
Đồng trên sàn giao dịch kim loại London (LME) tăng 0,5% lên 8.039,5 USD/tấn, từ đầu tháng tới nay tăng khoảng 3,5% sau khi tăng 26% trong năm 2020.
Đồng sử dụng trong ngành điện và xây dựng, một số nhà phân tích tin rằng việc đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng xanh và nguồn cung bị hạn chế sẽ đẩy giá tăng trong những năm tới.
USD tăng giá sau khi giảm ban đầu, khiến các kim loại trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư dùng đồng tiền khác, nhưng lạm phát của Mỹ dự kiến tăng, một sự thúc đẩy đối với các hàng hóa được coi như rào cản chống lại lạm phát.
Mỏ Las Bambas của Peru có thể ngừng khai thác do một cuộc biểu tình kéo dài 3 tuần của người dân địa phương khiến xuất khẩu bị hạn chế.
Thép không gỉ tiếp tục tăng do nhu cầu mạnh
Thép không gỉ của Trung Quốc tăng lên mức cao nhất 3 tuần, tiếp tục tăng bởi nhu cầu mạnh đồng thời tồn kho ở mức thấp.
Hợp đồng thép không gỉ tại Thượng Hải đóng cửa tăng 1,6% lên 14.030 CNY (2.172,84 USD)/tấn, trong phiên có lúc giá đạt 14.165 CNY, cao nhất kể từ giữa tháng 12/2020.
Nhà phân tích tại Huatai Futures cho biết thị trường giao ngay hiện nay đang khan hiếm và nhu cầu tốt.
Quặng sắt giao tháng 5 trên sàn giao dịch hàng hóa Đại Liên đảo ngược chiều giảm trước đó, đóng cửa tăng 0,3% lên 1.033,5 CNY/tấn.
Hợp đồng quặng sắt giao tháng 2 tại Singapore giảm 0,1% sau 3 phiên tăng liên tiếp.
Những lo ngại kéo dài về nguồn cung quặng sắt khan hiếm đẩy giá giao ngay tại Trung Quốc, nhà sản xuất thép hàng đầu thế giới, tăng lên gần 170 USD/tấn, theo công ty tư vấn SteelHome.
Thép thanh tại Thượng Hải giảm 0,3% trong khi thép cuộn cán nóng tăng 0,4%.
Cao su Nhật Bản giảm
Giá cao su Nhật Bản giảm sau khi số liệu cho thấy số ca nhiễm virus corona mới kỷ lục tại Tokyo, nâng cao khả năng về tình trạng khẩn cấp được ban bố, có thể ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế.
Hợp đồng cao su giao tháng 6 trên sàn giao dịch Osaka đóng cửa giảm 1,1 JPY hay 0,5% xuống 238 JPY/kg.
Giá cao su giao tháng 5 tại Thượng Hải tăng 0,8% lên 14.375 CNY/tấn.
Đường tăng
Đường thô kỳ hạn tháng 3 đóng cửa tăng 0,13 US cent hay 0,8% lên 16,25 US cent/lb sau khi đạt đỉnh 16,32 US cent, cao nhất kể từ tháng 5/2017.
Các đại lý cho biết nguồn cung khan hiếm ít nhất tới tháng 4 khi sản lượng của Brazil có thể bắt đầu tăng trở lại.
Tuy nhiên, giá tăng có thể sẽ dẫn tới sự gia tăng xuất khẩu từ Ấn Độ nơi sản lượng đã cao hơn nhiều so với mức đầu năm.
Đường trắng kỳ hạn tháng 3 tăng 6,1 USD hay 1,4% lên 443,4 USD/tấn.
Cà phê giảm
Cà phê arabica giao tháng 3 chốt phiên giảm 4,2 US cent hay 3,5% xuống 1,209 USD/lb.
Các đại lý cho biết thị trường này bị áp lực bởi tồn kho của sàn giao dịch ngày càng tăng, đồng nội tệ của Brazil suy yếu và dấu hiệu giảm giá theo biểu đồ.
Cà phê robusta kỳ hạn tháng 3 giảm 9 USD hay 0,66% xuống 1.356 USD/tấn.
Giá ngô cao nhất 6 năm
Ngô trên sàn giao dịch Chicago tăng do thời tiết khô hạn ảnh hưởng tới cây trồng ở Argentina.
Hợp đồng ngô CBOT giao tháng 3 đóng cửa tăng 3-1/4 US cent lên 4,95 USD/bushel sau khi đạt 5,02-3/4 USD, cao nhất đối với hợp đồng được giao dịch nhiều nhất kể từ tháng 5/2014.
Đậu tương tiếp tục tăng
Giá đầu tương trên sàn giao dịch Chicago tiếp tục tăng phiên thứ 6 liên tiếp. Hợp đồng đậu tương CBOT giao tháng 3 đóng cửa tăng 12-1/2 USD cent lên 13,61-1/2 USD/bushel sau khi chạm 13,78-1/4 USD, cao nhất đối với loại hợp đồng này kể từ tháng 6/2014.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 7/01