Thị trường ngày 7/5: Giá dầu và vàng tăng, thép giảm vì lo Mỹ áp thuế Trung Quốc
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tăng thuế lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc gây nguy cơ đổ bể một thỏa thuận thương mại song phương đã tác động đến hầu như tất cả các thị trường hàng hóa nguyên liệu. Trong khi điều này đẩy giá dầu và vàng tăng thì lại khiến kim loại cơ bản và nông sản giảm.
- 03-05-2019Thị trường ngày 03/05: Dầu mất gần 3%, giá vàng thấp nhất trong 4 tháng
- 02-05-2019Thị trường ngày 02/05: Giá nhôm, chì thấp nhất 2 năm, đường thấp nhất 4 tháng
- 01-05-2019Thị trường ngày 01/05: Dầu, vàng, kim loại và cao su đều tăng giá
Dầu hồi phục
Giá dầu trong buổi sáng của phiên giao dịch vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 1 tháng do căng thẳng giữa Mỹ và Iran gia tăng, tuy nhiên về cuối phiên giá hồi phục trở lại. Dầu Brent đóng cửa phiên giao dịch ở mức 71,24 USD/thùng, tăng 39 UScent so với cuối phiên giao dịch trước, trong khi dầu Tây Texas (Mỹ) tăng 31 UScent lên 62,25 USD/thùng. Đầu phiên có lúc dầu Brent xuống chỉ 68,79 USD/thùng (thấp nhất từ 2/4/2019), dầu WTI cũng xuống chỉ 60,04 USD/thùng (thấp nhất kể từ 29/3/2019).
Thị trường dầu đang bị giằng co bởi 2 yếu tố: (1) tuyên bố trên Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ áp thuế 25% trở lại đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ ngày 10/5/2019 sau 2 tháng giữ thuế ở mức 10% với lý do thâm hụt thương mại với Trung Quốc vẫn gia tăng, gây lo ngại suy giảm nhu cầu năng lượng toàn cầu, và (2) căng thẳng địa chính trị đang gia tăng.
Mỹ tuyên bố triển khai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Abraham Lincoln và một phi đội oanh tạc cơ đến Trung Đông nhằm gửi thông điệp rõ ràng, không thể nhầm lẫn cho Iran. Mọi cuộc tấn công nhằm vào lợi ích của Mỹ và các đồng minh sẽ bị đáp trả một cách nghiêm khắc. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton xác nhận: "Chúng tôi luôn sẵn sàng đáp trả mọi cuộc tấn công từ lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC) hoặc quân đội chính quy Iran".
Đây là động thái mới nhất của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm gia tăng sức ép với Iran. Mỹ trước đó tuyên bố không tiếp tục miễn trừ trừng phạt cho các nước nhập khẩu dầu thô Iran, khuyến cáo họ nên nhập dầu từ Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất. IRGC cũng bị Washington xếp vào danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế.
Tehran sau đó đáp trả bằng cách liệt quân đội Mỹ vào danh sách khủng bố, đồng thời đe dọa sẽ phong tỏa eo Hormuz, tuyến hàng hải trọng yếu ở khu vực Trung Đông.
Vàng tăng do chứng khoán trượt dốc
Giá vàng tăng trong phiên giao dịch vừa qua sau khi chứng khoán toàn cầu mất điểm bởi chính quyền của ông Trump đe dọa sẽ nâng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này khiến cho các nhà đầu tư lại tìm tới các tài sản an toàn như vàng. Tuy nhiên đà tăng của kim loại quý này bị kiềm chế bởi USD mạnh lên.
Cuối phiên giao dịch, giá vàng giao ngay trên sàn LBMA (London Bullion Market Association) tăng 0,2% lên 1.281,76 USD/ounce, trong khi vàng kỳ hạn tháng 6/2019 trên sàn New York tăng 0,2% lên 1.283,8 USD/ounce.
Chứng khoán trên toàn cầu đồng loạt mất điểm sau tuyên bố của ông Trump là áp thuế bổ sung lên hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, đồng USD lại đi lên bởi thông tin này.
Thép Trung Quốc giảm do lo ngại Mỹ áp thuế
Giá thép kỳ hạn trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm trong phiên vừa qua – phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ kéo dài 4 ngày – do lo ngại về triển vọng thương mại sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD.
Trên sàn Thượng Hải, thép cây giảm 1,4% xuống 3.756 CNY (554,06 USD)/tấn, trong khi thép cuộn cán nóng giảm 1,6% xuống 3.714 CNY/tấn.
Tuy nhiên, thị trường thép Trung Quốc vẫn được hỗ trợ bởi Chính phủ nước này ngày càng thắt chặt các quy định về môi trường, điều có thể ảnh hưởng tới nguồn cung tại quốc gia này. Chính quyền thành phố Đường Sơn tuần trước đã yêu cầu các nhà máy thép ở 7 quận phải cắt giảm một nửa hoạt động đốt lò và thiêu kết trong tháng 5 để cải thiện chất lượng không khí. Theo ước tính sơ bộ, khoảng 29,2% các lò cao ở Đường Sơn sẽ phải dừng hoạt động trong quý 2 năm nay.
Kim loại cơ bản giảm, nickel và đồng thấp nhất 3 tháng
Sàn giao dịch London đóng cửa nghỉ trong ngày thứ Hai (6/5/2019) nhân dịp Lễ Ngân hàng, và sẽ mở cửa trở lại vào thứ Ba (7/5).
Giá đồng và nickel trên sàn giao dịch Thượng Hải giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng do căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang làm dấy lên lo ngại rằng nhu cầu ở Trung Quốc – nước tiêu thụ kim loại hàng đầu thế giới – sẽ sụt giảm.
Vào đầu phiên giao dịch vừa qua, giá đồng tại Thượng Hải giảm 3,1% xuống 47.420 CNY (6.995,03 USD)/tấn, thấp nhất kể từ ngày 29/1/2019, trong khi đó giá nickel cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ 29/1 là 94.890 CNY/tấn, tương đương giảm 3,3%. Tuy nhiên đến cuối phiên giá hồi phục nhẹ, đồng chỉ còn giảm 1,9% so với phiên giao dịch gần đây nhất, chốt ở 48.010 CNY/tấn, trong khi nickel giảm 2,5% xuống 95.610 CNY/tấn.
Các kim loại khác cũng đi xuống, trong đó nhôm giảm 1,8%, kẽm giảm 1,3%, chì giảm 1,9% và thiếc giảm 0,5%.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc cho biết sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các ngân hàng vừa và nhỏ kể từ 15/5/2019 để hỗ trợ các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế suy yếu.
Đậu tương thấp nhất gần 8 tháng
Giá đậu tương và ngô giảm xuống mức thấp mới trong phiên giao dịch vừa qua sau khi ông Trump thông báo tuần này sẽ áp thuế 25% đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc, và mục tiêu sẽ áp thuế 25% đối với 325 tỷ USD hàng hóa nữa của Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Đậu tương giao tháng 7/2019 trên sàn Chicago giảm 12-1/4 UScents xuống 8,30 USD/bushel vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 8,16-3/4 USD. Đậu tương là mặt hàng nông sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc có giá trị lớn nhất, và trước khi hai bên xảy ra cuộc chiến thương mại thì Trung Quốc là khách hàng nhập khẩu đậu tương lớn nhất của Mỹ.
Các nông sản khác cũng đồng loạt đi xuống trong phiên vừa qua. Cụ thể, lúa mì kỳ hạn giao tháng 7/2019 giảm 3/4 UScent xuống 4,62-1/2 USD/bushel, trong khi ngô giao cùng kỳ hạn giảm 6-3/4 UScent xuống 3,64 USD/bushel.
Cà phê arabica sát mức thấp nhất 13 năm
Giá cà phê arabica giảm do chứng khoán mất điểm và đồng real Brazil yếu đi giữa bối cảnh lo ngại dư cung. Arabica giao tháng 7/2019 giảm 0,45 UScent tương đương 0,5% xuống 90,15 UScent/lb vào cuối phiên, sau khi có lúc chỉ 89,4 UScent, gần sát mức thấp nhất 13 năm (89 UScent) chạm tới hồi giữa tháng 4/2019.
Trong bối cảnh thị trường này đang có xu hướng đi xuống, các yếu tố vĩ mô xấu đi càng gây sức ép lên arabica, nhất là việc Tổng thống Mỹ tuyên bố sẽ nâng thuế lên hàng hóa nhập từ Trung Quốc.
Dầu cọ thấp nhất hơn 5 tháng
Giá dầu cọ trên thị trường Malaysia phiên vừa qua giảm xuống mức thấp nhất trong vòng hơn 5 tháng cũng do Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa sẽ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Không lâu sau khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, dầu cọ giảm 2% xuống 1.970 ringgit/tấn, thấp nhất kể từ 28/11/2018. Kết thúc phiên, giá hồi phục nhẹ lên 1.984 ringgit (478,5 USD)/tấn, song mức này vẫn thấp hơn 1,3% so với cuối phiên giao dịch liền trước, và là phiên thứ 7 liên tiếp giảm.
Dầu thầu dầu tăng 23%
Sản lượng hạt thầu dầu của Ấn Độ - nước cung cấp 85% sản lượng thầu dầu toàn cầu – giảm đã đẩy giá dầu thầu dầu trên thị trường quốc tế tăng 23,07% trong vòng một năm qua, hiện đạt 1.600 USD/tấn, so với chỉ 1.300 USD/tấn cách đây một năm.
Trên thị trường Ấn Độ, giá tăng 27% lên 1.150 rupee/10 kg, so với 900 rupee cách đây một năm, mặc dù thị trường tiêu thụ trong nước rất nhỏ so với nhu cầu quốc tế.
Năm 2018, Ấn Độ xuất khẩu 550.000– 600.000 tấn dầu thầu dầu, và năm 2019 có thể sẽ thấp hơn con số đó. Sản lượng dầu thầu dầu của Ấn Độ năm 2018 là 1.126.000 tấn, thấp hơn mức 1.416.000 tấn của vụ trước. Dự đoán giá loại dầu này sẽ còn tiếp tục tăng thêm khoảng 15% nữa trong vài tháng tới, bởi tới tháng 1/2020 mới có nguồn cung mới cho thị trường.
Thị trường dầu thầu dầu toàn cầu năm 2018 ước đạt 1.180 triệu USD, và dự báo sẽ tăng lên 1.470 triệu USD vào cuối năm 2025, tức là tăng trung bình 2,8%mỗi năm. Các thị trường nhập khẩu chủ chốt là Trung Quốc, Nhật Bản, Châu Âu và Mỹ.
Trung Quốc lần đầu tiên nhập khẩu trái cây vượt xuất khẩu
Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Nông nghiệp thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc vừa công bố báo cáo mang tên "Phân tích và dự đoán sự phát triển của nông thôn Trung Quốc" cho thấy thị trường này đã chứng kiến thâm hụt thương mại trầm trọng trong lĩnh vực xuất – nhập khẩu trái cây trong năm 2018. Cụ thể, trị giá nhập khẩu đã đạt 8,42 tỷ USD, tăng 34,5% so với năm 2017, trong khi xuất khẩu đạt 7,16 tỷ USD, tăng 1,2% so với năm trước. Thâm hụt trong lĩnh vực này đã lên tới 1,26 tỷ USD trong năm vừa qua.
Các thống kê cho thấy Trung Quốc nhập khẩu trái cây chủ yếu từ Việt Nam, Philippines, Thái Lan và Chile. Những loại quả có giá trị nhập khẩu nhiều nhất trong năm 2018 là anh đào, sầu riêng, chuối, nho và cam. Thu nhập tăng cho phép người tiêu dùng ngày càng tiêu thụ nhiều trái cây nhập khẩu hơn. Trong khi đó, ngành nông nghiệp của nước này mặc dù đã phát triển nhanh nhưng nhiều sản phẩm vẫn chưa đáp ứng được các yêu cầu của người tiêu dùng.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay