MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 7/9: Giá dầu giảm tiếp, cao su thấp nhất 1,5 tháng

07-09-2018 - 07:30 AM | Thị trường

Giá đường và cà phê, lúa mì cũng giảm trong khi gạo xuất khẩu được giá hơn.


Dầu giảm giá trở lại

Giá dầu kết thúc phiên vừa qua đảo chiều giảm hơn 1%, sau số liệu của Mỹ cho thấy dự trữ xăng trong tuần trước bất ngờ tăng, làm lu mờ sự suy giảm của dự trữ dầu thô.

Dầu thô Brent kỳ hạn giao sau kết thúc phiên giảm 77 US cent tương đương 1% xuống 76,5 USD/thùng và giá dầu thô Tây Texas WTI kỳ hạn giao sau giảm 95 US cent tương đương 1,3% xuống 67,77 USD/thùng. Trong đầu phiên giao dịch, giá cả 2 loại dầu đều tăng, do USD giảm và nhu cầu nhiên liệu Mỹ tăng, song giá đã đảo chiều vào cuối phiên do dự trữ xăng và các sản phẩm chưng cất tăng mặc dù dự trữ dầu thô Mỹ giảm hơn so với dự kiến do các hoạt động tinh chế dầu tăng,Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết.

Chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ tại thị trường mới nổi đều giảm trong mấy tuần gần đây do khủng hoảng tài chính tại các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Venezuela, cũng là yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu dầu. Ole Hansen, quản lý cấp cao thuộc Saxo Bank cho biết: "Trong tuần qua, áp lực lên giá dầu chuyển từ cung sang cầu và chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ tại thị trường mới nổi, gây áp lực đối với triển vọng nhu cầu dầu trung và dài hạn". Trong khi đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) dự kiến nhu cầu dầu toàn cầu sẽ vượt ngưỡng 100 triệu thùng/ngày – lần đầu tiên – trong năm nay.

Vàng vẫn tăng

Giá vàng tăng do đồng bạc xanh suy yếu, hoạt động mua bù thiếu và nhu cầu mua vào từ các nước châu Á tăng.

Vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.199,68 USD/ounce, sau khi tăng 0,5% phiên trước đó và vàng kỳ hạn tháng 12/2018 tại Mỹ tăng 3 USD tương đương 0,3% lên 1.204,3 USD/ounce. Giá vàng gần đây tăng không chỉ do hoạt động mua vào từ các nước như Ấn Độ và Trung Quốc mà còn từ các quốc gia Đông Nam Á cho mục đích đầu tư. Nhập khẩu vàng của Ấn Độ trong tháng 8/2018 đã tăng gấp đôi lên cao nhất 15 tháng, do giá giảm khiến các nhà sản xuất đẩy mạnh mua vào.

Đồng tăng

Giá đồng tăng do các quỹ đầu tư mua bù thiếu và đồng USD suy yếu, song mức tăng không chắc chắn do chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang.

Giá đồng kỳ hạn giao sau trên sàn London tăng 0,9% lên 5.927,5 USD/tấn, hồi phục từ mức thấp nhất 14 tháng (5.773 USD/tấn) trong ngày 15/8/2018, song vẫn giảm khoảng 20% kể từ mức cao nhất 4,5 năm (7.348 USD/tấn) trong tháng 6/2018. Trung Quốc là nước tiêu thụ đồng lớn nhất thế giới, chiếm gần 1/2 nhu cầu toàn cầu đạt khoảng 24 triệu tấn trong năm nay, trong khi Mỹ chiếm khoảng 8% nhu cầu toàn cầu.

Cao su thấp nhất 1,5 tháng

 Giá cao su kỳ hạn tại Tokyo giảm phiên thứ 5 liên tiếp và kết thúc phiên giảm xuống mức thấp nhất gần 1,5 tháng, trong bối cảnh lo ngại về tăng trưởng kinh tế sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa thuế quan mới đối với nhập khẩu hàng hóa của Trung Quốc có trị giá 200 tỉ USD. Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2019 trên sàn Tokyo giảm 0,4 JPY xuống 167,6 JPY (1,51 USD)/kg, thấp nhất kể từ ngày 26/7/2018. Trong khi đó, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2019 trên sàn Thượng Hải tăng 65 CNY tương đương 0,5% lên 12.060 CNY (1.766 USD)/tấn.

Đường và cà phê giảm

Giá đường giảm lần đầu tiên trong 6 phiên, sau hoạt động bán tháo gia tăng, trong khi giá cà phê arabica cũng giảm do real Brazil – nước sản xuất hàng đầu thế giới – thấp nhất 3 năm so với USD.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2018 giảm 0,09 US cent tương đương 0,8% xuống 10,8 US cent/lb, chỉ thấp hơn mức cao nhất 4 tuần (10,97 US cent/lb) trong phiên trước đó. Đường trắng kỳ hạn tháng 12/2018 giảm 4,7 USD tương đương 1,4% xuống 329,5 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2018 giảm 1,6 US cent tương đương 1,5% xuống 1,022 USD/lb và cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2018 giảm 9 USD tương đương 0,6% xuống 1.492 USD/tấn.

Theo xu hướng giá thế giới, cà phê Việt Nam chạm mức thấp nhất trong gần 2,5 năm, trong khi giao dịch tại thị trường Indonesia trầm lắng.

Lúa mì thấp nhất hơn 7 tuần, ngô và đậu tương tăng

Giá lúa mì giảm phiên thứ 3 liên tiếp xuống thấp nhất trong hơn 7 tuần, do dự kiến tiêu thụ lúa mì xuất khẩu của Mỹ tiếp tục giảm. Các nhà xuất khẩu Biển Đen vẫn đang tích cực bán tại châu Á và các khu vực khác dẫn tới ít tiêu thụ lúa mì của Mỹ. Trong khi đó, giá ngô và đậu tương tăng song mức tăng bị hạn chế do chiến tranh thương mại với Trung Quốc leo thang.

Giá lúa mì mềm, đỏ vụ đông kỳ hạn tháng 12/2018 trên sàn Chicago kết thúc phiên giảm 8 US cent xuống 5,13-3/4 USD/bushel. Giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2018 trên sàn Chicago tăng 1-1/4 US cent lên 8,39-1/4 USD/bushel và giá ngô kỳ hạn tháng 12/2018 tăng 1 US cent lên 3,66-1/4 USD/bushel.

Gạo Ấn Độ thấp nhất 17 tháng, gạo Việt Nam tăng

Giá gạo xuất khẩu Ấn Độ trong tuần này giảm xuống mức thấp nhất 17 tháng, do nhu cầu chậm chạp và đồng rupee giảm kỷ lục. Trong khi lo ngại nguồn cung thắt chặt do lũ lụt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và triển vọng các đơn hàng từ Philippines và Ai Cập đẩy giá gạo Việt Nam tăng.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ giảm 10 USD xuống 376-380 USD/tấn, do đồng rupee Ấn Độ giảm hơn 12% trong năm nay và chạm mức thấp kỷ lục trong ngày 6/9/2018. Trong khi đó, tại Việt Nam gạo 5% tấm tăng lên 397-403 USD/tấn so với 395-400 USD/tấn tuần trước đó. Gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống 385-393 USD/tấn FOB Bangkok, so với 393-395 USD/tấn tuần trước đó do nhu cầu giảm.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 7/9

Thị trường ngày 7/9: Giá dầu giảm tiếp, cao su thấp nhất 1,5 tháng - Ảnh 1.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên