MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ngày 9/9: Giá dầu, nhôm, đồng, sắt thép và cao su đồng loạt tăng, vàng giảm trở lại

09-09-2022 - 08:47 AM | Thị trường

Thị trường ngày 9/9: Giá dầu, nhôm, đồng, sắt thép và cao su đồng loạt tăng, vàng giảm trở lại

Chốt phiên giao dịch ngày 8/9, giá dầu, nhôm, đồng, sắt thép và cao su… đồng loạt tăng, gạo Ấn Độ gần mức cao nhất hơn 1 năm, trong khi vàng giảm trở lại.

Giá dầu tăng

Giá dầu tăng 1%, sau khi giảm xuống mức thấp nhất 7 tháng trong phiên trước đó, do Nga đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt sang một số nước.

Chốt phiên giao dịch ngày 8/9, dầu thô Brent tăng 1,15 USD tương đương 1,3% lên 89,15 USD/thùng và dầu thô Tây Texas WTI tăng 1,6 USD tương đương 2% lên 83,54 USD/thùng. Trong phiên trước đó, cả hai loại dầu đều giảm hơn 5% xuống mức thấp nhất kể từ giữa cuối tháng 1/2022.

Giá dầu tăng bất chấp tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng, thông tin Mỹ cân nhắc giải phóng thêm dầu thô từ nguồn dự trữ chiến lược, lo ngại các hạn chế Covid-19 của Trung Quốc kéo dài và lãi suất toàn cầu tăng sẽ làm chậm hoạt động kinh tế và ảnh hưởng đến nhu cầu nhiên liệu.

Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết, tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng gần 9 triệu thùng, do nhập khẩu tăng và việc giải phóng liên tục từ các nguồn dự trữ khẩn cấp của chính phủ.

Giá dầu được hỗ trợ từ việc Tổng thống Nga Vladimir Putin đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu dầu và khí đốt, nếu người mua châu Âu áp đặt giới hạn giá.

Giá khí tự nhiên tăng

Giá khí tự nhiên tại Mỹ tăng 1% từ mức thấp nhất 4 tuần trong phiên trước đó, do dự báo tồn trữ trong tuần trước thấp hơn so với dự kiến trước đó và dự báo nhu cầu khí đốt trong 2 tuần tới cao hơn so với dự kiến trước đó.

Giá khí tự nhiên kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn New York tăng 7,3 US cent tương đương 0,9% lên 7,915 USD/mmBTU. Đóng cửa phiên trước đó chạm mức thấp nhất kể từ ngày 9/8/2022, do lo ngại Cheniere Energy Inc có thể cần giảm xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG).

Tính từ đầu năm đến nay, giá khí tự nhiên tăng 112%, do giá khí đốt tại châu Âu và châu Á tăng, thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) tại Mỹ tăng mạnh. Giá khí đốt toàn cầu tăng do gián đoạn nguồn cung và xung đột Nga – Ukraina hôm 24/2/2022.

Giá khí đốt giao dịch ở mức 64 USD/mmBTU tại châu Âu và 53 USD/mmBTU tại châu Á.

Giá vàng giảm

Giá vàng giảm, sau bình luận từ chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, Jerome Powell, củng cố kỳ vọng xung quanh việc tăng lãi suất 75 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách sắp tới.

Vàng giao ngay trên sàn LBMA giảm 0,4% xuống 1.711,05 USD/ounce, sau khi đạt mức cao nhất hơn 1 tuần trong đầu phiên giao dịch và vàng kỳ hạn tháng 12/2022 trên sàn New York giảm 0,4% xuống 1.720,2 USD/ounce.

Giá nhôm và đồng tăng

Giá nhôm và đồng tăng, do lo ngại tình trạng ngừng hoạt động bởi giá năng lượng tăng cao và những gián đoạn khác sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung.

Trên sàn London, giá nhôm tăng 1,6% lên 2.271 USD/tấn và giá đồng tăng 2,5% lên 7.811 USD/tấn.

Tồn trữ đồng tại London trong 4 tuần qua giảm 22% xuống 102.725 tấn – thấp nhất 5 tháng.

Giá quặng sắt và thép tăng

Giá quặng sắt trên sàn Đại Liên và Singapore tăng, được hỗ trợ sau khi thành phố Trịnh Châu Trung Quốc cho biết sẽ xây dựng các dự án nhà ở bị đình trệ, làm giảm bớt lo ngại về nhu cầu thép tại Trung Quốc suy yếu.

Giá thép tại Thượng Hải cũng tăng, bất chấp lo ngại về việc tăng cường các hạn chế Covid-19 tại nước sản xuất thép và tiêu thụ quặng sắt lớn nhất thế giới.

Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Đại Liên tăng 3,1% lên 706 CNY (101,54 USD/tấn), sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 30/8/2022 (708,5 CNY/tấn).

Đồng thời, giá quặng sắt kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore tăng 4,1% lên 100,4 USD/tấn.

Trên sàn Thượng Hải, giá thép cây tăng 0,9%, thép cuộn cán nóng tăng 0,8% và thép không gỉ tăng 1,4%.

Giá cao su tại Nhật Bản tăng

Giá cao su tại Nhật Bản tăng, được hỗ trợ bởi giá cao su tại Thượng Hải tăng và tăng trưởng kinh tế nội địa cao hơn so với dự kiến đã thúc đẩy nhu cầu.

Giá cao su kỳ hạn tháng 2/2023 trên sàn Osaka tăng 1,4 JPY tương đương 0,7% lên 216,2 JPY (1,5 USD)/kg.

Đồng thời, giá cao su kỳ hạn tháng 1/2023 trên sàn Thượng Hải tăng 90 CNY lên 12.340 CNY (1.775 USD)/tấn.

Nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng hơn so với báo cáo ban đầu trong quý 2/2022, khi việc dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 địa phương thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Giá cao su kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn Singapore tăng 0,9% lên 130,6 US cent/kg.

Giá cà phê tăng tại Indonesia và London, giảm tại New York

Tại thị trường nội địa Việt Nam, cà phê nhân xô được bán với giá 47.000-48.200 VND (2-2,05 USD)/kg, giảm so với 48.100-50.200 VND/kg 2 tuần trước đó.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022 tăng 14,7% so với cùng kỳ năm ngoái, lên 1,2 triệu tấn (20 triệu bao/60 kg).

Tại Indonesia, giá cà phê robusta loại 4 (80 hạt lỗi) chào bán ở mức trừ lùi 70-80 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 10/2022 và tăng so với mức trừ lùi 60-70 USD/tấn cách đây 2 tuần.

Trong tháng 7/2022, Indonesia xuất khẩu 16.863,58 tấn cà phê robusta, tăng 19,8% so với cùng tháng năm ngoái.

Tại New York, giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 1,05 US cent tương đương 0,5% xuống 2,222 USD/lb, trong phiên có lúc chạm mức thấp nhất 3 tuần (2,2065 USD/lb).

Tại London, giá cà phê robusta kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 38 USD tương đương 1,7% lên 2.276 USD/tấn.

Giá đường diễn biến trái chiều

Giá đường thô giảm, chịu áp lực bởi lo ngại suy thoái, song mức giảm được hạn chế bởi nguồn cung thắt chặt và giá đường trắng tăng mạnh.

Giá đường thô kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn ICE giảm 0,12 US cent tương đương 0,7% xuống 17,93 US cent/lb.

Trong khi đó, giá đường trắng kỳ hạn tháng 10/2022 trên sàn London tăng 9 USD tương đương 1,6% lên 580,2 USD/tấn.

Giá lúa mì và ngô giảm, đậu tương tăng

Giá lúa mì tại Mỹ giảm, khi các nhà đầu tư cân nhắc về thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine trước triển vọng kinh tế toàn cầu chậm lại.

Trên sàn Chicago, giá lúa mì đỏ mềm, vụ đông kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 15-1/4 US cent xuống 8,29 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 12/2022 giảm 2-1/2 US cent xuống 6,68-1/2 USD/bushel, trong khi giá đậu tương kỳ hạn tháng 11/2022 tăng 2-1/2 US cent lên 13,86 USD/bushel.

Giá gạo Ấn Độ gần mức cao nhất hơn 1 năm, tăng tại Thái Lan, không thay đổi tại Việt Nam

Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ tăng lên gần mức cao nhất hơn 1 năm, do nhu cầu từ Bangladesh tăng mạnh, trong khi lo ngại về nguồn cung và nhu cầu gạo Thái Lan tăng.

Tại Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo hàng đầu, giá gạo 5% tấm ở mức 379-387 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây 1 tuần.

Nhu cầu từ Bangladesh tăng mạnh đã thúc đẩy giá gạo tăng trong mấy tuần gần đây, khi Dhaka có kế hoạch nhập khẩu 1,2 triệu tấn gạo trong vài tháng tới, để tăng cường dự trữ và hạ nhiệt giá gạo thị trường nội địa.

Đối với loại 5% tấm, giá gạo Việt Nam ở mức 390-393 USD/tấn, không thay đổi so với cách đây 2 tuần, khi tuần trước thị trường đóng cửa nghỉ lễ Quốc Khánh.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ lên 416-420 USD/tấn, so với 415-416 USD/tấn cách đây 1 tuần.

Giá dầu cọ giảm

Giá dầu cọ tại Malaysia giảm mạnh nhất hơn 3 tuần, do lo ngại nguồn cung tăng cao và các hạn chế Covid-19 tại Trung Quốc kéo dài.

Giá dầu cọ kỳ hạn tháng 11/2022 trên sàn Bursa Malaysia giảm 4,01% xuống 3.542 ringgit (787,29 USD)/tấn. Trong đầu phiên giao dịch, giá dầu cọ giảm 5,66% xuống mức thấp nhất kể từ cuối tháng 6/2021.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng ngày 9/9:

Thị trường ngày 9/9: Giá dầu, nhôm, đồng, sắt thép và cao su đồng loạt tăng, vàng giảm trở lại - Ảnh 1.

Minh Quân

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên