MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường nhà phố, biệt thự Hà Nội hiện giờ ra sao?

24-04-2020 - 08:59 AM | Bất động sản

Lượng giao dịch cũng như nguồn cung mới trên thị trường sụt giảm mạnh và ở mức thấp nhất 3 năm qua, nhưng giá biệt thự và nhà phố tại các khu đô thị tại Hà Nội vẫn ổn định.

Theo báo cáo thị trường nhà phố, biệt thự quý 1 năm 2020 Savills vừa công bố, giá biệt thự và nhà phố trong các khu đô thị tại Hà Nội không hề giảm dù bị tác động bởi dịch Covid-19, thậm chí còn tăng nhẹ 1,3% đến 7,3% so với năm ngoái. 

Nguồn cung sụt giảm

Sau sự phục hồi ngắn hạn của nguồn cung trong Q4/2019, thị trường bị ảnh hưởng bởi kỳ nghỉ Tết và COVID-19 giảm nguồn cung mới -76% theo năm. Điều này là bởi trong quý 1 nhiều dự án đã lùi lịch mở bán do tác động của dịch bệnh. Theo Savills, trong 9 tháng tới thị trường có thể ghi nhận khoảng 2.000 sản phẩm được chào bán từ khoảng 13 dự án biệt thự/liền kề mới, được triển khai chủ yếu ở các quận Hoàng Mai, Hà Đông, và Từ Liêm. 

Tuy nhiên, dịch bệnh đã buộc nhiều dự án thay đổi thời gian dự kiến mở bán trong năm nay lùi lại cho đến ít nhất năm sau.

Trong quý 1, chỉ hai dự án được mở bán, Green Center Villas tại quận Tây Hồ và Him Lam New Star tại quận Long Biên, cung cấp cho thị trường 130 căn. Hà Đông tiếp tục dẫn đầu nguồn cung sơ cấp với hơn 50% thị phần. 

Trong ba năm vừa qua, phía Đông Thành phố, bao gồm quận Long Biên và huyện Gia Lâm, luôn dẫn dầu nguồn cung sơ cấp với nhiều dự án được mở bán cùng sự xuất hiện của các chủ đầu tư lớn. Tuy nhiên, trong hai quý trở lại đây, quận Hà Đông đã trở lại dẫn đầu nguồn cung sơ cấp và hứa hẹn tiếp tục dẫn đầu thị trường trong năm nay.

Thị trường nhà phố, biệt thự Hà Nội hiện giờ ra sao? - Ảnh 1.

Nguồn: Savills Việt Nam

Giao dịch lao dốc, giá bán ổn định

Số căn bán được giảm -54% theo quý và -75% theo năm với 281 căn bán được. Tỷ lệ hấp thụ theo quý đạt 21%, thấp nhất trong vòng ba năm, giảm -27 điểm % theo quý và -16 điểm % theo năm. Hà Đông, với nguồn cung sơ cấp lớn nhất, có số lượng căn bán được nhiều nhất với 46% tổng lượng giao dịch.

Quý đầu thường ghi nhận tỷ lệ hấp thụ thấp nhất trong năm. Tỷ lệ cao nhất thường đạt vào quý 2 và quý 4. Trong năm năm vừa qua, quý 1 chỉ chiếm 18% tổng lượng giao dịch cả năm.

Đến cuối Q1/2020, đa số các chủ đầu tư đều chưa giảm giá bán nhờ đó giá bán vẫn giữ được ổn định và thậm chí tăng ở một số dự án.

Nhìn chung giá sơ cấp toàn thị trường giảm do việc tăng tỷ trọng của nguồn cung sơ cấp nằm tại các vị trí ngoài trung tâm có giá thấp hơn giá trung bình thị trường. Tuy nhiên, giá trung bình thứ cấp lại tăng, tăng 1,2% theo quý và 7,3% theo năm đối với biệt thự, tăng 2,8% theo quý và 4% theo năm với nhà liền kề, và tăng 3,1% theo quý và 3,8% theo năm cho nhà phố thương mại.

Với tình hình thị trường chứng khoán và hàng hóa có nhiều biến động, bất động sản, đặc biệt là nhà đất, tiếp tục là một trong những kênh đầu tư được ưa chuộng. Nếu tình hình dịch bệnh vẫn tiếp diễn, các chủ đầu tư sẽ phải cân nhắc việc giảm giá bán hoặc lịch thanh toán linh hoạt hơn.

Việc giãn cách xã hội đã hạn chế tất cả các hoạt động, trong đó bao gồm cả các hoạt động tại các dự án xây dựng. Theo Điều 57 của Luật Kinh doanh Bất động sản, tiến độ thanh toán phải phù hợp với tiến độ xây dựng; do đó, việc xây dựng bị trì hoãn sẽ giảm gánh nặng tài chính cho người mua trong giai đoạn này nhưng lại gia tăng thêm áp lực cho các chủ đầu tư trong việc cam kết tiến độ hoàn thành.

Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết "thị trường quý đầu năm 2020 không có nhiều biến động với nguồn cung hạn chế và giao dịch thấp. Trong tình hình khó đoán hiện tại, chúng ta hy vọng hạng mục này sẽ nhanh chóng hồi phục bởi nhà đất vẫn là những khoản đầu tư được ưa chuộng nhất.

Các gói kích thích của Chính phủ sẽ giúp tăng trưởng đầu tư và hỗ trợ việc phục hồi kinh tế. Những gói hỗ trợ giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động đã phần nào giảm thiểu những ảnh hưởng ban đầu. Tuy nhiên, trong thời gian tới, để thị trường bất động sản có thể hồi phục trở lại, những quy định, hạn chế có thể cần được nới lỏng sau dịch COVID-19.

Bình An

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên