MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường ô tô điện bắt đầu nhộn nhịp

23-06-2024 - 11:01 AM | Thị trường

Có nhiều mẫu ô tô điện để khách hàng lựa chọn với nhiều phân khúc giá - từ vài trăm triệu đồng đến hàng tỉ đồng/chiếc

Không hẹn mà gặp, chỉ trong hai tuần qua, nhiều mẫu ô tô điện được chào bán tại thị trường Việt Nam với mức giá khá hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh với hãng xe Việt VinFast.

Nhiều "ông lớn" góp mặt

Nổi bật nhất là các mẫu xe điện thương hiệu Chery, BYD... của Trung Quốc. Ngày 18-6 vừa qua, hãng xe Chery ra mắt 2 mẫu xe lai điện là Omoda C5 và Jaecoo J7 tại TP HCM. Trong đó, chiếc J7 có giá khoảng 600 triệu đồng/chiếc, còn C5 thuộc phân khúc giá cạnh tranh với mẫu Mazda CX-5.

Trước đó, thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (liên doanh giữa Chery và Tập đoàn Geleximco) đã xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình với vốn đầu tư 800 triệu USD, công suất 200.000 xe/năm. Liên doanh này xác định đến năm 2028 sẽ chiếm lĩnh 10% thị phần tại Việt Nam.

Ông “trùm” xe điện Trung Quốc BYD mở bán cùng lúc 3 mẫu ô tô thuần điện tại thị trường Việt Nam

Ông “trùm” xe điện Trung Quốc BYD mở bán cùng lúc 3 mẫu ô tô thuần điện tại thị trường Việt Nam

Trong khi đó, BYD cùng lúc đưa ra thị trường 3 mẫu xe thuần điện gồm SEAL, Dolphin và Atto 3. Với giá bán mẫu Atto 3 khoảng 800 triệu đồng/chiếc nhằm cạnh tranh trên thị trường. Một hãng xe Trung Quốc khác là MG cũng mở bán chiếc MG4 thuần điện với giá 800 - 900 triệu đồng/chiếc, đặt mục tiêu cạnh tranh với các dòng xe khác, dù không dễ dàng.

Ngoài Trung Quốc, không ít thương hiệu mạnh khác cũng không bỏ qua thị trường xe điện tại Việt Nam vốn được đánh giá là còn nhiều tiềm năng. Cách đây ít ngày, Audi Việt Nam chính thức mở bán chiếc SUV thuần điện Q8 e-tron. Trước đó, hãng xe này đã chào bán 3 mẫu thuần điện tại thị trường Việt Nam là e-tronSUV, e-tron GT và RS e-tron GT.

Với Mercedes Việt Nam, 3 mẫu được hãng đặt nhiều kỳ vọng khi chào bán hồi đầu năm nay là EQB 250, EQE 500 và EQS 500. Năm ngoái, hãng tung ra thị trường 2 mẫu xe thuần điện là EQS 450 và EQS 580. Trong khi đó, hãng Hyundai chuẩn bị có thêm mẫu xe điện Ioniq 6 với ưu điểm sạc nhanh chỉ 18 phút đạt 80% dung lượng pin, sau khi mở bán thành công mẫu xe điện Ioniq 5 được sản xuất tại tỉnh Ninh Bình. Còn hãng Volkswagen Việt Nam xác nhận sẽ đưa về nước 2 mẫu xe điện trong tháng 10-2024 với mức giá khoảng hơn 1 tỉ đồng/chiếc.

Không dễ "ăn"

Ông Võ Minh Lực, Giám đốc điều hành BYD Auto Việt Nam, cho biết hãng đã nghiên cứu thị trường Việt Nam trong 10 năm qua để có chiến lược đầu tư bài bản, chuyên nghiệp.

Ngoài hệ thống 20 đại lý tại Việt Nam, hãng đặt tham vọng tiếp tục ký kết với thêm 20 nhà đầu tư để mở rộng mạng lưới. "Để giúp khách hàng yên tâm sử dụng xe điện, BYD cùng các đối tác sẽ đầu tư hệ thống trạm sạc rộng khắp, có thể cung cấp giải pháp sạc cho xe điện của nhiều thương hiệu. Chúng tôi rất muốn cùng các thương hiệu xe điện phát triển" - ông Lực bày tỏ.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Giám đốc kinh doanh và Phát triển đại lý Omoda & Jaecoo Việt Nam, khẳng định lo ngại của người tiêu dùng về chất lượng xe Trung Quốc không tốt là câu chuyện đã cũ, còn hiện nay đã khác. Chery liên doanh với nhiều hãng xe nổi tiếng thế giới với đội ngũ nghiên cứu toàn cầu, có thể chủ động sản xuất động cơ. Trong đó, động cơ hybrid hoạt động được 1.400 km/lần sạc và đổ đầy xăng; dòng xe điện cao cấp có tầm hoạt động hơn 900 km/lần sạc đầy và 150 km/lần sạc nhanh. Ngoài tiêu chuẩn an toàn toàn cầu 5 sao, hãng còn ứng dụng công nghệ lái xe tự động, có thể ra lệnh cho xe chạy lòng vòng trên đường và quay lại đón chủ nhân.

"Trước đây, mọi người biết đến Trung Quốc với hình ảnh một quốc gia chuyên sản xuất đồ gia dụng, đồ may mặc rẻ tiền hay các loại đồ chơi. Ô tô Trung Quốc bán tại Việt Nam trước đây cũng chưa được đầu tư bài bản thì nay đã có đầy đủ các phân khúc xe xăng, hybrid, thuần điện để cạnh tranh với các hãng khác" - ông Quang khẳng định.

Tuy nhiên, theo ThS Trần Anh Tùng, Trưởng ngành quản trị kinh doanh Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP HCM, thị trường quốc tế chưa thật sự đặt niềm tin vào các mẫu xe Trung Quốc. Tương tự, tâm lý của khách hàng Việt cũng còn e dè, chưa mạnh dạn lựa chọn xe xuất xứ từ công xưởng láng giềng mà thường ưu tiên các hãng xe có tiếng khác. "Thêm vào đó, "ông lớn" VinFast của Việt Nam là đối trọng nặng ký đối với các hãng xe Trung Quốc. Trong khi thu nhập và thị hiếu của người dân Việt Nam đã thay đổi thì các hãng xe Trung Quốc không dễ xâm nhập sâu thị trường Việt Nam" - ThS Tùng nhận định.

Giới kinh doanh xe đánh giá các mẫu ô tô điện từ những thương hiệu uy tín, có tiếng nhiều năm như Mercedes, Hyundai... sẽ dễ dàng chiếm được cảm tình của người Việt và chiếm lĩnh thị trường nhanh trong xu thế chuyển đổi sang phương tiện "xanh".

Theo Nguyễn Hải

Người Lao Động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên