MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường pin năng lượng mặt trời tỷ đô của Việt Nam nằm trong tay DN Trung Quốc, chỉ có duy nhất một cái tên Việt

Thị trường pin năng lượng mặt trời tỷ đô của Việt Nam nằm trong tay DN Trung Quốc, chỉ có duy nhất một cái tên Việt

Thị trường nội địa có trị giá hàng tỉ USD từ lâu đã nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc, có duy nhất môt doanh nghiệp Việt Nam và chỉ chiếm 1% thị phần.

Mới đây, nhóm nghiên cứu năng lượng sạch BloombergNEF thống kê, Việt Nam hiện đứng thứ 7 trên thế giới về sản lượng điện Mặt Trời và trong năm 2020, Việt Nam chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc về số lượng tấm pin năng lượng Mặt Trời được lắp đặt.

Các chuyên gia cho biết, 99% pin năng lượng mặt trời lắp ráp các công trình tại Việt Nam là nhập khẩu và chủ yếu mua từ Trung Quốc. Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy năm 2019, doanh nghiệp tại VN nhập khẩu 36,2 triệu tấm pin mặt trời với giá trị 844,8 triệu USD (tăng hơn 224%) so với năm 2018. Sang năm 2020, lượng nhập khẩu tăng gấp 3 lần lên 114,6 triệu tấm pin với giá trị lên tới 2,4 tỷ USD (tăng hơn 185%) so với năm 2019.

Trong nước hiện có 7-8 nhà máy sản xuất pin năng lượng mặt trời lớn, nhưng chỉ có duy nhất một doanh nghiệp Việt Nam. Những cái tên được nhắc đến là First Solar (tại Củ Chi), HT Solar (tại Hải Phòng), Vina Solar (tại Lào Cai), Trina Solar (tại Bắc Giang), JA Solar (tại Bắc Giang), Canadian Solar (tại Hải Phòng). Và doanh nghiệp Việt duy nhất là Solar BK với công ty con sản xuất pin năng lượng mặt trời là IREX Solar (tại Vũng Tàu).

Thị trường pin năng lượng mặt trời tỷ đô của Việt Nam nằm trong tay DN Trung Quốc, chỉ có duy nhất một cái tên Việt - Ảnh 1.

Nhà máy First Solar tại Củ Chi, TP.HCM.

Trong đó, First Solar là nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng nổi tiếng toàn cầu của Mỹ. Tổng số vốn đầu tư của công ty tại Việt Nam lên đến 830 triệu USD/1,2 tỷ USD vốn cam kết đầu tư.

HT Solar do Haitech Holdings Co., Limited, UK Sun Chance Ltd và 1 nhà đầu tư cá nhân quốc tịch Trung Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp Tràng Duệ, huyện An Dương, thuộc Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Tổng vốn đầu tư của dự án là 22 triệu USD.

Vina Solar là dự án của công ty TNHH Vina Solar Technology Việt Nam do công ty Năng lượng mới Ningbo Yize (Ninh Ba Yize) đầu tư. Năm 2020, Tập đoàn LONGi mua lại Vina Solar từ tay Ningbo Yize với giá 253 triệu USD.

Tập đoàn LONGi có trụ sở tại Tây An (Trung Quốc), thành lập năm 2000. Các sản phẩm kinh doanh chủ chốt bao gồm tấm silicon, tế bào quang điện, module năng lượng mặt trời silicon đơn tinh thể, giải pháp điện phân tán và hệ thống điện mặt đất. Chủ tịch LONGi Li Zhenguo cho biết, việc lựa chọn thị trường Việt Nam để mở rộng còn dựa trên các ưu thế về chi phí sản xuất quang điện và chi phí lao động thấp so với nhiều quốc gia khác.

Công ty TNHH Trina Solar (VietNam) Science & Technology là công ty 100% vốn đầu tư của tập đoàn Trinasolar Trung Quốc, tổng số vốn đầu tư 100 triệu USD.

JA Solar do Tập đoàn JA Solar (Trung Quốc) đầu tư với số vốn công bố là 1 tỷ USD tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang).

Thị trường pin năng lượng mặt trời tỷ đô của Việt Nam nằm trong tay DN Trung Quốc, chỉ có duy nhất một cái tên Việt - Ảnh 2.

Doanh nghiệp Việt duy nhất sản xuất pin năng lượng mặt trời là Solar BK với công ty con IREX Solar (tại Vũng Tàu).

Riêng Canadian Solar là dự án của Canadian Solar - một tập đoàn tại Canada nhưng cũng do ông chủ người Trung Quốc Shawn Qu sáng lập vào năm 2001. Ông Shawn Qu hiện vẫn giữ chức Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc.

Cái tên Việt Nam duy nhất là IREX – một thành viên của tập đoàn Năng lượng Mặt Trời Bách Khoa (SolarBK).

Theo thông tin trên website của công ty này, lịch sử hình thành bắt đầu từ năm 1975, khi nhóm chuyên gia của trường Đại học Cơ điện Thái Nguyên và Đại học Bách Khoa Hà Nội bắt đầu triển khai nghiên cứu về năng lượng tái tạo. Chủ nhiệm đề tài là thầy Nguyễn Hữu Hùng.

Năm 2006, Tập đoàn Năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK Group) được thành lập nhằm đưa các kết quả nghiên cứu ra thị trường. Chủ tịch HĐQT hiện tại của SolarBK Group là bà Dương Thị Thanh Lương có hơn 40 năm kinh nghiệm và là một trong những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực năng lượng sạch ngay từ những năm 70, 80.

Sau 7 năm du học tại Nga và tốt nghiệp với tấm bằng đỏ ngành chế tạo máy tại trường ĐH Bách Khoa Minscơ (Liên Xô cũ), bà đã trở về Việt Nam và nhanh chóng phát triển cùng ngành năng lượng sạch. Năm 1989, bà đã cùng các cộng sự phát triển Trung tâm nghiên cứu thiết bị nhiệt và năng lượng mới trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (RECTERE).

Sau đó, để đưa những nghiên cứu khoa học đến gần hơn với cuộc sống, bà đã cùng các cộng sự thành lập SolarBK.

Doanh nghiệp này đã thực hiện những dự án lớn như Hệ thống chiếu sáng tại quần đảo Trường Sa, dự án Hệ thống lọc nước biển bằng năng lượng sạch trên đảo Song Tử Tây.

Cụ thể, hồi cuối năm 2009, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định đầu tư cùng Bộ Tư lệnh Hải Quân, SolarBK ký kết thành công dự án tổng thể Năng lượng sạch và chiếu sáng tại Quần đảo Trường Sa.

Hệ thống năng lượng sạch tại Quần đảo Trường Sa phân bổ khắp 33 đảo nổi, đảo chìm lớn nhỏ và 15 nhà giàn, với hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, 130 tua bin gió, 60 đèn tìm kiếm và hơn 1000 đèn LED, chỉ sau gần 1 năm thi công.

Sau này, SolarBK Group tái cấu trúc theo mô hình Tập đoàn gồm công ty thành viên SolarBK, SolarGATES, SolarESCO, IREX với 4 mảng hoạt động chính: Sản xuất & công nghệ, đầu tư, thương mại và hỗ trợ các hoạt động giáo dục, vì cộng đồng.

Thị trường pin năng lượng mặt trời tỷ đô của Việt Nam nằm trong tay DN Trung Quốc, chỉ có duy nhất một cái tên Việt - Ảnh 3.

Tổng số dự án SolarBK đã thực hiện tại thị trường Việt Nam. Ảnh chụp màn hình.

Trả lời trên báo Thanh niên, bà Nguyễn Thùy Ngân, Giám đốc truyền thông Công ty Năng lượng mặt trời Bách khoa (Solar BK), cho biết Solar BK là doanh nghiệp nội địa duy nhất sản xuất pin năng lượng mặt trời và chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần tại Việt Nam.

"Hàng làm trong nước gặp cạnh tranh lớn từ hàng giá rẻ Trung Quốc. Chúng ta có chính sách khuyến khích làm năng lượng tái tạo, nhưng không có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời. Thế nên ngay tại thị trường nội địa có trị giá hàng tỉ USD từ lâu đã nằm trong tay doanh nghiệp Trung Quốc" - Bà Ngân nói.

Theo Hải Yến

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên