MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường sắt thép toàn cầu lại nóng lên

26-01-2023 - 07:34 AM | Thị trường

Thị trường sắt thép toàn cầu lại nóng lên

Giá thép toàn cầu đã tăng 29,5% trong 3 tháng qua trong bối cảnh sản lượng giảm, cho thấy chi phí xây dựng nhà ở nói riêng và cơ sở hạ tầng nói chung tiếp tục tăng đột biến.

Trong chỉ số thép của Sở giao dịch chứng khoán New York, giá một tấn thép hôm thứ Sáu (20/1) được giao dịch ở mức 1964,12 USD, đã tăng từ mức 1458,37 USD vào đầu tháng 10 - khi giá giảm từ mức cao kỷ lục vào tháng 3 và 4/2022.

Tương tự, tại Trung Quốc, giá thép thanh vằn cũng tăng vượt 4.100 CNY/tấn, mức cao nhất trong vòng 5 tháng trong bối cảnh nhu cầu có dấu hiệu tăng lên.

Giá thép tăng có nhiều lý do.

Tại Trung Quốc, GDP trong quý IV và sản xuất công nghiệp trong tháng 12 đều tăng hơn so với dự kiến của thị trường, báo hiệu khả năng phục hồi khi nước này kết thúc những biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt chống COVID-19.

Việc chấm dứt chính sách Zero COVID và các sáng kiến ​​lớn nhằm thúc đẩy hoạt động xây dựng, chẳng hạn như ngân hàng trung ương bơm thanh khoản và hạn mức tín dụng mới cho các nhà phát triển bất động sản dự kiến sẽ giúp củng cố sức khỏe tín dụng của lĩnh vực bất động sản và kích thích nhu cầu nhà ở.

Về phía cung, cảnh sản xuất thép thô toàn cầu chậm lại, đặc biệt là ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất hàng đầu với 52% sản lượng của thế giới. Các nhà khảo sát hàng hóa ghi nhận khối lượng xuất khẩu quặng sắt từ nhà sản xuất lớn – Brazil – giảm mạnh, khiến các lò cao phải không có đủ nguyên liệu sản xuất thép. Ngoài ra, lốc xoáy và các chương trình bảo trì trong quý đầu tiên có nguy cơ làm giảm xuất khẩu từ nhà sản xuất hàng đầu thế giới là Australia.

Nguồn cung khó có thể được bổ sung, với các chuyến hàng từ nhà xuất khẩu hàng đầu Australia có khả năng chỉ tăng nhẹ, trong khi các chuyến hàng từ nước xuất khẩu lớn thứ hai là Brazil dự kiến sẽ duy trì ổn định trong năm 2023.

Giá quặng sắt giao ngay là một trong những yếu tố hưởng lợi chính từ kỳ vọng nhu cầu mạnh mẽ khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế trở lại sau khi từ bỏ chính sách hạn chế nghiêm ngặt chống COVID.

Trong khi các mặt hàng khác, chẳng hạn như dầu thô và đồng, gần đây cũng tăng nhờ câu chuyện phục hồi của Trung Quốc, thì sự phục hồi của quặng sắt dường như dựa trên nhu cầu thực tế tăng.

Giá giao quặng sắt hàm lượng 62% Fe – tham chiếu cho thị trường quặng sắt toàn cầu – do cơ quan báo cáo giá hàng hóa Argus công bố, phiên 20/1 đạt 126 USD/tấn, cao hơn 7,1% so với đầu năm, và đã tăng 59,5% kể từ mức thấp nhất vào năm ngoái, là 79 USD/tấn chạm tới hôm 31/10. Giá quặng sắt kỳ hạn tháng 2 trên Sàn giao dịch Đại Liên (Trung Quốc) hôm 13/1 đã chạm mức cao nhất trong vòng 17 tháng, là 896,5 nhân dân tệ (132,23 USD)/tấn. Mặc dù kể từ đó giá đã giảm một chút, song mức giá 856,6 CNY của ngày 20/1 vẫn là mức khá cao.

Để duy trì quan điểm lạc quan về giá quặng sắt, cần phải có bằng chứng về sản lượng và nhu cầu thép tăng ở Trung Quốc.

Thoạt nhìn, việc giá nguyên liệu chính trong sản xuất thép tăng tăng dường như không tương ứng với nhập khẩu của Trung Quốc, nước thống trị thương mại đường biển toàn cầu - mua khoảng 70% tổng khối lượng vận chuyển qua đường biển trên toàn thế giới.

Nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc trong tháng 12 là 90,86 triệu tấn, giảm so với 98,85 triệu tấn trong tháng 11 và cũng yếu hơn so với 94,98 triệu tấn của tháng 10.

Tuy nhiên, tháng 12 trong lịch sử là một tháng nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc luôn thấp, và kết quả của tháng 12/2022 thực tế cao hơn 5,6% so với mức nhập khẩu của tháng 12/2021.

Điều quan trọng hơn đối với giá quặng sắt giao ngay là nhập khẩu trong tháng 1 dường như đang tăng rất mạnh, theo dữ liệu cảng và theo dõi tàu do các nhà phân tích hàng hóa Kpler và Refinitiv tổng hợp.

Dữ liệu của Kpler cho thấy Trung Quốc đang trên đà nhập khẩu 115,6 triệu tấn quặng sắt trong tháng 1, trong khi Refinitiv ước tính là 116,8 triệu tấn.

Thị trường sắt thép toàn cầu lại nóng lên - Ảnh 1.

Biểu đồ giá quặng sắt và nhập khẩu của Trung Quốc.

Các số liệu từ các nhà phân tích hàng hóa không khớp chính xác với số liệu hải quan chính thức do sự khác biệt về thời điểm hàng hóa được đánh giá là đã được thông quan.

Ngoài ra, các số liệu vận chuyển bằng đường biển không tính đến khối lượng nhỏ quặng sắt vận chuyển trên đất liền từ các nước láng giềng của Trung Quốc là Nga và Mông Cổ.

Tuy nhiên, ước tính tháng 1 cho thấy đây là một tháng nhập khẩu quặng sắt vào nước này cực kỳ mạnh mẽ, thậm chí có thể vượt mức cao kỷ lục 112,65 triệu tấn của tháng 7/2020.

Dữ liệu chính thức về nhập khẩu có thể sẽ phải chờ đến tháng 3, vì trong những năm gần đây, hải quan Trung Quốc không báo cáo riêng số liệu tháng 1 và tháng 2, thay vào đó kết hợp hai tháng đầu tiên để lọc ra những biến động do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán thay đổi.

Một điều đáng chú ý nữa là trong bối cảnh nhập khẩu cao như vậy, song sản lượng thép của Trung Quốc tháng 12 cũng tăng 4,5% so với tháng 11lên 77,89 triệu tấn, mặc dù sản lượng của năm 2022 là 1,10 tỷ tấn, giảm 2,1% so với mức cao kỷ lục đạt được vào năm 2021.

Giá quặng sắt tăng nhanh đang gây ra một số lo lắng cho Bắc Kinh, với việc cơ quan hoạch định chính sách quốc gia nước này gần đây đã 3 lần đưa ra cảnh báo về việc sẽ có biện pháp cứng rắn chống lại tình trạng đầu cơ quá mức.

Hiện chưa rõ triển vọng giá sắt thép thế giới sẽ tiếp tục tăng hay dừng lại, nhưng ít nhất trong quý I/2023, sắt thép dự báo sẽ vẫn là mặt hàng thu hút sự chú ý lớn của các nhà đầu tư trên toàn thế giới.

Tham khảo: Refintiv, Businessdailyafrica

Vân Chi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên