MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường Tết Nguyên đán: Giá thực phẩm tăng, hoa đua nhau giảm giá

06-02-2024 - 08:14 AM | Thị trường

Vài ngày trước Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng thực phẩm bắt đầu tăng giá, trái lại mặt hàng thời trang, hoa bất ngờ giảm giá.

Thị trường Tết Nguyên đán: Giá thực phẩm tăng, hoa đua nhau giảm giá- Ảnh 1.

Cửa hàng treo biển giảm giá trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: Ngọc Mai

Thời trang, cây cảnh, hoa Tết giảm giá mạnh

Trên phố Chùa Bộc (Đống Đa, Hà Nội), hàng loạt các cửa hàng thời trang bán quần áo, giày dép treo biển giảm giá từ 30% đến 70%. Nhiều cửa hàng còn treo sẵn đồ giảm giá trên vỉa hè cho khách dễ lựa chọn. Chị Thu Hoài, nhân viên bán hàng tại cửa hàng thời trang Hà Anh, 115 Chùa Bộc cho biết, nhiều năm trước, những ngày cuối năm, cửa hàng mới xả hàng kéo theo khách mua nườm nượp từ sáng sớm đến khuya. Nhân viên làm không có thời gian ăn cơm, nghỉ ngơi. Năm nay, kinh tế khó khăn, cửa hàng bày đồ trên vỉa hè, treo biển 100.000 đồng/sản phẩm nhưng chỉ lác đác khách mua.

Sức mua kém thể hiện rõ trong những ngày cận Tết khi nhiều mặt hàng phải treo biển giảm giá sớm. Góc phố đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) treo đầy biển giảm giá các loại hoa. Thế nhưng, những chậu hoa cúc được bán với giá 130.000 đồng cũng không thu hút được nhiều sự quan tâm của khách đi đường. Tiểu thương bán hoa cho biết, cách đây 1 tuần, chậu cúc có giá 200.000 đồng nhưng nay đã phải giảm mạnh để mong bán nhanh hết hàng.

Khu vực đường Hoàng Hoa Thám, Lạc Long Quân, Võ Chí Công (Tây Hồ), đường Tố Hữu (Nam Từ Liêm), công viên Thống Nhất (Hai Bà Trưng), chợ hoa Hàng Lược (Hoàn Kiếm)... tràn ngập đào, quất, hoa tươi, cây cảnh từ khắp các vùng miền, địa phương.

Thị trường Tết Nguyên đán: Giá thực phẩm tăng, hoa đua nhau giảm giá- Ảnh 2.

Cây nhất chi mai giá giảm 30% so với năm ngoái Ảnh: Việt Linh

Tiểu thương chia sẻ, cây cảnh, hoa tết năm nay đẹp hơn, giá cả cũng phải chăng so với các năm trước. Quất cảnh, đào cành, nhất chi mai giá chỉ quanh 100.000 đồng/cây. Dù vậy, tới 26 Tết, sức tiêu thụ vẫn rất chậm. Bên cạnh cây, hoa ở Hà Nội, các vùng lân cận, Tết năm nay, mai vàng Bình Định xuất hiện nhiều hơn tại Thủ đô nhưng sau khoảng 2 tuần, sức mua rất kém, nhiều cây đã bung nở nhưng vẫn chưa tìm được khách mua.

Anh Thế Hiệp (Ba Vì, Hà Nội) cho biết, giá nhất chi mai năm nay rẻ hơn 30% so với năm ngoái. Vận chuyển 3 xe tải từ vườn nhà ra trung tâm thành phố bán hơn 1 tuần qua, anh Hiệp không khỏi sốt ruột khi số cây còn lại vẫn khá lớn. “Năm nay rao buôn được giá, thương lái đặt cọc sớm, đã lấy hết cây. Tuy nhiên, lượng cây tuyển chọn, để dành bán lẻ thì đi hàng chậm. Cả buổi sáng 26 Tết, dù liên tục có khách xem, nhưng chưa bán được 10 cây. Cây tiền triệu rất ít người hỏi mua, hoặc có người hỏi thì cũng mặc cả tới nửa giá”, anh Hiệp cho biết.

Đào, quất ở nhiều khu chợ cũng trong cảnh “ngóng khách”. Trước tình hình này, tiểu thương tìm nhiều cách đẩy hàng. Để tạo sự hấp dẫn, chị Hoàng Thị Nhung (Tứ Liên, Hà Nội) chuyển hướng kinh doanh quất cảnh “mini” bán kèm bình hút tài lộc thay vì bán quất cây trồng chậu như nghề truyền thống gia đình. “Bố tôi trồng quất lâu năm, vừa bán sỉ, vừa bán lẻ. Chị gái tôi cũng bán quất trồng trong chậu kích thước lớn, những năm gần đây bán chậm. Vậy nên, tôi chỉ bán quất cảnh kích thước nhỏ, dáng đẹp, trồng trong bình hút lộc”, chị Nhung chia sẻ. Chị cho biết, các bình quất hút lộc nhỏ nhất giá từ 250.000 đồng/bình, phù hợp để bàn trà, bàn làm việc, tiếp khách. Dù giá đắt hơn quất cảnh cùng loại, nhưng nhờ cách làm mới, những chậu quất cũng nhanh tìm được khách hơn.

Thị trường Tết Nguyên đán: Giá thực phẩm tăng, hoa đua nhau giảm giá- Ảnh 3.

Sức mua hàng Tết tại chợ truyền thống tăng từng ngày (ảnh tại chợ Bình Tây). Ảnh: U.P

Thực phẩm tươi sống, đồ khô tăng giá

Tại các chợ truyền thống như Diêm Gỗ (Long Biên), Gia Lâm; Chợ Hôm (Hai Bà Trưng)… giá các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng nhẹ từ 5-10% so với khoảng 1 tuần trước. Cụ thể, thịt lợn mông, vai có giá bán 100.000 đồng/kg; thịt ba chỉ 130.000 đồng/kg; thịt bò 260.000 đồng/kg; giò lợn loại 1 giá 200.000 đồng/kg; giò bò loại 1 giá 300.000 đồng/kg; cá thu cắt lát giá 300.000 đồng/kg; gà ta loại dùng để cúng giá 250.000 đồng/kg, còn gà ta loại thường giá 190.000 đồng/kg. Các mặt hàng đặc trưng, phục vụ nhu cầu dịp Tết cũng tăng 10-15%; các loại trái cây nhập khẩu như táo, cam, quýt... tăng khoảng 20 - 30%.

Bà Lê Mai Thu, tiểu thương bán thịt tại chợ Diêm Gỗ (Long Biên) cho biết, mỗi ngày bà nhập khoảng 500kg thịt lợn các loại và bán hết trong ngày do nhu cầu mua sắm để chuẩn bị Tết của người dân tăng cao. Đa phần, khách tới mua thịt lợn ba chỉ và nạc đùi nên giá tăng khoảng 10.000 đồng/kg.

Chị Bùi Bích Hòa, bán giò chả tại chợ Gia Lâm (Long Biên, Hà Nội) cho biết, cận Tết, giá nguyên liệu và gia vị đều tăng, dẫn đến giá giò chả cũng tăng theo. Trong khi đó, nhóm đặc sản, đồ khô phục vụ biếu tặng ghi nhận mức tăng nhẹ 5-15% so với ngày bình thường.

Các mặt hàng khô như miến, măng, mộc nhĩ cũng tăng từ 10-20%. Cụ thể, măng nứa rừng (loại miếng) tăng từ 280.000 đồng lên 310.000 đồng/kg; măng nứa rừng (loại sợi) giá tăng từ 170.000 đồng lên 190.000 đồng/kg; măng lưỡi lợn giá dao động 230.000 đồng- 250.000 đồng/kg…

Nấm hương là một trong những mặt hàng có mức tăng giá cao nhất. Cách đây khoảng 1 tháng, nấm hương cánh mỏng và nấm hương loại ngon có giá lần lượt là 210.000 đồng/kg và 280.000 đồng/kg, thì nay mỗi loại đã tăng thêm 40.000 đồng - 50.000 đồng/kg. Các loại đồ khô khác như miến, mộc nhĩ,...đều lần lượt tăng giá, dao động từ 10.000 đồng - 15.000 đồng/kg. Cụ thể, mộc nhĩ được bán với giá 180.000 đồng - 220.000 đồng/kg, tăng 25.000 đồng - 30.000 đồng/kg; miến Mỏ Thiếc giá 160.000 đồng/kg…

Các mặt hàng khác như bánh đa nem, hành khô, hạt sen hay đồ khô thông dụng như lạc, vừng… cũng tăng 10 - 25% so với tháng trước.

Theo Ngọc Mai - Việt Linh

Tiền Phong

Trở lên trên