Thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ tạo thêm gần 2 nghìn tỷ USD cho thế giới vào năm 2021
Báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc thậm chí đạt 10% mỗi năm, cao nhất trên thế giới.
- 16-07-2017Đằng sau các thương vụ mua hạt giống thế giới của Trung Quốc
- 16-07-2017Trò chơi điện tử sẽ “hết đất sống” ở Trung Quốc?
Nền kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc nhưng nếu xét về thị trường tiêu dùng, quốc gia này vẫn là thị trường thu hút với các doanh nghiệp trên toàn cầu.
Báo cáo của Boston Consulting Group (BCG) cho thấy, tăng trưởng tiêu dùng của Trung Quốc thậm chí đạt 10% mỗi năm, cao nhất trên thế giới. Đến năm 2021, thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ tạo thêm 1,8 nghìn tỷ USD cho nền kinh tế, tương đương với thị trường tiêu dùng của Đức hiện nay. Thậm chí, khoảng 1/4 tỷ lệ tăng trưởng tiêu dùng tại các nền kinh tế lớn hiện nay thuộc về Trung Quốc.
Thị trường tiêu dùng Trung Quốc sẽ tạo thêm gần 2 nghìn tỷ USD cho thế giới vào năm 2021
Nguyên nhân cho sự bùng nổ này bất chấp nền kinh tế giảm tốc được BCG nhận định là do tầng lớp trung lưu ngày càng tăng trong khi dân số trẻ chuộng chi tiêu và đặc biệt là sự tăng trưởng mạnh của thương mại điện tử.
Bởi những lý do này mà người dân Trung Quốc ngày càng chi tiêu nhiều hơn cũng như hướng dần đến những sản phẩm có chất lượng tốt thay vì chỉ quan tâm đến giá cả như trước đây.
Đặc biệt, sự bùng nổ của thương mại điện tử sẽ thúc đẩy tiêu dùng tại Trung Quốc khi tỷ lệ kết nối Internet tại quốc gia này cao hơn nhiều thị trường khác. Tính đến năm 2021, BCG dự đoán khoảng 90% số giao dịch mua bán tại Trung Quốc sẽ có dính dáng đến thương mại điện tử hoặc Internet.
Thế hệ trẻ tuổi của Trung Quốc (18-35 tuổi) được dự kiến sẽ ngày càng chi tiêu nhiều hơn. Năm 2016, những khách hàng trẻ đã chi 1,5 nghìn tỷ USD cho tiêu dùng, cao hơn rất nhiều so với mức 700 tỷ USD của năm 2011. Ước tính đến năm 2021, con số này sẽ đạt 2,6 nghìn tỷ USD.
Ngày độc thân của Trung Quốc dần thay thế được Cyber Monday của Mỹ
Bên cạnh đó, kinh tế tăng trưởng chậm cùng với sự thay đổi về văn hóa, dân số khiến thị trường Trung Quốc đang ngày một chuyển biến khác trước. Ví dụ, người Trung Quốc ngày nay thường không thích kết hôn sớm. Cách đây 10 năm, chỉ 4% số thanh thiếu niên hơn 35 tuổi tại thành thị là độc thân trong khi con số này đã tăng lên 21% hiện nay.
Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về sản phẩm tại Trung Quốc sẽ đa dạng hơn trước ví dụ như những suất sản phẩm hay đồ thực phẩm có đóng gói nhỏ hơn sẽ bán chạy hơn.
Một điều lý thú nữa là ngày lễ độc thân (11/11) tại Trung Quốc đang dần thay thế được ngày “Cyber Monday” (chuẩn bị cho dịp mua sắm giữa Lễ Tạ ơn và Giáng sinh) của Mỹ. Năm 2016, doanh số trong ngày độc thân tại Trung Quốc đã đạt 1 tỷ USd chỉ trong 5 phút đầu tiên và đạt 17 tỷ USD vào cuối ngày.
Ngoài ra, do chính quyền Bắc Kinh ngày một chú trọng tuyên truyền về môi trường mà người dân Trung Quốc cũng ý thức hơn. Báo cáo của BCG cho thấy 66 triệu khách hàng mua đồ của Alibaba, tương ứng 16,2% tổng số mua ít nhất 5 sản phẩm thân thiện với môi trường vào năm 2015, cao hơn mức 4 triệu của năm 2011.
Thời Đại