MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới dần hồi phục, dầu thô 'giá rẻ' của Nga mất vị thế?

18-08-2022 - 14:06 PM | Thị trường

Thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới dần hồi phục, dầu thô 'giá rẻ' của Nga mất vị thế?

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng nhẹ trong tháng 7 cho thấy tín hiệu tích cực về nhu cầu dầu trong tương lai. Tuy nhiên, nhập khẩu dầu thô từ Nga lại sụt giảm, thay vào đó nhập khẩu dầu từ Mỹ của Trung Quốc trong tháng 7 tăng kỉ lục trong vòng 18 tháng trở lại đây.

Nhu cầu dần hồi phục

Theo trích dẫn dữ liệu chính thức từ Bắc Kinh của Bloomberg, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc đã tăng nhẹ trong tháng 7 trong bối cảnh xuất nhập khẩu hàng hóa chung được cải thiện.

Nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 7 đạt mức 37,33 triệu tấn. Mức này đã tăng so với cùng kì 4 năm trở lại đây nhưng vẫn thấp hơn so với đầu năm và 1 năm trước đó, tương đương với khoảng 8,8 triệu thùng/ngày.

Trước đó, Công ty phân tích năng lượng OilX dự báo nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ tăng nhẹ trong tháng 7, đạt 9,3 triệu thùng/ngày, cao hơn nửa triệu thùng/ngày so với mức trung bình của tháng 6.

Tin tức về việc Trung Quốc phục hồi nhập khẩu dầu đã ngay lập tức khiến giá dầu biến động trong thời gian vừa qua, cùng với dữ liệu về xuất khẩu mạnh mẽ đã được công bố vào đầu tháng 8.

Mặc dù vậy, nhập khẩu dầu được đánh giá vẫn ở mức thấp, cản trở đà tăng giá trong thời điểm hiện tại do nhu cầu về mặt hàng này vẫn còn yếu. Sự kiềm chế này là một trong những lí do khiến ANZ điều chỉnh giảm triển vọng nhu cầu dầu trong năm nay và năm tới.

Trong năm nay, ngân hàng Úc đã điều chỉnh triển vọng nhu cầu giảm 300.000 thùng/ngày và cho năm 2023, họ cắt giảm dự báo 500.000/thùng mỗi ngày.

Chính sách Zero Covid của Trung Quốc khiến cho nhu cầu dầu trở nên không chắc chắn, đặc biệt sau khi dữ liệu cho thấy tỉ lệ vận hành nhà máy lọc dầu của Trung Quốc đã giảm lần đầu tiên trong thập kỉ qua. Sự gia tăng nhập khẩu dầu trong tháng 7 và nhập khẩu những mặt hàng khác cho thấy những tín hiệu tích cực, mặc dù sự không chắc chắn về nhu cầu dầu vẫn còn tồn tại.

Thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới dần hồi phục, dầu thô giá rẻ của Nga mất vị thế? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Dầu thô chiết khẩu cao từ Mỹ

Theo Vortexa, nhập khẩu dầu thô từ Mỹ của Trung Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 18 tháng vào tháng 7 khi nước này "quay lưng" với dầu thô của Nga.

Dữ liệu hàng hóa cho biết các tàu ở Mỹ đã chở khoảng 330.000 thùng dầu/ngày đến Trung Quốc trong tháng 7, tăng đột biến so với chỉ 60.000 thùng/ngày trong 2 tháng trước đó.

Các chuyến hàng được chuyển đến các nhà máy lọc dầu thuộc sở hữu của tập đoàn dầu khí quốc doanh Sinopec, nơi đang tích trữ dầu thô với kỳ vọng nhu cầu sẽ tăng vào mùa thu.

Cùng lúc đó, Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu từ Nga. Sinopec chỉ nhận ba chuyến hàng từ vùng viễn đông của Nga vào tháng 7, trong khi họ nhận khoảng 14 chuyến trong cả tháng 5 và tháng 6 vừa qua.

Thị trường năng lượng toàn cầu đã bị rung chuyển vào năm 2022 bởi xung đột giữa Nga và Ukraine vào cuối tháng 2, dẫn đến việc các nước phương Tây áp dụng các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Moscow.

Khi các khách hàng phương Tây xa lánh dầu của Nga, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều tăng cường mua, giúp sản lượng từ nước này vẫn duy trì ổn định. Tuy nhiên các nhà phân tích từ Vortexa cho biết trong báo cáo của họ hôm thứ Hai, đà tăng nhập khẩu dầu Mỹ có vẻ sẽ tiếp tục trong tháng 8, bởi vậy dầu giá rẻ của Nga đang dần mất đi vị thế tại thị trường tỉ dân này.

Họ lưu ý rằng: "Sự "thèm muốn" của Trung Quốc đối với dầu thô Mỹ vẫn còn mạnh mẽ trong tháng này."

Dầu thô WTI của Mỹ gần đây đã trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua, với mức giá thấp hơn đáng kể so với dầu Brent khi nhu cầu tại Mỹ sụt giảm trong mùa hè và quốc gia này tăng cường xuất khẩu.

Mức chiết khấu đối với dầu WTI khi so sánh với giá dầu Brent đang ở mức cao nhất trong ba năm. Điều này đã giúp thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ lên mức cao kỷ lục trong tháng 7 vừa qua.

Giá dầu đã giảm mạnh trong những tuần gần đây do lo ngại thế giới đang bước vào một cuộc suy thoái và các nhà giao dịch đặt cược rằng nhu cầu năng lượng sẽ giảm. Trong phiên giao dịch ngày 17/8, dầu thô Brent ít thay đổi vào thứ Tư ở mức khoảng 92 USD/thùng, giảm khoảng 13% so với tháng trước, với giá dầu WTI giao dịch ở mức 86,50 USD.

Tham khảo: Bloomberg, Oilprice, BI

Theo Như Quỳnh

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên