Thị trường tuần đến ngày 22/12: Giá hàng hóa giảm thê thảm, riêng dầu thô mất hơn 11%
Nhà đầu tư hàng hóa tổn thất lớn trong tuần này khi giá dầu thô liên tiếp giảm sâu nhiều phiên, để mất tổng cộng 11%. Nhiều mặt hàng khác cũng cùng chung xu hướng đó: bông thấp nhất một năm, đồng giảm 4 tuần liên tiếp, nhôm thấp nhất 16 tuần, đậu tương và đường thấp nhất 3 tháng. Nguy cơ kinh tế thế giới đi xuống đang bao trùm các thị trường toàn cầu.
- 21-12-2018Thị trường ngày 21/12: Giá dầu lại giảm mạnh 5%, nhôm thấp nhất 16 tháng, cao su lập đỉnh 3,5 tháng
- 20-12-2018Thị trường ngày 20/12: Giá nhiều mặt hàng đảo chiều tăng, dầu thô hồi phục sau động thái của Fed
- 19-12-2018Thị trường ngày 19/12: Giá dầu WTI lao dốc, "bốc hơi" 8% về 46 USD/thùng
Dầu thô giảm hơn 11% trong vòng một tuần
Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên vừa qua xuống mức thấp nhất kể từ quý 1/2018, đưa mức giảm trong cả tuần lên hơn 11%, do nguồn cung dư thừa trên toàn cầu khiến nhiều nhà đầu tư tạm ngừng giao dịch trước kỳ Lễ hội sẽ kéo dài trong 2 tuần tới. Dầu thô đang "thất sủng" cũng như các thị trường chứng khoán lớn bởi nhà đầu tư nghi ngờ về khả năng tăng trưởng kinh tế thế giới trong năm tới cùng với một vài lý do khác gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, dầu Brent giảm 53 US cent tương đương gần 1% xuống 53,82 USD/thùng, trong phiên có thời điểm chỉ 52,79 USD, thấp nhất kể từ tháng 9/2017; dầu ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) cũng giảm 29 US cent xuống 45,59 UUSD/thùng, trước đó có lúc chỉ 45,13 USD.
Cả 2 loại dầu này đều đã giảm hơn 11% trong tuần này. So với đầu tháng 10/2018, giá đã mất đi 1/3.
Hàng loạt các yếu tố đang gây hoang mang cho nhà đầu tư dầu mỏ:
* Nguy cơ Chính phủ Mỹ - nước tiêu thụ dầu mỏ số 1 thế giới – sắp phải đóng cửa;
* Nhiều nhà đầu tư ngừng giao dịch để chuẩn bị nghỉ Lễ Giáng sinh và Năm mới;
* Mỹ đã trở thành nhà sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới nhờ thành công của ngành khai thác đá phiến. Hiện Mỹ bơm 11,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, nhiều hơn cả Saudi Arabia hay Nga;
* Các công ty năng lượng Mỹ đã tăng số giàn khoan dầu lần đầu tiên trong 3 tuần;
* Tình trạng dư cung vẫn kéo dài, bất chấp kế hoạch cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ. OPEC – do các quốc gia vùng Vịnh ở Trung Đông chi phối –cùng Nga và các nước sản xuất khác ngoài OPEC nhất trí cùng nhau cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để kéo giá dầu tăng trở lại.
* Yếu tố Trung Quốc cũng trở nên khó đoán. Thông tin Reuters cho biết nước nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới này sẽ chỉ mua rất ít hoặc thậm chí không mua dầu thô Mỹ vào đầu năm 2019 mặc dù có thỏa thuận đình chiến 3 tháng giữa 2 nước.
Vàng giảm
Giá vàng giảm trong phiên vừa qua do hoạt động bán kiếm lời và do USD mạnh lên. Vàng giao ngay kết thúc phiên giảm 0,4% xuống 1.254,81 USD/ounce, tuy nhiên trong phiên có lúc đạt mức cao nhất kể từ 26/6/2018 là 1.266,40 USD, và tính chung cả tuần vẫn tăng khoảng 1,3%. Vàng giao sau giảm 0,8% trong phiên cuối tuần xuống 1.258,10 USD/ounce.
Đồng giảm tuần thứ 4
Giá đồng kết thúc tuần giảm thứ 4 liên tiếp do lo ngại tăng trưởng kinh tế thé giới yếu đi sẽ hạn chế nhu cầu và bù lấp ảnh hưởng từ việc thiếu cung. Đồng giao sau 3 tháng trên sàn London giảm 0,2% xuống 5.991 USD/tấn trong phiên cuối tuần, tính chung cả tuần giảm 2,3%.
Lo ngại tăng trưởng ở Trung Quốc đang "nguội" dần và bất đồng với Mỹ về thương mại đã gây áp lực lớn lên thị trường đồng, khiến kim loại này đang tiến tới một năm mất giá khoảng 17%.
Tuy nhiên, yếu tố ngăn giá giảm mạnh là nguồn cung. Dự báo tình trạng thiếu cung đồng sẽ cồn kéo dài tới năm 2019, có nghĩa là giá sẽ không giữ lâu ở mức 6.000 USD/tấn. Nhà phân tích Ross Strachan thuộc Capital Economics dự báo giá sẽ ở mức 6.250 USD/tấn vào cuối năm 2019.
Thị trường đồng tinh luyện toàn cầu đã thiếu hụt 168.000 tấn trong tháng 9/2019, dưa mức thiếu hụt trong 9 tháng lên 595.000 tấn, theo tính toán của Tập đoàn Nghiên cứu Đồng quốc tế (ICSG). Lượng đồng lưu kho ở sàn LME hiện thấp nhất gần 10 năm, còn ở sàn ShGE (Thượng Hải) hiện là 110.702 tấn, so với hơn 300.000 tấn hồi tháng 4/2018.
Nhôm thấp nhất 16 tuần
Giá nhôm giảm 0,2% trong phiên cuối tuần, xuống 1.909 USD/tấn, và tính chung cả tuần giảm 0,8%, trong đó có thời điểm thấp nhất 16 tuần. Lý do chủ yếu bởi Mỹ thông báo sẽ xóa bỏ những trừng phạt đối với hãng nhôm Rusal của Nga.
Tiếp diễn biến cuộc họp của các nhà sản xuất nhôm Trung Quốc, kết quả họ đã nhất trí cắt giảm công suất sản xuất trong những tháng tới để hạ sản lượng ít nhất 800.000 tấn nhôm/năm
Lúa mì giảm do Nga
Giá lúa mì kỳ hạn tại Mỹ đã giảm gần 2% trong phiên cuối tuần sau khi Nga nâng dự báo về xuất khẩu ngũ cốc khiến nhà đầu tư giảm đồn đoán rằng nguồn cung khan hiếm sẽ buộc nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới này phải hạn chế xuất khẩu.
Lúa mì giao tháng 3/2019 trên sàn Chicaco giảm 9-1/2 US cent xuống 5,14 USD/bushel, thấp nhất kể từ 6/12/2018. Tính chung cả tuần giá giảm 3%, mức giảm mạnh nhất trong 3 tháng.
Bộ Nông nghiệp Nga đã nâng dự đoán về xuất khẩu lúa mì nước này năm 2018/19 thêm 2 triệu tấn lên 37 triệu tấn.
Đậu tương thấp nhất 3 tuần dù Trung Quốc vẫn tiếp tục mua vào
Giấ đậu tương cũng giảm xuống mức thấp nhất kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1/12/2018 đạt được thỏa thuận đình chiến kéo dài 90 ngày. Thông tin Trung Quốc kế hoạch mua thêm 2 triệu tấn đậu tương Mỹ nữa trong những ngày tới, sau khi đã đặt mua hơn 3 triệu tấn trong 2 tuần qua, là yếu tố chính gây áp lực giảm giá. Nguồn cung ở Brazil dự báo cũng sẽ đạt mức cao kỷ lục, góp phần vào các nguyên nhân đẩy giá đi xuống.
Đậu tương giao tháng 1/2019 kết thúc phiên cuối tuần giảm 8-1/2 US cent xuống 8,85 USD/bushel, tính chung cả tuần giảm 1,7%. Hợp đồng giao tháng 3/2019 giảm 8-1/4 US cent xuống 8,98 USD, là lần đầu tiên trong tháng này xuống dưới ngưỡng 9 USD.
Đường thấp nhất kể từ tháng 10, cà phê và cacao cũng giảm
Giá đường vừa giảm mạnh theo xu hướng các thị trường dầu mỏ và chứng khoán. Đường thô giao tháng 3 năm sau giảm 0,09 US cent tương đương 0,7% xuống 12,34 US cent/lb vào lúc kết thúc giao dịch, trong phiên có thời điểm chỉ 12,23 US cent, thấp nhất kể từ 4/10/2018. Tính chung cả tuần đường thô mất 2,5%.
Đường trắng cũng mất 1,7% trong tuần qua, là tuần giảm thứ 8 trong vòng 10 tuần gần đây, sau khi giá giảm 1,8 USD trong phiên cuối tuần (0,5%) xuống 337,60 USD/tấn (kỳ hạn tháng 3/2019).
Cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 3/2019 kết thúc phiên cuối tuần giảm 2,8 US cent (2,7% ) xuống 99,80 US cent/lb, sau khi có thời điểm chỉ 99,40 US cent. Hợp đồng này trong ngày 26/12/2018 đã chạm mức thấp nhất 3 tháng (98,60 US cent). Robusta cũng giảm 33 USD (2,2%) trong phiên vừa qua xuống 1.491 USD/tấn. Thị trường cà phê đang chịu sức ép bởi dự báo sản lượng của Brazil bội thu. Marex Spectron đã nâng dự báo về mức dư thừa cà phê toàn cầu niên vụ 2018/19 thêm 2,1 triệu bao lên 8,2 triệu bao, phần lớn dư thừa tập trung vào loại arabica.
Cacao giao tháng 3/2019 trên sàn New York vững giá ở mức 2.271 USD/tấn trong phiên cuối tuần, nhưng tính chung cả tuần giảm 1,2% và là tuần thứ 4 liên tiếp giảm. Trong khi đó hợp đồng giao cùng kỳ hạn trên sàn London giảm 3 GBP trong phiên cuối tuần (0,2%) xuống 1.682 GBP/tấn.
Bông thấp nhất 1 năm
Giá bông trên sàn New York giảm mạnh trong phiên cuối tuần qua do USD mạnh lên và những bất ổn trên thị trường tài chính đang lan sang thị trường hàng hóa.
Hợp đồng mua bán bông giao tháng 3/2019 kết thúc phiên giảm 1,83 US cent tương đương 2,44% xuống 73,23 US cent/lb; trong phiên có thời điểm xuống 73,07 US cent, thấp nhất kể từ tháng 12/2017. Tính chung cả tuần giá giảm trên 8%, nhiều nhất kể từ giữa tháng 7/2017.
Dầu thô cùng các thị trường chứng khoán mất đà gây hoang mang cho các nhà đầu tư kể cả ở những mặt hàng khác. Chỉ số đồng USD trong khi đó lại tăng 0,71% trong phiên vừa qua khiến cho giá bông mua bằng USD trở nên đắt hơn đối với những nhà đầu tư sử dụng những tiền tệ khác.
Nhu cầu bông đã yếu từ vài tháng qua, nhất là từ Trung Quốc – nước tiêu thụ lớn nhất thế giới, do cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Khí gas tăng do thời tiết châu Á trở lạnh
Giá khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu tuần này tăng do nhiệt độ ở một số nơi của châu Á hạ thấp. LNG giao tháng 2/2019 hiện đạt 9,10 – 9,40 USD/mmBtu (đơn vị nhiệt lượng Anh), cao hơn mức 9,10 – 9,30 cách đây một tuần.
Nhiệt độ ở Bắc Kinh dự báo sẽ giảm xuống dưới mức thông thường của các năm trước vào cuối tháng 12 này, nhưng mức trung bình trong tháng 1 năm tới sẽ vẫn cao hơn so với mọi năm. Tại Nhật Bản, nhiệt độ ở Tokyo năm nay cao hơn mức trung bình mọi năm, nhưng ở thời điểm cuối tháng 12 này lại thấp hơn chút ít so với mọi năm, trước khi dự báo sẽ tăng lên trong tháng 1 và đầu tháng 2 tới. Một số thương gia cho biết thời tiết châu Á phải duy trì lạnh trong 3 tuần thì giá LNG mới có thể duy trì được xu hướng tăng hiện tại.
Cao su tăng tuần thứ 4
Giá cao su tại Tokyo tăng vào đầu phiên giao dịch cuối tuần nhưng giảm trở lại vào cuối phiên, rời xa mức cao kỷ lục 4 tháng, tuy nhiên tính chung cả tuần vẫn tăng tuần thứ 4 liên tiếp bởi các nhà đầu tư hy vọng các nước sản xuất cao su chủ chốt sẽ đồng thuận đưa ra các biện pháp đẩy giá đi lên.
Hợp đồng cao su giao tháng 6/2019 kết thúc phiên giảm 1,4 JPY (0,8%) xuống 173,1 JPY (1,56 USD)/kg. Tính chung cả tuần giá tăng 2,7%, là đợt tăng giá dài nhất trong khoảng 1 năm.
Tôm thẻ Trung Quốc được giá
Giá tôm thẻ nguyên liệu của Trung Quốc đang cao hơn nhiều so với các nước châu Á khác, làm giảm sức cạnh tranh của tôm nước này. Sản lượng tôm Trung Quốc vẫn ở mức thấp do nhiều yếu tố như con giống kém; chất lượng thức ăn kém; ô nhiễm công nghiệp; giá đất cao, đầu tư tại các thành phố ven biển chủ yếu là các khu nghỉ dưỡng thay vì các trại tôm; dịch bệnh - rất ít tiến triển trong giải quyết dịch bệnh trên tôm; lũ do bão và mưa lớn; giá nhập khẩu tôm bỏ đầu nguyên vỏ từ Ấn Độ luôn rẻ hơn so với giá tôm thẻ nội địa và làm giảm động lực của ngành nuôi trồng thủy sản nội địa...Theo ước tính của các nhà xuất khẩu thủy sản đông lạnh Trung Quốc, sản lượng tôm nước này năm 2018 đạt 550.000 tấn.
Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng 22/12