MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường tuần tới 14/3: Dầu mất 1/4 giá trị, vàng giảm hơn 9% do nhà đầu tư bán tháo

14-03-2020 - 08:41 AM | Thị trường

Thị trường hàng hóa nguyên liệu vừa kết thúc một tuần giao dịch đầy biến động. Chỉ số giá hàng hóa tổng hợp CRB Index giảm 9,18% trong vòng một tuần qua, xuống 150,21 điểm, sau khi các mặt hàng từ dầu mỏ tới kim loại đồng loạt giảm sâu. Nguyên nhân chủ yếu do dịch virus corona lây lan nhanh chóng ở Châu Âu gây lo ngại kinh tế toàn cầu suy yếu kéo nhu cầu hàng hóa giảm.

Dầu thô trải qua tuần giảm mạnh nhất kể từ 2008

Giá dầu thô vừa kết thúc một tuần mất mát nhiều nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 do dịch bệnh virus corona lan rộng và Saudi Arabia cùng một số nước xuất khẩu dầu chủ chốt khác đẩy nguồn cung dầu mỏ lên mức cao kỷ lục.

Phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu Brent tăng nhẹ, 63 US cent lên 33,85; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) tăng 23 US cent lên 31,37 USD/thùng do các nhà đầu tư kỳ vọng vào những chương trình kích thích của các chính phủ, nhất là Chính phủ Mỹ.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá vẫn giảm mạnh, theo đó Brent giảm 25% - mức giảm hàng tuần lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008; trong khi dầu WTI giảm 23% - cũng là mức giảm nhiều nhất kể từ 2008.

Virus corona đã lây nhiễm tới trên 138.000 người trên toàn cầu, khiến hơn 5.000 người tử vong, không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày của mọi người mà còn làm gián đoạn các chuỗi cung ứng, gây tổn thương cho các thị trường.

Trong bối cảnh đó, các nước sản xuất dầu lớn gia tăng ‘bơm’ dầu vào thị trường vốn đã dư thừa nguồn cung do nhu cầu giảm sút vì dịch bệnh. Saudi Arabia đã lên kế hoạch tăng cường cung cấp dầu thô trong những tuần tới trong một ‘cuộc chiến’ với Nga để giành thị phần. Goldman Sachs dự báo tháng 4 tới thị tường dầu mỏ toàn cầu sẽ dư thừa kỷ lục cao, khoảng 6 triệu thùng/ngày.

Vàng giảm 200 USD trong tuần qua, bạc giảm nhiều nhất kể từ 2011, bạch kim giảm nhiều nhất trong lịch sử

Giá vàng giảm 4,5% trong phiên cuối tuần và kết thúc một tuần mất mát nhiều nhất kể từ 1983 do các nhà đầu tư bán tháo giữa bối cảnh các thị trường hàng hóa khác đều hoảng loạn bởi virus corona. Các thị trường chứng khoán thêm một phiên đỏ sàn do nhà đầu tư bán tháo.

Phiên cuối tuần, giá vàng giao ngay giảm 4% xuống 1.513,11 USD/ounce, tính chung cả tuần giá giảm hơn 9% - nhiều nhất kể từ 1983; vàng kỳ hạn tháng 4 giảm 4,6% xuống 1.516,7 USD/ounce. Như vậy, chỉ trong vòng một tuần, giá vàng đã giảm gần 200 USD. Ngày thứ Hai (9/3), giá đạt mức cao nhất 7 năm, là 1.702,56 USD/ounce.

Các kim loại quý khác cũng đồng loạt đi xuống trong phiên vừa qua cũng như trong cả tuần. Palađi giảm 7% xuống 1.705,5 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm khoảng 34%; bạch kim giảm 1,5% xuống 751,50 USD/ounce, tính chung cả tuần giảm nhiều nhất trong lịch sử; bạc giảm 8,8% xuống 14,43 USD/ounce và cả tuần giảm nhiều nhất kể từ 2011.

Thị trường tuần tới 14/3: Dầu mất 1/4 giá trị, vàng giảm hơn 9% do nhà đầu tư bán tháo - Ảnh 1.

Kim loại cơ bản tăng vì kỳ vọng vào chương trình kích thích kinh tế của Mỹ

Giá kim loại công nghiệp tăng trong phiên cuối tuần khi giới đầu tư hy vọng chương trình kích thích của Mỹ sẽ bảo vệ được nền kinh tế lớn nhất thế giới này tránh khỏi những ảnh hưởng của virus corona, trong bối cảnh Trugn Quốc cũng thông báo gia tăng kích thích kinh tế.

Kết thúc phiên này, giá đồng kỳ hạn giao sau 3 tháng trên sàn London tăng 0,4% lên 5.460 USD/tấn, nhôm tăng 1,4% lên 1.680 USD/tấn, kẽm tăng 2,4% lên 1.985 USD/tấn, chì tăng 1,8% lên 1.743 USD/tấn, thiếc giảm 0,9% xuống 15.950 USD/tấn trong khi nickel tăng 4,1% lên 12.320 USD/tấn.

Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá đồng giảm tuần thứ 3 liên tiếp, và chỉ số giá kim loại trên sàn LME hiện vẫn ở mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016 và tính từ đầu năm đến nay đã giảm 9,3%.

Thị trường tuần tới 14/3: Dầu mất 1/4 giá trị, vàng giảm hơn 9% do nhà đầu tư bán tháo - Ảnh 2.

Quặng sắt hồi phục nhờ kỳ vọng vào sự kích thích kinh tế

Giá quặng sắt trên cả hai thị trường Trung Quốc và Singapore đều giảm vào đầu phiên giao dịch vừa qua, nhưng đảo chiều tăng lúc cuối phiên do dự báo các ngân hàng trung ương sẽ có nhiều biện pháp hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu đang bị tổn thương vì dịch virus corona.

Cuối phiên giao dịch, quặng sắt kỳ hạn tháng 5 trên sàn Đại Liên tăng 2,9% lên 676.5 CNY (96,77 USD)/tấn, hồi phục mạnh sau khi giảm 2,3% lúc sáng cùng ngày. Trên sàn Singapore, quặng sắt kỳ hạn tháng 4 tăng 1,5% vào cuối phiên, mặc dù giảm 2,2% lúc đầu phiên.

Tính chung cả tuần, giá quặng sắt tại Đại liên tăng 2,6%, sau khi đã tăng 6,6% trong tuần trước, một phần bởi lo ngại về việc lượng quặng lưu kho tại các cảng biển Trung Quốc giảm sút.

Đường tăng

Giá đường thô đảo chiều tăng 8 US cent (0,7%) trong phiên cuối tuần, lên 11,7 US cent/lb. Đường trắng cũng tăng 0,9 USD lên 355 USD/tấn.

Các chuyên gia ngành đường vẫn dự báo thị trường này đang đi vào giai đoạn thiếu hụt nguồn cung do sản lượng giảm ở nhiều quốc gia, nhất là Ấn Độ và Thái Lan. Tuy nhiên, thị trường dầu mỏ đang biến động mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mặt hàng đường.

Dầu cọ giảm 7% trong tuần

Giá dàu cọ tai Malaysia phiên cuối tuần tăng nhẹ, theo đó hợp đồng kỳ hạn tháng 5 trên sàn Bursa tăng 1 ringgit (0,04%) lên 2.278 ringgit (532,87 USD)/tấn. Tuy nhiên, tính chung cả tuần, giá giảm 7% do lo ngại về dịch bệnh khiến nhà đầu tư bán tháo các hợp đồng ra.

Cao su giảm tuần thứ 3

Giá cao su trên thị trường Tokyo hồi phục vào cuối phiên vừa qua, với hợp đồng kỳ hạn tháng 8 tăng 2,1 JPY lên 162,2 JPY (1,53 USD)/kg, tuy nhiên tính chung cả tuần vẫn giảm 3,6% và là tuần giảm thứ 3 liên tiếp.

Nhà phân tích Sunward Trading thuộc công ty Hideshi Matsunaga dự báo nhu cầu cao su toàn cầu năm nay có thể giảm 5%, nhưng cho biết nguồn cung cũng bị ảnh hưởng do sản lượng cao su của Thái Lan có thể giảm 5%.

Gừng và hành tăng mạnh so với năm ngoái

Vào đầu vụ gừng ở Trung Quốc và Thái Lan, thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Tiếp sau đó, kỳ nghỉ từ Tết âm lịch ở Trung Quốc kéo dài do virus corona khiến thị trường gừng thế giới càng trở nên thiếu hụt. Mặc dù xuất khẩu gừng từ Trung Quốc bắt đầu dần hồi phục, song thị trường Mỹ vẫn đang thiếu cung đối với mặt hàng này. Trong khi đó, việc nhập khẩu gừng từ Thái Lan cũng gặp khó vì nhiều cảng ở khu vực Los Angeles chỉ mở cửa 2 lần mỗi tuần hoặc mở luân phiên. Để xuất khẩu gừng tới cảng Miami thì phải mất thêm một tuần. Do đó, giá gừng tại Mỹ hiện tăng gần gấp đôi so với chỉ vài tháng trước đây.

Đối với mặt hàng hành tây, tại Trung Quốc, tỉnh Vân Nam đã vào mùa thu hoạch, nguồn cung tăng lên trong khi xuất khẩu chậm chạp. Song thị trường này hiện cũng chỉ có hành tây Vân Nam, còn các khu vực khác sẽ thu hoạch từ sau tháng 5. Giá hành hiện khoảng 2.100 CNY (300 USD)/tấn, so với 1.100 CNY (142 USD)/tấn ở cùng thời điểm này năm ngoái.

Giá một số mặt hàng chủ chốt sáng nay 14/3

Thị trường tuần tới 14/3: Dầu mất 1/4 giá trị, vàng giảm hơn 9% do nhà đầu tư bán tháo - Ảnh 3.

Minh Quân

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên