Thị trường viễn thông bão hòa - Doanh nghiệp đang ‘vượt sóng’ thế nào?
Thị trường viễn thông truyền thông đã và đang bão hòa khi phải đứng trước nhiều biến động như sụt giảm doanh thu thoại/SMS truyền thống, sự thắt chặt quản lý chính sách ngành, thay đổi về xu hướng công nghệ.
Điều này buộc các doanh nghiệp phải đổi mới, mở rộng hệ sinh thái và chuyển dịch sang môi trường số nếu không muốn bị đào thải.
Doanh thu viễn thông truyền thống sụt giảm, đạt "điểm bão hòa"
Nửa đầu năm 2022, doanh thu toàn ngành viễn thông đạt 156.556 tỷ đồng theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông. So với cùng kỳ năm 2021, con số này có tăng nhưng không đáng kể, chỉ hơn 0,6%. Đáng chú ý, mảng kinh doanh cốt lõi là viễn thông đang suy giảm mạnh buộc các doanh nghiệp phải mở rộng dịch vụ sang các mảng khác như dịch vụ số, bán thiết bị, sản phẩm…để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh và tăng trưởng kinh tế.
Xu hướng chung trên toàn cầu và sự phát triển của công nghệ cho thấy, các dịch vụ thoại và tin nhắn ngày càng giảm (giảm 10-15%/năm) để nhường chỗ cho nguồn thu từ dịch vụ data và các dịch vụ OTT. Cạnh tranh xoay quanh giá cả và mức giá cước thấp đã đẩy ngành di động Việt Nam đến mức bão hòa và giảm khả năng sinh lời theo xu hướng toàn cầu. Hơn nữa, sự phụ thuộc vào các dịch vụ trả trước gây áp lực mạnh lên doanh thu trung bình trên mỗi người dùng (ARPU).
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng data bùng nổ cùng với sự phát triển công nghệ di động 4G/5G, tạo áp lực lớn lên các nhà mạng trong việc cân bằng giữa mục tiêu đầu tư phát triển vùng phủ sóng/gánh nặng đáp ứng nguồn vốn-tài chính với các mục tiêu tăng trưởng (doanh thu, lợi nhuận hàng năm).
Cùng với việc cơ quan quản lý viễn thông Việt Nam triển khai hàng loại chính sách lành mạnh hóa thị trường di động như: siết chặt việc quản lý thông tin người dùng, triển khai áp dụng chuyển mạng giữ số, điều chỉnh chính sách kết nối, khởi động thúc đẩy triển khai 5G, Mobile Money, M2M, IoT,…buộc các doanh nghiệp viễn thông phải thay đổi hướng đi, tập trung xây dựng và củng cố nền tảng công nghệ sau để có thể chuyển đổi thành "Doanh nghiệp số".
Nhận định về thực trạng này, đại diện một doanh nghiệp viễn thông cho biết thị trường viễn thông truyền thông bão hòa đã "nhen nhóm" từ vài năm trước. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp phải mở rộng sang không gian sản phẩm dịch vụ số, phát triển hạ tầng số, để thích ứng với tình hình mới.
Theo báo cáo đánh giá xu hướng phát triển thị trường quốc tế (External Market Report - International Assessment), dịch vụ số sẽ là một trong những hoạt động chủ lực giúp tăng trưởng chuỗi giá trị viễn thông toàn cầu, đạt ngưỡng 18 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Với sự bùng nổ các dịch vụ số, các doanh nghiệp viễn thông có cơ hội tham gia cung cấp hạ tầng, kết nối và gia nhập chuỗi cung ứng dịch vụ số cho xã hội. Theo dự báo của EY, các doanh nghiệp viễn thông toàn cầu đã gia tăng doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ số 10,2%/năm và dự báo tăng trưởng bình quân 15,2%/năm đến năm 2025.
Xu thế chuyển đổi số ngành viễn thông - "Chìa khóa" vượt sóng bão hòa
Mobile Money, mạng 5G, Trí tuệ nhân tạo AI hay Internet vạn vật IoT… là những xu thế sẽ tác động đến việc định hình ngành viễn thông mới.
Trong đó Mobile Money và 5G hiện đã và đang có những tác động thay đổi tích cực tới ngành viễn thông trong nước. Tính đến cuối tháng 6/2022 đã có 1,7 triệu tài khoản, chiếm 97,3% tổng số khách hàng đăng ký và sử dụng dịch vụ. Việc triển khai dịch vụ thanh toán qua tài khoản di động chính là cú huých để các doanh nghiệp viễn thông tham gia sâu hơn vào nền kinh tế số khi mà tương lai, mọi giao dịch từ nhỏ nhất cũng sử dụng dịch vụ này.
Sự phát triển của mạng 5G được đánh giá là động lực phát triển mới cho ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông, thúc đẩy chuyển đổi số diễn ra nhanh và hiệu quả trên diện rộng. Dự kiến năm 2025 số lượng thuê bao 5G tại Việt Nam sẽ chiếm khoảng 5% tổng số lượng thuê bao di động. Mặt khác, việc triển khai sớm dịch vụ 5G cũng có thể sẽ giúp doanh thu của các nhà mạng di động Việt Nam tăng thêm khoảng 300 triệu USD/năm từ năm 2025 (Theo GSMA Intelligence).
Một số xu hướng khác như Điện toán đám mây, Trí tuệ nhân tạo (AI), Mobile Web hay Internet vạn vật IoT cũng đang được một số doanh nghiệp CNTT-VT áp dụng trong quá trình chuyển đổi số, trở thành điểm tựa vững chắc cho đà tăng trưởng của các nhà mạng trong tương lai.
Nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cùng với sự đòi hỏi cấp thiết của Chính phủ, của doanh nghiệp cũng như của toàn xã hội, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cũng đã có những bước chuyển mạnh mẽ từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp dịch vụ số, mục tiêu hướng đến các sản phẩm và dịch vụ số mới.
Tổ Quốc