MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Thị trường xe máy cũ ế ẩm: Dân buôn "ngáp vặt”, lướt điện thoại đợi khách

28-09-2023 - 14:03 PM | Thị trường

Thị trường xe máy cũ ế ẩm: Dân buôn "ngáp vặt”, lướt điện thoại đợi khách

Nếu thời gian trước, khi đi qua các cửa hàng xe máy cũ ở phố Chùa Hà, Cầu Giấy (Hà Nội) luôn nhộn nhịp người mua kẻ bán, thì giờ không ít cửa hàng trở nên ế ẩm sau hơn 1 tháng kể từ ngày quy định biển số định danh có hiệu lực.

Dân buôn xe máy cũ đang thở dài ngao ngán kể từ ngày Thông tư 24/2023/TT-BCA của Bộ Công an, đi vào thực tiễn. Theo ghi nhận của PV VOV, thị trường xe máy cũ tại Hà Nội lâm vào cảnh "ế ẩm chưa từng thấy".

Dạo một vòng qua chợ xe máy cũ ở phố Chùa Hà, quận Cầu Giấy, con phố có chợ xe máy cũ lớn nhất Hà Nội, rất nhiều xe máy cũ xếp hàng phủ bụi, lượng xe cần bán thì nhiều, nhưng người mua thì thưa thớt.

Anh Đăng Khoa - chủ một cửa hàng xe máy cũ ở phố Chùa Hà cho biết, thời gian trước trung bình mỗi tháng cửa hàng của anh bán được khoảng hơn 10 chiếc xe máy cũ, tháng cao điểm có thể bán được hơn 20 chiếc. Tuy nhiên, thời gian gần đây rất khó bán, cả tháng vừa rồi bán được một cái, như vậy cộng hết các chi phí thuê cửa hàng, thuê nhân công, chi phí gồng vốn bỏ ra nữa thì lỗ.

Thị trường xe máy cũ ế ẩm: Dân buôn "ngáp vặt”, lướt điện thoại đợi khách - Ảnh 1.

Chợ xe Chùa Hà vắng bóng người mua

Khi được hỏi nguyên nhân có phải vừa rồi có phải do tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch) nên doanh thu sụt giảm thì anh Khoa cho biết, đó chỉ là một trong những lý do, nguyên nhân chính là do người mua không mặn mà vì kể từ ngày 15/8, khi Thông tư 24 có hiệu lực thì người dân bắt đầu “thờ ơ” với xe cũ do ngại làm thủ tục về biển số định danh.

Theo anh Khoa: “Trước 15/8/2023, thủ tục sang tên đổi biển xe cũ đơn giản hơn, nhưng giờ phải thực hiện rất nhiều bước nên người mua ngại đi làm giấy tờ khiến thị trường ế ẩm”.

Anh Nguyễn Văn Cường, chủ một cửa hàng xe máy khác trên phố Chùa Hà cho biết: “Xe cũ bây giờ khi bán phải thu hồi biển số, người mua sẽ mất thời gian đăng ký lại, ít nhất cũng phải vài tuần nên chưa thể làm sang tên ngay được. Chưa kể đa số xe máy cũ đã qua nhiều đời chủ, rất khó tìm lại chủ cũ để giải quyết giấy tờ thủ tục làm định danh cá nhân trong khi trước đây chỉ cần giấy tờ mua bán công chứng rồi đi ra làm thủ tục sang tên đổi biển là xong”.

Thị trường xe máy cũ ế ẩm: Dân buôn "ngáp vặt”, lướt điện thoại đợi khách - Ảnh 2.

Chủ xe cả ngày chỉ ngồi lướt điện thoại, chán thì đi lau chùi xe chờ khách đến mua

Anh Cường cho biết thêm, hiện trong kho còn nhiều xe chưa thể xác định được chủ cũ, như vậy thì việc mua bán, giao dịch sẽ khó khăn vì chắc chắn rằng xe không xác định được chủ sẽ rất kén khách, gần như không ai mua vì khó làm thủ tục sang tên bởi họ phải làm cam kết, không tranh chấp tài sản, không phải xe trộm cắp rồi lại còn phải nộp phạt.

“Bao nhiêu năm làm nghề nhưng chưa lúc nào tôi thấy thị trường khó khăn như bây giờ, người bán thì nhiều người mua thì lác đác. Dân buôn gặp khó khăn đủ đường, vì đọng vốn do không bán được xe; chưa kể xe mua về sau 30 ngày không bán được thì phải làm định danh mà mỗi cửa hàng ít thì hơn chục xe, nhiều lên đến cả trăm xe như vậy thì định danh sao kịp, lại tốn chi kém…chưa kể các chi phí khác nên có làm cũng chưa chắc đủ vốn. Như vậy thì còn buôn bán gì nữa” – anh Cường bày tỏ.

Cũng trong hoàn cảnh như anh Cường, anh Nguyễn Tuấn Anh – hơn 30 năm buôn bán xe ở chợ Chùa Hà, Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, hơn tháng nay chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn và thời gian khi làm thủ tục mua bán xe vì phải thu hồi biển rồi làm định danh biển số mới… Điều này khiến người mua ái ngại vì mất thời gian… nên doanh số sụt giảm. Người bán cả ngày cũng chỉ lướt điện thoại, mang xe ra lau chùi, phủi bụi vì không có khách. Nêu may mắn có khách thì lại đến xem chứ không mua.

“So với nhưng tháng trước khi áp dụng quy định biển số định danh thì doanh số bán hàng hiện nay phải giảm 70 – 80%. Trong khi đó mọi chi phí thì ngày càng tăng nên rất nản, chả nhẽ lại chuyển nghề!” – anh Tuấn chia sẻ.

Anh Tuấn Anh hy vọng, cơ quan chức năng sẽ có phương án hỗ trợ hay thao gỡ khó khăn cho việc mua bán sang tên, đổi biển đối với xe cũ, chứ như bây giờ thì dân làm nghề như anh không bán nổi.

Không chỉ riêng anh Khoa, anh Cường hay anh Tuấn mà nhiều chủ cửa hàng kinh doanh xe máy cũ cũng lâm vào tình cảnh như vậy, ngoài việc mất hết lãi do giảm giá xe kịch sàn, thậm chí nhiều chiếc đã phải bán lỗ thì chủ các cửa hàng cũng tốn tiền để chi trả các loại phí như thuế phí, tiền thuê cửa hàng, bến bãi gửi xe,… do hàng lưu không bán được gây đọng vốn. Nếu tình cảnh này kéo dài thì người kinh doanh sẽ lỗ nặng vì hàng tháng phải gánh khá nhiều chi phí.

Theo Đình Sơn

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên