Thị trường xôn xao trước câu hỏi Fed hạ lãi suất sẽ khiến quốc gia chủ chốt của BRICS bán tháo trái phiếu Mỹ, giới phân tích có lý giải bất ngờ
Các nhà phân tích nhận định rằng ít có khả năng Trung Quốc, thành viên quan trọng của BRICS, bán mạnh trái phiếu chính phủ Mỹ trong bối cảnh áp lực lên đồng Nhân dân tệ gia tăng do chênh lệch lãi suất giữa 2 nước.
Trong khi đó, nhóm cảnh báo rằng kế hoạch đa dạng hoá đang được Bắc Kinh thúc đẩy là lý do chủ yếu khiến nước này không mua thêm một lượng lớn trái phiếu Mỹ.
Dữ liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, lượng trái phiếu chính phủ Mỹ được các ngân hàng trung ương nước ngoài nắm giữ đã tăng lên mức cao kỷ lục vào tháng 7, khi thị trường kỳ vọng lớn Fed sẽ hạ lãi suất.
Lượng trái phiếu chính phủ Mỹ mà Trung Quốc nắm giữ đã giảm xuống còn 776,5 tỷ USD vào tháng 7 từ mức 780,2 tỷ USD vào tháng 6. Trung Quốc vẫn là quốc gia nắm giữ trái phiếu nước ngoài lớn thứ 2 sau Nhật Bản.
Lượng trái phiếu Nhật Bản nắm giữ chạm mức thấp nhất kể từ tháng 10, xuống còn 1,16 nghìn tỷ USD vào tháng 7 từ mức 1,18 nghìn tỷ USD vào tháng 8. Tuy nhiên, Singapore tăng lượng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ lên 234,2 tỷ USD vào tháng 7 từ mức 219,6 tỷ USD vào tháng 6.
Tommy Wu, nhà kinh tế cấp cao tại Commerzbank, nhận định: “Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục đa dạng hoá danh mục dự trữ từ tài sản định danh bằng USD sang các tài sản được định danh bằng các đồng tiền tệ khác và có thể là cả vàng. Tuy nhiên, tốc độ đa dạng hoá có thể bị ảnh hưởng bởi các điều kiện thị trường ở thời điểm đó.”
Trong khi đó, Fed đã thực hiện đợt hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm hôm 18/9, lần đầu tiên nới lỏng trong 4 năm, gây ra biến động lớn cho thị trường cổ phiếu và trái phiếu Mỹ.
Nhờ doanh thu từ hoạt động xuất khẩu, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đạt mức lớn nhất thế giới với 3,29 nghìn tỷ USD vào tháng 8, theo dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước (SAFE).
Julian Evans-Pritchard, trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc tại Capital Economics, cho hay: “Tôi cho rằng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, một phần vì họ không muốn bị nhận định rằng đang đẩy giá trị đồng Nhân dân tệ đi xuống, một động thái gây căng thẳng cho mối quan hệ với các đối tác thương mại.”
Ông chỉ ra: “Tuy nhiên, rất có thể các ngân hàng nhà nước sẽ tăng nắm giữ trái phiếu chính phủ Mỹ vì họ cần sử dụng ngoại tệ trên bảng cân đối kế toán do mức thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc."
Evans-Pritchard nói thêm, việc Fed nới lỏng chính sách tiền tệ cũng làm giảm nhu cầu của PBOC và các ngân hàng nhà nước Trung Quốc trong việc bán trái phiếu chính phủ Mỹ để hỗ trợ đồng Nhân dân tệ.
Hiện tại, tỷ giá Nhân dân tệ và USD đã có sự cải thiện, đồng Nhân dân tệ giao dịch nội địa tăng lên mức cao là 7,064 đổi 1 USD, mức mạnh nhất kể tháng 6 năm ngoái.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc ngày càng cảnh giác trước việc Mỹ vũ khí hoá đồng USD và giảm dần mức độ tiếp xúc với trái phiếu chính phủ Mỹ trong kho dự trữ ngoại hối.
Brad Setser, cựu chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính Mỹ và thành viên cấp cao của Hội đồng Quan hệ Quốc tế (CFR), ước tính rằng các tổ chức công khai số liệu có thể có khoảng 6 nghìn tỷ USD tài sản ở nước ngoài, một nửa trong số đó không nằm trong số liệu chính thức do SAFE công bố. Trái phiếu chính phủ Mỹ luôn chiếm khoảng 50% tỷ trọng trong kho dự trữ của Trung Quốc.
Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại Natixis, cho biết Trung Quốc sẽ cân nhắc các yếu tố chính trị khi giảm tỷ trọng trái phiếu chính phủ Mỹ trong dự trữ ngoại hối, nhưng sẽ nắm giữ các loại tài sản định danh bằng USD khác như trái phiếu của các cơ quan Mỹ.
Theo Garcia-Herrero, Trung Quốc thực ra không giảm mức độ tiếp xúc với tài sản định danh bằng USD, đồng thời nói thêm rằng kỳ vọng của nhà đầu tư về lãi suất dài hạn của Mỹ cũng là yếu tố ảnh hưởng đến việc mua và bán trái phiếu chính phủ Mỹ.
Tham khảo SCMP
Nhịp sống thị trường