MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 ông lớn địa ốc tồn kho hơn 40 nghìn tỷ đồng

Tính đến 30/6/2015, 10 ông lớn BĐS được niêm yết trên sàn chứng khoán có khoản tồn kho lên đến hơn 40.000 tỷ đồng, đa phần các tài sản này đều là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án BĐS doanh nghiệp đang thực hiện.

Nhìn vào số liệu công bố từ các báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm từ các doanh nghiệp BĐS đang niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy số lượng hàng tồn kho BĐS vẫn còn rất lớn. Chỉ tính sơ bộ 10 đại gia địa ốc có số lượng tồn kho BĐS lớn thì con số này đã lên tới hơn 40.000 tỷ đồng.

 

Tính đến 30/6/2015, khoản mục hàng tồn kho của Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc-CTCP (KBC) vẫn ở mức cao với 8.097 tỷ đồng tăng 6,32%% so với số dư đầu năm. Hàng tồn kho của công ty là chi phí xây dựng dở dang tại các dự án xây dựng khu công nghiệp và nhà thu nhập thấp trong đó lớn nhất là dự án KCN và KĐT Tràng Cát (3.257 tỷ đồng), dự án KCN Tân Phú Trung (2.602 tỷ đồng).

Trong nhóm công ty có lượng tồn kho lớn còn phải kể tới Công ty CP Đầu tư Phát triển đô thị và KCN Sông Đà (SJS) với 4.588 tỷ đồng trong đó dự án khu đô thị Nam An Khánh chiếm 2.322 tỷ đồng, Dự án KĐT mới Hòa Hải – Đà Nẵng chiếm 1.108 tỷ đồng. Hàng tồn kho của SJS sử dụng là tài sản đảm bảo để vay các khoản vay của ngân hàng.

Công ty cổ phần phát triển BĐS phát đạt (PDR) cũng nằm trong tốp những ông lớn có lượng tồn kho lớn. Theo báo cáo tài chính của Phát Đạt , tính đến cuối quý 2/2015, tổng giá trị hàng tồn kho (giá trị đầu tư dở dang các dự án) của công ty đạt 5.590 tỷ đồng, tập trung chủ yếu vào 2 dự án The EverRich 2&3.

Công ty cổ phần đầu tư và công nghiệp Tân Tạo (ITA) cũng là một trong những quán quân về lượng tồn kho. Tính đến ngày 30/6/2015, lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp này ở mức 4.410 tỷ đồng. Hàng tồn kho của ITA là các chi phí phát sinh trong quá trình phát triển các khu công nghiệp và các dự án BĐS dở dang, bao gồm chi phí đền bù giải phóng mặt bằng, chi phí lãi vay vốn hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng. Tồn kho chủ yếu của ITA tập trung tại KCN Tân Đức (1.194 tỷ đồng) và Khu E-City Tân Đức (1.023 tỷ đồng).

 

Có giá trị tồn kho gần với tồ kho của ITA là CTCP Phát triển hạ tầng kỹ thuật (IJC ). Theo báo cáo kết quả kinh doanh quý 2/2015, hàng tồn kho chiếm phần lớn trong cơ cấu tài sản IJC với 4.315 tỷ đồng. Trong đó, công trình khu đô thị IJC có số dư cuối quý 2 là 2.144 tỷ đồng. Công trình này đang trong quá trình xây dựng, phần lớn hàng tồn kho ở dự án này phản ánh chi phí chuyển quyền sử dụng đất.

Còn lại một số dự án khác của IJC với tổng giá trị 2.322 tỷ đồng đang được dùng để thế chấp đảm bảo các khoản vay của Ngân hàng BIDV, Ngân hàng Bản Việt, Ngân hàng Đông Nam Á chi nhánh Bình Dương và để đảm bảo cho việc phát hành trái phiếu của Công ty được mua bởi Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong Chi nhánh Bình Dương.

Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (NBB) cũng nằm trong tốp công ty có lượng tồn kho lớn với 2.520 tỷ đồng hàng tồn kho tính đến ngày 30/6/2015. Trong đó chủ yếu nằm trong chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang tại các dự án khu căn hộ cao tầng NBB2 (673 tỷ đồng), khu căn hộ cao tầng NBB3 (430 tỷ đồng) khu phức hợp Bình Chánh NBB4 (297 tỷ đồng).

 

Quốc Cường Gia Lai (QCG) cũng là một trong những doanh nghiệp BĐS nằm trong top đầu về hàng tồn kho. Theo báo cáo tài chính của công ty này, tính đến 30/6/2015 giá trị hàng tồn kho ở mức 3.963 tỷ đồng, chủ yếu là các dự án đang triển khai dở dang. Trong đó, đáng chú ý Dự án khu dân cư Phước Kiển chiếm đến hơn 70% giá trị hàng tồn kho với 2.843 tỷ đồng, tiếp đến là Dự án chung cư QCGL II với 378 tỷ đồng hàng tồn kho.

Hàng loạt "ông lớn" khác cũng đang tồn kho tới hàng nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý như Công ty CP Đầu tư Xây dựng Bình Chánh (BCI), Tính đến 30/6/2015, hàng tồn kho của BCI ở mức 2.142 tỷ đồng tăng nhẹ so với đầu kỳ trong đó chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng 2.128 tỷ đồng chiếm tới 99% trong tổng giá trị hàng tồn kho.

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có báo cáo về BCCI, trong đó nêu rõ nhiều sai phạm của Công ty trong việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và theo quy hoạch được duyệt tại 21/24 dự án. BCCI còn tự ý cho thuê đất công trình công cộng của dự án để xây dựng quán ăn, nhà hàng, sân tennis, quán cà phê, bãi giữ xe, làm thay đổi chức năng mục đích sử dụng đất. Và vào đầu tháng 7.2015, Thanh tra TP.HCM đã công bố quyết định thanh tra toàn diện tại dự án chung cư Tân Tạo 1 của Công ty.

Ngoài ra, còn nhiều đại gia khác cũng đang mắc kẹt với lượng hàng tồn kho lớn. Đơn cửa như Sacomreal (SCR) với gần 1.970 tỷ đồng còn đang tồn kho ở các dự án.

Hay như CTCP Đầu tư Kinh doanh nhà Khang Điền (KDH) cũng là 1 trong những ông lớn BĐS có lượng tồn kho ở mức cao, tính đến 30/06/2015, Nhà Khang Điền có 2.512 tỷ đồng hàng tồn kho tăng 21% so với số dư đầu kỳ, nằm phần lớn ở một số dự án như Phú Hữu 756,2 tỷ, Trí Minh Phú Hữu 365 tỷ, Long Trường 239,87 tỷ, Nhà phố Phú Hữu 342,2 tỷ, Quốc tế Phú Hữu 148 tỷ, Bình Trưng Đông 155 tỷ, Tháp Mười Phước Long B 131,2 tỷ…

Dù lượng tồn kho của các doanh nghiệp BĐS tính đến tháng 6/2015 vẫn ở mức cao nhưng so với các năm trước con số này cũng đã giảm khá nhiều. Nguyên nhân bởi gần đây thị trường địa ốc đã có nhiều tín hiệu khởi sắc, người mua nhà cũng như nhà đầu tư đã lấy lại được niềm tin và quay lại với thị trường này. Thanh khoản thị trường địa ốc cũng tăng rõ rệt, dẫn tới tồn kho bất động sản giảm mạnh trong nhiều quý vừa qua.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, 6 tháng đầu năm 2015, thị trường BĐS đã ghi nhận sự khởi sắc tại tất cả các phân khúc, đặc biệt là phân khúc căn hộ. Trong 6 tháng đầu năm tại Hà Nội có khoảng 9.250 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng giao dịch thành công có ở hầu hết các phân khúc từ bình dân đến cao cấp. Và tại TP. Hồ Chí Minh có khoảng 8.750 giao dịch thành công, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm ngoái; lượng giao dịch chủ yếu từ các căn hộ 70 - 90 m2, các nền đất và nhà riêng lẻ có vị trí tốt, đi lại thuận tiện, giá cả hợp lý.

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tổng giá trị tồn kho tính tới ngày 20/4/2015 còn khoảng 68.782 tỷ đồng. Con số này giảm khoảng 46,5% so với quý 1 năm 2013. Hiện nay, trên thị trường Hà Nội còn tồn kho khoảng 8869 tỷ đồng, giảm 48% so với đầu 2013. Tại Tp.HCM còn tồn kho khoản trên 13.500 tỷ, giảm gần 53% so với đầu 2013.

Hàng tồn kho trong báo cáo tài chính là những tài sản:

(a) Được giữ để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường.

(b) Đang trong quá trình sản xuất, kinh doanh dở dang.

(c) Nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ để sử dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh hoặc cung cấp dịch vụ.

 

Thanh Ngà

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên