4 dấu hiệu cho thấy thị trường BĐS chạm đáy, ấm dần lên
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng như những dấu hiệu kinh tế vĩ mô, thị trường BĐS đã chạm đáy, đang có những dấu hiệu ấm lên.
Thị trường bất động sản năm 2013 thể hiện khá rõ nét qua 2 cung bậc vào cuối 2012 và nửa đầu 2013 với rất nhiều những khó khăn do kết quả đợt suy thoái liên tục những năm qua, đến nửa cuối 2013 những chính sách “tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS” của Chính phủ đã tác động tích cực đến thị trường.
Những dấu hiệu đầu tiên đã biểu hiện rõ nét ở phân khúc nhà ở đáp ứng được nhu cầu ở thực của người dân như loại bất động sản giá trị dưới 2 tỷ đồng mỗi căn, bất động sản hoàn thiện hoặc chuẩn bị bàn giao, nhà ở xã hội,…sau đó, dần đã lan tỏa sang những phân khúc bất động sản khác biệt thự, căn hộ cao cấp đã rục rịch giao dịch trở lại.
Tại buổi làm việc giữa Ban chỉ đạo TW về nhà ở và thị trường bất động sản với lãnh đạo TP.Hà Nội mới đây, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ, theo đánh giá của Bộ Xây dựng, thị trường BĐS đang có dấu hiệu ấm lên, được biểu hiện qua 4 dấu hiệu:
Theo khảo sát của Bộ Xây dựng tại các sàn BĐS lớn, DN lớn trên địa bàn Hà Nội và Tp.HCM cùng với đó là báo cáo của các địa phương khác. Một là, có thể khẳng định giá bất động sản giảm liên tục từ năm 2010, 2011, 2012 và 2013.
Đến thời điểm này, giá bất động sản nói chung trung bình giảm khoảng 20-30% so với lúc đỉnh cao nhất, cá biệt có dự án giảm khoảng 50% đặc biệt là các dự án vùng ven, ngoại ô giảm mạnh. Tuy nhiên, cá biệt có dự án trong nội đô đặc biệt là 4 quận nội thành cũ hầu như không giảm, vị trí tốt, căn hộ hoàn thiện, thanh khoản vẫn tốt.
Hai là, giá tăng hay giảm không quan trọng bằng tính thanh khoản của thị trường. “Các hợp đồng, có nhận nhà, giao nhà đến ở. Con số này tăng rõ rệt qua từng quý. Cụ thể như ở Hà Nội, giao dịch quý 4 tăng gấp 1,5 lần quý 3, tăng gấp 2 lần quý 2. Lượng giao dịch tăng lên, do đó, lượng tồn kho các căn hộ chung cư đang hoàn thiện giảm cả ở Hà Nội và Tp.HCM khoảng 30-40%. Đặc biệt lần này, mua bán giao dịch không phải để đầu tư, mà là mua nhà có đến nhận để ở. Đây là dấu hiệu cực kỳ tốt.” Thứ trưởng Nam nói.
Ba là, yếu tố về dư nợ cho vay tăng. Theo báo cáo của NHNN, các chỉ tiêu như vay KCN, cho vay mua nhà, xây nhà, sửa chữa nhà cửa,…đều tăng. Điều này cho thấy, bên cạnh dòng tiền từ người dân đổ vào BĐS, cả dòng tiền từ ngân hàng cũng đã có dấu hiệu đổ vào bất động sản.
Bốn là, dấu hiệu tăng các loại thuế liên quan đến BĐS. Theo báo cáo của Cục thuế thì thuế trước bạ, thuế thu nhập cá nhân liên quan đến giao dịch BĐS điều tăng.
Qua đó, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho rằng, 4 yếu tố này cho thấy thị trường BĐS đã có dấu hiệu chạm đáy và ấm lên, , đặc biệt là trong phân khúc nhà ở dưới 20 triệu đồng/m2 có giao dịch tốt. Quan trọng hơn là dấu hiệu ấm lên của phân khúc này đang lan sang loại BĐS cao cấp như biệt thự, liền kề và căn hộ cao cấp đã có giao dịch.
Theo nhận định của Thứ trưởng Nam, năm 2014 cơ bản thị trường sẽ vẫn dần ấm lên dựa trên những cơ sở thị trường cuối 2013. Bên cạnh đó, gói 30.000 tỷ đến nay mới giải ngân được 2%, sắp tới với giải pháp của Chỉnh phủ chắc chắn giải ngân sẽ tăng lên, dòng tiền tiếp tục được hướng vào BĐS.
“Tuy nhiên, chúng ta cũng không mong muốn thị trường nóng lên một cách bất thương , mà thị trường ấm lên một cách từ từ, ổn định và bền vững hơn. Có được kết quả vừa rồi chúng ta triển khai Nghị quyết 02 tương đối tốt, tất nhiên, bên cạnh đó là những vấn đề này, vấn đề kia còn chậm chưa được như mong đợi của dư luận, của doanh nghiệp, của người dân. ” Thứ trưởng Nam nói.
Kiều Thuật