9 nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn đến bất động sản năm 2013
Thị trường BĐS năm 2013 có nhiều thay đổi từ chính sách cho tới chiến lược đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia thị trường.
Năm 2013 khép lại với nhiều biến động trên thị trường địa ốc, từ những thay đổi về chính sách vĩ mô tới hoạt động kinh doanh của các đơn vị tham gia thị trường. Có thể nói, 2013 là năm bản lề cho một chu kỳ mới của bất động sản với nhiều thay đổi để thị trường phát triển bền vững hơn, như G.S Đặng Hũng Võ đã từng nói“một mầm non mới BĐS khỏe mạnh hơn” đang xuất hiện sau “cơn đau sinh nở”.
Những thay đổi lớn từ tư duy phát triển bất động sản đến những chiến lược, bước đi cũng thận trọng và kỹ lưỡng hơn,…những thay đổi này có thể thấy được ở 9 nhân vật được xem là có tầm ảnh hưởng nhất đến thị trường trong năm qua:
1. Ông Trịnh Đình Dũng –Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Có tới 17 dự án, đề án văn bản QPPL mà Bộ Xây dựng đã hoàn thiện trình Quốc hội, Chính phủ trong năm qua. Việc cụ thể hóa “Chiến lược phát triển nhà ở đến 2020 và tầm nhìn đến 2030” qua các đạo luật như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Nghị định 15 về quản lý chất lượng
công trình, Nghị quyết 02 của Chính phủ, Nghị định 11 về đầu tư phát triển đô thị, hay Nghị định 188 về phát triển nhà xã hội,...đã được thông qua.
Theo Bộ trưởng những chính sách này đã cơ bản “khắc phục tình trạng coi quá nặng nhân tố thị trường trong phát triển nhà ở mà coi nhẹ sự can thiệp của Nhà nước để cải thiện nhà ở cho người dân.” Và tư duy phát triển nhà ở được thể hiện rõ ở 2 loại nhà ở là “nhà ở thị trường và loại nhà ở thị trường phi hàng hóa (hay gọi là nhà xã hội)”, là những bước đi hết sức quan trọng để huy động nguồn lực phát triển nhà ở.
Năm 2013 Bộ trưởng Dũng cũng để lại dấu ấn trong việc “thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS”, đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ phối hợp với NHNN triển khai từ giữa 2013. Tuy rằng đâu đó vẫn còn có những hạn chế, tốc độ giải ngân chậm, chưa được doanh nghiệp và dư luận đánh giá cao, tác động đến thị trường chưa được như kỳ vọng,..nhưng với gói tín dụng này đang mở ra một cơ hội lớn cho những người nghèo còn khó khăn về nhà ở được mua nhà giá rẻ trong tương lai không xa khi nguồn cung được phát triển mạnh.
2. Ông Nguyễn Văn Bình-Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Với Thống đốc Bình, chưa năm nào lại có sự liên quan “khăng khít” với ngành xây dựng, BĐS như năm nay. Từ vấn đề xử lý nợ xấu, giải quyết tồn kho BĐS,…cho đến chính sách tín dụng hỗ trợ người nghèo mua nhà đều có dấu ấn của Thống đốc Bình.
Tuy nhiên, gói 30.000 tỷ nếu “xuôi chèo mát mái” như tính toán ban đầu, có lẽ thị trường sẽ “dễ thở hơn”, tuy nhiên, những tháng cuối năm các ngân hàng cũng đã nỗ lực cam kết cho vay tới hơn 1900 tỷ đồng từ gói này trong năm 2013, và đã được giải ngân được 758,7 tỷ. Năm 2013, VAMC đã mua được gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng, khiến tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng giảm xuống còn 3,79%.
Cho dù một điểm chưa được như kỳ vọng nhưng năm 2013 vẫn là một năm thành công không chỉ riêng với Thống đốc Bình và cả Ngân hàng Nhà nước khi góp phần “phá băng” BĐS, thúc đẩy thị trường, dần tháo gỡ khó khăn,…những tín hiệu tích cực của thị trường BĐS vào những tháng cuối năm có phần tác động từ các chương trình cho vay mua nhà của các ngân hàng với lãi suất ưu đãi.
3. Ông Phạm Nhật Vượng –Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng, ông là doanh nhân Việt Nam đầu tiên được tạp chí Forbes bình chọn là tỷ phú thế giới, đồng thời, cũng là người giàu nhất trên sàn chứng khoán trong 4 năm liên tiếp. Giá trị tài sản sở hữu cổ phần trên sàn chứng khoán hiện nay lên đến 19.780 tỷ.
Năm 2013, Vingroup đã đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện các dự án bất động sản, góp phần đưa vào
bàn giao khoảng 6000 căn hộ đã bán tại Vinhomes Royal City và Vinhomes Times City trong năm 2013. Số tiền khách hàng đã trả theo tiến độ tại 2 dự án này lên tới gần 17.200 tỷ đồng.
Hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án, huy động nguồn vốn,…cũng rất đáng nể. Trong năm, đã lập công ty con đầu tư dự án đường trên cao Vĩnh Tuy –Ngã Tư Sở, tổng giá trị đầu tư 4.765 tỷ (đổi lấy 2 dự án có quỹ đất 226ha), đã đầu tư 800 tỷ vào dự án Thủ Thiêm, khởi công dự án Vinpearl Quy Nhơn trị giá 3.500 tỷ; Chuyển nhượng thành công Vincom Centre A trị giá hơn 9800 tỷ; Quỹ đầu tư từ Mỹ rót 200 triệu USD vào Vincom Retail;…
Năm 2013 Vingroup vẫn tiếp tục dẫn đầu về mảng bán lẻ với sự kiện khai trương 2 TTTM rất lớn tổng diện tích sàn trên 400.000m2…Ngoài ra, Vingroup cũng đã chi hàng trăm tỷ đồng đầu tư thêm vào các tiện ích, dịch vụ ở các dự án.
4. Ông Dương Công Minh –Chủ tịch Him Lam Group
Ông Dương Công Minh sinh năm 1961 quê ở Quế Võ, Bắc Ninh, ngoài là chủ tịch Him Lam ông còn là chủ tịch HĐQT ở 3 đơn vị khác là LienVietPostBank, LienViet Holdings và chứng khoán Liên Việt. Đến năm 2012, Him Lam đã có số vốn điều lệ lên tới 6.500 tỷ đồng, theo như lời kể của ông Minh thì ông nắm tới 99% Him Lam.
Với tổng số 30 dự án bất động sản lớn, nhỏ đã và đang thực hiện trên khắp cả nước, Him Lam là một trong những nhà phát triển dự án lớn nhất nước hiện nay. Trong đó, có 16 dự án dự án đã hoàn thành, số còn lại đang thực hiện hoặc cùng đối tác thực hiện. Tổng quỹ đất của 30 dự án là trên 264ha.
Năm 2013, hoạt động kinh doanh nhà của Him Lam chủ yếu ở Tp.HCM với 3 dự án lớn Him Lam Tân Hưng quận 7 quy mô hơn 57ha với gần 3000 căn hộ, hơn 1100 căn nhà, tổng mức đầu tư 6700 tỷ; Him Lam Reverside ở quận 7 và Him Lam Chợ lớn ở quận 6.
Tại Hà Nội, hoạt động của Him Lam trong năm qua khá kín tiếng, nhưng lại đang lộ diện những động thái thâu tóm nhiều quỹ đất. Ngoài việc đang thực hiện trung tâm tài chính Him Lam ở Hoàn Kiếm, Him Lam còn có 16ha trên đường Lê Văn Lương kéo dài chưa triển khai, và vừa qua đơn vị này được Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án BT nút giao Long Biên với quỹ đất đối ứng 475ha ở khu vực này, dự án khu giải trí ở Sài Đồng 38ha,…
5. Bà Lê Thị Thúy Ngà –Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường
Kế nghiệp từ chồng mình là cố chủ tịch Nam Cường, ông Trần Văn Cường, bà Ngà trở thành một trong những người quyền lực nhất trong giới BĐS. Hiện bà đang sở hữu 88,86% Nam Cường, và cô con gái diệu Trần Thị Quỳnh Ngọc (Phó chủ tịch Nam Cường –PV) sở hữu 11,11%. Vốn điều lệ Nam Cường tính đến cuối 2012 là 4.500 tỷ đồng, thời điểm cuối 2011 vốn
chủ sở hữu của tập đoàn này lên tới 9800 tỷ.
Năm 2013, Nam Cường là một trong số ít đơn vị kinh doanh BĐS tiếp tục đầu tư, hoàn thiện các dự án để có thể bàn giao khoảng 3500 căn hộ tại 17 tòa chung cư ở Hà Nội, kinh doanh khoảng 600 căn nhà ở Hải Dương, 300 căn ở Nam Định,…
Tuy vậy, 2013 cũng không phải là năm trọn niềm vui với bà Ngà khi không ít những vụ việc phải giải quyết, thậm chí tập đoàn này dùng cả nhân viên công ty bảo vệ (khách hàng gọi “xã hội đen”-PV) để dằn mặt trong lễ khách thành 17 tòa chung cư, hay mất hơn 940ha đất dự án Quốc Oai do bị thu hồi vì không phù hợp quy hoạch, dừng dự án BT trục đường kinh tế Bắc –Nam Hà Tây.
6. Ông Vũ Quang Hội –Chủ tịch Bitexco
Ông Vũ Quang Hội sinh năm 1963 tại Thái Bình, năm nay mới tròn 50 tuổi nhưng đã có nhiều
công trình mang dấu ấn của vị chủ tịch được xem là “người xây biểu tượng” này như tòa tháp Bitexco ở Tp.HCM, khách sạn J.W Marriott tại Hà Nội.
Mặc dù ông Hội luôn vắng bóng trong những danh sách người giàu trên sàn chứng khoán, ít xuất hiện trên báo chí, không nhiều các danh hiệu,…tuy nhiên, với những dự án mà ông đã và đang làm, ông Hội vẫn xứng đáng là người có tầm ảnh hưởng lớn đến BĐS Việt Nam.
Các công trình lớn đang triển khai như tháp đôi The One tại Tp.HCM, khách sạn J.W Marriott tại Hà Nội vừa đi vào hoạt động, Khu đô thị The Manor Central Park tại Hà Nội rộng 90ha, Khu đô thị The Manor Eco Lào Cai,…Năm 2013 đánh dấu bước dấn thân vào lĩnh vực mới của ông Hội với dự án cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết có tổng mức đầu tư khoảng 757 triệu USD, được đầu tư thí điểm theo hình thức PPP.
7. Ông Lê Thanh Thản –Ông chủ Tập đoàn Mường Thanh
Ông thường được biết đến với cái tên “đại gia đi Rolls-Royce, hút thuốc lào”, sinh năm 1949 quê ở Nghệ An, khởi nghiệp tại Lai Châu với Xí nghiệp xây dựng tư nhân số 1 Lai Châu, đến nay ông Lê Thanh Thản nổi tiếng với tập đoàn tư nhân Mường Thanh với hoạt động kinh doanh đa ngành từ vật liệu xây dựng, phát triển BĐS, đầu tư tài chính,…đến kinh doanh khách
sạn.
Là công ty tư nhân nên ông Thản ra quyết định rất nhanh, có thể nói là người đầu tiên giảm giá căn hộ tại Hà Nội, tiên phong làm nhà giá rẻ,…với chuỗi dự án căn hộ từ 10-15 triệu đồng/m2, Mường Thanh được xem là nơi “hút” tiền mạnh nhất từ người mua nhà trong hơn 1 năm qua, có người ví von “máy đếm tiền của ông Thản luôn nóng bỏng tay mỗi lần mở bán nhà”.
Năm 2013 đã có khoảng trên 3000 căn hộ Đại Thanh xây dựng xong và bàn giao, hàng nghìn căn hộ tại dự án Kim Văn Kim Lũ cũng đang được xây dựng. Ngoài ra, đến nay ông Thản cũng đã có 19/28 dự án khách sạn từ 3-5 sao trên khắp cả nước đang đi vào hoạt động. Thành lập công ty kinh doanh vàng vào cuối 2012.
Tuy vậy, năm 2013, đại gia Lê Thanh Thản cũng không có được niềm vui trọn vẹn với “nạn” khiếu nại, khiếu kiện tràn làn về tranh chấp ở các dự án nhà ở giữa chủ đầu tư và người mua nhà trong năm qua, trong đó có dự án Đại Thanh của ông.
8. Ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Viglacera
Ông Nguyễn Anh Tuấn sinh năm 1961, ông được bổ nhiệm làm TGĐ Tổng Công ty Viglacera
từ năm 2007, trong giai đoạn bất động sản khó khăn nhất, đặc biệt là năm 2013 ông đã điều hành Viglacera đưa ra những chiến lược quyết định trong thời kỳ tái cơ cấu, vượt qua thời kỳ khủng hoảng.
Trong 3 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng tài sản của Viglacera luôn ở mức cao bình quân khoảng 19%/năm, bất động sản đầu tư tăng khoảng 11%/năm. Năm 2013, tổng doanh thu đạt khoảng 10.000 tỷ.
Hiện Viglacera đang là đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh BĐS, trong năm qua đơn vị này đẩy mạnh sang lĩnh vực kinh doanh nhà xã hội, nhà thu nhập thấp với số lượng căn hộ đã và đang xây dựng ở một số dự án khoảng 3000 căn,…
9.Lương Chí Thìn –Chủ tịch Đất Xanh Group
Với hàng chục năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi giới BĐS tại Việt Nam, ông Thìn là người đi lên từ dân “môi giới” nên ông rất hiểu tâm lý khách hàng. Năm 2013, là năm khó khăn với
thị trường nhưng Tập đoàn Đất Xanh được xem như đơn vị tiếp thị và phân phối BĐS thành công nhất hiện nay, với hàng nghìn căn hộ, nhà đất được bán thành công.
Chỉ tính riêng tại Hà Nội, đã có khoảng 50% trong tổng số gần 1500 căn hộ mà liên minh sàn G5 trong đó có Đất Xanh, bán thành công trong năm 2013.
Hiện nay, trong khi các doanh nghiệp khác đang tháo chạy khỏi BĐS thì ông Thìn lại đang đi ngược lại với những quyết định khá táo bạo trong năm qua, đó là “mua vào”. Tại thị trường Tp.HCM, Đất Xanh đang thực hiện chiến lược đầu tư, chứ không còn đơn thuần chỉ là phân phối BĐS.
Kiều Thuật