MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ai cũng được đến Hạ viện Hà Lan tranh cãi với... nghị sĩ

28-05-2013 - 11:01 AM |

Ở Hà Lan, bất cứ người dân hoặc tổ chức nào cũng được quyền đưa ra những sáng kiến, đề xuất cải thiện các chính sách.

Trước khi đến thăm toà nhà quốc hội Hà Lan, chúng tôi chọn ăn trưa tại quán càphê Dudok ở Den Haag. Giới truyền thông thường lân la quán này ngóng chuyện, vì đây là địa điểm ăn trưa yêu thích của nhân viên làm trong toà nhà quốc hội nằm ở phía đối diện.

Toà nhà Hạ viện Hà Lan, nơi được đánh giá là điểm quan trọng trong việc đưa ra các chính sách, điều luật, quy định tại nước này. Bước qua cửa chính trên đường Lange Poten dưới sự kiểm tra gắt gao về an ninh dành cho khách tham quan, máy quét hành lý và cửa kiểm tra an ninh thân thể, chúng tôi bước vào một sảnh rộng. 

Sảnh như một đoạn đường giữa hai dãy nhà. Đây là khu vực dành cho các cuộc trò chuyện, trao đổi, gặp gỡ thậm chí trả lời phỏng vấn. Hạ viện là nơi công cộng, chỉ cần có thẻ căn cước là người dân có thể thăm hoặc tham dự một số cuộc họp mở theo lịch có sẵn. Thông thường, rất nhiều người dân tham gia thời gian trả lời các câu hỏi trong những phiên tranh cãi chung hoặc tranh cãi khẩn cấp.

Vận động giảm lương nhà vua

Trong khi 75 thành viên thượng viện chỉ làm việc bán thời gian ở một toà nhà ngay cạnh, thì 150 thành viên tại hạ viện phải làm việc toàn thời gian. Tất nhiên, thành viên hạ viện quan trọng vì phải phụ trách các vấn đề chính trị hàng ngày, liên lạc với các bộ, thực hiện các cuộc tranh luận về các chính sách mới hoặc kiểm tra, giám sát chi tiết các điều luật…

Theo luật của Hà Lan, bất cứ người dân hoặc tổ chức nào cũng được quyền đưa ra những sáng kiến, đề xuất cải thiện các chính sách về môi trường, giáo dục, giao thông công cộng hoặc đơn giản hoá một điều luật hay một quy định. Người đưa ra sáng kiến, đề xuất sẽ vận động đủ 40.000 chữ ký của người dân rồi đăng ký đề xuất đó với hạ viện. Khi đó, hạ viện sẽ đưa vấn đề ra bàn luận, tranh cãi và quyết định.

Chúng tôi đến hạ viện đúng vào dịp một nhóm đại diện phe cộng hoà đang vận động lấy chữ ký của người dân đề nghị giảm lương của vị vua mới. Những người ủng hộ đề xuất này cho rằng, trong khi kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp mà vị vua Willem-Alexander (lên ngôi vào cuối tháng 4.2013) vẫn nhận số lương 825.000 euro/năm mà không phải đóng thuế là điều vô lý. 

Họ đề xuất giảm lương của vua xuống còn 150.000 euro/năm, bằng lương của thủ tướng nước này hoặc một số lãnh đạo quốc gia khác tại châu Âu. Thu nhập bình quân đầu người của Hà Lan vào khoảng 43.000 euro/năm.

Một phóng viên chăm sóc một đại biểu

Đại biểu quốc hội tại cả hai viện có 225 người thì số phóng viên các báo đài và website vào khoảng 300. F. Tom, hướng dẫn chúng tôi tham quan toà nhà giải thích hài hước: “Đại biểu quốc hội Hà Lan được quan tâm rất chu đáo, tính ra hơn một phóng viên chăm sóc một đại biểu quốc hội. Và đó là một trong những phóng viên mà các đại biểu quốc hội sợ gặp nhất”. 

Tom nháy mắt, chỉ tay về một phóng viên truyền hình mảng tin tức cho kênh PowNed đang phỏng vấn một đại biểu quốc hội, giải thích: “Anh ta thường đặt những câu hỏi hóc búa và khiến các đại biểu quốc hội quên đi kỹ năng chính trị gia của họ”.

Trong toà nhà hạ viện, đài Truyền hình quốc gia Hà Lan (NOS) được mời đến để lắp đặt hệ thống thiết bị âm thanh, hình ảnh máy móc để truyền hình, khi toà nhà này được xây dựng vào năm 1992. Chúng tôi vào thăm một phòng truyền hình trực tiếp một cuộc tranh cãi của các thành viên quốc hội từ phòng họp. 

Phòng truyền hình trực tiếp một buổi tranh cãi ở Hạ viện Hà Lan.

Khoảng 20 màn hình đang ghi trực tiếp cuộc tranh cãi giữa các đại biểu quốc hội trong phòng họp. Ông H. Peter, đạo diễn hình ảnh của NOS chịu trách nhiệm ghi hình phát sóng một phòng họp, cho biết, hơn chục camera điện tử được gắn cố định tại các góc hướng về các khu vực ghế của các đại biểu trong cuộc họp. 

Hình ảnh sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia. H. Peter nói: “Chúng tôi chủ động ghi, phát và lưu trữ hình ảnh về các hoạt động của quốc hội và cung cấp các tư liệu cho các hãng tin tức khác. Quốc hội hay chính phủ không có quyền can thiệp vào nội dung ghi hình phát sóng của chúng tôi. 

Vì vậy thái độ hành xử của các đại biểu luôn phải chuẩn mực. Việc tranh cãi bàn luận luôn cần sự tôn trọng lẫn nhau. Họ phải ý thức và kiểm soát được mọi cử chỉ, lời nói và phản ứng của mình. Chỉ một ánh mắt hay thái độ thể hiện sự coi thường người khác đều được ghi hình và phát sóng trực tiếp”.

Ông Peter kể, trong một phiên tranh cãi hai năm về trước, một đại biểu quốc hội đã ngả người, cho ngón tay vào miệng… xỉa răng trong khi đại biểu khác phát biểu. Hình ảnh không đẹp đó được phát sóng rộng rãi. Người dân đã bàn tán về vị đại biểu quốc hội đó và chê cười ông mỗi khi ông ấy xuất hiện trên truyền hình. 

Dù ông ấy rất giận và gặp Peter trách cứ, nhưng Peter giải thích: “Tôi không kịp chuyển camera, nhưng đó là bài học cho ông ta vì ông ấy biết đang ở đâu và xung quanh ông có bao nhiêu cái camera chĩa vào mình”.

Và, một số studio cho truyền hình và phát thanh cũng được đặt sẵn. Các chính trị gia hoặc lãnh đạo các bộ sẽ được mời ngay vào các studio để trả lời trực tiếp trên sóng phát thanh hoặc truyền hình. Đối với phóng viên báo giấy hoặc website, phóng viên ảnh, ở đây có đầy đủ cơ sở vật chất hỗ trợ như phòng làm việc, phòng nghỉ giải lao với thiết bị kết nối internet, máy tính để mọi người xử lý tin bài gửi về toà soạn.

Phóng viên phụ trách quốc hội lang thang cả ngày tại các phòng họp hoặc các hành lang quốc hội. Họ có thể gặp, hỏi, phỏng vấn trực tiếp các đại biểu trong khuôn viên này. Chỉ có một chỗ duy nhất không ai được tiếp cận đó là nhà ăn của đại biểu quốc hội. Phải chăng, họ cũng có chung một triết lý của người Việt: trời đánh tránh bữa ăn?

Khách du lịch đều có thể mua vé tham quan toà nhà và được hướng dẫn viên hướng dẫn chi tiết cả những công trình mới gồm hệ thống các toà nhà, lâu đài cũ nơi dành cho Thượng viện và toà nhà hiện đại của Hạ viện Hà Lan với giá 8 euro/người vào một số ngày nhất định trong tuần.


Theo Kim Dung

kyanh

Sài Gòn Tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên