MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ba ngành quản lý 1 chiếc bánh trung thu

02-08-2013 - 08:11 AM |

Chỉ một chiếc bánh Trung thu nhưng ruột thì Bộ Nông nghiệp quản lý, vỏ thì Bộ Công thương, chất lượng thì Bộ Y tế. Chính vì vậy mà cứ vào mùa cao điểm, các doanh nghiệp liên tục phải tiếp đón nhiều đoàn kiểm tra thuộc các ngành khác nhau.

Nhiều sản phẩm được tiêu dùng rộng rãi lại không được quản lý.
----------------------
Theo sự phân cấp quản lý của Luật ATTP, một doanh nghiệp phải chịu sự quản lý của nhiều ngành dẫn đến chồng chéo trong quản lý. Trong khi đó, có rất nhiều mặt hàng khác lại bị “bỏ quên”.

Chính điều này cũng đã tạo ra những lỗ hổng khó chấp nhận được trong lĩnh vực vệ sinh ATTP hiện nay, đơn vị thi hành luật cấp cơ sở lúng túng, không biết phải thực hiện thế nào cho đúng luật.
 
Đơn cử như một doanh nghiệp sản xuất bánh Trung thu phải chịu sự quản lý của 3 ngành. Chỉ một chiếc bánh Trung thu nhưng ruột thì Bộ Nông nghiệp quản lý, vỏ thì Bộ Công thương, chất lượng thì Bộ Y tế. Điều này khiến các doanh nghiệp không khỏi than phiền vì trong thời gian ngắn mà phải tiếp đón nhiều đoàn kiểm tra thuộc các ngành khác nhau, vừa mất thời gian, vừa tốn tiền “bôi trơn”.
 
Hay đối với các siêu thị, theo nguyên tắc sẽ chịu sự quản lý của ngành công thương, nhưng vì kinh doanh nhiều mặt hàng thực phẩm, nên việc xin giấy phép phải qua rất nhiều "cửa". Sự quản lý chồng chéo của các Bộ đang gây nhiều thủ tục phiền hà cho các doanh nghiệp.
 
Trong khi đó, nhiều mặt hàng khác cũng rất cần phải kiểm tra và giám sát thường xuyên thì lại chẳng ai ngó ngàng đến như nước đá, nước uống không đóng chai…
 
Chẳng hạn một doanh nghiệp sản xuất nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên và nước đá thì cũng chỉ bị quản lý sản phẩm nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai, riêng mặt hàng nước đá thì chẳng có ai quản lý vì chưa đơn vị nào được phân cấp nên khi có khiếu nại của người dân, sở không biết dựa vào đâu để quản lý.

Nhưng nước đá lại là mặt hàng được sử dụng nhiều, đặc biệt là vào mùa hè và cũng thường được phát hiện là không đạt chuẩn về vệ sinh cũng như nhiều trường hợp bị nhiễm khuẩn vì sử dụng nước đá bẩn.
 
Trước sự chồng chéo trong quản lý ATTP, TP Hà Nội đưa ra dự thảo Phân Công trách nhiệm quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn thành phố với nguyên tắc “một cửa”. Theo đó, một sản phẩm, một cơ sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý Nhà nước. Dự thảo cũng quy định trách nhiệm chi tiết cho các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, phường, thị trấn.
 
Luật ATTP đã có hiệu lực từ ngày 1/7/2011, nhưng sự quản lý chồng chéo giữa các bộ, ngành đã tạo ra nhiều lỗ hổng tạo điều kiện cho thực phẩm bẩn vẫn được bày bán tràn lan. Hàng loạt các vụ thực phẩm bẩn bị phát hiện làm người tiêu dùng hoang mang, trong khi các cơ quan được phân quyền thì lúng túng trong cách giải quyết, thậm chí còn đùn đẩy trách nhiệm, đổ lỗi cho nhau khiến dư luận hết sức bất bình.

duchai

Theo Kinh tế Đô thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên