Bắc Ninh: Xây nhà trái phép trên kênh mương thủy lợi
60 ki ốt tiền tỷ được xây dựng trên một đại công trình thủy lợi, nơi điều tiết và thoát lũ Sông Đuống, đang gây nên những bức xúc trong dư luận.
Các gian hàng, ki ốt được xây dựng kiên cố ngay trên những kênh mương nông nghiệp. Điều này chưa từng xảy ra từ trước tới nay nhưng hiện có tới 60 căn nhà như vậy trên khu vực kênh mương thuộc hệ thống thủy lợi Bắc Đuống. Hệ thống kênh mương này được xây dựng từ năm 1956 và là đường phân giới giữa TP Hà Nội và Bắc Ninh.
Bác Thạch Văn Sơn, xóm 1, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội bức xúc:“ Nói là cứng hóa kênh mương nhưng thực ra là lợi dụng”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hạnh, xóm 6, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội cho biết: Họ tự xây lên như thế này, mỗi khi nước về mà đầy lại tràn về các ao trong làng gây ngập úng”.
Khi những ki-ốt này được xây dựng lên, những người dân lâu năm ở đây đã nhiều lần phản ánh với chính quyền về tính bất cập của nó. Bởi chính những ki-ốt ấy cũng không đảm bảo tính an toàn, vệ sinh môi trường nếu được đem vào sử dụng và đặc biệt ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động tưới tiêu, thủy lợi ở nhiều địa phương. Tuy vậy, chúng vẫn liên tục được mọc lên. Theo những người dân nơi đây, mỗi ki-ốt như thế được cho thuê 50 năm với cái giá không hề rẻ.
Bà Hoàng Thị Vinh, Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội tiết lộ:“ Chúng tôi được biết mỗi gian như thế được bán với giá 2,4 -2,5 tỷ VND”.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc xây dựng nhà trên một công trình thuỷ lợi lớn như vậy là hoàn toàn không được phép.
Ông Phạm Hồng Giang, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định: “Đúng là một điều tôi mới nghe lần đầu. Các kênh như vậy là một phần của hệ thống thủy lợi mà công trình hạ tầng công ích không ai được phép xâm phạm. Việc xây dựng nhà trên công trình như vậy là hành vi phạm pháp nên phải được xử lý nghiêm minh theo pháp luật”.
Theo ông Vũ Mão, Nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, Nguyên Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, đây là một hiện tượng vi phạm rất rõ ràng vì việc cho xây nhà trên hệ thống kênh mương dưới dạng ki-ốt để bán là chạy theo lợi nhuận, thương mại hóa.
Các ki-ốt này là khu đất gần chợ vải Ninh Hiệp - một khu đất vàng trong kinh doanh, thu hút giao thương, buôn bán. Và những căn nhà này vẫn không nằm ngoài mục đích đó. Vì thế, đại công trình vẫn tiếp tục được xây dựng trên những công trình thủy lợi dân sinh.
Hàng loạt ki-ốt kiên cố được ngang nhiên xây dựng công khai trên công trình thủy lợi nối liền hai tỉnh Hà Nội và Bắc Ninh? Việc làm này có phải nhằm thực hiện chủ trương cứng hóa kênh mương hay vì mục đích khác? Bản chất của sự việc là như thế nào? Mời các bạn theo dõi trong các bài viết tiếp theo.
Theo Duy Hoàn