Bạn sẽ bán ô tô cho em trai mình với giá bao nhiêu?
Không gì tốt hơn chuyển giá đúng luật.
- 05-02-2013"Đánh bằng báo chí" và "quấy phá đúng luật"
- 04-02-2013Đánh chuyển giá, nhiều phần là thua
- 16-01-2013Chống chuyển giá và chuyện “cái lý người Mèo”
- 21-12-2012Xử lý chuyển giá, trốn thuế: Không phải là các cơ quan Thuế !?
Nội dung nổi bật:
- Transfer Price nên gọi là Giá chuyển nhượng, không phải Chuyển giá, và không phải lúc nào Transfer Price cũng là trốn thuế;
- Cục thuế luôn muốn thu thêm dù cho bạn hoàn toàn trung thực khi xác định Transfer Price; và
- Dù có "mát xa" con số hay không, yếu tố then chốt là việc bạn có chứng minh được mình đúng hay không. Đừng nghĩ đến trốn thuế, hãy đừng bị phạt oan trước đã.
Trong một thời gian dài, đối với rất nhiều người, khái niệm chuyển giá đương nhiên được hiểu là một hành vi trốn thuế, những ai được cho là tuân thủ pháp luật thuế thì nên chung sức chống chuyển giá. Đó cũng là một cách nhìn. Giống như đa phần mọi người vẫn cho rằng Ray Kroc kinh doanh những chiếc bánh hamburger thông qua Mc Donald, nhưng không, bất động sản mới là thứ được kinh doanh thực sự ở những cửa hàng mang biểu tượng chữ M này.
Quay lại chuyện chuyển giá (nguyên bản tiếng Anh là Transfer Price), bài viết này của tôi tiếp cận vấn đề theo một cách hoàn toàn khác: KHÔNG GÌ TỐT HƠN CHUYỂN GIÁ ĐÚNG LUẬT.
Nhìn từ khía cạnh luật pháp Việt Nam, thật khó để có tìm thấy định nghĩa “chuyển giá” trong bất kỳ văn bản pháp luật về thuế, đầu tư hay kinh doanh nào. Nhưng lại có hàng loạt các bài bình luận sâu sắc về chủ đề này. Có lẽ chúng ta đã nói về cùng một thứ nhưng dưới những tên gọi khác nhau. Hoặc có lẽ chúng ta đã nhìn nhận những thứ khác nhau bằng cùng một con mắt.
Không nên gọi Transfer price là chuyển giá, hãy gọi đó là GIÁ CHUYỂN NHƯỢNG. Và trong nhiều trường hợp, không gì tốt hơn nó để đạt đến một thỏa thuận khéo léo về kinh tế.
Để làm tốt một việc, các bạn cần nắm được các nguyên tắc của nó đã. Giả sử bạn sở hữu một chiếc ô tô cũ và định bán nó cho em trai của mình tại một mức giá hợp lý, hãy coi dưới đây là các gợi ý:
Gợi ý 1: Giá chợ
Với gợi ý này, đơn giản là bạn nói với em trai mình rằng ngoài chợ một chiếc ô tô thế này sẽ đã được giao dịch trong khoảng giá từ 200 triệu đến 230 triệu. Hầu hết mọi người sẽ không phản đối cách ứng xử này của bạn.
Gợi ý 2: Bán tiếp ô tô
Gợi ý này được sử dụng trong trường hợp bạn biết chắc chắn em trai mình sẽ đồng ý bán chiếc ô tô này cho một tay thợ xe khác tại mức giá 231 triệu chẳng hạn. Trong trường hợp này, em trai của bạn chắc chắn sẽ muốn mua chiếc xe này từ bạn với mức giá chiết khấu so với 231 triệu.
Với câu hỏi thế chiết khấu bao nhiêu là hợp lý, câu trả lời phụ thuộc vào lợi nhuận trung bình của ngành buôn bán ô tô đem lại. Nếu mức lợi nhuận đó là 10%, thì em trai bạn sẽ sẵn sàng mua ô tô của bạn tại mức giá 210 triệu. Nếu mức lợi nhuận đó chỉ là 5%, thì em trai bạn sẽ nên mua ô tô của bạn tại mức giá 220 triệu.
Gợi ý 3: Than thở về chi phí
Với gợi ý này, bạn nên chắc chắn và tỉ mỉ trong việc liệt kê các chi phí trực tiếp liên quan đến chiếc ô tô này. Ví dụ bạn đã mua ô tô 3 năm trước với mức giá 400 triệu, chi phí bảo dưỡng xe là 10 triệu một năm, chi phí bảo hiểm, khấu hao, v.v.. cũng nên được kể đến.
Bạn sẽ nói với em trai mình rằng các con số chi phí này giúp bạn ước lượng giá trị xe là khoảng 200 triệu, nhưng anh cũng cần một khoản lợi nhuận hợp lý khi bán nó cho em. Vì vậy giá trị theo chi phí trực tiếp của chiếc xe sẽ được cộng thêm một khoản lãi từ 10% đến 20%, tùy bạn, và mức giá để bán chiếc xe tương ứng sẽ là 220 triệu hoặc 240 triệu. Thực tế cho thấy phương thức này hiệu quả trong đa số các tình huống.
Gợi ý 4: Chỉ nói về lãi
Với gợi ý này, bạn sẽ cần thông tin về mức lãi ròng mà các thợ buôn xe kiếm được cho các giao dịch mua bán ô tô (tức là mức lãi sau khi trừ đi các chi phí trực tiếp lẫn gián tiếp như quảng cáo). Nếu các nguồn thông tin chỉ ra rằng mức lãi ròng là từ 5% đến 10%, vậy bạn cũng nên đặt giá để sao cho mức lãi ròng mà bạn nhận được từ việc bán xe này cũng là từ 5% đến 10%.
Đừng nhầm lẫn gợi ý này với gợi ý số 2 về bán tiếp ô tô, vì gợi ý 2 chỉ được áp dụng khi bạn biết chắc chắn mức giá mà em trai sẽ bán tiếp chiếc ô tô đi, còn trong gợi ý số 4 này, cái bạn cần chỉ là mức lãi ròng của các thợ buôn xe.
Gợi ý 5: Chia chác
Nếu bạn và em trai đã cùng chung vốn để mua chiếc ô tô này từ 3 năm trước, và bây giờ hai anh em đồng ý bán nó cho một thợ xe với mức giá 220 triệu để thu về khoản lãi 20 triệu. Gợi ý về chia chác cho phép bạn và em trai chia khoản lãi 20 triệu cho hợp lý, và theo một cách đơn giản, tỷ lệ chia chác sẽ tương ứng với tỷ lệ đóng góp lúc ban đầu. Nếu hai anh em góp vốn theo tỷ lệ 1:1, mỗi người sẽ nhận được 10 triệu tiền lãi. Nếu hai anh em góp vốn theo tỷ lệ 3:1, anh sẽ nhận được 15 triệu và em nhận được 5 triệu.
Gợi ý 6: Linh hoạt
Giả sử bạn đang sử dụng gợi ý 3 và quyết định bán cho em trai mình tại đúng giá trị được tính toán theo chi phí trực tiếp mà không cộng thêm khoản lãi nào. Cách này trong nhiều trường hợp vẫn được cho là hợp lý.
Với các gợi ý khác nhau, bạn có nhiều cách tiếp cận để quyết định mức giá bán trong khoảng giá từ 200 triệu đến 230 triệu. Để trở nên tin cậy hơn, theo thứ tự từ trên xuống, các gợi ý nêu trên tương đương với các phương pháp đã được quy định tại Thông tư 66 ban hành năm 2010 hướng dẫn việc thực hiện xác định giá thị trường trong giao dịch liên kết (các phương pháp đó là: (1) phương pháp so sánh giá giao dịch độc lập, (2) phương pháp giá bán lại, (3) phương pháp giá vốn cộng lãi, (4) phương pháp so sánh lợi nhuận, (5) phương pháp tách lợi nhuận, (6) phương pháp khác).
Trong sáu cách trên, vấn đề không phải là bạn có “mát xa” con số để lợi nhuận thuộc về mình hay em mình hay không, mà là bạn có chứng minh được các con số của mình hợp lý hay không. Nên nhớ, cơ quan thuế luôn duy trì sự đa nghi nghề nghiệp và sẽ tìm mọi cách thu thêm thuế dù cho bạn có kê khai trung thực mọi chi phí. Và chỉ khi nào bạn hiểu cặn kẽ về các nguyên tắc thì bạn mới có thể trước hết là tự bảo vệ mình, sau là có được lợi thế so với những người khác.
Xét về khía cạnh thuế, giá chuyển nhượng là một công cụ mạnh, hoặc thậm chí là không gì có thể tốt hơn.
Nguyễn Ngọc Bích
MPA, ASA