MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

BĐS tuần 2 tháng 12: "Nóng" với hàng loạt quy hoạch mới

Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội, quy hoạch Sơn Tây thành đô thị nghỉ dưỡng....là những chính sách quy hoạch được quan tâm trong tuần qua.

Quy hoạch Sơn Tây thành đô thị nghỉ dưỡng: UBND thành phố Hà Nội vừa thông báo một số ý kiến của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo. Theo đó, Chủ tịch Thành phố yêu cầu Đồ án cần làm rõ vị trí, chức năng đô thị của Sơn Tây là trung tâm văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ du lịch, chức năng vệ tinh về giáo dục – đào tạo, hành chính, dịch vụ y tế cho đô thị trung tâm của Thành phố.

Từ 5/1/2014, dự án chậm tiến độ sẽ bị thu hồi: Bộ Xây dựng - Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư Liên tịch số 20/2013/TTLT-BXD-BNV về việc hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về quản lý đầu tư phát triển đô thị. Theo đó, nhóm các dự án phải dừng gồm các dự án không giải phóng được mặt bằng, dự án có chức năng không phù hợp quy hoạch đô thị được duyệt; dự án thực hiện chậm tiến độ phải bị xử lý thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai và bất động sản.

3.600 tỷ mở rộng, nâng cấp QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang: Bộ trưởng Giao thông - Vận tải vừa ký Quyết định số 3175/QĐ - BGTVT công bố danh mục dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức BOT. Theo đó, dự án BOT cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1, đoạn Hà Nội - Bắc Giang có chiều dài 47 km, trong đó 20 km đoạn cầu Như Nguyệt - TP.Bắc Giang sẽ mở rộng đủ 4 làn; 27 km từ cầu Phù Đổng đến cầu Như Nguyệt sẽ chỉ nâng cấp, cải tạo mặt đường.

Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, Hà Nội: Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm chính trị Ba Đình, thành phố Hà Nội. Theo Quyết định, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ di chuyển đến địa điểm mới theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội được duyệt.  Với khu dân cư phía Bắc Văn phòng Chính phủ, di dời toàn bộ các hộ dân. Bên cạnh đó, di dời toàn bộ các hộ dân cư khu tập thể Trung đoàn 275 (thuộc Bộ Tư lệnh Lăng); di dời các hộ dân cư đang ở xen trong các biệt thự tại số 4, số 6 Hoàng Diệu, ngõ Nguyễn Cảnh Chân; giải tỏa khu nhà phía Nam thảm cỏ Quảng trường Ba Đình.

Bảng giá đất của TPHCM năm 2014 không tăng: UBND TP đã chấp thuận chủ trương xây dựng bảng giá các loại đất năm 2014 theo nguyên tắc giữ nguyên giá, không tăng so với năm 2013. Các tuyến đường có khung giá đất cao nhất 81 triệu đồng/m2 trên địa bàn TP.HCM là đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, Lê Lai…thuộc địa bàn quận 1. Các tuyến đường có khung giá đất thấp nhất là 110.000 đồng/m2 thuộc địa bàn các huyện vùng ven như Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.

Gói 30 nghìn tỷ mới giải ngân được 1,56% trong vòng 6 tháng: Theo số liệu mới nhất từ NHNN, tính đến ngày 30.11.2013, 5 ngân hàng là Vietinbank, Vietcombank, BIDV, Agribank và MHB mới chỉ giải ngân được 470,8 tỷ đồng trong gói 30.000 tỷ cho 1.236 khách hàng. Như vậy, sau 6 tháng triển khai, số tiền giải ngân mới chỉ đạt 1,56%. Và với tốc độ này, theo tính toán cần phải mất thêm 32 năm nữa thì số tiền 30.000 tỷ mới giải ngân xong.

Tồn kho khoảng 10.000 căn hộ tại TPHCM: Theo báo cáo của UBND TP.HCM tại kỳ họp thứ 12 HĐND TP.HCM sáng 9-12, tính đến nay, TP.HCM còn tồn kho 10.053 căn hộ với giá trị 17.600 tỉ đồng. Để giải quyết khó khăn cho thị trường, TP.HCM đã thực hiện chuyển đổi công năng dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ phù hợp với nhu cầu của thị trường.

Thanh Ngà

ngatt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên