Bế mạc Shangri-La 13: Nhiều nước yêu cầu TQ giải thích 'đường 9 đoạn'
Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc Vương Quán Trung cho biết Trung Quốc chuẩn bị “đàm phán trực tiếp” với từng nước có liên quan.
- 29-05-2014Việt Nam chuẩn bị hồ sơ kiện Trung Quốc từ lâu
- 28-05-2014[BizChart] 5 tháng đầu năm, bao nhiêu du khách Trung Quốc đã đến Việt Nam?
- 27-05-2014Trung Quốc: Người già tự sát để 'tranh thủ' đất chôn!
- 27-05-2014Đã đủ 100.000 chữ ký kêu gọi Nhà Trắng cấm vận Trung Quốc
- 24-05-2014Trung Quốc tiếp tục sử dụng nhiều tàu lớn uy hiếp tàu Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, chiều 1/6, diễn đàn Đối thoại Shangri La lần thứ 13 đã bế mạc sau 3 ngày nhóm họp với 5 phiên thảo luận chung về các chủ đề liên quan đến an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một trong những chủ đề được nhiều diễn giả, học giả tham dự diễn đàn quan tâm nhất chính là những diễn biến mới đây về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) tại Vùng Đặc quyền Kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hầu hết các đại biểu tham dự đều bày tỏ quan ngại, khẳng định đây là những hành động gây căng thẳng trong khu vực.
Tại phiên thảo luận chung thứ 4 diễn ra sáng 1/6 với chủ đề “Quan điểm của các cường quốc lớn về hòa bình và an ninh tại châu Á-Thái Bình Dương,” Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Vương Quán Trung, Trưởng đoàn đại biểu Trung Quốc khẳng định Trung Quốc ủng hộ hợp tác, đối thoại, tăng cường tin lòng tin chiến lược giữa các nước; cam kết giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền bằng các quyền liên quan đến biển.
Trung Quốc sẽ tiếp tục hợp tác với Mỹ, Nga, Ấn Độ và các nước lớn khác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm duy trì an ninh và thúc đẩy thịnh vượng trong khu vực.
Cũng tại phiên thảo luận, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov khẳng định mục tiêu chính của Nga là đảm bảo hòa bình và an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, vốn có ý nghĩa sống còn cho phát triển kinh tế bền vững và thịnh vượng của các quốc gia.
Để đối phó với các nguy cơ an ninh, cần phải dựa vào các nỗ lực phối hợp dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, cũng như các cấu trúc khu vực và tiểu khu vực, như hội nghị thượng đỉnh Đông Á, Diễn đàn khu vực về an ninh ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+)...
Tại phần hỏi đáp sau thảo luận, các học giả đến từ nhiều nước trên thế giới đã tập trung yêu cầu ông Vương Quán Trung giải thích về cái gọi là “đường 9 đoạn” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Ông Vương Quán Trung cho biết Trung Quốc chuẩn bị “đàm phán trực tiếp” với từng nước có liên quan.
Trưa 1/6 đã diễn ra phiên thảo luận thứ năm và cuối cùng với chủ đề “Đảm bảo quản lý xung đột nhanh chóng tại châu Á-Thái Bình Dương.”
Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ "hy vọng và trông đợi việc hoàn tất nhanh chóng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC), mà sẽ là cách thức duy nhất để ngăn ngừa các sự cố” và để xây dựng một môi trường “hòa bình, ổn định và thịnh vượng” hơn nữa trong khu vực.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen đã nhấn mạnh đến tính “phi dự báo” của những thách thức an ninh đối với khu vực, trong đó có các sự cố trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore khẳng định có thể giảm thiểu các nguy cơ này bằng “việc chủ động xây dựng các mối quan hệ và khuôn khổ đa phương mạnh mẽ nhằm gây dựng lòng tin thông qua hợp tác và đồng thuận.".