Biến động tỷ giá, lãi suất, vàng…chưa thể tác động ngay đến bất động sản
Bất động sản luôn là tài sản có giá trị lớn, do đó việc mua BĐS luôn có tính kế hoạch, chứ không phải là nhu cầu đột xuất. Vậy nên dòng tiền khó có thể đổ ngay vào thị trường này.
Nhiều quan điểm cho rằng, những biến động về giá vàng “nhảy múa”, lãi suất giảm,…trong những ngày gần đây sẽ là cơ hội để BĐS hút dòng tiền vào kênh đầu tư này, bởi sau 2 năm suy giảm, giá BĐS đã giảm khá nhiều.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, nhà đầu tư nhận định, bất động sản là tài sản có giá trị lớn, là kênh đầu tư mang tính dài hạn nên những biến động của vàng, lãi suất, tỷ giá,…vừa qua chưa thể tác động ngay đến BĐS.
Chưa có tác động ngay
Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, có ý kiến cho rằng dòng tiền sẽ chảy vào kênh đầu tư khác, trong đó có BĐS. Điều đó hoàn toàn là ở mặt lý thuyết, ở Việt Nam điều đó còn phụ thuộc nhiều vào 2 yếu tố:
Thứ nhất, lãi suất giảm nhưng nó có còn hấp dẫn hay không, nói gì thì nói nhưng dòng tiền gửi tiết kiệm ở ngân hàng còn rất lớn. Cái thứ hai là liệu dòng tiền này có sang bất động sản hay không thì lại phải xem thị trường bất động sản ở thời điểm hiện tại có hấp dẫn hay không?
Cũng theo ông Ánh, ở thời điểm hiện tại bất động sản chưa nói lên điều gì, phải quan sát tiếp những động thái sắp tới thế nào. Bởi lẽ, hiện nay VAMC chưa có động tác gì, còn gói 30.000 tỷ thì mới chỉ ở trên “giấy tờ” còn triển khai thực tế thì còn đang vướng rất nhiều thứ.
Còn theo nhận định của ông Phan Xuân Cần, Chủ tịch Sohovietnam, sau 2 năm suy giảm thì bất động sản đã rơi về khu vực vùng đáy. Hiện nay tính thanh khoản trong 6 tháng 2013 tốt hơn hẳn 2012.
Bất động sản luôn là tài sản có giá trị lớn do đó việc mua bất động sản luôn có tính kế hoạch, chứ không phải là một nhu cầu đột xuất. Vì thế để nói biến động về tỷ giá, chứng khoán hay giá vàng, lãi suất có tác động đến thị trường bất động sản ngay thì chưa hẳn như vậy.
Mà những biến động vừa qua thì người dân hay nhà đầu tư sẽ có mối quan tâm đến bất động sản, bởi bất động sản đã xuống giá sâu trong 2 năm vừa qua. Chắc chắn rằng không thể có chuyện dòng tiền sẽ ào ào đổ ngay vào bất động sản.
Hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, ông Phạm Đức Thắng, TGĐ của Công ty chứng khoán FLC nhận định: “Biến động vừa rồi có tác động tích cực đến những kênh đầu tư khác như chứng khoán hay bất động sản. Điều này phụ thuộc nhiều vào quan điểm đầu tư của từng người, nếu xét về dài hạn có thể họ sẽ vào bất động sản.”
Muốn BĐS phục hồi cần đáp ứng 2 điều kiện cần và đủ: Sản phẩm và tín dụng
Có thể thấy rằng thị trường BĐS đang gặp rất nhiều khó khăn và hệ lụy. Cho đến nay, ngoài những dự án BĐS được triển khai thi công tốt có thanh khoản, thì hầu hết các dự án vẫn đang “bất động”. Để hồi phục được thị trường BĐS, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cần có tín dụng giá rẻ và sản phẩm phù hợp nhu cầu.
“Việc hạ trần lãi suất huy động xuống 7% nhưng không làm gì với lãi suất cho vay thì cũng không đi đến đâu cả. Đối với bất động sản, trước tiên là phải tạo ra các sản phẩm đáp ứng được thị trường.
Nếu không có giải pháp thì thị trường BĐS sẽ “chết”. Thứ nhất, nhà phát triển BĐS phải tạo ra được sản phẩm BĐS phù hợp với thị trường mà người mua có thể mua được. Thứ hai, Nhà nước phải tạo ra được nguồn tín dụng để cho người mua nhà tiếp cận được. Phải đáp ứng được 2 điều kiện trên, nếu thiếu một trong 2 điều kiện trên thì bất động sản Việt Nam chỉ có “trôi ra sông”. Do vậy, hiện nay rất cần thiết phải tạo lập được quỹ hoặc công ty cho vay tín dụng mua nhà với lãi suất thấp.” Ông Thành nói.
Bình luận về gói 30.000 tỷ đang được cho vay với lãi suất ưu đãi, ông Bùi Kiến Thành cho rằng, gói 30.000 tỷ không giải quyết được vấn đề, 30.000 tỷ như “muối bỏ bể”. Để có thể giải quyết được vấn đề hiện nay của BĐS cần thiết phải có các quỹ đầu tư hay một định chế tài chính cho vay với lãi suất chỉ khoảng 2-3%/năm trong 20-30 năm, thì người thu nhập thấp mới có thể mua được nhà. Chứ không phải là 30.000 tỷ mà lãi suất 6%/năm vẫn cao. Người thu nhập thấp khó có thể vay và trả nợ được trong 10 năm.
Phạm An