I - Nhiều năm trước đây, trên một tờ báo luôn có mục “mỗi tuần một chuyện bổ ích và lý thú”. Đời sống xã hội hiện đại, giờ đây nước Việt mỗi tuần có bao nhiêu chuyện, nhưng có bổ ích và lý thú không, thì không ai dám… tự tin trả lời.
Tỷ như tuần này, một vụ việc mới nghe, ai cũng sốc. Đó là chuyện cơ quan chức năng vừa bắt khẩn cấp Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, Q. Hai Bà Trưng- HN) người quản lý khu nuôi trẻ tại chùa Bồ Đề (Q. Long Biên- HN), và Phạm Thị Nguyệt (SN 1979, H. Yên Khánh- Ninh Bình), do có dấu hiệu và hành vi mua bán trẻ em ở chùa này, và khởi tố vụ án.
11 em bé tên Anh đã biến mất khỏi chùa Bồ Đề. Ảnh: Dân trí |
Ngôi chùa Bồ Đề, ngay cái tên đã rất “đất Phật”, nổi tiếng từ lâu về việc làm từ bi, bao năm nay cưu mang nuôi nấng hàng trăm em bé từ sơ sinh đến người già bị bỏ rơi, không nơi nương tựa. Nay chỉ vì chuyện của “người đời”, chùa bỗng bị rơi vào cảnh quýt làm cam chịu.
Hàng trăm bài báo, trang mạng xã hội, với các góc nhìn mổ xẻ khác nhau về vụ việc nói trên. Có báo nhìn nhận, hiện tượng đó là một vết thương của thời “mạt pháp”, thời "lỗi đời, lỗi đạo". Khi hàng trăm đứa trẻ vô tội được sinh ra, dây rốn có bé còn chưa được cắt, đã bị “cha mẹ” vất bỏ không thương tiếc. Ngược lại, lại có những người mẹ già bị con cái - những kẻ được họ rứt ruột sinh ra, nuôi nấng, trưởng thành, cũng vất bỏ không tiếc thương. Số phận bi kịch đã đưa đẩy, từ đứa trẻ đỏ hỏn mới ra đời, đến người già sắp lìa đời, gặp nhau nương nhờ cửa Phật.
Ở góc độ chính trị, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban GDTTN và NĐ của QH rất cẩn trọng khi cho rằng: Đừng nên gắn chuyện buôn bán trẻ em với nhà chùa, như vậy là xúc phạm tôn giáo. Vì những người vi phạm ở đây, họ không phải là người nhà chùa.
Còn ở góc độ quản lý, tiếng nói các cơ quan chức năng rất khác.
Tại cuộc họp giao ban báo chí chiều 05/8, Thượng tá Võ Thái Hưng- Phó phòng PC45 (Công an TP HN) cho hay "sư Đàm Lan – trụ trì chùa Bồ Đề không nằm ngoài diện điều tra trong vụ án mua bán trẻ em xảy ra tại ngôi chùa này”.
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Tô Đức, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB và XH) cho biết: Chùa Bồ Đề chưa được cấp phép tiếp nhận, chăm sóc trẻ bị bỏ rơi, mồ côi. Bởi chỉ những cơ sở tôn giáo đã thành lập cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định của pháp luật (Nghị định 68) mới được phép xem xét cho con nuôi. Thế nên việc tiếp nhận rồi trả lại con nuôi chỉ là quan hệ giữa nhà chùa và các cá nhân.
Thật ra, việc những số phận không may, bất hạnh, tìm đến nương náu cửa chùa là chuyện không hiếm, nhất là ở các nước châu Á, phương Đông. Còn ở VN, khi mà các trung tâm bảo trợ, cứu trợ của Nhà nước còn chưa đáp ứng hết, và người ta cũng không dám tin vào các TT này, thì cửa Phật vẫn là nơi con người đặt niềm tin cứu giúp. Nhiều người trong số này giác ngộ nên người cũng nhờ lòng từ bi của Đức Phật, từ những giáo huấn về đạo làm người.
Sự từ bi của nhà chùa là đáng trân trọng, và không ai có thể phủ nhận việc làm nhân ái đó. Nhưng rõ ràng việc nuôi hàng trăm đứa trẻ các lứa tuổi, đòi hỏi phải được huấn luyện chuyên nghiệp, tổ chức chặt chẽ. Trong khi công việc này ở chùa Bồ Đề hoàn toàn mang tính tự phát, tổ chức kiểu kinh nghiệm. Sự quản lý lỏng lẻo là đương nhiên. Cách đánh giá nhìn nhận con người cũng chỉ dựa trên lòng thương và cảm tính. Chính ở “kẽ hở” lòng thương đầy cảm tính này, mà lòng tham của người đời có cơ bám víu, nảy nở.
Rõ ràng, sự rối loạn và bất an về các giá trị của xã hội, tự lúc nào cũng đã “phả” vào cửa chùa. Không phải ngẫu nhiên có những ý kiến trên báo chí về việc ở đây không nhận quà úy lạo, chỉ nhận tiền, và sự thất vọng của những người làm thiện nguyện khi đến thăm, ít nhiều đã phản chiếu chất nhân sinh đục trong, tình người ấm lạnh của xã hội.
Sự lỏng lẻo về tổ chức, quản lý, môi trường sống “rất đời” vô tình nuôi dưỡng cả… tội phạm, mà vụ việc buôn bán trẻ em chỉ là bằng chứng cụ thể, mà thôi.
Có điều, từ năm 2013, nhà chùa đã được các cấp quản lý, các ngành chức năng kiểm tra, làm việc và nhắc nhở tạm dừng tiếp nhận trẻ. Vậy mà từ năm đó đến nay, ở đây vẫn không thực hiện đúng quy định pháp luật, không thành lập cơ sở bảo trợ xã hội. Vậy các cấp quản lý, các ngành chức năng làm gì? Chả lẽ các vị mải cầu quyền, cầu lộc, cầu danh mà … thả nổi?
Rút cục, vụ mua bán trẻ ở nhà chùa bị phát hiện, thì chỉ có mấy người phụ nữ táng tận lương tâm phải chịu xử lý của pháp luật, còn các vị vẫn tiếp tục vô can? Quá lắm là rút kinh nghiệm, theo cái cung cách lâu nay. Và đâu phải chỉ có một mình bé Cù Nguyên Công bị bán. Có tới 11 trường hợp trẻ em nữa bị “mất tích” đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra.
Được biết mới đây, trả lời báo chí, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Tổng Thư ký TƯ GHPGVN, đã thẳng thắn: Chùa Bồ Đề cần phải rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này… Quan điểm của giáo hội là nhìn vào sự thật, nếu có vi phạm thì phải chịu sự xử lý của pháp luật. Vụ việc này cũng là một bài học sâu sắc cho giáo hội (NLD, ngày 07/8).
Có điều nay mai, trước vụ việc các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra hoạt động nuôi trẻ của chùa Bồ Đề, và sẽ có giải pháp cụ thể, liệu các TT bảo trợ xã hội của Nhà nước vốn chưa đủ uy tín, sự tin cậy của các số phận bất hạnh, có vì thế mà nâng cao chất lượng hơn?
Có lần, người viết bài xem bức tranh ở một cuộc triển lãm mỹ thuật. Bức tranh vẽ ngôi chùa đứng xiêu vẹo như túp lều tranh trước cơn bão lốc, với chú thích “đời lệch, chùa nghiêng”. Chả lẽ bức thông điệp hội họa đó, giờ đã hoàn thành sứ mệnh buồn bã của nó...
II - Vụ việc thứ hai ồn ào không kém, khiến các báo cũng phải tốn không ít giấy mực, bàn phím, và cũng liên quan đến chuyện tiền bạc, kinh doanh. Nhưng không phải là chuyện buôn bán trẻ em, mà là chuyện… buôn chữ.
Đó là chuyện xảy ra tại ĐH tư thục Hoa Sen. Ngày 02/8, đại hội cổ đông bất thường được tổ chức tại trường ĐH này, do một nhóm cổ đông, cho rằng họ có quyền biểu quyết. Đại hội này bãi nhiệm Chủ tịch HĐQT (đương nhiệm), bầu mới 06 thành viên HĐQT và các thành viên ban kiểm soát (mới).
Ngay sau đó, trong buổi gặp mặt báo chí chiều 4-8, bà Bùi Trân Phượng (Hiệu trưởng đương nhiệm) cho hay, HĐQT và Ban kiểm soát ĐH Hoa Sen (đương nhiệm) đã họp và đề nghị UBND T/p HCM không công nhận HĐQT và Ban kiểm soát được bầu từ đại hội cổ đông bất thường, vì đây là đại hội bất hợp pháp.
Bởi nhóm cổ đông ra quyết nghị thông qua các vấn đề trong đại hội chỉ nắm giữ có 59% cổ phần của trường, không đủ 65% theo quy định, do trong số này, các cổ phần đang còn tranh chấp, không đủ tư cách pháp lý.
Như vậy nghiễm nhiên ít nhất lúc này ĐH Hoa sen có tới 02 HĐQT, 02 ban kiểm soát. Một “chuồng có 02 hổ”, hẳn sẽ mất ổn định như thế nào. Và số phận lẫn quyền lợi của hơn 10000 sinh viên ĐH Hoa Sen sẽ đi đâu về đâu, học tập, thực hành ra sao trong bối cảnh bất ổn của nhà trường.
Từ lâu XH cũng không ngạc nhiên nữa, trước những “đấu đá” nội bộ của các trường ĐH tư thục. Vì trước đó, chưa ai quên tấm gương xám của các trường ĐH HV, ĐH. ĐĐ, ĐH. TL, ĐH PCT….
Người ta chỉ đặt dấu hỏi, tại sao ở nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Australia…, các ĐH tư thục thu lợi nhuận rất cao, nhưng không hề xảy ra sự đấu đá nội bộ mất mặn, mất nhạt như các ĐH tư thục ở VN?
Câu trả lời đơn giản từ các chuyên gia GD am hiểu: Ở các quốc gia đó, ĐH tư thục do các Mạnh Thường Quân, các nhà đầu tư, nhà tài trợ bỏ tiền ra đầu tư, nhưng họ sử dụng nguồn lợi tài chính để tái đầu tư, trả lương cao cho đội ngũ giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tạo ra chất lượng đào tạo cao khẳng định thương hiệu nhà trường. Còn ở VN, các nhà đầu tư, các cổ đông khi đầu tư, đóng góp cổ phần, lợi tức thì chỉ… lăm lăm kiếm lời lãi, chia chác. Sự khác biệt căn bản là ở chỗ đó.
Nhìn ngược thời gian, càng thấy bản chất này. Những năm đổi mới trước đây, khi có chủ trương đa dạng hóa các loại hình trường, khỏi nói, các trường học ngoài công lập, từ mầm non đến ĐH nở rộ như nấm sau mưa. Người ta chưa nhìn thấy ở loại hình trường này sự đóng góp vào nguồn nhân lực cho XH thế nào, mà chỉ nhìn thấy đây là nơi “đầu tư cho GD là đầu tư…. có lãi nhất”. Chả thế, một hiệu trưởng từng mỉm cười nói với người viết bài: Kiếm tiền bây giờ dễ nhất là mở trường!
Tiếc thay, nếu như ở các quốc gia văn minh, con đường đi của ĐH tư thục có phần suôn sẻ, thì con đường của loại hình trường tư thục ở xã hội ta nó gập gềnh “hồng nhan gian truân”. Bởi từ lý luận đến điều lệ đều không có. GD nước Việt phải mầy mò, vừa học vừa mần vừa run. Lúc thì phải lấy “dòng họ” là dân lập. Và khi thấy trong thực tiễn, cái “dòng họ” dân lập nửa dơi nửa chuột, rất khó phát triển, thì loại hình trường này mới được trả lại tên cho em - tư thục.
Đại học Hoa Sen. Ảnh: Vug.vn |
Nhưng sự rắc rối cũng bắt nguồn từ đây.
Nhiều chuyên gia GD cho rằng nguồn gốc của mọi bất ổn hiện nay đều bắt nguồn từ Quy chế 14 (Quy chế tổ chức và hoạt động trường ĐH tư thục, ban hành theo quyết định số 14/2005/QĐ-TTg ngày 17-1-2005). Ở quy chế này, khoản 5, điều 35 khẳng định: “Toàn bộ tài sản của trường thuộc sở hữu của các nhà đầu tư...”.
Trong khi trước đó, các trường dân lập hoạt động theo Quy chế 86 (Quy chế trường ĐH dân lập, ban hành kèm quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18-7-2000 của TTCP), thì điều 1, điều 36 quy định: “Tài sản của trường thuộc quyền sở hữu tập thể của những người góp vốn đầu tư, các giảng viên, cán bộ và nhân viên...”. Theo đó, nhà đầu tư cũng chỉ là thành viên của chủ sở hữu chứ không phải là người sở hữu duy nhất tài sản của trường.
Khỏi phải nói, các nhà đầu tư hào hứng đến thế nào, gấp rút chuyển trường dân lập sang tư thục. Có bao nhiêu tài sản “sở hữu tập thể” nghiễm nhiên trở thành tài sản “sở hữu tư nhân”? Không ai trả lời được câu hỏi này.
Tháng 4-2009, TTCP ban hành Quy chế 61 thay thế Quy chế 14. Với Quy chế 61, trường ĐH tư thục mang dáng dấp… công ty cổ phần. Toàn bộ HĐQT do ĐH cổ đông là những người góp vốn quyết định.
Và vụ việc ĐH Hoa Sen diễn ra ngày 02/8 là theo những quy định của Quy chế 61 này.
Theo dòng đời, ĐH Hoa Sen được “cổ phần hóa” vào năm 2006, với 51% cổ phần thuộc cán bộ, công nhân viên nhà trường. 49% cổ phần thuộc 05 đối tác chiến lược khác. Tự lúc nào, các “nhà đầu tư mới” xuất hiện bằng nhiều cách mua lại của các cổ đông nhà trường. Và đây là điểm khởi đầu của mâu thuẫn giữa hai phía.
Theo TS Đàm Quang Minh, TS Trần Vinh Dự (NLĐ, ngày 05/8), đến nay,sở hữu mới của Hoa Sen đã rơi vào tình trạng những cán bộ lãnh đạo lâu năm như hiệu trưởng Bùi Trân Phượng chỉ còn kiểm soát rất ít cổ phần. Vẫn theo thói quen coi trường như tài sản của mình cho dù thực tế trên luật pháp đã không còn như vậy mà nằm trong tay các cổ đông đa số. Các cổ đông “mới” đang tìm cách thôn tính Hoa Sen với mục đích duy nhất là kiếm tiền.
Bản chất thật của sự đấu tranh giữa hai phía không nằm ở chỗ đạo đức hay mô hình GD nào đúng mô hình nào sai mà nó nằm chính ở chỗ là mâu thuẫn về lợi ích.
Như vậy, một khi, điều hành một trường ĐH chỉ bằng cái tâm cái tầm… kinh doanh, thì lợi ích của 10000 sinh viên ĐH nhà trường đứng ở đâu?
Hoa sen thì không vấy bùn, nhưng ĐH Hoa Sen vấy mùi… tiền rất nặng.
Giữa lúc đó, được biết mới đây, UBND t/p HCM đề xuất t/p không quản lý Nhà nước đối với các trường ĐH trên địa bàn, mà trách nhiệm trực tiếp thuộc Bộ GD-ĐT (?). Chưa biết, Bộ GD sẽ “sút bóng” đi đâu.
Cũng chưa biết vụ việc ĐH Hoa Sen sẽ ra sao. Nhưng khác với vụ việc của chùa Bồ Đề, ĐH này đang tự họa bức tranh “đời lệch, trường lệch” của chính mình.
Theo Kỳ Duyên