MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng: Thị trường bất động sản đang ấm lên

Trong hai tháng đầu năm 2014, tại Hà Nội đã có gần 1.300 căn hộ được giao dịch thành công và con số này tại Tp.HCM là 1.000 căn.

Trong năm qua với hàng loạt giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ thị trường BĐS thoát những khó khăn, đến nay nhiều tín hiệu tích cực đã nhìn thấy ở thị trường này, giúp thị trường dần phục hồi trở lại.

Báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng về thị trường BĐS vừa gửi Thủ tướng Chính phủ cho thấy, những con số về thị trường BĐS năm 2013 đã được cải thiện đáng kể, từ việc giảm tồn kho nhanh ở những tháng đầu 2014, trong đó Hà Nội giảm 2,8%, Tp.HCM giảm 4.32%, tổng giá trị tồn kho còn lại còn gần 93.000 tỷ đồng.

Dự nợ cho vay BĐS có nhiều chuyển biến tích cực, các ngân hàng đã cho vay trở lại với nhiều gói ưu đãi về lãi suất nhằm kích cầu thanh khoản cho các dự án. Theo thống kê, dư nợ cho vay năm 2013 đã tăng 14,7% so với 2012.

Theo báo cáo của một số doanh nghiệp sàn giao dịch bất động sản, tình hình giao dịch, mua bán nhà ở (bán hàng trực tiếp từ chủ đầu tư thông qua sàn giao dịch bất động sản) như sau: tính đến hết 12/2013 trên địa bàn Hà Nội ước tính có khoảng 6.450 giao dịch được thực hiện. Riêng 2 tháng đầu năm 2014 đã có gần 1.300 giao dịch thành công.

Theo báo cáo của các doanh nghiệp sàn giao dịch bất động sản, tình hình giao dịch (bán hàng trực tiếp từ chủ đầu tư thông qua sàn giao dịch bất động sản) như sau: tính đến hết 12/2013 trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có khoảng 9.360 giao dịch được thực hiện. Riêng trong 2 tháng đầu năm 2014 đã có 1.000 giao dịch thành công.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, tình hình giao dịch bất động sản đã khởi sắc, xu hướng thị trường BĐS đang ấm lên. Giá nhà đang dần ổn định, đã có tác động tích cực, tạo thêm  niềm tin của khách hàng vào thị trường.

Với những thông tin khá tích cực từ thị trường này, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng kiến nghị Thủ tướng tiếp tục áp dụng những giải pháp chính như năm 2013 cho năm 2014 như tiếp tục rà soát các dự án để điều chỉnh và phân loại các dự án dừng, tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai, tăng cường quản lý thị trường.

Đáng chú ý là Bộ trưởng Dũng kiến nghị Thủ tướng yêu cầu các địa phương không cấp phép đầu tư mới đối với các dự án phát triển nhà ở thương mại, các dự án khu đô thị mới trong năm 2014. Trường hợp đặc biệt báo cáo Thủ tướng xin ý kiến.

Những dự án đã phân loại vào diện được triển khai mà còn nợ tiền sử dụng đất thì được phép tính lại tiền sử dụng đất phải nộp theo mặt bằng giá thị trường hiện nay và không phải nộp phạt do chậm nộp tiền sử dụng đất.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã thống nhất với NHNN, kiến nghị Thủ tướng cho kéo dài thời hạn trả nợ từ 10 năm lên 15 năm (đối với khách hàng là cá nhân); mở rộng đối tượng vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà thương mại có tổng giá trị không quá 1,05 tỷ đồng/căn (không khống chế về diện tích và đơn giá); mở rộng cho vay đối với các hợp đồng mua nhà xã hội chưa thanh toán hết tiền mua nhà (HĐ ký trước 7/1/2013); Mở rộng thêm ngân hàng thương mại cổ phần được triển khai gói 30.000 tỷ...

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Xây dựng cũng kiến nghị các Bộ, ngành đẩy mạnh việc giải ngân gói 30.000 tỷ đồng; Các địa phương rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định để cho phép các chủ đầu tư dự án có nhu cầu điều chỉnh cơ cấu căn hộ, chuyển đổi dự án nhà ở thương mại, kể cả văn phòng cho thuê sang nhà ở xã hội; Đẩy nhanh phát triển các dự án nhà xã hội, tiếp tục rà soát các dự án,...

Kiều Thuật

thuatvk

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên